Nghệ thuật đánh giặc của cha ông ta qua binh thư cổ

Tác phẩm chứa đựng nhiều kinh nghiệm quân sự, cũng như trí tuệ thao lược của ông cha ta, nhưng chưa được nghiên cứu một cách toàn diện, thấu đáo.

Từ xa xưa, giáo dục kiến thức quân sự, quốc phòng luôn là vấn đề quan trọng và bức thiết với bất cứ triều đại nào. Nhằm mục đích phổ biến và nâng cao kiến thức quân sự cho tướng sĩ, ông cha ta đã biết đúc rút những kinh nghiệm quân sự quý báu của các nhà quân sự lỗi lạc trong và ngoài nước, rồi soạn ra những sách, tài liệu có giá trị, phù hợp với đặc điểm tình hình nước ta.

Trong cuốn Tư liệu Hán Nôm Việt Nam về quân sự (NXB Quân đội nhân dân, 2018), đồng tác giả Trịnh Khắc Mạnh và Dương Văn Hoàn (Viện Nghiên cứu Hán Nôm) không chỉ cung cấp những thông tin cơ bản, khái quát về thư tịch Hán Nôm Việt Nam viết về quân sự, mà còn giới thiệu chi tiết tác phẩm Thảo tặc vấn đối quốc âm luận, một tác phẩm chứa đựng nhiều kinh nghiệm quân sự, cũng như trí tuệ thao lược của ông cha ta, nhưng chưa được nghiên cứu một cách toàn diện, thấu đáo.

Khởi nghĩa Lam Sơn. Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV.

Khởi nghĩa Lam Sơn. Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV.

Theo thống kê của bộ Di sản Hán Nôm VN, thư mục đề yếu (đồng tác giả dẫn trong sách), ở kho sách Hán Nôm có 35 văn bản chép có nội dung liên quan đến chủ đề quân sự (phần lớn là chép tay), nhưng thực chất chỉ có 23 tác phẩm (chữ Hán 14 tác phẩm, chữ Nôm 7 tác phẩm, cả chữ Hán và Nôm 2 tác phẩm) có nội dung này (có một vài tác phẩm có nhiều dị bản khác nhau). Trong số 23 tác phẩm này, Thảo tặc vấn đối quốc âm luận (sách chữ Nôm, xen Hán văn, được viết vào khoảng từ nửa cuối thế kỷ 18 đến năm 1844, không ghi người biên soạn) là một tác phẩm có giá trị nhiều mặt. Tác phẩm này không chỉ mang nội dung quân sự, phản ánh đời sống chính trị, xã hội tâm lý con người mà nó còn phần nào chuyển tải khả năng vận dụng, sáng tạo, ngôn ngữ văn tự của nhân dân ta thời đó.

Thảo tặc vấn đối quốc âm luận được viết và trình bày dưới hình thức vấn đối, nội dung bàn về cách thức, phương pháp đánh giặc trong các tình huống, hoàn cảnh, điều kiện khác nhau. Toàn bộ tác phẩm có 71 câu hỏi và phương án trả lời cho từng câu hỏi một. Các câu hỏi và câu trả lời này đều là thành quả của sự đúc rút kinh nghiệm quân sự trong và ngoài nước của ông cha ta, không chỉ là các trước tác mà còn từ thực tế chiến đấu trong lịch sử, từ đặc điểm địa hình của đất nước.

Nội dung quân sự của tác phẩm rất phong phú gần như gồm đủ các vấn đề quân sự cổ trung đại như, tuyển mộ, tổ chức quân ngũ, giáo dục kiến thức quân sự quốc phòng, hậu cần, địch vận, tình báo, do thám. Nhưng nội dung chủ yếu vẫn là các vấn đề về nghệ thuật quân sự, trong đó tập trung và mảng kỹ chiến thuật.

