Nghệ thuật kéo, lừa địch vào khu tác chiến trong Chiến dịch Long Khánh

Sau khi nghiên cứu, lên phương án chi tiết, mùa hè năm 1969, Bộ chỉ huy Miền quyết định tổ chức đợt tiến công địch tại khu vực Túc Trưng, Định Quán, Gia Ray và thị xã Long Khánh (tỉnh Đồng Nai) nhằm tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, mở rộng và củng cố vùng giải phóng, phá kế hoạch 'bình định cấp tốc', làm thất bại một bước chiến lược 'quét và giữ' của Mỹ và quân ngụy Sài Gòn.

Lúc này, Mỹ và quân ngụy Sài Gòn đã xây dựng Long Khánh thành tuyến ngăn chặn phía ngoài bảo vệ khu liên hợp quân sự Long Bình-Biên Hòa. Ngoài bảo an, dân vệ, biệt kích, cảnh sát, lực lượng địch ở Long Khánh còn có sư đoàn 18 bộ binh, 3 tiểu đoàn bộ binh của quân đội Sài Gòn; lữ đoàn 3 kỵ binh không vận; 1 thiết đoàn và 3 tiểu đoàn pháo binh Mỹ; 1 tiểu đoàn bộ binh Australia...

 Quân ta tiến công phía tây nam Long Khánh trong chiến dịch Xuân Lộc, tháng 4-1975. Ảnh tư liệu

Quân ta tiến công phía tây nam Long Khánh trong chiến dịch Xuân Lộc, tháng 4-1975. Ảnh tư liệu

Để đạt được mục tiêu đề ra, Bộ chỉ huy Miền quyết định sử dụng Sư đoàn Bộ binh 5, Trung đoàn 29 và Đại đội 1 (Tiểu đoàn 24), mở chiến dịch tiến công trên hướng Long Khánh. Trung ương Cục và Bộ chỉ huy Miền cùng phối hợp chỉ đạo, Sư đoàn Bộ binh 5 được giao nhiệm vụ trực tiếp chỉ huy chiến dịch. Phương châm của chiến dịch là đánh tiêu diệt từng đơn vị địch; vận dụng nhiều hình thức chiến thuật, tác chiến với quy mô cỡ tiểu đoàn, trung đoàn là chính; phối hợp hiệp đồng chặt chẽ giữa hai lực lượng, ba thứ quân, vận dụng linh hoạt các cách đánh, kết hợp tiến công quân sự với đấu tranh chính trị của nhân dân, vừa diệt địch, vừa bảo vệ và đẩy mạnh phong trào, củng cố vững chắc bàn đạp, cơ sở, căn cứ.

Quyết tâm của Bộ chỉ huy chiến dịch là tập trung lực lượng tiêu diệt hai chiến đoàn 43, 52, tiến tới đánh quỵ sư đoàn 18, phá tan bình định ở Túc Trưng, Định Quán rồi tiến lên giải phóng yếu khu Gia Ray, hỗ trợ cho phong trào quần chúng nổi dậy ở Long Khánh và Xuân Lộc, mở rộng vùng giải phóng. Ta dự kiến tổ chức chiến dịch thành hai đợt: Đợt một, tiêu diệt chiến đoàn 43 trên lộ 20, diệt trung đoàn 43 và sư đoàn 18 ở Xuân Lộc; tiêu hao chiến đoàn 52 ở Gia Ray; phá bình định, diệt bảo an, dân vệ, tề điệp ác ôn ở Túc Trưng, Định Quán, Xuân Lộc và đẩy mạnh công tác địch vận. Đợt hai, tiêu diệt chiến đoàn 52 ở Gia Ray, quốc lộ 1; đánh bồi vào hậu cứ sư đoàn 18 và quân địch trên lộ 20 (đoạn La Ngà-Dốc Mơ); quyết tâm giải phóng yếu khu Gia Ray và tiếp tục đánh phá bình định ở Định Quán, La Ngà, Túc Trưng, Dốc Mơ, Xuân Lộc; kết hợp tiến công quân sự với đẩy mạnh binh vận, làm tan rã sư đoàn 18 của địch. Ngoài phương án cơ bản trên, Bộ chỉ huy chiến dịch cũng dự kiến thêm "phương án hai" và "phương án linh hoạt" để chủ động và kịp thời vận dụng vào các tình huống cụ thể.

Từ ngày 5-5-1969, ta nổ súng mở màn chiến dịch và sau hơn một tháng chiến đấu ngoan cường, ngày 20-6-1969, Bộ chỉ huy quyết định kết thúc chiến dịch. Chiến dịch Long Khánh đã làm thất bại một bước chiến lược "quét và giữ", giáng một đòn mạnh vào âm mưu "phi Mỹ hóa chiến tranh", khiến Mỹ và quân ngụy Sài Gòn ở vào thế bị động về chiến lược. Cùng với những thắng lợi khác trên chiến trường, chiến thắng Long Khánh góp phần quan trọng thúc đẩy phong trào đấu tranh chính trị và vũ trang trên toàn Miền, tăng thêm uy tín cho Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam vừa mới ra đời (tháng 6-1969); phối hợp với phong trào đấu tranh của nhân dân Mỹ đòi chính quyền R.Nixon phải sớm rút quân khỏi chiến trường miền Nam.

Nét nổi bật của chiến dịch Long Khánh là nghệ thuật kéo địch lên đường 20, lừa địch vào khu tác chiến chủ yếu mà ta đã chuẩn bị sẵn để tiêu diệt. Đồng thời tạo ra những thời cơ có lợi cho lực lượng thọc sâu của ta; đánh đau, đánh hiểm vào nơi sơ hở và mỏng yếu của địch (hai lần đánh vào hậu cứ của sư đoàn 18), gây cho địch thiệt hại nặng. Ngoài ra, thành công của chiến dịch đã thể hiện nghệ thuật chọn hướng (khu vực) và bố trí đội hình chiến dịch chính xác, cũng như nghệ thuật tổ chức chỉ huy, điều hành chiến dịch linh hoạt, có nhiều phương án nên giúp các đơn vị thường xuyên giành được thế chủ động, sẵn sàng tập trung lực lượng khi có điều kiện, thời cơ để thực hiện trận then chốt (Tầm Bung, Suối Mơ).

Trong công tác chỉ đạo đánh địch, ngoài công sự, ta đã chú trọng đánh cả địch cơ động đường bộ và địch đổ bộ đường không; chỉ đạo vận dụng linh hoạt các hình thức chiến thuật như chốt kết hợp với vận động phục kích, chốt kết hợp với vận động tập kích và vận động tiến công nên đã đạt được hiệu suất chiến đấu cao. Trong chiến dịch này, các đơn vị của ta đã thực hiện tốt phương châm, tư tưởng chỉ đạo "đánh tiêu diệt" và "liên tục tiến công" nên khi địch bung ra giải tỏa, các đơn vị của ta đã chủ động, kịp thời tổ chức tiêu diệt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Đại tá, TS NGUYỄN THÀNH HỮU

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/nghe-thuat-quan-su-vn/nghe-thuat-keo-lua-dich-vao-khu-tac-chien-trong-chien-dich-long-khanh-618036