Nghệ thuật nhiếp ảnh Việt Nam: 'Trăm hoa đua nở' đến bao giờ?

Chưa bao giờ hoạt động nhiếp ảnh lại rầm rộ như hiện nay, cùng với sự phát triển của mạng internet và các trang mạng xã hội, các hội, nhóm nhiếp ảnh được thành lập trở thành sân chơi cho những người say mê chụp ảnh. Với số lượng 'tay máy' đông đảo, gianh giới giữa nghệ sỹ nhiếp ảnh đích thực và nhiếp ảnh không chuyên ngày càng bị xóa nhòa. Điều đó khiến các nhà nhiếp ảnh chuyên nghiệp phải vận động để tìm ra một phong cách mới cho tác phẩm của mình, nếu không sẽ bị 'cào bằng' như những tác phẩm đại trà.

Ngành nhiếp ảnh đang bị “cào bằng”

Nhiếp ảnh ngày nay là bộ môn nghệ thuật được đông đảo công chúng tham gia và yêu thích, làm cho cuộc sống phong phú hơn, có tác dụng giáo dục truyền thống yêu nước, tự hào dân tộc, nâng cao thẩm mỹ cho nhân dân, có nhiều tác phẩm ảnh nghệ thuật đọng lại trong lòng đông đảo công chúng và bạn bè quốc tế.

Cũng vì thế mà nhiều Câu lạc bộ nhiếp ảnh mới ra đời, điều này là dấu hiệu cho thấy ngoài việc nhiếp ảnh đã trở thành một nhu cầu rộng rãi trong đời sống xã hội, còn cho thấy nhu cầu hội nhập và vươn ra quốc tế của nhiếp ảnh Việt Nam.

Cũng từ sân chơi rộng lớn này, nhiều cuộc thi nhiếp ảnh ra đời cùng nhiều cuộc triển lãm chuyên và không chuyên diễn ra hàng năm trên khắp cả nước. Tuy nhiên, theo đánh giá của giới chuyên môn, số lượng tác phẩm không tỉ lệ thuận với chất lượng.

Nhiều cuộc thi lên đến hàng vạn tác phẩm dự thi nhưng chất lượng lại không cao. Điều đó chứng tỏ người tham gia còn quá dễ dãi với tác phẩm của mình, hoặc nhiều nghệ sỹ đang bước vào lối mòn quen thuộc, cũ kỹ, để không thể cho ra đời một tác phẩm khác biệt.

Ảnh “Hoa lưới” của tác giả Phạm Huy Trung đoạt giải Nhì cuộc thi flycam quốc tế 2018.

Ảnh “Hoa lưới” của tác giả Phạm Huy Trung đoạt giải Nhì cuộc thi flycam quốc tế 2018.

Tại cuộc họp báo công bố sự kiện Festival Nhiếp ảnh trẻ 2019 vừa diễn ra, Thạc sỹ, họa sỹ Vi Kiến Thành, Tổng cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) cho biết, hiện nay, nhiếp ảnh Việt Nam đang đứng trước một thách thức rất lớn.

Mặc dù đông người tham gia và các hoạt động cũng dày đặc, nhưng điều đó lại rất dễ dẫn đến tính cào bằng và nghiệp dư hóa. Đó là một thách thức với ngành nhiếp ảnh, không chỉ với các nhà nhiếp ảnh trẻ mà còn với những nhà nhiếp ảnh đã có nhiều kinh nghiệm.

Họa sỹ cho rằng, có hai lĩnh vực nghệ thuật khá giống nhau về cách vận hành đó là lĩnh vực thơ ca và nhiếp ảnh. Hiện nay có đến vài nghìn câu lạc bộ thơ và số lượng những người sáng tác thơ có thể lên đến vài chục triệu. Nhiếp ảnh cũng như vậy. Điều đó vừa mang lại thuận lợi nhưng cũng là những khó khăn cho ngành nhiếp ảnh.

“Thuận lợi là bởi xã hội, người dân rất thích xem ảnh, chụp ảnh để chia sẻ trên mạng xã hội. Nhưng giữa những bức ảnh thực sự có ý tưởng nghệ thuật, có thông điệp làm cho người xem phải suy ngẫm, lặng đi trước tác phẩm đó, níu chân khán giả,…. thì thật sự rất khó làm, bởi bây giờ ảnh đã và đang tràn ngập ảnh trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội”, họa sỹ Vi Kiến Thành lý giải.

Festival Nhiếp ảnh trẻ 2019 do Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm tổ chức vừa khởi động tìm kiếm những tác phẩm ảnh triển lãm tại Fesstival.

Ngoài mục đích là sân chơi chuyên nghiệp cho các nhà nhiếp ảnh, góp phần thúc đẩy các hoạt động sáng tạo, công bố tác phẩm phản ánh cuộc sống đương đại qua lăng kính của lực lượng nhiếp ảnh trẻ Việt Nam, Festival còn nhằm mục đích tìm kiếm và xây dựng một lực lượng nghệ sỹ kế cận.

Nói về các cuộc thi, cuộc triển lãm lớn nhỏ trong trước, họa sỹ cho biết, hiện nay các sân chơi chuyên nghiệp do Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm tổ chức gồm có Festival Nhiếp ảnh trẻ tổ chức hai năm một lần vào các năm lẻ; Triển lãm ảnh nghệ thuật toàn quốc tổ chức thường niên vào các năm chẵn.

