Nghệ thuật sử dụng Tăng thiết giáp trong Chiến dịch Hồ Chí Minh

Sau hơn một tháng liên tục tiến công và nổi dậy, mà quyết định là hai chiến dịch Tây Nguyên và chiến dịch giải phóng Huế - Đà Nẵng, quân và dân ta đã tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ lực lượng và chính quyền địch ở hai quân khu, quân đoàn (1 và 2) của chúng.

Vùng giải phóng của ta được mở rộng chiếm ba phần tư đất đai và một phần hai dân số trên toàn miền Nam, một cục diện mới chưa từng có mở ra cho cách mạng Việt Nam. Nắm chắc được tình hình quốc tế và khu vực, đồng thời không cho quân ngụy Sài Gòn củng cố, tăng cường lực lượng hòng thay đổi so sánh lực lượng trên chiến trường. Bộ Chính trị chính thức hạ quyết tâm mở Chiến dịch Hồ Chí Minh - chiến dịch tiến công hiệp đồng quân binh chủng giải phóng Sài Gòn - Gia Định.

Tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, ta đã tập trung một lực lượng lớn bao gồm 16 sư đoàn bộ binh và các lực lượng binh chủng, quân chủng, trong đó có 398 xe tăng, xe thiết giáp, cao xạ tự hành. Đây là chiến dịch tiến công lớn nhất trong lịch sử nghệ thuật quân sự Việt Nam và cũng là lớn nhất trong nghệ thuật sử dụng Tăng thiết giáp tham gia tác chiến.

Trước khi ta mở chiến dịch, địch được tăng cường và bố trí lực lượng lớn khống chế các đường và cầu lớn trên các trục đường vào thành phố nhằm kiên quyết bảo vệ chính quyền ngụy Sài Gòn. Ở hướng Đông địch sử dụng sư đoàn bộ binh 18, sau đó chúng tăng thêm 9 trung, lữ đoàn bộ binh, lính dù, lính thủy đánh bộ, 4 trung đoàn thiết giáp. Đội hình địch án ngữ Đường số 1 và Đường 15 gồm các cứ điểm, căn cứ quân sự, cụm lực lượng mạnh ở Xuân Lộc, Biên Hòa, Long Thành, Bà Rịa. Hướng Bắc có sư đoàn bộ binh 5 và một trung đoàn thiết giáp bố trí dọc theo trục Đường 22 và Đường số 1 ở Tây Ninh, Gò Dầu Hạ, Trảng Bàng, Củ Chi, Hóc Môn. Sở Chỉ huy đặt ở căn cứ Đồng Dù. Hướng Tây Nam có sư đoàn bộ binh 22 chốt giữ dọc Đường số 4 ở Bến Lức. Trong nội thành Sài Gòn - Gia Định do một số đơn vị lính dù, thiết giáp, các lực lượng bảo vệ căn cứ, lực lượng thuộc biệt khu thủ đô phòng giữ và 3 sư đoàn không quân. Địch bố trí lực lượng phòng giữ các cây cầu lớn dẫn vào nội đô như cầu Bông, cầu Sáng, Bình Phước, Bình Triệu, cầu Xa Lộ qua sông Sài Gòn. Các lực lượng được bố trí phòng ngự các công sở của chính quyền ngụy như dinh tổng thống, bộ tổng tham mưu ngụy, sân bay Tân Sơn Nhất, tổng nha cảnh sát, biệt khu thủ đô.

 Bộ đội Tăng thiết giáp quyết tâm lên đường vào Nam chiến đấu. Ảnh Tư liệu.

Bộ đội Tăng thiết giáp quyết tâm lên đường vào Nam chiến đấu. Ảnh Tư liệu.

Ở khu vực ngoại vi thành phố, vùng Đồng bằng sông Cửu Long địch còn 3 sư đoàn bộ binh, 1 sư đoàn không quân và 5 trung đoàn Tăng thiết giáp.

Nhìn chung lực lượng địch phòng ngự Sài Gòn - Gia Định và xung quanh số lượng còn đông, nhưng phần lớn đã bị chia cắt, cô lập và nhất là ý chí, sức chiến đấu đã giảm sút nghiêm trọng. Phía ta lực lượng chủ lực tham gia chiến dịch đã tập trung mạnh gấp 3 lần địch. Lực lượng vũ trang địa phương, cơ sở cách mạng tại chỗ và lực lượng quần chúng đã phát triển mạnh, sẵn sàng phối hợp hành động với bộ đội chủ lực. Phía sau các lực lượng của chiến dịch còn có lực lượng hùng hậu của hậu phương lớn xã hội chủ nghĩa miền Bắc và các vùng vừa được giải phóng sẵn sàng huy động sức người, sức của phục vụ theo yêu cầu của chiến dịch.

