Nghệ thuật điêu khắc Khmer hồi phục mạnh mẽ

Vùng cư trú của đồng bào Khmer Nam bộ có trên 600 ngôi chùa Phật giáo Nam tông lớn nhỏ rải rác khắp vùng đồng bằng sông Cửu Long. Những ngôi chùa hàng trăm năm tuổi vẫn hiện diện trong đời sống đóng vai trò không chỉ là nơi sinh hoạt tôn giáo, mà còn có công dụng giống như nhiều thiết chế hành chính văn hóa khác như trường học, bảo tàng, câu lạc bộ điêu khắc, vẽ tranh… Vài năm gần đây, từ chỗ khôi phục lại tinh hoa nghệ thuật điêu khắc Khmer, các ngôi chùa lớn mở xưởng điêu khắc, truyền dạy và sản xuất sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ vốn văn hóa dân tộc.

Các tăng sư chùa Seray Techo Mahatup chế tác sản phẩm trong xưởng điêu khắc gỗ. Ảnh: Thụy Văn

Các tăng sư chùa Seray Techo Mahatup chế tác sản phẩm trong xưởng điêu khắc gỗ. Ảnh: Thụy Văn

Ghé ngôi chùa Seray Techo Mahatup, thường gọi là chùa Dơi tại TP Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng, chúng tôi được thăm xưởng chế tác điêu khắc nằm trong chùa thường xuyên có nhiều tăng sư theo học và trực tiếp gia công các công đoạn sản phẩm. Từ các súc gỗ mít thô qua tay các tăng sinh theo học đến khi sản phẩm tinh xảo được hoàn thành đều được thực hiện trong không khí, môi trường thanh tịnh của ngôi chùa cổ. Người mới đến đều được đàn anh và tiền bối có kinh nghiệm và tay nghề dạy bảo kỹ thuật và ý nghĩa bảo tồn văn hóa của bộ môn nghệ thuật này.

Người Khmer có thói quen học mọi điều từ trong chùa. Họ quan niệm rằng, đến chùa học không phải để đi tu suốt đời, mà học để làm người có đạo. Ngoài việc học được nghề điêu khắc, họ còn mong muốn được cảm thụ những ý niệm tôn giáo, triết lý sâu xa của nhà Phật ẩn chứa trong những mẫu vật điêu khắc, những bức tượng Phật. Đó cũng là điều đặc sắc mà một sản phẩm thủ công mỹ nghệ được chế tác trong chùa có được, có thể bán ra ngoài như một món đồ lưu niệm, đồ thờ trong chùa, hay là đồ thờ cúng, trưng bày theo tín ngưỡng của các gia đình Khmer.

Trở lại lịch sử, nghệ thuật điêu khắc Khmer từng có thời kỳ phát triển rực rỡ ở đồng bằng sông Cửu Long. Hiện nay, các ngôi chùa gỗ lâu năm còn rất ít do đặc điểm địa hình mưa nhiều, mùa lũ nước lớn. Ở các ngôi chùa ít ỏi còn sót lại, gỗ để chế tác các gian chùa có màu nâu trầm, các rui mè, sàn, tường bao đều khắc hoa văn trang trí thể hiện mang bóng dáng thời kỳ hưng thịnh và phát triển của điêu khắc Khmer.

Trước đây, các ngôi chùa Khmer đều dùng gỗ để xây dựng, sau đó chạm, khắc, phù điêu, hoa văn, khung cửa, cánh cửa, khung tượng Phật, tượng Phật đều bằng gỗ. Tiếc rằng, các ngôi chùa được điêu khắc tinh xảo không còn nhiều, cùng với đó, nghệ thuật điêu khắc cũng không được dung dưỡng, mất dần đi. Cùng với thời gian, đến ngày nay, các đại đức và sư trụ trì của các chùa thấy cần thiết phải khôi phục lại nghệ thuật này. “Nếu để mai một nghệ thuật điêu khắc Khmer thì rất tiếc” - Đại đức chùa Seray Techo Mahatup bày tỏ.

