Nghệ thuật Phương Đông cảm hứng & khuôn mẫu

'Câu chuyện Nghệ thuật' (The Story of Art) của Giáo sư Ernst Gombrich in lần đầu năm 1950 và trong 70 năm qua đã được dịch ra gần 30 thứ tiếng với hơn 8 triệu bản được bán ra. Ấn bản mới nhất vừa được ra mắt là tái bản lần thứ 16 đã có mặt tại Việt Nam, do NXB Dân Trí và Omega Plus ấn hành.

Tượng đầu một vị La Hán (Head of a Lohan) có niên đại khoảng năm 1.000 (ảnh do Omega Plus cung cấp)

Tượng đầu một vị La Hán (Head of a Lohan) có niên đại khoảng năm 1.000 (ảnh do Omega Plus cung cấp)

Quan điểm của Giáo sư E.Gombrich nhìn về nghệ thuật phương Đông: Tôn giáo ở Trung Đông - tôn giáo đã cuốn phăng mọi thứ trước đó vào thế kỷ VII và VIII, Islam giáo của những kẻ đã thống trị Ba Tư, Lưỡng Hà, Ai Cập, Bắc Phi và Tây Ban Nha - thậm chí còn nghiêm ngặt hơn cả Ki-tô giáo. Việc làm ảnh, tượng bị cấm hoàn toàn. Nhưng nghệ thuật đâu có dễ bị áp chế đến thế. Những người nghệ nhân phương Đông, bị cấm đoán không được tái hiện hình ảnh con người, đã để trí tưởng tượng của họ tự do thử sức với đủ các hoa văn và kiểu dáng. Họ đã tạo ra nghệ thuật trang trí với họa tiết đan xen tinh xảo bậc nhất tên là Arabesque - hoa văn Arập. Việc minh họa những câu chuyện tình, lịch sử và ngụ ngôn ra đời tại Ba Tư từ thế kỷ XIV trở đi, cũng như sau đó tại Ấn Độ dưới thời Islam giáo (Đế quốc Mogul).

Ảnh hưởng của tôn giáo đến nghệ thuật ở Trung Hoa còn sâu sắc hơn. Trong những thế kỷ trước và sau Công nguyên, người Trung Hoa đã học theo tập tục mai táng khá giống của người Ai Cập và trong những lăng mộ của họ có một lượng những hình ảnh sống động phản ánh cuộc sống và các tập tục xa xưa. Phần lớn thứ mà chúng ta ngày nay gọi là nghệ thuật Trung Hoa đã thành hình trong thời gian đó. Các nghệ sĩ ít thích các hình dáng góc cạnh, cứng nhắc như những người Ai Cập, mà ưa chuộng những đường cong uốn lượn hơn. Khi phải diễn tả một con ngựa nhảy dựng lên, nghệ nhân Trung Hoa dường như sẽ tạo hình nó từ một tập hợp các vòng tròn. Các tác phẩm điêu khắc của họ cũng cho thấy điều tương tự với rất nhiều đường xoắn lượn nhưng không làm mất đi vẻ rắn rỏi và tính vững chắc.

Tuy nhiên, yếu tố thúc đẩy quan trọng nhất tác động lên nghệ thuật Trung Hoa đến từ Phật giáo. Những bức tượng nhà sư và người tu hành khổ hạnh của Phật giáo luôn được thể hiện sống động y như thật. Chúng ta thấy những đường cong thể hiện tài tình nơi vành tai, đôi môi và hai gò má, nhưng chúng không làm biến dạng, không hỗn loạn, mà nối kết tất cả với nhau, mọi thứ đều ở đúng chỗ của nó, đóng góp vào hiệu quả tổng thể.

