Nghệ thuật thơ và những thuộc tính sáng tạo bền vững

Từ nhiều thập kỷ nay, khi nghiên cứu nghệ thuật, người ta thường chú ý đến những cặp phạm trù chi phối tài năng của chủ thể sáng tạo như: Nghệ thuật và hiện thực, nghệ thuật và chính trị, nghệ thuật và ngôn ngữ, nghệ thuật và chức năng giáo dục,v.v… Còn những thuộc tính bản chất bền vững bên trong của nhà thơ, nhà văn, theo tôi, vẫn còn bỏ ngỏ như: Cảm xúc tình cảm, sức tưởng tượng sáng tạo, tâm lý học nghệ thuật.

Cảm xúc – tiếng nói tình cảm là thông điệp con tim của nhà thơ

Trong quá trình nghiên cứu cấu trúc nội tạng của con người, các nhà thần kinh học, qua thí nghiệm y học, khẳng định rằng 80% các quyết định của con người, cuối cùng vẫn dựa trên cảm xúc và tình cảm. Một chính khách người Đức, David Brook khẳng định, nghiên cứu cảm xúc đưa lại nhiều kết quả, không ít cơ may hơn là các phương thức giám định khác. Ngay cả lĩnh vực chính trị thiên về tư duy lý tính vẫn có thể vận dụng các nghiên cứu về cảm xúc. Quan hệ giữa hai nước khác biệt nhau là vậy, không chỉ về ý thức hệ, mà còn tôn giáo, sắc tộc, trình độ dân trí, nền tảng kinh tế vẫn còn có thể trở thành đồng minh: tin nhau, hợp tác, hội nhập với nhau được coi là thông điệp lý trí cần thiết, nếu hai phía đọc được thông điệp cảm xúc của nhau. Đó là loại tư duy minh triết phức hợp. Trong sáng tạo nghệ thuật, tuyệt đối hóa vai trò của chủ thể sáng tạo là không nên, có khi chệch hướng thẩm mỹ, nhưng mặt khác người đọc không thấy được vai trò của cảm xúc, trực giác, vô thức, sức tưởng tượng của nghệ sỹ là một thiệt thòi cả hai phía. Đọc lại những vần thơ đầy ấn tượng cảm xúc của Màu tím hoa sim, Núi đôi, Quê hương, Hương thầm, Cuộc chia ly màu đỏ, Tống biệt hành v.v… và những bài thơ nước ngoài: Đợi anh về của K.Ximonốp, Gửi mẹ của Cristo Botev, Tôi yêu em âm thầm không hy vọng của Puskin, Bức thư gửi mẹ của S.Esenhin v.v… mang theo những thông điệp cảm xúc dạt dào, da diết đối với các thế hệ hôm qua và hôm nay.

Thông thường trong sáng tạo, nhờ thơ khó phân biệt đâu là bộ óc, đâu là trái tim, đâu là trí tuệ, đâu là cảm xúc, nhưng hình tượng thơ được lóe sáng chỉ khi nào tình cảm chân thật tối đa, sự xao động không được kìm nén, ngôn ngữ thơ được thăng hoa, cái đẹp được dồn nén tạo thành một năng lượng tinh, khí, thần của nhà thơ bắt gặp sự đồng điệu, sự tri âm, tri kỷ của người đọc. Cái đẹp của thơ ca bao giờ cũng gắn liền với cái đạo đức, nhưng không phải là những lời giáo huấn khô khan, trần trụi, mà trước tiên xuất phát điểm của cảm xúc tự nhiên của nhà thơ và tiếp theo là cái phải trở nên, tức là những cảm xúc đau buồn, sung sướng, ngang trái của đời người. Địa chỉ cuối cùng của thơ là cảm xúc, là tiếng lòng của con người. Con người nhận thức thế giới không chỉ bằng duy lý, mà còn bằng mọi cung bậc, mọi giác quan khác: hỷ, nộ, an, lạc, ố, ái, dục của cuộc đời. Nhà thơ lớn Đức Goethe nói đại ý rằng, nghệ sỹ và người thưởng thức, khi đứng trước tác phẩm nghệ thuật thường cảm xúc tác phẩm – vốn là “lời văn và con chữ” – trước tiên qua tâm hồn và con tim của mình. Lý tưởng cái đẹp là của con người, bởi thơ gắn với Chân, Thiện, Mỹ, nó giống như thỏi nam châm có sức hút, xúc cảm hóa mọi thị hiếu, mọi người đọc các thời đại. Nó có được là nhờ kiến thức, tài năng, trí tuệ, tầm nhìn, sức bay của trí tưởng tượng. Trong thơ thế giới, người đọc thường coi nhà thơ thiên tài A.Puskin là “mặt trời thi ca Nga”, là “ngọn lửa trí tuệ”, nhưng điều không nên quên là chưa bao giờ ông xa rời cảm xúc, tình cảm, khát vọng, “ngọn lửa bên trong”. Nhiều bạn văn gần gũi Puskin kể lại rằng, trong khi sáng tác nhà thơ làm việc thật đáng sợ: Phòng viết biến thành một thư viện. Một khối lượng sách, tài liệu, hồ sơ trên 6 thứ tiếng về văn học, triết học, lịch sử và các ngành khoa học xã hội. Nhưng nổi trội hơn cả là nỗi lòng đau đớn khi bản thảo đưa in bị sự kiểm duyệt các chính quyền Nga hoàng, ông kêu lên: “Đó là máu của tôi đã chảy ra!”.