Ngoài hai hệ thống trên còn có nhiều triển lãm ảnh chuyên đề. Bên cạnh đó, Hội Nghệ sỹ nhiếp ảnh Việt Nam cũng có các hoạt động hàng năm, ví dụ như triển lãm ảnh ở tám khu vực trong cả nước; giải thưởng hàng năm của Hội nhiếp ảnh Việt nam; các hoạt động chuyên đề khác…

Như vậy, nhịp độ về các hoạt động mang tính toàn quốc có rất nhiều, phản ánh nhu cầu công bố tác phẩm, phổ biến tác phẩm và hoạt động sáng tác của giới nhiếp ảnh Việt Nam hiện nay rất mạnh, rất đông đảo và là nhu cầu thường xuyên.

Cục cũng đang xây dựng đề án “Thành phố nhiếp ảnh Việt nam”, theo đó, 3 năm một lần bắt đầu từ năm 2021, ban tổ chức sẽ mời các nhà nhiếp ảnh quốc tế, tuyển chọn một số các nhà nhiếp ảnh Việt Nam đến những địa điểm là những thành phố có tiềm năng về nhiếp ảnh, tiềm năng về du lịch để sáng tác.

Bên cạnh đó còn có những hoạt động bên lề về nhiếp ảnh. Nếu đề án được thông qua thì có thể nói rằng hoạt động nhiếp ảnh lại thêm một sự kiện lớn nữa, tăng mật độ hoạt động trên khắp cả nước.

Cần phá vỡ những nhịp điệu đơn buồn

Nhiếp ảnh không thuần túy là nghệ thuật mà còn mang tính thời sự, tính sự kiện, tính báo chí cho nên nhiếp ảnh là một môn “nghệ thuật khó”. Trong sự phát triển của công nghệ, xã hội và sự thay đổi về thẩm mỹ của khán giả hiện nay, những tiêu chí về tác phẩm ảnh cũng cần phải thay đổi.

Theo họa sỹ Vi Kiến Thành, một tác phẩm nhiếp ảnh tốt về chất lượng bây giờ cần phải đặt ra những tiêu chuẩn khác trước đây, không thể cứ tiêu chí như trước đây để đánh giá. Một bức ảnh tốt phải là bức ảnh có những tìm tòi, bứt phá trong cách truyền tải thông điệp, ý tưởng đến người xem; mới mẻ trong bố cục với những góc máy sáng tạo thì mới bứt ra khỏi được hệ thống ảnh rất phổ cập hiện nay.

Nhiếp ảnh ngày nay đã qua những giai đoạn chỉ cần là một bức ảnh đẹp về mặt thẩm mỹ đơn thuần. Một bức ảnh như vậy bây giờ rất nhiều người làm được. Điều đó lại chính là thách thức cho các nghệ sỹ nhiếp ảnh, cần phải làm khác đi để phân biệt được đâu là tác phẩm của một nhà nhiếp ảnh thực sự, phải lao động nghệ thuật để có được tác phẩm ấy. Nhiếp ảnh bây giờ phải là những tác phẩm có ý tưởng rõ, mạnh mẽ về ngôn ngữ ảnh, ngôn ngữ tạo hình, nhịp điệu ảnh, nhịp điệu ánh sáng.

“Chúng ta có thể quen nghe những “nhịp điệu” trong âm nhạc, nhịp điệu trong tác phẩm múa, nhưng thật ra nhiếp ảnh cũng cần có tiết tấu, nhịp điệu. Vì chúng ta chưa chú trọng đến nó, vì chúng ta nghĩ nó đơn thuần, ở ngoài có như thế nào thì chúng ta cố gắng chụp lấy cái góc đó với cảm nhận cái đẹp của riêng từng người thế ấy. Nhưng trong nhiếp ảnh, bố cục hình mảng thực ra đã tạo nên những nhịp điệu.

Ví dụ như chúng ta nhìn bức ảnh một thảo nguyên với những cánh đồng rộng, thì nhịp điệu bao giờ cũng là những đường ngang chạy dài đến tận chân trời. Nhìn ở góc độ tạo hình thì nhịp điệu ấy là những đường ngang của cánh đồng, đường ngang của dòng sông, của chân trời, dãy núi… đó là những nhịp điệu đơn buồn, tạo ra thị giác rất rộng lớn về không gian nhưng lại rất đơn điệu và buồn tẻ.

Bây giờ muốn phá nhịp điệu ấy đi, chúng ta phải làm gì? Là một nhiếp ảnh chuyên nghiệp, chúng ta phải xử lý nhịp điệu ấy thay đổi, phá đi những đường ngang đó, không thể thuần túy mãi, không thể chụp như thế mãi. Nếu chụp như vậy thì cũng không cần đến các nhà nhiếp ảnh chuyên nghiệp nữa. Ai cũng có thể làm được”, họa sỹ Vi Kiến Thành phân tích.

Để có sự thay đổi là rất khó và chuyển động rất chậm, bởi nhiếp ảnh Việt Nam đã tồn tại quá lâu, quá dài với một hình thức sáng tác ảnh với mục tiêu đẹp, thẩm mỹ đơn thuần, ít có yếu tố độc và lạ trong nghệ thuật.

Phải chăng, nghệ thuật nhiếp ảnh cần một sự chuyển mình rõ rệt hơn, bắt đầu từ những nhà nhiếp ảnh trẻ, để “phá vỡ những nhịp điệu đơn buồn” trong từng tác phẩm như họa sỹ Vi Kiến Thành đã nói?!

Bảo Thoa

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/nghe-thuat-nhiep-anh-viet-nam-tram-hoa-dua-no-den-bao-gio-89251.html