Nghệ thuật hợp tác

Cạnh tranh là điều tất yếu trên thương trường, nhưng một doanh nhân khôn ngoan không bao giờ xem đối thủ như kẻ thù.

Tư duy thông minh hơn là xây dựng liên minh với các đối thủ để cùng phát triển. Quá trình hợp tác ấy là cả một nghệ thuật bao gồm nhiều giai đoạn.

Biết rõ đối thủ là ai. Nghe có vẻ đơn giản, song đó lại là một sai lầm lớn mà hấu hết các chủ doanh nghiệp và nhân viên bán hàng đều mắc phải.

Nếu bạn sở hữu một cửa hàng bán lẻ, đối thủ của bạn hẳn nhiên sẽ là những cửa tiệm khác cung cấp cùng một số mặt hàng.

Khi đối thủ của bạn tạo ra những cải tiến thì cách thức kinh doanh hàng hóa của bạn sẽ trở nên lạc hậu. Do đó, cần biết rõ tất cả những ai đang cạnh tranh với mình và họ đang vận dụng cách làm nào mới mẻ.

Tìm hiểu mọi thứ có thể về đối thủ của bạn. Hãy quan tâm và đầu tư sự chú ý đến mọi thứ mà đối thủ bạn đang thực hiện, thiết lập những hồ sơ về từng đối thủ một qua việc tìm hiểu những tin tức thương mại, nhật báo, tạp chí, website của họ.

Có thể dùng chương trình Google Alert để theo dõi những thông tin trực tuyến nào đang viết về họ. Nếu có thể và thật sự cần thiết, hãy sang mua hàng hoặc dùng dịch vụ của đối thủ một cách định kỳ để quan sát trực tiếp hoạt động của họ.

Phát triển mối quan hệ cùng đối thủ. Một khi đã nghiên cứu rõ các đối thủ của mình, hãy chủ động với đến họ. Cần tham gia vào những hiệp hội, mạng lưới truyền thông cộng đồng trực thuộc lĩnh vực kinh doanh hoặc giữa các doanh nghiệp với nhau. Từ đó bạn sẽ biết rõ hơn về những người chủ sở hữu hoặc các nhà quản trị làm thuê cho các doanh nghiệp đối thủ để tiến tới một quan hệ hợp tác.

Chuẩn bị để hợp sức và cộng tác khi cần thiết. Một khi có điều ngoài dự tính sắp xảy ra, gây nên những ảnh hưởng tiêu cực đến kinh doanh, bạn nên tìm đến các đối thủ của mình để cùng hợp lực và đưa ra những hành động phù hợp.

Chẳng hạn, bạn nên liên kết với họ để chống đối hoặc ủng hộ cho một điều luật mới sắp được thông qua có tác động mạnh đến hoạt động kinh doanh trong ngành hàng nào đó.

Tùy thuộc vào những công việc kinh doanh cụ thể, bạn sẽ tìm thấy các đối thủ có khả năng chia sẻ gánh nặng cho mình.

Ví dụ, khi nhận được một đơn đặt hàng khổng lồ và bạn không thể thực thi một mình thì nếu có sẵn mối quan hệ tốt, bạn có thể nhờ đối thủ hoàn tất hộ bạn một phần công việc.

Trái lại, trong lúc đối thủ đang vướng mắc khó khăn, bạn có thể chìa tay ra giúp đỡ họ. Đó không chỉ là một công việc kinh doanh có lợi, mà còn là một cách hành xử rất đúng đắn.

Để đối thủ giúp bạn trở nên tốt đẹp hơn. Khi một đối thủ đánh bại bạn, hãy nỗ lực để tìm ra lý do, nhưng đừng vội xem đó như một viện cớ để chấp nhận sự thất bại.

Khi hiểu thấu được những gì đối thủ đang làm thật sự được sự ưa chuộng của người tiêu dùng, bạn sẽ tìm ra cách biến đổi chính bạn, để những sản phẩm và dịch vụ của bạn cũng trở nên hấp dẫn hơn.

Đừng sao chép mọi thứ đối thủ đang làm, mà bắt lấy ý tưởng tốt nhất của họ, kiểm chứng tính hiệu quả và cải tiến nó.

Luôn có những sản phẩm mới ra đời với mức giá thấp hơn, nhưng cố gắng giảm giá theo giá bán của đối thủ là một cuộc đua đầy rủi ro. Thay vào đó, hãy tập trung hướng đến việc cung cấp những giá trị cộng thêm to lớn hơn.

Lên tinh thần cho những trò chơi “phi lành mạnh” từ đối phương. Cạnh tranh công bằng là một điều rất tuyệt vời. Nó thôi thúc mọi người đưa ra những điều tốt đẹp nhất vào cuộc đua.

Song không phải bất kỳ đối thủ nào cũng đều “chơi đẹp”, mà luôn tồn tại một số doanh nghiệp muốn hạ gục kẻ cạnh tranh với mình hoặc thực hiện các trò bịp bợm. Khi điều ấy xảy ra, một hành động phù hợp để phản ứng là rất cần thiết. Đừng ngại ngần khi tính chuyện nhờ đến luật pháp xử lý.

Internet là nơi thường có các đối thủ đưa ra những trò chơi thiếu fair-play. Hãy giám sát những gì họ đang nói về bạn và đưa ra một kế hoạch bảo vệ danh dự nhằm chủ động phòng ngừa trường hợp bạn trở thành mục tiêu của các cuộc tấn công trên mạng.

Cạnh trạnh một phần tất yếu của nền kinh tế thị trường. Vì thế, cần hết sức thận trọng nếu muống duy trì và phát triển thị phần.

Một trong những chiến thuật cạnh tranh hay nhất được biết đến trong binh pháp Tôn Tử (một vị tướng hàng đầu của Trung Hoa cổ đại) là “Hãy gần gũi với bằng hữu và gần gũi hơn nữa với kẻ thù”.

Theo Doanhnhanplus

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/nghe-thuat-hop-tac-157710.html