Nghệ thuật biểu diễn và công nghiệp văn hóa

Quá trình toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng đã tạo nhiều cơ hội cũng như thuận lợi cho công nghiệp văn hóa nói chung và nghệ thuật biểu diễn nói riêng. Tuy nhiên, theo Giám đốc Nhà hát Vũ kịch Việt Nam Trần Ly Ly, ngành công nghiệp văn hóa của Việt Nam cũng phải đối mặt với những khó khăn thách thức không nhỏ.

Nhiều bộ môn nghệ thuật biểu diễn cần được hỗ trợ để phát triển.

Nhiều bộ môn nghệ thuật biểu diễn cần được hỗ trợ để phát triển.

Nỗi lo nguồn nhân lực

Trong nghệ thuật, “tre già, măng mọc” có vai trò quan trọng không chỉ với bản thân người nghệ sĩ, mà với cả tương lai của một lĩnh vực luôn đòi hỏi sự khắt khe về chuyên môn, kỹ năng và sự kế thừa. Song, nhìn lại có thể thấy, nghệ sĩ trẻ - lớp tiếp nối cho nền nghệ thuật, đang rất thiếu hoặc chưa có nhiều điều kiện để rèn luyện, phát triển và khẳng định tài năng.

Điều dễ nhìn thấy nhất hiện nay là nhiều nghệ sĩ trẻ đời sống còn khó khăn, chưa sống được bằng nghề. Nỗi lo “cơm, áo, gạo, tiền” chưa lúc nào nguôi với họ, nhất là với những người gắn bó với các loại hình nghệ thuật truyền thống như chèo, tuồng, kịch, cải lương… hay nghệ thuật hàn lâm như Opera, giao hưởng, Ballet. Mức lương theo hạng, bậc của nghệ sĩ trẻ đã thấp, nhiều người còn thuộc diện lao động hợp đồng.

Cùng với đó là các khoản bồi dưỡng ngày càng ít đi do đơn vị nghệ thuật bị giảm nguồn thu... Chưa kể các đơn vị phải thu gọn cả về quy mô lẫn nhân sự để đủ kinh phí hoạt động. Những yếu tố này đã tác động trực tiếp đến tư tưởng, tình cảm của nghệ sĩ trẻ và việc giữ chân họ là một bài toán khó đặt ra cho người quản lý đơn vị nghệ thuật.

Đơn cử như các nghệ sĩ của Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam phần lớn được đào tạo chuyên ngành, chuyên nghiệp cơ bản từ nhỏ tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam trong quá trình 15 - 16 năm đối với âm nhạc, 5 - 10 năm đối với Thanh nhạc (98% đạt trình độ Đại học và trên Đại học); Đoàn Vũ kịch, do đặc thù loại hình của Nhà hát là múa Ballet nên các nghệ sỹ được đào tạo hầu hết là 7 năm tại Học viện Múa Việt Nam.

Tuy nhiên, nếu như trước đây, một số nghệ sỹ đã được Nhà hát tạo điều kiện cho đi nước ngoài đào tạo nâng cao trình độ thông qua các chương trình hợp tác văn hóa, nhưng hiện tại, do nguồn tài trợ của các tổ chức nước ngoài cho các dự án đào tạo văn hóa, nghệ thuật, không còn, nên cơ hội được đi đào tạo các khóa ngắn hạn ở nước ngoài đối với diễn viên cũng bị hạn chế rất nhiều.

Bên cạnh đó, về cơ chế tuyển dụng tại Nghị định số 161 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số quy định về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, trình độ tuyển dụng tối thiểu phải tốt nghiệp đại học.

Trong khi đối với diễn viên múa Ballet, chỉ cần mức trung cấp hoặc cao đẳng, nếu để học xong đại học mới tuyển dụng thì thời gian cống hiến sẽ còn rất ít. Việc áp thang bảng lương cho nghệ sĩ, diễn viên nói chung, đặc biệt các nghệ sĩ, diễn viên múa và xiếc nói riêng đang có nhiều bất cập, chưa hợp lý bởi thời gian học tập của họ rất dài (phải học từ nhỏ, học 6 năm, 7 năm, 9 năm tốt nghiệp trung cấp; 3-4 năm tốt nghiệp đại học) nhưng thời gian cống hiến của họ rất ngắn.

Giám đốc Nhà hát Vũ kịch Việt Nam Trần Ly Ly.

“Nút thắt” đãi ngộ

Để có thể đưa ngành nghệ thuật biểu diễn phát triển lên một tầm cao mới, có thể đóng góp vào nguồn thu của nền kinh tế, cần có những giải pháp cụ thể. Ở đó, cần xây dựng các cuộc khảo sát về thực trạng mang tính toàn diện và cụ thể cho từng lĩnh vực để trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp mang tính thực tiễn, hiệu quả hơn.

Bên cạnh đó, cần có sự phát triển đồng bộ từ yếu tố con người đến cơ sở hạ tầng và đặc biệt là các sản phẩm nghệ thuật. Chú trọng hướng phát triển của nghệ thuật biểu diễn để có được một “nền văn hóa đỉnh cao” mà các thành phố lớn trực thuộc Trung ương, trong đó đặc biệt là Hà Nội, cần phải có.

Đó là đỉnh cao về chất lượng nghệ thuật, cơ sở vật chất và trình độ nguồn nhân lực. Tập trung vào một số sản phẩm nghệ thuật dân tộc và hàn lâm. Nên khảo sát thêm về lực lượng, đội ngũ trình diễn để biết nguồn nhân lực này hiện có được bao nhiêu để có sự điều chỉnh lại, đầu tư thêm, cần khai thác nguồn lực một cách hiệu quả.

Các thành phố lớn có nhiều tiềm năng trong việc đầu tư, phát triển ngành nghệ thuật biểu diễn nhưng chưa được khai thác một cách tối đa. Vì vậy, cần có sự chung tay của 3 nhóm yếu tố như ngân sách công, nguồn thu trực tiếp từ show diễn và bảo trợ mới tạo nên được giải pháp lâu dài, bền vững.

Trong những năm gần đây, dù ngân sách nhà nước dành cho lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật đã tăng lên nhưng chưa thể đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của lĩnh vực này. Vì vậy, chúng ta cần có sự chung tay của toàn xã hội trong đầu tư cho văn hóa, nghệ thuật.

Thách thức nằm ở chỗ, nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật khác vẫn chưa thu hút được sự quan tâm đầu tư đầy đủ, nhất là những lĩnh vực bị xem là ít khán giả hay không có nhiều lợi ích cho cá nhân người đầu tư như nghệ thuật truyền thống, nghệ thuật đỉnh cao hay một số các sinh hoạt văn hóa khác.

Đặc biệt, để tháo gỡ những “nút thắt” cần xây dựng lại cơ chế chính sách tuyển dụng. Cụ thể, bổ sung Nghị định số 161 của Chính phủ, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến trình độ của diễn viên Múa, chỉ cần ở mức trung cấp, cao đẳng nhưng lương cơ bản ở mức độ Đại học… Có cơ chế đặc biệt về tuổi nghề cho diễn viên, đặc biệt là diễn viên múa Ballet, diễn viên xiếc...

Minh Quân

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/nghe-thuat-bieu-dien-va-cong-nghiep-van-hoa-5654428.html