Về thế trận, so sánh tương quan lực lượng, tác giả Trịnh Khắc Mạnh và Dương Văn Hoàn cho biết Thảo tặc vấn đối quốc âm luận đã đưa ra giải pháp cho từng trường hợp:

Nếu tiềm lực quân sự hai bên ngang nhau thường dẫn đến phương thức đấu tranh trực diện, dàn quân đối địch, muốn chiến thắng ngoài việc phòng thủ chặt chẽ, ta còn cần phải lợi dụng lúc kẻ địch sơ hở, tổ chức tấn công bất ngờ, đồng thời kết hợp nghi binh, tạo ra tình huống biến chuyển theo hướng có lợi cho ta. Trong quân sự cổ đó là việc ban đêm bí mật vào cướp doanh, đốt phá doanh lũy giặc, khiến chúng loạn động.

Bìa sách Tư liệu Hán Nôm Việt Nam về quân sự

Khi tiềm lực ta mạnh hơn địch thì kế sách được các tướng soái sử dụng đó là đánh nhanh thắng nhanh, bao vây tiêu diệt, còn kẻ địch thường dựa vào chỗ địa hình hiểm để cố thủ…

Khi tiềm lực thua kém địch thì giải pháp được các soái tướng lựa chọn là phải nhanh chóng rút lui chiến lược, tránh các mũi tiến công của địch, kéo dài chiến tranh, lợi dụng hình thế hiểm yếu để triển khai tác chiến, đẩy mạnh chiến tranh du kích tiêu diệt từng bộ phận sinh lực địch, đợi địch suy sụp, giảm nhuệ khí, tạo ra thay đổi tương quan thế trận, xoay chuyển tình thế, chuyển sang giai đoạn phòng ngự rồi tiến dần tới phản công, sau đó tổng tiến công khi thời cơ chín muồi.

Về chiến lược, Thảo tặc vấn đối quốc âm luận ít bàn, nhưng không phải không nhắc tới. Trong tác phẩm, nội dung chiến lược liên quan chặt chẽ với những nội dung trên, với phương châm bảo đảm chắc thắng trước khi ra trận, phải tính toán kỹ lưỡng mọi khả năng có thể xảy ra, điều này đòi hỏi tài thao lược của người làm tướng cầm quân.

Về quân binh chủng và môi trường địa hình tác chiến thích hợp cho từng loại quân, Thảo tặc vấn đối quốc âm luận đề cập tới 6 loại địa hình, môi trường tác chiến chính và đưa ra các chiến thuật tác chiến thích hợp cho mỗi loại: Đồng bằng thích hợp cho kỵ binh, có tính cơ động, đánh chớp nhoáng. Rừng núi, địa hình thích hợp cho bộ binh đóng doanh trại, đặt phục binh, tiến lui đều thuận lợi. Với địa hình này, cũng cần phải chú ý đến công tác tình báo, đề phòng mai phục hoặc hỏa công. Sông, biển, địa hình thích hợp cho thủy quân hoặc quân hợp chủng. Trong chiến đấu, người ta thường sử dụng các phương tiện, vũ khí như thuyền chiến hạm, cung tên. Để đối phó lại thì dùng thủy lôi, xích sắt, cọc gỗ. Trong tác chiến cần chú ý đến dòng chảy, chiều gió và phải đề phòng hỏa công…

Bên cạnh các nội dung trên, Thảo tặc vấn đối quốc âm luận còn đề cập rất kỹ đến nội dung kỹ chiến thuật như tiến công vây hãm, nghi binh, dụ địch, mai phục, công thành, diệt viện, đóng doanh, lập trại, phòng bị, phá vây, thoát hiểm, hành quân, do thám, hướng đạo…

Ngoài giá trị nội dung, đồng tác giả Trịnh Khắc Mạnh và Dương Văn Hoàn còn phân tích những giá trị nghệ thuật của tác phẩm như hình thức vấn đối (đáp), dùng điển cố, tục tự, cách trình bày nội dung, ngôn ngữ diễn đạt... Đặc biệt, trong sách, còn trình bày phần phiên âm Nôm và dịch các đoạn Hán văn của toàn bộ tác phẩm Tho tặc vấn đối quốc âm luận (71 câu hỏi về cách đánh giặc).

Minh Châu

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/nghe-thuat-kinh-nghiem-danh-giac-cua-cha-ong-ta-qua-binh-thu-co-post1027325.html