Trên cơ sở đánh giá, kết luận chính xác tình hình các mặt, Bộ tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh chủ trương sử dụng lực lượng binh chủng hợp thành, trong đó có lực lượng Tăng thiết giáp của các quân đoàn, binh đoàn chủ lực, kết hợp với sự nổi dậy của quần chúng, tiến công giải phóng Sài Gòn - Gia Định trên 5 hướng: Bắc, Tây Bắc, Đông Bắc, Tây Tây Nam và Đông. Cách đánh của lực lượng Tăng thiết giáp là: Dùng một bộ phận lực lượng thích hợp trên từng hướng đủ sức hình thành thế bao vây, chia cắt, bịt đường rút ra biển, chặn giữ quân địch co cụm vành ngoài không cho chúng rút về Sài Gòn, dùng đại bộ phận lực lượng trong đó lấy Tăng thiết giáp làm phân đội phái đi trước nhanh chóng cùng bộ binh đột phá các cứ điểm, cụm cứ điểm địch án ngữ vành ngoài, mở đường cho các binh đoàn nhanh chóng thọc sâu đánh lướt qua các địa bàn quan trọng vùng ven đô tiến tới đánh thẳng vào 5 mục tiêu chủ yếu: bộ tổng tham mưu, dinh tổng thống ngụy quyền, tổng nha cảnh sát, biệt khu thủ đô và sân bay Tân Sơn Nhất, phá vỡ toàn bộ hệ thống phòng ngự còn lại của địch, nhanh chóng giải phóng Sài Gòn - Gia Định kết thúc chiến tranh.

Chiến dịch Hồ Chí Minh diễn ra trong thời gian ngắn (từ ngày 26 đến 30-4-1975). Trong thế trận tiến công của binh chủng hợp thành, lực lượng Tăng thiết giáp được sử dụng trên các hướng như sau:

- Trên hướng Đông Bắc: Trong đội hình Quân đoàn 4, Tiểu đoàn tăng 1 phối thuộc cho Sư đoàn bộ binh 341 đột phá, đánh chiếm Trảng Bom; Tiểu đoàn tăng 21 phối thuộc cho Sư đoàn bộ binh 6 tiến công địch ở Hố Nai, Biên Hòa, mở cửa cho Tiểu đoàn tăng 22 cùng Sư đoàn bộ binh 7 làm lực lượng thọc sâu vào Sài Gòn - Gia Định, cùng với các lực lượng khác của quân đoàn và chiến dịch đánh chiếm dinh tổng thống, đài phát thanh.

- Trên hướng Bắc: Trong đội hình của Quân đoàn 1, Lữ đoàn thiết giáp 202 trang bị 67 xe (35 xe tăng, 29 xe thiết giáp, 3 xe cao xạ tự hành), tổ chức đội hình: Tiểu đoàn thiết giáp 66 và Đại đội 1 thuộc Tiểu đoàn tăng 3 phối thuộc cho Sư đoàn bộ binh 320 tiến công địch ở Tân Uyên, Lái Thiêu mở cửa chiến dịch để các lực lượng thọc sâu vào Sài Gòn đánh chiếm các mục tiêu chủ yếu của địch là sân bay Tân Sơn Nhất, bộ tổng tham mưu ngụy và xưởng quân cụ Gò Vấp.

- Trên hướng Tây Bắc: Lực lượng Tăng thiết giáp có Trung đoàn xe tăng 273 thuộc Quân đoàn 3, trang bị 83 xe tăng, xe thiết giáp các loại. Theo kế hoạch tác chiến, lực lượng Tiểu đoàn tăng 3 (thiếu) chi viện cho Sư đoàn bộ binh 320B tiến đánh căn cứ Đồng Dù mở cửa chiến dịch. Lực lượng chủ yếu gồm Tiểu đoàn tăng 1 và 2 phối thuộc cho Sư đoàn bộ binh 10 thọc sâu theo Đường 1 và 15 vào Sài Gòn, đánh chiếm các mục tiêu chủ yếu của địch là bộ tổng tham mưu, sân bay Tân Sơn Nhất và dinh tổng thống ngụy.

