Nghệ thuật 'rút hầu bao' du khách nước ngoài của Thái Lan

Nằm ở vị trí trung tâm của Đông Nam Á, lại có nền văn hóa và lịch sử lâu đời, Thái Lan từ lâu đã được mệnh danh là 'thiên đường du lịch'.

Thành phố Bangkok lung linh về đêm

Tờ Today của Singapore mới đây đã chỉ ra một số lý do vì sao du khách đang chi nhiều tiền ở xứ sở Chùa Vàng hơn bất kỳ nơi nào khác ở châu Á.

Đứng thứ 4 thế giới về doanh thu du lịch

Theo dữ liệu của Tổ chức Du lịch thế giới Liên hợp quốc (UNWTO) vừa được công bố, chi tiêu của du khách nước ngoài cho các dịch vụ du lịch ở Thái Lan đã vượt qua mọi quốc gia khác ở châu Á.

Năm 2017, Thái Lan thu được 57 tỷ USD từ khách du lịch quốc tế, gần gấp đôi Macao (36 tỷ USD), Nhật Bản (34 tỷ USD), Hong Kong (33 tỷ USD) và Trung Quốc (33 tỷ USD).

Còn trên bình diện toàn cầu, quốc gia này chỉ thua Pháp (61 tỷ USD), Tây Ban Nha (68 tỷ USD) và Hoa Kỳ (211 tỷ USD) trong tổng chỉ số doanh thu từ ngành Du lịch. Không chỉ dừng lại đó, dự kiến, lượng khách nước ngoài đến Thái Lan trong năm tới có thể chạm mốc 40 triệu người, tương đương hơn một nửa dân số cả nước.

“Thái Lan có mọi loại dịch vụ cho tất cả mọi người”, bà Rebecca Mazzaro, một chuyên gia thiết kế tour tại Công ty lữ hành ATJ nhận xét. Theo bà, Thái Lan có sự đa dạng và phong phú về các loại hình du lịch, từ các hòn đảo tư nhân với biệt thự riêng sang trọng đến những món ăn đường phố tuyệt vời chỉ tốn vài USD.

Theo chỉ số Thành phố du lịch toàn cầu của Mastercard, Bangkok được xếp hạng là thành phố đông khách nhất năm 2017, đánh dấu năm thứ ba liên tiếp ở vị trí này. Cũng theo báo cáo, khách du lịch bình quân đã bỏ ra 173 USD cho một ngày ở Thủ đô Thái Lan.

Nở rộ dịch vụ du lịch xa xỉ

Những dẫn chứng trên cộng với sức hút từ “thương hiệu” mang tên Thái Lan đã khiến các nhà đầu tư dịch vụ hạng sang đang ngày một nhiều đổ xô tới thiên đường này để làm du lịch.

Ông John Blanco, Tổng giám đốc Khách sạn Capella Bangkok 5 sao đánh giá: Bangkok đầy giá trị lịch sử với 40.000 ngôi chùa Phật giáo nói riêng và đất nước Thái Lan nói chung luôn là một điểm đến đáng giá.

Vị chủ khách sạn hạng sang dự kiến, sẽ mở cửa vào mùa xuân năm sau với 101 dãy phòng hướng ra sông Chao Phraya cũng tự tin nói rằng, đang có một nỗ lực đáng kể để tiếp tục gia tăng mức chi tiêu của du khách tới Thái Lan (mức tăng mong muốn, hoàn toàn có thể đạt được là khoảng 14% so với năm trước).

Các dịch vụ xa xỉ khác tại Thủ đô Bangkok cũng dự kiến sẽ “rút hầu bao” của du khách, các khu nghỉ dưỡng mới xa hoa bậc nhất như: Four Seasons, Rosewood, Mandarin Oriental và Waldorf Astoria, cùng với tổ hợp thương mại cao cấp Icon Siam sắp mở cửa đón khách vào tháng 11 tới.

Tổ hợp thương mại trị giá 1,6 tỷ USD sẽ mang tới một loạt các nhà hàng cao cấp của các đầu bếp tầm cỡ hàng đầu thế giới như Alain Ducasse và hệ thống cửa hàng bách hóa Tokyo Takashimaya.

Ông Dino Michael, nhà lãnh đạo cấp cao của chuỗi khách sạn Waldorf Astoria Hotels and Resorts cho rằng, “người tiêu dùng đang ngày càng có yêu cầu cao hơn, không gian du lịch cũng đang trở nên sang trọng hơn”. Tuy nhiên, sự hấp dẫn vượt thời gian của Bangkok mới là lý do chính khiến ông mở chi nhánh Đông Nam Á đầu tiên vào tháng 8 vừa qua, một tòa tháp có nhiều ô kính với tầm nhìn ngoạn mục toàn cảnh Bangkok từ mọi góc độ.

Nhà đầu tư cũng chỉ ra rằng, cơ sở hạ tầng mạnh, hệ thống không vận tốt, tư duy phát triển du lịch cả chiều sâu lẫn chiều rộng và một nền văn hóa hiếu khách đã giúp Thái Lan trở thành một thương hiệu nổi tiếng và là điểm khởi đầu tốt cho bất cứ doanh nhân nào muốn khai thác du lịch tại đây.

Sẵn sàng đối mặt với những hệ lụy

Tuy nhiên, mặt trái của việc trở thành quốc gia du lịch nổi tiếng châu Á khiến Thái Lan đang phải trả giá đắt, đặc biệt là đối với các bãi biển và hòn đảo vốn là điểm đến yêu thích của du khách.

Hệ sinh thái biển nguyên sơ của vịnh Maya - bối cảnh tuyệt đẹp trong bộ phim The Beach đã phải dừng đón khách trong 4 tháng và sẽ tiếp tục đóng cửa vô thời hạn để phục hồi môi trường biển.

Động thái này theo sau các biện pháp tương tự đã được áp dụng ở các đảo Koh Khai và Koh Tachai gần đó, nơi san hô bị phá hủy với tốc độ và quy mô nghiêm trọng.

Còn tại Phuket, điểm đến đông khách thứ 12 trên thế giới, theo đánh giá của Mastercard, đã có sự sụt giảm mạnh về số lượng rùa địa phương, tỉ lệ nghịch với sự gia tăng ô nhiễm môi trường biển.

Ở phía Bắc Thái Lan, sự bùng nổ của du lịch cũng kéo theo hàng loạt hành vi không thân thiện với động vật hoang dã, đặc biệt là hai loài đang có nguy cơ tuyệt chủng là voi và hổ.

Thùy Dương

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/nghe-thuat-rut-hau-bao-du-khach-nuoc-ngoai-cua-thai-lan-d275633.html