Nghệ thuật điện ảnh phản chiếu hiện thực xã hội

Lần đầu tiên đến Hà Nội với tư cách là khách mời đặc biệt của Liên hoan phim Đức lần thứ 8-2017, diễn ra từ ngày 6 đến 12-9 tại Trung tâm Chiếu phim quốc gia (87 Láng Hạ), bà Anne Zohra Berrached - đạo diễn kiêm diễn viên người Đức đã dành cho phóng viên Báo Hànôịmới sự chia sẻ thẳng thắn, hữu ích về xu hướng làm phim hiện đại, cách sử dụng nghệ thuật điện ảnh để phục vụ sự phát triển của xã hội...

Đạo diễn Anne Zohra Berrached (thứ hai từ phải qua) giao lưu với khán giả tại Liên hoan phim Đức lần thứ 8-2017. Ảnh: Tùng Long

- Trong số 9 bộ phim dự Liên hoan phim Đức tại Việt Nam kỳ này, bộ phim "24 tuần" do bà làm đạo diễn được chọn chiếu ở đêm khai mạc. Bà có thể chia sẻ đôi điều về bộ phim này?

- "24 tuần" thuộc thể loại phim tâm lý, kể về một nữ diễn viên hài và bạn trai đang chuẩn bị đón đứa con thứ hai chào đời. Sau khi biết con mình sinh ra sẽ bị bệnh down, ban đầu họ lạc quan nghĩ mình có thể đáp trả thách thức. Nhưng đến khi bác sĩ siêu âm phát hiện bé còn bị bệnh tim nặng, sẽ phải phẫu thuật sau khi chào đời không lâu thì càng gần tới ngày sinh nữ nhân vật càng lo lắng cho tương lai của đứa trẻ. Cô đứng trước hai lựa chọn khó khăn khi mang bầu ở tháng thứ bảy, và cuối cùng đã chọn quyết định phá thai muộn... Phim đã được chiếu ở 16 quốc gia, trong đó có Ấn Độ, Thái Lan và nay là tại Việt Nam.

- "24 tuần" từng tranh Giải Gấu vàng tại Liên hoan phim Berlin 2016 và giành Giải bạc tại Liên hoan phim Đức năm 2017. Theo bà, đâu là những yếu tố làm nên thành công đó?

- Điều khiến tôi trăn trở nhất khi lựa chọn đề tài làm phim, đó là phải suy nghĩ thấu đáo về chủ đề, thông điệp muốn đạt được. Tôi đã dồn tâm huyết cho "24 tuần" với mong muốn đưa lại cảm xúc chân thật, gần gũi nhất tới khán giả. Tôi có sử dụng một số kỹ xảo, quay cận cảnh, đặc tả để khán giả cảm thấy gần gũi hơn với tình huống phim. Tôi cũng cố gắng chọn lựa những diễn viên tốt nhất nhằm thu hút và níu giữ khán giả.

Bà Anne Zohra Berrached bắt đầu học đạo diễn vào năm 2009, tại Học viện Điện ảnh Baden - Wurttemberg, nhưng đã sớm giành Giải "First Steps No Fear Award" với phim đầu tay "Hai người mẹ" tại Liên hoan phim quốc tế Berlin năm 2013. Với bộ phim "24 tuần", bà đã giành được tổng cộng 16 giải thưởng.

Có một điểm đặc biệt nữa, để tăng tính chân thật của bộ phim, tôi đã mời chính bác sĩ, y tá, hộ lý vào vai các nhân vật. Ở một khía cạnh nào đó, phần sau của bộ phim dài này rất gần với phim tài liệu. Yếu tố thành công của bộ phim, ngoài chuyện chuyển tải được một đề tài khó, còn phải kể đến những xung đột, tranh luận diễn ra sau buổi chiếu.

- Bà gặp phải khó khăn gì khi phản ánh những vấn đề xã hội bằng nghệ thuật điện ảnh? Kinh nghiệm thực tế của bà khi tìm cách vượt qua những khó khăn ấy?

- Tôi không ngại khó, bởi phải vượt qua khó khăn mới có thể làm nên nghệ thuật. Trong quá trình làm phim, tôi đã may mắn gặp được ba cặp vợ chồng từng trải qua việc phá thai muộn. Thực tế là có nhiều người trải qua chuyện này nhưng không nhiều người muốn chia sẻ vì họ cảm thấy xấu hổ, buồn đau.

Tôi đã rất khó khăn để quyết định kết thúc phim như thế nào. Và rất mừng cả ê-kíp làm phim đã thay đổi kết thúc phim so với kịch bản ban đầu, để người nữ diễn viên chính thẳng thắn công khai lựa chọn của mình, như một cách để gửi gắm thông điệp: Không quan trọng bạn đã quyết định điều gì. Quan trọng là vào thời điểm ấy bạn đã suy nghĩ kỹ về nó. Và nếu đã làm rồi, hãy gác lại và tiếp tục sống cuộc sống của mình. Mong mọi người cảm thông hơn. Mong hãy chia sẻ nỗi buồn cùng nhân vật trong phim.

- Trong khuôn khổ Liên hoan phim Đức 2017, bà tham gia không chỉ với tư cách một đạo diễn, mà còn là một diễn viên - trong phim "Thế hệ Y". Poster của phim "Thế hệ Y" cũng có hình ảnh bào thai. Bà có thể nói gì về điều này?

- Diễn xuất trong "Thế hệ Y" cho tôi một trải nghiệm mới, nhưng tôi e rằng sau thử nghiệm này tôi sẽ quyết định chỉ chuyên tâm theo nghiệp đạo diễn. Phim "Thế hệ Y", cũng như các bộ phim khác tại Liên hoan phim Đức kỳ này, đều đề cập đến những vấn đề thời sự nóng hổi, phản ánh hiện thực xã hội. Chúng tôi không vẽ nên một thế giới hoàn hảo hay một nước Đức lý tưởng, mà các nhà đạo diễn, với sự hỗ trợ của các diễn viên, luôn tìm cách đặt ra câu hỏi và đi tìm lời giải đáp.

- Những điều đó phần nào cho thấy một hướng đi của điện ảnh hiện đại, thưa bà?

- Tôi nghĩ điện ảnh không nên né tránh những vấn đề xã hội. Đúng là hiện có rất nhiều xu hướng làm phim khác nhau, nhưng tôi nghĩ điều quan trọng nhất với nhà làm phim là lựa chọn được đề tài gắn với thực tiễn xã hội và thể hiện được cá tính của mình trong tác phẩm. Bản thân tôi là một nhà làm phim độc lập, chúng tôi rất may mắn là Chính phủ Đức sẵn sàng hỗ trợ các nhà làm phim, phát triển điện ảnh thông qua nhiều loại quỹ.

Mỗi kỳ liên hoan phim là một cơ hội học hỏi và chia sẻ về phong cách, xu hướng làm phim, cách đưa phim ra rạp, cách bán bản quyền phim... Tôi mong luôn tìm được những đề tài hay, làm ra những tác phẩm điện ảnh tạo được sự rung động, sản xuất được những bộ phim có thể chạm đến lòng người, chạm đến mọi khía cạnh của đời sống xã hội. Phim phải biểu đạt được cảm xúc của người đạo diễn.

- Cảm ơn bà đã dành thời gian trao đổi!

Mai Hoa thực hiện

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Phim/877460/nghe-thuat-dien-anh-phan-chieu-hien-thuc-xa-hoi