Sức tưởng tượng là thuộc tính của tư duy hình tượng

Xét về bản chất, sức tưởng tượng là sản phẩm của tư duy hình tượng. Đại bộ phận tác phẩm nghệ thuật từ cổ đại cho đến nay mà nổi tiếng, đều là nhờ sức tưởng tượng mãnh liệt nói hộ suy nghĩ và cảm xúc của nghệ sỹ trước tự nhiên và xã hội. Sức tưởng tượng đã làm giàu và chắp cánh ước mơ cho nghệ sỹ. Mỗi câu thơ hay thường gắn liền với nhạc tính và toán học (sức tưởng tượng). Nó là chiếc thang nhiều bậc: Giai đoạn thấp nhất là tưởng tượng hoang đường, vốn là đặc điểm của truyền thuyết, thần thoại. Sức tưởng tượng bậc cao là sức tưởng tượng chân chính dựa trên cơ sở hiện thực của cuộc sống, biết dựa vào lý trí và chịu sự kiểm soát của lý trí. Tuy vậy, sức tưởng tượng cũng có mặt trái, nhất là ở giai đoạn sơ khai, lại do nhà văn không làm chủ được cách sử dụng chất liệu, không nắm vững ký thuật cách tân, nên trong văn học hiện thực thế kỷ XVIII ở Châu Âu đã hạn chế tầm bay của trí tưởng tượng. Sức tưởng tượng của nghệ sỹ là không giới hạn. Trí tưởng tượng xán lạn, óc phán đoán minh mẫn sẽ bổ sung hỗ trợ cách tân thi pháp. Sức tưởng tượng chân chính bao giờ cũng bắt nguồn từ hiện thực được chọn lọc. V.I.Lenin coi sức tưởng tượng là một phẩm chất, một giá trị vĩ đại của loài người. Tưởng tượng chân chính thường xuyên đồng hành với lý tính ngay cả ở ngoài lĩnh vực nghệ thuật. Vậy còn huyền thoại có mặt tích cực ? Ý kiến K.Marx cho rằng, mọi huyền thoại đều nhằm khắc phục, công thức hóa mọi sức mạnh của tự nhiên trong trí tưởng tượng và bằng cách tưởng tượng. Còn kiến giải sau đây của R.Garaudy giúp ta hiểu thêm khái niệm huyền thoại với tư cách là biểu tượng nghệ thuật. Ông coi huyền thoại là tín hiệu thứ ba của con người (theo Pavlốp, hệ thống tín hiệu thứ nhất được tạo nên do giác quan; tín hiệu thứ hai là ngôn ngữ). Huyền thoại là hiện tượng mời gọi hành động, một chỗ trống cần được khỏa lấp. Khả năng dự cảm tiên cảm tương lai được coi là hành vi tích cực. Trong nghệ thuật thơ, nhà thơ nên quan tâm đến thế giới bản năng của F.Nietxche, sức mạnh vô thức của S.Freud, khả năng trực giác của H.Bergson được coi là những phương tiện khám phá nội tâm con người, chúng nằm trong dòng chảy sáng tạo của chủ nghĩa hiện thực, có liên quan tới mỹ học mác xít.

Nếu chưa xác định được nhiều hơn, thì ít nhất cũng có ba đặc trưng quan hệ với sức tưởng tượng: Tưởng tượng và liên tưởng, tưởng tượng và trí nhớ, tưởng tượng và cái có thật.

