Nghệ thuật của Dzung Yoko - mối giao duyên giữa bất biến và vạn biến

Lần đầu gặp Dzung Yoko ở Talkshow của anh ở Hà Nội, tôi đã bị cuốn hút bởi diễn đạt của anh dễ hiểu, trong sáng và chân thành. Art Book Chánh niệm của Dzung Yoko đem lại nhiều cảm xúc và suy tư.

Nghệ thuật của Dzung Yoko thật sự dẫn dắt người xem. Nghệ thuật khiến chúng ta phải suy ngẫm. Ban đầu cầm quyển Art Book tôi chẳng hiểu gì cả, vẫn là mẫu, là hoa, là hình. Đẹp, nhưng để làm gì? Nhưng rồi bỗng dưng tôi hiểu ra: đó chính là Nghệ Thuật.

Trong Chánh niệm của Dzung Yoko, những bông sen thể hiện thuyết luân hồi, của Sinh, Lão, Bệnh, Tử. Hình ảnh hoa sen được thấy rất nhiều trong đền và chùa của Việt Nam. Bông sen từ khi là nụ, đơm bông, kết trái, cho đến khi tàn phai vẫn đẹp. Bông sen cũng như cuộc đời con người. Thiên chúa cũng sử dụng hình ảnh bông sen để thể hiện giáo lý của mình, hình ảnh bông sen chạm đá dưới chân bệ thờ Đức Mẹ Đồng trinh vô nhiễm của nhà thờ đá Phát Diệm có một không hai.

Trong Art Book Chánh niệm ta thấy vạn vật phát triển ra vượt ngoài khuôn mẫu đời thường. Cây cỏ, sinh vật không bị trói buộc bởi bất kỳ hình thù nào đang áp đặt lên chúng.

Tài năng của Dzung Yoko ở chỗ trong tác phẩm của anh là mối giao duyên giữa những tư tưởng triết học bất biến song hành với thời trang vạn biến. Nghệ thuật của Dzung Yoko lấy triết học làm nền tảng để phát triển tư duy thời trang.

Sắc Đỏ tràn đầy cảm xúc của ngày hội với cờ, với pháo, tưng bừng, nhộn nhịp. Sắc Đỏ là tuổi thơ, hồn nhiên và trong trẻo, một tuổi thơ nhớ về những ngày hội cờ hoa, với tình yêu cổ tích mà mẹ dành cho mỗi chúng ta.

Đỏ là Dương, nhưng trong Dương có Âm. Sắc Đỏ của Dzung Yoko đầy ưu tư và ma mị. Tác phẩm của Anh chứa đựng những bí ẩn của phương Đông, của nữ giới, của ngày xưa, rất xưa. Dường như ẩn hiện đâu đó, số phận của các cô gái trong Đèn lồng đỏ treo cao…

Còn Tấm Cám thì sao? Tấm Cám thì liên quan gì đến nghệ thuật, đến thời trang chứ. Thời trang của Dzung Yoko cũng là Cách mạng, cách mạng của bình quyền, là quyết tâm vươn lên của nữ giới, giành lấy vị trí xứng đáng cho mình.

Vẻ đẹp của Tấm Cám trong tác phẩm của Anh cũng là cuộc cách mạng, không phải vẻ đẹp của nhu mỳ, yếu ớt, của “xuất giá tòng phu” nữa, mà vẻ đẹp của thế hệ nữ quyền, hiện đại, sẵn sàng không chịu giống bất kỳ ai. Đó cũng là xu thế thời trang, là trend.

Tác phẩm của Dzung Yoko lúc dịu êm âm thầm, khi dữ dội mãnh liệt. Nếu Tấm Cám được thể hiện như cuộc quyết đấu thì Tiếng tre thì thầm lại dịu dàng êm ái. Tiếng tre thì thầm dạy chúng ta biết lắng nghe và nhận biết cái đẹp. Giữa đời sống xô bồ, hối hả ngược xuôi, những lo toan hàng ngày, bỗng lúc nào đó ta nhận thấy cuộc sống quanh ta đẹp biết bao.

Dũng Yoko khơi dậy vẻ đẹp đó, khơi dậy niềm yêu cuộc sống trong mỗi chúng ta. Hãy lắng nghe Tiếng tre thì thầm, âm thanh mang lại sự tĩnh tại, bình yên. Đó cũng là đốm lửa, là chút nắng vàng soi rọi – niềm tin cuộc sống. Dù có hiểu hay chưa thể hiểu được chiều sâu trong mỗi tác phẩm của Dzung Yoko thì ta phải thừa nhận rằng Dzung Yoko có cái nhìn sâu, rất sâu. Tư duy của Anh, sức sáng tạo của Anh phải chăng đã vượt qua hiểu biết hạn hẹp của chúng ta hay chúng ta đã quá lo toan với đời thường, với những hối hả của cuộc sống để có thể hiểu được những triết lý sâu xa trong mỗi tác phẩm, mỗi art book của Anh.

https://dulich.petrotimes.vn/

T Mai

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/nghe-thuat-cua-dzung-yoko-moi-giao-duyen-giua-bat-bien-va-van-bien-561930.html