Bức phù điêu “Gautama (Đức Phật) rời quê nhà” (Gautama [Buddha] leaving his home) có niên đại khoảng thế kỷ II (ảnh do Omega Plus cung cấp)

Tượng đầu đức Phật (Head of the Buddha), cao 29cm, có niên đại khoảng thế kỷ thứ IV - V (ảnh do Omega Plus cung cấp)

Ảnh hưởng của Phật giáo lên nghệ thuật Trung Hoa còn đem đến một cách thức tiếp cận hình ảnh hoàn toàn khác, một sự kính trọng dành cho thành tựu của nghệ sĩ, điều chưa từng xuất hiện trong nghệ thuật Hy Lạp cổ đại hay châu Âu trước đây mãi cho đến tận thời kỳ Phục Hưng. Người Trung Hoa coi trọng người họa sĩ ngang bằng với một thi sĩ đầy cảm hứng. Ngoài ra, các tôn giáo phương Đông còn dạy rằng, không gì quan trọng hơn việc thiền định đúng. Thiền định là nghĩ đến và suy xét về một chân lý thiêng liêng trong nhiều giờ liền, cố định ý tưởng đó trong tâm trí và quan sát nó từ mọi góc độ mà không để bị phân tâm. Đó là cách người phương Đông rèn luyện tinh thần và họ coi trọng nó hơn cả cách người phương Tây đề cao việc tập thể dục hay chơi thể thao.

Các nghệ sĩ Trung Hoa không ra ngoài những không gian lộ thiên, rồi ngồi trước hình mẫu và phác họa chúng. Họ trau dồi kỹ năng hội họa dựa trên phương pháp trầm mặc và tập trung kỳ lạ, trước hết là nắm được “cách vẽ những cây thông”, “cách vẽ những tảng đá”, “cách vẽ những gợn mây” không phải qua quan sát tự nhiên, mà học theo những tác phẩm của các bậc thầy nổi tiếng. Chỉ khi đã thuần thục kỹ năng này, họ mới lên đường để thưởng ngoạn vẻ đẹp thiên nhiên và cố gắng nắm bắt cái hồn của cảnh sắc. Sau đó, khi trở về nhà, họ thử gợi lại những cảm xúc ấy bằng cách kết hợp hình ảnh những ngọn thông, tảng đá và đám mây với nhau giống như cách một thi sĩ có thể kết nối những hình ảnh hiện lên trong đầu khi đi dạo. Những bậc thầy Trung Hoa này sử dụng bút lông và mực một cách khéo léo, tài tình để có thể lột tả được cảnh sắc hiện lên trong trí tưởng tượng của mình khi cảm hứng dâng trào.

Nhưng, phương pháp nghệ thuật ấy cũng có khuyết điểm riêng. Theo thời gian, gần như mọi nét cọ dù là diễn tả thân tre hay một tảng đá gồ ghề đều được thừa nhận và quy vào thành truyền thống. Và, công chúng dành sự ngưỡng mộ cho các tác phẩm cổ xưa nhiều tới mức các thế hệ nghệ sĩ tiếp theo ngày càng ít tin vào cảm hứng riêng của mình.

Suốt nhiều thế kỷ sau đó, những quy chuẩn hội họa này vẫn được đề cao ở cả Trung Quốc lẫn Nhật Bản, còn nghệ thuật ngày càng giống một thú vui chơi quá sức tao nhã và trau chuốt, đánh mất sự cuốn hút của nó vì tính dễ đoán trong thủ pháp.

Giáo sư Ernst Gombrich (1909-2001) sinh ra ở Vienna. Ông trở thành thành viên của Viện Warburg ở London vào năm 1936 và giữ chức vụ Giám đốc từ năm 1959 đến năm 1976. Ông là giáo sư chuyên về lịch sử truyền thống cổ điển ở Đại học London. Ông được phong hàm Hiệp sĩ năm 1972; được trao Huân chương Công trạng năm 1988, cùng rất nhiều những giải thưởng và danh hiệu khác: The Goeth Prize (1994) và The Gold Medal of the City of Vienna (1994). Tác phẩm tiêu biểu: Nghệ thuật và Ảo ảnh - nghiên cứu về tâm lý học của sự tái hiện hình ảnh (1960); Ý thức về trật tự - nghiên cứu về tâm lý học của nghệ thuật trang trí (1979); 11 tuyển tập chuyên luận và bài phê bình nổi tiếng.

Thế Huy

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/nghe-thuat-phuong-dong-cam-hung-khuon-mau-598787.html