Nghệ thuật đặt tên ở công viên Disneyland

Khách hàng được gọi là thượng khách. Người bán kem hay sắp xếp chỗ ngồi là chủ nhà. Những người soát vé không làm việc mà nhập vai. Cả công viên giống một màn trình diễn.

Công viên đang dần phát triển những tập quán thể hiện đặc trưng riêng của mình. Dù chỉ mới 21 tuổi, Marty Sklar đã đóng góp một phần đáng kể trong việc hình thành chúng.

Anh là sinh viên của Đại học California, Los Angeles (UCLA), người đã giải cứu Fess Parker khỏi đám đông vào chủ nhật đen tối đó. Sau mùa hè năm ấy, Marty trở lại trường học để tốt nghiệp, và ngay lập tức gia nhập công viên như một phần của nhóm quan hệ công chúng đang còn thai nghén.

Văn phòng của anh nằm trong đồn cảnh sát ở Quảng trường Trung tâm, ngay bên trái Tòa Thị chính của Lindquist. Một sự cố nhỏ ở nơi đó “đã ảnh hưởng nhiều đến sự nghiệp tương lai của tôi ở Disneyland và tôi tin rằng nó có vai trò quan trọng trong việc truyền tải đến công chúng thông tin về Vương quốc phép thuật của Walt Disney”.

Một ngày nọ, Sklar sơ ý quên khóa cửa sau khi bước vào văn phòng và rồi một số du khách đã đi lạc vào đồn cảnh sát.

“Tôi bỗng nhiên phải đối mặt với những câu hỏi về công viên… Khi đang suy nghĩ về rất nhiều câu hỏi từ những vị khách đầu tiên này, tôi chợt nhận ra nguồn thông tin hữu ích nhất về công viên Disneyland chính là từ chúng tôi, những nhân viên phụ trách… Từ đó trở đi, bất cứ khi nào làm việc trong văn phòng đồn cảnh sát, tôi đều không khóa cửa nữa".

Không lâu sau, khi đang quanh quẩn ở cổng chính để nghe ngóng phản ứng của khách hàng, Sklar nhận được “điều bất ngờ lớn nhất”.

Anh đã nghe đi nghe lại câu: “Con muốn đi trong Khu rừng rậm, đi Tên lửa lên Mặt trăng, và thuyền Mark Twain - chứ không muốn chơi bất kỳ trò chơi nào nữa".

Tại sao vậy? Điểm thu hút chính của công viên chính là các trò chơi (rides) cơ mà. Sau đó, Sklar hiểu rằng: “Walt đã làm mô tả Disneyland với các khán giả truyền hình tốt đến mức công chúng đã tự phân biệt những trò chơi của Disneyland với các công viên giải trí cũ… Trong tâm trí họ, The Whips, Shoot-the-chutes, Whirl-a-Gigs, and Lose-Your-Lunch Thrills trong các công viên kia được gọi là các trò chơi - những thứ mà Disneyland không có".

Có được sự am hiểu sâu sắc này, Sklar đã dẫn dắt các đồng nghiệp phát minh ra “Danh sách từ vựng mới để mô tả những gì bạn sẽ gặp ở Disneyland”.

Từ “trò chơi” đã được thay thế bằng các từ đồng nghĩa thú vị hơn: “Các thuật ngữ mới được sử dụng chủ yếu sẽ là những cuộc phiêu lưu, trải nghiệm, điểm tham quan và tất nhiên là những câu chuyện".

 Hình ảnh tại Disneyland. Ảnh: Keyt.

Hình ảnh tại Disneyland. Ảnh: Keyt.

Năm này qua năm khác, Sklar kiên nhẫn loại bỏ các thuật ngữ cũ: “Tôi là người phê duyệt cuối cùng những ấn bản quảng bá tiếp thị… và cây bút đỏ của tôi luôn gạch thẳng từ ‘trò chơi’ ở bất cứ đâu tôi nhìn thấy".

Cuối năm 2008, Marty vẫn còn phải chỉnh sửa các thuật ngữ: “Khi chúng tôi chỉ mô tả các khu vui chơi của mình dưới dạng ‘trò chơi’, Disneyland cũng sẽ chẳng khác gì những công viên như Six Flags, Knott’s, Universal... trong cách mô tả hoạt động của họ. Chúng tôi phải vượt trội họ (vì hoạt động của chúng tôi thực sự vượt trội!) và mô tả những gì chúng tôi có như ‘những điểm tham quan, cuộc phiêu lưu, trải nghiệm nhập vai và tất nhiên là những câu chuyện’… Khi bạn sáng tạo ra một phép nhiệm màu Disney, những từ dùng để mô tả nó cũng phải hỗ trợ cho những trải nghiệm màu nhiệm đó!”

Chỉ có Ngài Toad là được phép giữ lại tên gốc Wild Ride: Cho đến ngày nay, nó vẫn phô trương sự ngoại lệ của mình ngay trước mặt tiền của ngôi nhà Toad Hall.

Việc sử dụng từ ngữ một cách duyên dáng đã thấm nhuần khắp cả công viên. Các trò chơi cần những cái tên trang nhã hơn và nhiều thứ khác cũng vậy. Như Van Arsdale France đã yêu cầu ngay từ những lớp đầu tiên của Đại học Disney, khách hàng phải được gọi là thượng khách. Những người bán kem hay sắp xếp chỗ ngồi cho họ trong những chiếc xe hơi Autopia chính là chủ nhà.

Nhiều thuật ngữ được rút ra từ nhà hát. Ngay cả trong những ngày bận rộn nhất, các vị khách chen chúc nhau cũng không tạo thành một đám đông xô bồ, mà là “những khán giả”. Những người soát vé và vận hành trò chơi không phải đang làm việc, mà là đang nhập vai.

Họ chính là những “diễn viên của đoàn phim”, rồi khi muốn tạm lánh để nghỉ ngơi, họ sẽ “rời sân khấu”, thường là vào khu vực “hậu trường”. (Bất kỳ buổi biểu diễn âm nhạc nào có những bản rock ’n’ roll không được hay ho lắm đều nhận được một biệt danh nghe khá tâng bốc: “Nhân tố nổi bật”).

Nhìn chung, toàn bộ công viên là “một chương trình”, trong đó khán giả bước từ “sảnh ngoài” (bãi đậu xe) đi qua bên dưới các đường ray (không có từ ngữ mới nào được gán cho danh pháp ‘đường sắt thế kỷ XIX’), tiến vào Quảng trường Trung tâm (“sảnh trong”), đến “sân khấu trung tâm” (Main Street và các vùng đất).

Việc ví Disneyland như một nhà hát còn có ý nghĩa quan trọng đằng sau, bởi người dẫn chương trình là những diễn viên, đảm nhận một vai diễn kéo dài suốt cả ngày, đòi hỏi sự tử tế, thân thiện, hài hước, quan tâm và vui mừng khi thấy bất kỳ ai trong số hàng nghìn khán giả tham gia vào phần của họ trên sân khấu.

Richard Snow / NXB Thế giới và Alpha Books

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nghe-thuat-dat-ten-o-cong-vien-disneyland-post1178162.html