- Trên hướng Tây, Tây Nam: Lực lượng tác chiến trên hướng này là Đoàn 232, trong đó có Đoàn thiết giáp 26 miền Đông Nam Bộ (tương đương trung đoàn), tổ chức như sau: Sử dụng một lực lượng Tăng thiết giáp phù hợp, phối thuộc cho Trung đoàn bộ binh 205 tiến công tiêu diệt địch ở An Hiệp, Rừng Dầu, Tân Mỹ và tiến công địch giải phóng thị xã Hậu Nghĩa. Phần lớn lực lượng còn lại cùng binh chủng hợp thành làm nhiệm vụ thọc sâu vào Sài Gòn vượt sông Vàm Cỏ Đông, cùng bộ binh theo Đường 10 đánh địch ở Tây Nam Sài Gòn, tập trung đánh chiếm Trường đua Phú Thọ, ngã tư Bảy Hiền, biệt khu thủ đô, dinh tổng thống và tổng nha cảnh sát ngụy.

- Trên hướng Đông: Theo quyết tâm của Tư lệnh Quân đoàn 2, Lữ đoàn xe tăng 203 sử dụng Tiểu đoàn tăng 2 phối thuộc cho Sư đoàn bộ binh 3 đột phá mở cửa chiến dịch, đánh địch phòng ngự ở Bà Rịa, Vũng Tàu, Long Thành, căn cứ Nước Trong, Long Bình, tạo bàn đạp và mở thông đường cho lực lượng chủ lực của quân đoàn tiến vào đánh chiếm các mục tiêu trong trung tâm Sài Gòn - Gia Định. Lực lượng còn lại của Lữ đoàn tăng 203 (gồm 27 xe tăng, 31 xe thiết giáp, 42 xe hơi) được quân đoàn tăng cường: 1 tiểu đoàn cao xạ, 1 tiểu đoàn pháo binh, 1 tiểu đoàn công binh, 1 trung đoàn bộ binh là lực lượng phái đi trước đánh địch ở cầu xa lộ Đồng Nai dẫn đầu đội hình của quân đoàn làm nhiệm vụ thọc sâu đánh chiếm mục tiêu chủ yếu là dinh tổng thống ngụy, bộ quốc phòng, bộ tư lệnh hải quân và ngân hàng trong trung tâm thành phố Sài Gòn - Gia Định.

Trong tác chiến chiến dịch, lực lượng Tăng thiết giáp trên các hướng được sử dụng tập trung từng tiểu đoàn, trung đoàn, lữ đoàn làm lực lượng đột kích mạnh cùng bộ binh và các binh chủng bạn tiến công đánh chiếm các mục tiêu chủ yếu trong thời gian ngắn là các cơ quan đầu não của chính quyền, quân đội, cảnh sát Sài Gòn buộc chúng phải đầu hàng vô điều kiện. 11 giờ 30 phút ngày 30 tháng 4 năm 1975, Đại đội 4, Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn xe tăng 203, Quân đoàn 2 tiến thẳng vào và cắm lá cờ Quyết chiến Quyết thắng của quân đội ta lên nóc Dinh Độc Lập, hang ổ cuối cùng của chính phủ ngụy quyền Sài Gòn.

Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc của quân và dân ta đã kết thúc thắng lợi vẻ vang. Trong chiến dịch này, bộ đội Tăng thiết giáp đã được sử dụng với quy mô lớn nhất trong lịch sử của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, chiếm gần 80% tổng số xe tăng, xe thiết giáp trên toàn chiến trường miền Nam. Ta đã sử dụng tập trung lực lượng để tiến hành các trận then chốt của chiến dịch nhằm đánh chiếm các mục tiêu chủ yếu trong thế phòng ngự lực lượng lớn của địch, tạo ra được những diễn biến thuận lợi trong chiến dịch cũng như trong chiến thuật. Đồng thời trên từng hướng chiến dịch ta đã sử dụng một bộ phận Tăng thiết giáp đủ sức để đột phá mở cửa chiến dịch (thường từ đại đội đến tiểu đoàn tăng cường), còn đại bộ phận được sử dụng làm nhiệm vụ thọc sâu, chia cắt, vu hồi chiến dịch.

