Nghệ thuật từ hoa, quả

Có niềm đam mê đặc biệt với việc trang trí hoa lá, anh Trần Văn Ngọt (xã Hội An, Chợ Mới) phát huy năng khiếu của mình sang trang trí hoa quả nghệ thuật, biến hóa theo đủ kiểu dáng, chủ đề qua những chiếc cổng cưới, giỏ quà tặng, mâm hoa quả trưng bày…

Anh Ngọt rất đam mê làm cổng cưới từ lá dừa và các loại hoa quả. Cùng với những người bạn có chung niềm đam mê ở các địa phương khác nhau đã thành lập nhóm để trao đổi kinh nghiệm và phát triển nghề. Tranh thủ thời gian rảnh rỗi, hoặc vào mùa cao điểm lễ hội, cưới hỏi, nhóm lại chia thành đội nhỏ tản đi khắp các địa phương lân cận phục vụ theo yêu cầu. Sản phẩm từ những bó hoa cưới, giỏ quà tặng, lẵng hoa sự kiện, sắp xếp hoa, quả nghệ thuật trưng trên bàn cho đến cổng cưới “hoành tráng”… của những chàng trai khéo tay được khách hàng biết đến ngày càng nhiều.

3 năm nay, anh Ngọt còn được mời tham gia hội thi trang trí trái cây, xe hoa trong và ngoài tỉnh và đạt nhiều giải cao. Năm nay, anh Ngọt đã tham dự 4 hội thi, góp phần cùng đội nhận 2 giải nhất tại “Hội thi trang trí, tạo hình trái cây nghệ thuật và củ quả lạ” tổ chức tại TP. Cần Thơ, 2 giải đặc biệt trang trí xe hoa tại TP. Long Xuyên và Thoại Sơn. Có thể nói, chính những sân chơi mang tầm chuyên nghiệp đã giúp anh tích lũy được kinh nghiệm và ngày thêm hoàn thiện tay nghề. Trong các lễ hội truyền thống ở địa phương, tạo hình rồng, phụng, tứ linh hội tụ… bằng các loại quả, phụ phẩm luôn thu hút sự tò mò và thích thú của du khách thập phương, nhưng ít ai biết được rằng, chúng được tạo hình từ khiếu thẩm mỹ của nhóm thợ nam trẻ tuổi. Đặc biệt, những chậu hoa lớn, được cắt tỉa, cắm công phu và trang trọng ở chùa, đình cũng do nhóm của anh Ngọt phụ trách.

Mùa này, nhóm của anh Ngọt đang tất bật làm cổng cưới. Từng bị mai một bởi sự cạnh tranh của những chiếc cổng cưới được làm bằng hoa giả, đến nay cổng cưới kết bằng lá dừa, trái cây đã quay trở lại với một vị thế hoàn toàn khác: nghệ thuật hơn, giá trị hơn… chính nhờ sự sáng tạo của người thợ. Lúc trước, hễ có lễ cưới, người dân trong xóm rủ nhau đi chặt lá dừa, dây đủng đỉnh, lá cau, bẹ chuối… rồi kết làm rạp rồi trang trí đủ kiểu hoa văn tỉ mỉ, công phu. Việc làm cổng cưới vừa tạo ra sự vui vẻ, gắn kết nghĩa tình, vừa tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên, ngày nay chỉ những gia đình nào có điều kiện mới đặt làm cổng cưới kết lá dừa, trái cây, giá thành dao động từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng. Xu hướng này đã tạo ra nghề đặc biệt trong trang trí tiệc cưới và giúp những chiếc cổng vừa đậm nét truyền thống, vừa có nét hiện đại. Cổng cưới lớn nhất được nhóm anh Ngọt thực hiện gần đây có độ rộng 8m, cao 3,5m, sử dụng 10 buồng cau, 20kg ớt, 20kg đậu bắp và hàng trăm nhánh hoa, lá cảnh phục vụ khách hàng tại Thốt Nốt (TP. Cần Thơ) có giá 16 triệu đồng.

Theo anh Ngọt, cách làm cổng cưới hiện nay có nhiều cách tân phù hợp với hoàn cảnh, cầu kỳ hơn, phối hợp thêm bông hoa… theo thị hiếu của khách hàng. Những chiếc cổng lá dừa mới lạ tạo dấu ấn riêng cho đám cưới của các cặp đôi kết từ hàng ngàn quả cau, ớt, đậu bắp, lá thiên tuế, hoa cúc và các loại hoa trang trí như: đồng tiền, hoa hồng môn, hoa lan… biểu trưng tình nghĩa thắm nồng, thay lời chúc hạnh phúc trăm năm. Chưa ai thấy con rồng, con phụng thật nhưng ngắm nhìn tác phẩm do các anh làm ra mọi người đều tấm tắc khen “đẹp như thiệt!” bởi nét sống động, sắc sảo, uyển chuyển trong từng chi tiết.

Để có đủ nguồn nguyên liệu, anh kết nối nhiều mối tại Vĩnh Long, Tiền Giang, Đồng Tháp. Sản phẩm lựa chọn phải có màu tươi, hài hòa để trong những ngày trang trí đến khi héo vẫn giữ được sắc tự nhiên, nét đẹp vừa bình dị, vừa sang trọng. “Ngày thường anh em làm đủ nghề khác nhau, chỉ tập trung làm nhiều trong “mùa cưới”, chủ yếu vì đam mê chứ lợi nhuận chưa cao, vì giá mua nguyên liệu, tiền công vận chuyển khá tốn kém, nhất là khi phải di chuyển qua nhiều tỉnh. Công việc này khá tỉ mỉ, phải gắn từng chi tiết nhỏ, mỗi chi tiết được cố định bởi 1 chiếc đinh chỉ hoặc tăm gỗ. Vì vậy, muốn học nghề không dễ, mất vài tháng mới thao tác được những khâu cơ bản, tập ghim, hơn 1 năm chỉ nắm “sương sương” chứ chưa tạo kiểu được”.

Niềm đam mê kết nối họ gần nhau, "hô biến" nguyên liệu gần gũi trong đời thường thành tác phẩm nghệ thuật độc đáo, góp phần gìn giữ giá trị nghệ thuật truyền thống ở một tầm vóc mới.

MỸ HẠNH

Nguồn An Giang: http://baoangiang.com.vn/nghe-thuat-tu-hoa-qua-a256832.html