Tưởng tượng và liên tưởng: Liên tưởng là một trạng thái của tư duy. Trong từng hoạt động của não bộ, những hoạt động trí tuệ thường xuất hiện sự liên tưởng. Liên tưởng là hiện tượng trực giác, nó có sức mạnh thuyết phục bằng tri giác, chứ không chứng minh bằng thực nghiệm. Khi Huy Cận viết trong Tràng Giang: Lòng quê dờn dợn vời con nước/ Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà thì người đọc biết ngay tình cảm bâng khuâng nhớ quê nhà của người xa xứ lúc chiều tà. Còn Xuân Diệu nhìn thất lá liễu thướt tha là nghĩ ngay đến người con gái đẹp: Lá liễu dài như một nết mi (Nhị hồ). Làm thế nào để liên tưởng đi vào thơ một cách chân thật? Ý kiến của Flaubert cho ta câu trả lời: “Đừng bao giờ sợ sự phóng đại và xu hướng phóng đại… sự phóng đại vừa độ, hợp lý, hài hòa, tức là sự khái quát hóa và tính năng động trong cách thể hiện liên tưởng”. Dùng liên tưởng trực tiếp để so sánh hiện tượng này với sự vật kia. Những từ liên tưởng như: Như, tựa, hay là v.v… thường được sử dụng: Thời gian đi chóng tựa thoi đưa (Hồ Chí Minh – Gửi Bộ Chính trị); Dưới màu hoa như lửa cháy khát khao (Thanh Tùng – Thời hoa đỏ); Mắt em như nước giếng thôn làng (Quang Dũng – Mắt người Sơn Tây); Biển như một con tàu sắp sửa kéo còi đi (Hữu Thỉnh – Phan Thiết có anh tôi); Em là ai, cô gái hay nàng tiên (Tố Hữu). Ngoài ra, sự liên tưởng ẩn dụ giúp nhà thơ cách nói gây ấn tượng khi cảm hứng trào dâng: Sông Đuống trôi đi một dòng lấp lánh/ Nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kỳ hoặc Ôi cái gió Tuy Hòa/ Cái gió chuyên cần và phóng túng (Trần Mai Ninh – Tình sông núi).

Tưởng tượng và cái có thật. Trong công trình phân tâm học của S.Freud, người đọc tìm thấy sự phát triển nhân cách văn hóa, tôn giáo, nghệ thuật. Để giải tỏa sự dồn nén về tinh thần, sự nghèo khó về vật chất, con người tạo lập những đường dây cảm xúc kết nối, xây dựng sự đoàn kết, lòng yêu thương, độ lượng mà con người lý tưởng hóa. Tôn giáo sở dĩ được con người tìm đến là nhờ cái có thật: Niềm tin. Thần thánh chỉ là vật biểu trưng. Thông qua những sợi dây tâm lý – tình cảm, con người tìm đến những nguồn năng lượng trong nghi lễ thờ các vị thần, trợ giúp cho con người sự bất lực, bất an bằng cuộc sống hạnh phúc ở kiếp sau, ở Thiên đàng. Freud cho rằng, tôn giáo giống như một giấc mơ – giấc mơ phi xã hội, còn nghệ thuật làm cho con người đồng cảm với nhau bằng những hình tượng, có khi vô thức, tiềm thức siêu thực của nghệ sỹ.

Tưởng tượng và trí nhớ. Về một phương diện nào đó, sức tưởng tượng và trí nhớ thường trùng khít. Đây là khả năng gợi lại các hiện tượng quá khứ, những hình bóng trôi theo thời gian. Phần lớn các hình ảnh trong trí nhớ của chúng ta đều do tưởng tượng chi phối. Một số nhà nghiên cứu cho rằng, cần phân biệt hai thuật nhữ tưởng tượngtrí nhớ. Cả hai đều phi lý tính, nhưng cái trước có thiên hướng về giấc mơ, vô thức, còn cái sau là những biện pháp trong hiện thức của chủ thể sáng tạo. Một ví dụ: N.Pagarini – một nhạc sỹ tài hoa người Italia, trong giấc mơ ông đã trải qua có nhiều bản nhạc do tay mình tự sáng tác, nhưng tất cả đều bị lãng quên. Duy chỉ có mấy dòng kẻ lưu lại trong giấc mơ kỳ diệu, khi ông bật dậy, dục người thư ký lấy cây đàn và tập giấy nhạc ghi lại những nốt nhạc mà trong giấc mơ nhạc sỹ đã nghe được. Đó là bản nhạc hay nhất trong suốt cuộc đời sáng tác của nhạc sỹ. Sự phản bội của trí nhớ là chuyện thường xảy ra với nghệ sỹ, vì vậy cần có hồ sơ ghi chép, tư liệu tham khảo chuẩn xác.

Tâm lý học trong sáng tạo nghệ thuật.