Hiện nay, những ngôi chùa Khmer ở Nam bộ vẫn được tu sửa và làm mới đều đặn. Nhưng phong cách kiến trúc không còn nguyên vẹn như cũ. Những ngôi chính điện, tháp, nhà tăng, kể cả tượng Phật đều được làm bằng xi măng đắp nổi. Thậm chí, nhiều hạng mục chùa cổ được vá víu đắp thạch cao và sơn phết bên ngoài. Rất nhiều ngôi chùa vắng bóng nghệ thuật chạm khắc gỗ vì không có nghệ nhân, nghề cũng dần thất truyền và các tăng sư mặc dù yêu thích cũng không có ai truyền dạy.

May mắn là có một số ngôi chùa vẫn giữ được nghệ thuật điêu khắc, từ đó có thể nhân rộng ra. Ban đầu, các tăng sư tạo hình gốc cây, lũa, gỗ làm ra những sản phẩm có tính nghệ thuật và trưng bày trang trí trong phòng khách của các ngôi chùa. Sau đó, các sản phẩm được gia công kỹ càng, tinh xảo, mang nét văn hóa riêng của nghệ thuật điêu khắc đậm tính tôn giáo tín ngưỡng của người Khmer.

Với chùa Seray Techo Mahatup, khoảnh sân phía sau nơi ở các sư trong chùa được dành hẳn để mở xưởng chế tác, điêu khắc gỗ. Xuất phát từ một ý tưởng manh nha, điêu khắc trong chùa đã trở thành sự say mê của các sư. Lý Thảo - một nhà sư của chùa đam mê điêu khắc đã tìm sang chùa Kompong Chrey ở Trà Vinh để học nghề 4 năm và giờ vừa chế tác vừa tiếp tục truyền dạy cho các tăng sư khác. Nhiều phật tử ở các phum, sóc trong vùng cũng tìm đến chùa để học nghề. Cứ người trước truyền dạy cho người sau, từ đường nét đơn giản đến phức tạp. Bây giờ, các học viên của xưởng chế tác đều đã thành thạo các phương pháp đẽo thô đến các kỹ nghệ chạm khắc tinh xảo để làm nên những tác phẩm độc bản, có nét riêng và giàu tính nghệ thuật.

Bước vào xưởng, mới thấy những nhà sư và phật tử theo học thật sự say mê với các khúc gỗ, gốc cây để hình dung ra tạo hình. Sự chăm chú của họ với công việc đục, đẽo, gọt giũa... là dấu hiệu nghệ thuật điêu khắc Khmer đang dần trở lại đời sống từ chính những ngôi chùa Khmer giàu truyền thống. Ngoài kỹ thuật mô phỏng từ những mẫu vật có sẵn, các tăng sư thoải mái phát huy trí tưởng tượng sáng tạo để điêu khắc và phát triển thành những tác phẩm mới, hoàn thiện vừa mang nét truyền thống, vừa có tính hiện đại, phù hợp với cách trang trí mới hiện nay.

Hiện nay, chùa Seray Techo Mahatup trưng bày các sản phẩm mà các tăng sư chế tác trong xưởng tại chùa để du khách đến chùa được chiêm ngưỡng. Ngoài việc tự hào vì nghề truyền thống được tái dựng, nhiều tác phẩm mà họ làm ra có thể được bán với mức giá cao. Rất nhiều ngôi chùa khác ở vùng cư trú đồng bào Khmer hiện nay nhờ mô hình này để phục dựng lại nghệ thuật điêu khắc gỗ. Điều đó giúp cho chính những nhà sư của chùa giữ gìn văn hóa truyền thống và nghệ thuật, mà qua đó, bàn tay tài hoa của người Khmer cũng được giới thiệu rộng rãi.

Thụy Văn

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/nghe-thuat-dieu-khac-khmer-hoi-phuc-manh-me/