Nghệ thuật rối nước Việt - hành trình hòa nhập văn hóa quốc tế

Trong xu thế hội nhập toàn cầu, nhiều năm trở lại đây không ít những giá trị văn hóa mang bản sắc dân tộc đã có mặt và từng bước khẳng định vị thế của mình trên trường quốc tế. Trong những giá trị văn hóa tinh hoa ấy phải kể đến nghệ thuật rối nước Việt Nam.

Nhà nghiên cứu văn hóa Hoàng Tiến Thắng

Nhà nghiên cứu văn hóa Hoàng Tiến Thắng

Ra đời trong lòng xã hội nông nghiệp truyền thống, trải qua lịch sử hàng nghìn năm hình thành và phát triển, rối nước tiếp nhận, thừa hưởng những thành tựu phong phú của văn hóa dân gian, nó đích thực là đặc sản văn hóa Việt.

Bước ra từ chiếc ao làng nhỏ hẹp, rối nước nhanh chóng chinh phục đông đảo công chúng khắp nơi, sớm có vị trí trong đời sống văn hóa tinh thần của người Việt. Nhiều năm qua, với sự định hướng và quan tâm của Đảng, Chính phủ trong việc đưa văn hóa Việt Nam hòa nhập và vươn tầm thế giới, nghệ thuật rối nước cùng nhiều loại hình văn hóa, nghệ thuật dân gian khác được đầu tư mọi mặt để đủ sức bước ra ngoài lãnh thổ, quảng bá hình ảnh Việt Nam đến bè bạn năm châu, từng bước hòa nhập, khẳng định vị thế của mình trên thế giới.

Theo thống kê, rối nước Việt Nam đã có hơn 600 chương trình biểu diễn tại 40 quốc gia khác nhau trên thế giới. Những buổi biểu diễn của rối nước luôn nhận được sự hưởng ứng nồng nhiệt từ khán giả, cũng như các nhà hoạt động, phê bình quốc tế. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều kênh truyền thông quốc tế đã thốt lên đầy thán phục với những mỹ từ “tuyệt diệu”, “kỳ diệu”, “tuyệt vời”… khi chứng kiến nghệ thuật rối nước Việt Nam, qua những tiết mục truyền thống như “Múa rồng”, “Đánh cáo bắt vịt”, “Câu ếch”, “Đánh bắt cá”, “Tễu giáo trò”, “Múa tiên”…

Là một bộ phận của văn hóa dân gian, rối nước tiếp thu và thừa hưởng những thành tựu tinh hoa từ các loại hình nghệ thuật dân gian trước và cùng thời với nó. Có thể thấy, đa phần các tích diễn, trò diễn của rối nước có sự tiếp thu và ảnh hưởng rất lớn từ sân khấu truyền thống, văn học dân gian… Về mặt tạo hình nhân vật, những quân rối trong các trò diễn cũng tiếp thu và chịu ảnh hưởng rất lớn từ lối tạo hình dân gian qua các mẫu chạm khắc, tượng gỗ thường gặp ở đình, đền, chùa. Một trong những yếu tố không kém phần quan trọng của rối nước là âm thanh, tiếng động cũng tiếp nhận từ dân ca, không khí lễ hội, đình đám ở làng Việt. Trên một bình diện nào đó, rối nước được xem như một nghệ thuật dân gian tổng hợp.

Việc sử dụng “nước” như một thành tố giữ vai trò làm nền, làm không gian biểu diễn cho quân rối hoạt động, được xem là một đặc điểm có tính khu biệt, hết sức độc đáo của rối nước Việt Nam. Dù chỉ là một thành tố, nhưng “nước” giữ vai trò tiên quyết, bởi không có nước sẽ không thành rối nước. Sự kết tinh huyền diệu của những phẩm chất nói trên đã tạo nên một nghệ thuật rối nước Việt Nam vừa độc vừa lạ hấp dẫn công chúng khắp nơi trên thế giới.

Tất nhiên, chỉ có vậy chưa đủ để khẳng định khả năng vượt trội của rối nước trong việc chinh phục khán giả ngoài lãnh thổ. Trong quá trình hòa nhập quốc tế, một trong những rào cản rất lớn chính là sự khác biệt về ngôn ngữ giữa các dân tộc. Hình như với rối nước, vấn đề rào cản này không quá ảnh hưởng, nó luôn rất thành công khi tiếp cận những đối tượng khán giả nước ngoài.

Trở lại lịch sử, ngay từ khi ra đời, rối nước đã phải thích ứng tối đa với hoàn cảnh thực tế, cũng như hạn chế đặc thù của loại hình này. Bản thân những quân rối thô sơ bằng gỗ vốn không thể linh hoạt, cử động cơ mặt, cơ miệng biểu lộ trạng thái cảm xúc, ngôn từ... Những hạn chế trong việc sử dụng ngôn ngữ văn học như lời thoại, lời bình đối với rối nước ở làng luôn là bài toán không dễ dành cho các nghệ nhân rối nước.

Để giải bài toán “ngôn ngữ”, giúp khán giả có thể lĩnh hội đầy đủ nội dung tích diễn, trò diễn một cách tốt nhất, những nghệ nhân rối nước đã tìm cho mình những cách thức điều khiển quân rối rất hiệu quả, qua chúng truyền tải ý tưởng, cảm xúc của họ đến với công chúng. Để làm được điều này người nghệ nhân phải nghiên cứu rất kỹ đời sống thực tế, chắt lọc, khái quát hóa từng động tác, từng cử chỉ cho nhân vật rối của mình. Khán giả có thể lĩnh hội được nội dung tiết mục từ những động tác, cử động đầy tính ước lệ, khái quát của quân rối thông qua tài năng điêu luyện của các nghệ nhân rối nước.

Có thể nói, ở rối nước, ngôn ngữ hành động của các nhân vật đã đạt đến mức ký hiệu hóa rất cao. Những tín hiệu ngôn ngữ này đến với nhận thức của khán giả qua kênh thị giác, giúp họ có thể hiểu nhân vật nói gì, làm gì mà không bị lệ thuộc quá nhiều vào lời thoại văn học. Phải chăng đây cũng là một nguyên nhân giúp rối nước Việt Nam vượt qua rào cản ngôn ngữ đến với công chúng quốc tế!

Văn hóa Việt Nam nói chung, nghệ thuật rối nước nói riêng muốn vươn ra thế giới trước hết phải chinh phục được công chúng quốc tế trên con đường hội nhập của mình. Dựa vào nghệ thuật diễn xuất có tính đặc thù cao, qua những tiết mục của mình ngôn ngữ rối nước có thể đạt đến mức ký hiệu, tín hiệu nghĩa. Đây được xem như tấm giấy thông hành giúp rối nước Việt Nam đến với các nền văn hóa khác nhau trên thế giới.

Hy vọng loại hình nghệ thuật này sẽ nhận được nhiều hơn sự quan tâm của toàn xã hội để bay cao, bay xa vươn tầm văn hóa thế giới.

Nhà nghiên cứu văn hóa Hoàng Tiến Thắng

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/van-hoa/nghe-thuat-roi-nuoc-viet-hanh-trinh-hoa-nhap-van-hoa-quoc-te/422923.vgp