Nghệ thuật 'thử lửa'

Các hãng truyền thông nhà nước của Triều Tiên ngày 5-5 đưa thông tin về việc nhà lãnh đạo Kim Jong-un giám sát một vụ thử vũ khí dẫn đường bằng tên lửa và chiến thuật sau cuộc tập trận hôm 4-5, làm dấy lên lo ngại Bình Nhưỡng đang leo thang khiêu khích trong bối cảnh các cuộc đàm phán hạt nhân với Mỹ bế tắc.

Các hãng truyền thông nhà nước của Triều Tiên ngày 5-5 đưa thông tin về việc nhà lãnh đạo Kim Jong-un giám sát một vụ thử vũ khí dẫn đường bằng tên lửa và chiến thuật sau cuộc tập trận hôm 4-5, làm dấy lên lo ngại Bình Nhưỡng đang leo thang khiêu khích trong bối cảnh các cuộc đàm phán hạt nhân với Mỹ bế tắc.

Bình Nhưỡng thực hiện các vụ thử tên lửa cuối cùng vào tháng 11-2017, trước khi mối quan hệ ngoại giao trên bán đảo Triều Tiên nhanh chóng chứng kiến căng thẳng tột độ và sau đó bất ngờ chuyển sang một loạt các hội nghị thượng đỉnh lịch sử. Việc thử vũ khí lần này cũng là tín hiệu mới nhất và khiêu khích nhất của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, thể hiện sự mất kiên nhẫn về cuộc đàm phán với Tổng thống Donald Trump. Ông Kim Jong-un dường như cũng có ý định tăng áp lực lên Washington. Nhà lãnh đạo này muốn cả thế giới biết rằng, họ đang chán nản với lập trường cứng rắn của Mỹ về phi hạt nhân hóa và sẽ không chịu áp lực từ bên ngoài.

Việc quay trở lại các vụ phóng tên lửa có thể sẽ khiến Tổng thống Trump tức giận, nhưng hãng thông tấn KCNA chính thức của Triều Tiên đã tránh nói quá nhiều khi đưa tin, mà chỉ cho biết, ông Kim Jong-un đã ra lệnh thực hiện “tập trận tấn công” liên quan đến “nhiều bệ phóng tên lửa tầm xa” - vốn không vi phạm các nghị quyết trừng phạt của LHQ - và “vũ khí dẫn đường chiến thuật” không xác định.

Thật sự cũng khó có thể đánh giá được tầm quan trọng của vụ thử này, khi Hàn Quốc đính chính thông tin về bản chất và quy mô của các vũ khí được phóng từ cảng Wonsan vào khoảng 9 giờ ngày 4-5 (giờ địa phương). Sau khi đầu tiên miêu tả đây là “các tên lửa”, Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc lại đính chính thành “các vật phóng”, đồng thời cho biết cần phân tích thêm để làm sáng tỏ hơn.

Các thông tin chi tiết về vụ này đóng vai trò quan trọng do Tổng thống Trump đã trích dẫn tuyên bố của ông Kim Jong-un về tự ngừng hoạt động thử tên lửa và vũ khí hạt nhân để củng cố quyết định của nhà lãnh đạo Mỹ tiếp tục thương lượng với nhà lãnh đạo Triều Tiên. Cách Hàn Quốc miêu tả vụ việc cho thấy các vụ thử tên lửa hay pháo tầm ngắn hơn nhiều khả năng sẽ không bị Mỹ coi là hành động vi phạm cam kết của ông Kim Jong-un về việc ngừng các vụ thử. Bản thân Tổng thống Trump cũng tin rằng, nhà lãnh đạo Kim Jong-un sẽ không làm trái những gì đã hứa.

Vì vậy, có thể nói các bên không nên phản ứng thái quá và kết luận động thái này sẽ chấm dứt các tín hiệu đáng mừng trên bán đảo Triều Tiên. Điều mà các bên phải đối mặt và cần vượt qua, đó là khủng hoảng niềm tin. Đầu tiên, cần lắng nghe điều mà Bình Nhưỡng muốn từ Washington. Gần đây, Triều Tiên đã tuyên bố sẵn sàng ngừng yêu cầu nới lỏng trừng phạt kinh tế, thay vào đó tìm kiếm những đảm bảo về an ninh từ Mỹ. Trong khi đó, Washington cũng cần để Bình Nhưỡng thấy rằng Mỹ không có ý định xâm chiếm hay lật đổ chính quyền Triều Tiên. Và một điều mà các bên cần nhất trí và sẽ giúp tạo nền tảng vững chắc cho hòa bình cũng như xây dựng lòng tin: chính thức chấm dứt cuộc chiến tranh Triều Tiên, vốn cho đến nay chỉ kết thúc bằng một lệnh ngừng bắn chứ không phải một thỏa thuận ngừng chiến.

THANH VĂN

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/92_205802_nghe-thuat-thu-lua-.aspx