Nét đặc sắc về nghệ thuật sử dụng lực lượng và vận dụng linh hoạt cách đánh của Tăng thiết giáp trong Chiến dịch Hồ Chí Minh còn được thể hiện trên từng hướng của chiến dịch. Ta đã sử dụng xe tăng, xe thiết giáp làm nòng cốt, hiệp đồng chặt chẽ với bộ binh, pháo binh, phòng không, công binh… và lực lượng nổi dậy đã tiến công với tốc độ cao, vận dụng thành công thủ đoạn đột phá kết hợp với thọc sâu, chia cắt, bỏ qua hoặc vòng tránh các cứ điểm địch, đánh thẳng vào mục tiêu chủ yếu. Khi không thể vòng tránh được đã sử dụng sức mạnh hỏa lực với sức đột kích đè bẹp quân địch, mở đường cho lực lượng chủ lực tiến công. Bộ đội Tăng thiết giáp trong đội hình thọc sâu chiến dịch, do việc bảo đảm tốt, có cách đánh thích hợp, hiệp đồng chặt chẽ với bộ binh và sự chi viện của các lực lượng quân, binh chủng bạn đã góp phần không nhỏ cho sự thành công của chiến dịch trong việc nâng cao nhịp độ tiến công, đột phá chọc thủng các tuyến ngăn chặn của địch và thường là một trong những lực lượng đầu tiên đánh chiếm mục tiêu chủ yếu của chiến dịch.

Từ thực tiễn nghệ thuật sử dụng lực lượng Tăng thiết giáp trong Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975, rút ra một số bài học kinh nghiệm.

Một là, tranh thủ thời gian tổ chức, xây dựng, bổ sung lực lượng Tăng thiết giáp phù hợp với yêu cầu quy mô của chiến dịch, đủ sức hoàn thành nhiệm vụ.

Hai là, xác định đúng hướng, mục tiêu tiến công. Thực hành tiến công đồng loạt, đánh trúng các mục tiêu chủ yếu, khiến địch bị động đối phó, dẫn đến tan rã nhanh và chịu thất bại.

Ba là, vận dụng cách đánh sáng tạo, các hình thức chiến thuật phù hợp mà tiêu biểu là: Đột phá mạnh, đồng thời trên nhiều hướng để mở cửa chiến dịch, tạo điều kiện để tổ chức các lực lượng thọc sâu kết hợp với lực lượng nổi dậy tại chỗ đánh chiếm các mục tiêu chủ yếu để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Bốn là, chỉ huy tác chiến mưu trí, sáng tạo kết hợp với hiệp đồng chặt chẽ, liên tục giữa Tăng thiết giáp với các lực lượng tham gia chiến dịch là một trong những nội dung quan trọng góp phần tạo thành sức mạnh tổng hợp đánh thắng địch.

Chiến tranh đã qua đi, những bài học kinh nghiệm quý giá về nghệ thuật sử dụng lực lượng và nghệ thuật tác chiến của bộ đội Tăng thiết giáp là vô cùng quý giá và vẫn giữ nguyên giá trị cả về lý luận và thực tiễn. Trong điều kiện mới của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay, để đối phó với các cuộc chiến tranh công nghệ cao và phương pháp tác chiến ngày càng hiện đại, đòi hỏi bộ đội Tăng thiết giáp không ngừng nghiên cứu về địch nhất là tìm hiểu kỹ vũ khí, khí tài và cách đánh qua những cuộc chiến tranh gần đây, từng bước nghiên cứu, huấn luyện phương pháp tác chiến hiện đại để phòng, chống có hiệu quả cuộc chiến tranh công nghệ cao và tác chiến điện tử mạnh của địch. Do vậy, song song với việc nghiên cứu những kinh nghiệm tác chiến trong các cuộc chiến tranh hiện đại vừa qua, bộ đội Tăng thiết giáp phải vận dụng những kinh nghiệm truyền thống trong Chiến dịch Hồ Chí Minh để tìm ra cách đánh có hiệu quả, sẵn sàng đánh trả quân xâm lược, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Thiếu tướng ĐỖ ĐÌNH THANH, Tư lệnh Binh chủng Tăng thiết giáp

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/45-mua-xuan-toan-thang/nghe-thuat-su-dung-tang-thiet-giap-trong-chien-dich-ho-chi-minh-616437