Sáng tạo nghệ thuật, nhất là nghệ thuật thơ, là hiện tượng tâm lý dữ dội, căng thẳng do sự dồn nén của các giác quan ở nghệ sỹ để đạt mục đích chân thật: hay, hấp dẫn. Thời đại nào cũng vậy, nhà thơ viết không chỉ bằng sức lao động, bằng bút, mà còn bằng cả máu con tim và sự rung động của mọi dây thần kinh. Hữu Loan, nhà thơ sở hữu bài thơ tình nổi tiếng Màu tín hoa sim có một câu nói rất dễ đồng cảm: “Sáng tạo là hiện tượng tâm sinh lý ác liệt, nhưng không mù quáng, mà có lửa thần đưa đường…”. Lửa thần ở đây được hiểu là lý tưởng xã hội và lý tưởng thẩm mỹ. Bất cứ trong tình huống nào, tâm trạng nào nhà thơ phải trả lời cho được hai câu hỏi có tính công dân: Viết để làm gì? Viết cho ai? Ngoài ra, trong từng hiện tượng tâm sinh lý nổi lên cảm hứng sáng tạo của nhà thơ. Vậy cảm hứng sáng tạo là gì? Là sự thôi thúc nội tâm, sự đam mê một đề tài nào đó với một tình yêu mãnh liệt, cháy sáng của lý tưởng xã hội và cảm xúc chân thật tối đa, giúp nhà thơ lựa chọn, định hướng đề tài, nhân vật trung tâm. Thiếu cảm hứng chủ đạo thì nghệ sỹ mất phương hướng, còn thiếu cảm hứng phản xạ thì hình tượng thơ sẽ không có hồn, thường được gọi là “tia chớp” dục dã hình tượng mới, những từ ngữ đắt giá. Đã nhiều lần, M.Gorki, khi nói chuyện với các nhà thơ trẻ, văn hào phân biệt người thợ thơnhà thơ. Người thứ nhất thường viết dễ dãi, sa đà vào lối miêu tả liệt kê, kể lể, chắp nối, vần vè những sự kiện trần trụi,v.v… Còn nhà thơ tài năngthì phấn đấu để có “tâm lý sự kiện”, thân phận con người, tính đa nghĩa, đa sắc, đa thanh của ngôn ngữ thơ. Thơ là tiếng nói của trái tim, của tâm sinh lý, của tài năng con người. Nó cần được sự hướng dẫn của ánh sáng trí tuệ. Nó có những cảm hứng riêng mà lý trí đơn thuần không cảm nhận được. Khi hình tượng thơ trở nên có cánh, hình tượng thơ trở nên lung linh, tạo nên sự nhập cảm sức lan truyền của bài thờ đối với người đọc. Phải là nhà thơ đau đáu với đời, có phông văn hóa, mới coi sáng tạo của mình là gan ruột, tâm huyết đẻ ra thơ. Nguyễn Đức Mậu chỉ có một dòng ghi trong tuyển tập: Thơ tôi viết ước gì như máu thịt,v.v…

Cảm xúc – tình cảm, sức tưởng tượng, tâm lý sáng tác là ba phương tiện vừa là ba thuộc tính bền vững của sáng tạo nghệ thuật. Sự thật đời sống và sự thật nghệ thuật là hai phạm trù không hoàn toàn trùng khít, vừa không đối lập nhau. Hoạt động nghệ thuật góp phần cải tạo thế giới, cải tạo con người có kết quả là nhờ tác phẩm nghệ thuật, cách tân chất liệu, sự kiện một cách vi diệu. L.X.Vưgotxki – nhà tâm lý học nghệ thuật người Nga nói đại ý rằng: “Cái kỳ diệu của nghệ thuật có chăng là giống với một thứ kỳ diệu khác của Kinh phúc âm: hóa nước thành rượu. Nghệ thuật đối với cuộc sống cũng như rượu đối với nho – một nhà tư tưởng có nói như vậy, và ông ta đã có lý khi chỉ ra rằng, nghệ thuật lấy chất liệu từ cuộc sống, nhưng đều đưa lại một cái gì cao hơn hoặc chưa có ở chất liệu trong cuộc sống ấy,v.v…” (xem thêm Tâm lý học nghệ thuật, Nxb. Khoa học xã hội, 1981,tr.314). Nghiên cứu tâm lý học nghệ thuật chỉ ra rằng, nghệ thuật, trong đó có nghệ thuật thơ là điểm tập kết đậm đặc nhất, quan trọng nhất của mọi quá trình phát triển sinh vật và xã hội của một cá nhân - ở đây là của một nghệ sỹ.

GS.VS. Hồ Sĩ Vịnh |

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/nghe-thuat-tho-va-nhung-thuoc-tinh-sang-tao-ben-vung-68196