Nghệ thuật biểu diễn: Báo động tình trạng xâm hại bản quyền

Theo trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC), tình trạng vi phạm quyền tác giả âm nhạc trong lĩnh vực biểu diễn, tổ chức biểu diễn thời gian qua vẫn còn nhiều vấn đề đáng báo động.

Tình trạng kéo dài

Cụ thể, theo báo cáo của VCPMC trong những năm gần đây, số lượng vụ việc vi phạm quyền tác giả ở lĩnh vực biểu diễn, tổ chức biểu diễn mà Trung tâm phát hiện ghi nhận lên tới 132 chương trình biểu diễn (có bán vé, quảng bá công khai). Con số thống kê nói trên chưa tính đến hàng loạt các chương trình nghệ thuật, sự kiện khác (gồm các chương trình biểu diễn không bán vé, không công khai trên các phương tiện truyền thông) tuy sử dụng tác phẩm âm nhạc để biểu diễn nhưng không thực hiện quy định về quyền tác giả, vẫn diễn ra hàng ngày qua nhiều năm tại các tỉnh, thành phố trên cả nước…, qua đó thấy được thực trạng báo động về xâm phạm quyền tác giả với số lượng vô cùng lớn và đồng thời chưa có cơ chế kiểm soát.

Liveshow “Phù Thổ và 8 nàng tiên” bị tố xâm hại bản quyền.

Liveshow “Phù Thổ và 8 nàng tiên” bị tố xâm hại bản quyền.

Khi phát hiện các trường hợp vi phạm hoặc khi các quyền, các tác phẩm âm nhạc thuộc phạm vi quản lý và bảo vệ của VCPMC có nguy cơ bị xâm phạm, Trung tâm đều đã nỗ lực gửi cảnh báo và đề nghị, yêu cầu trả tiền nhuận bút sử dụng tác phẩm đến các đơn vị tổ chức biểu diễn. Tuy nhiên hầu hết các đơn vị đều tìm cách né tránh, không thực hiện quy định xin phép, trả tiền sử dụng quyền tác giả.
Trước thực trạng trên, VCPMC đã giải quyết bằng biện pháp dân sự, khởi kiện tại Tòa án. Cụ thể thời gian qua, Trung tâm đã tiến hành khởi kiện một số vụ việc xâm phạm quyền tác giả âm nhạc ra Tòa án có thẩm quyền. Tuy nhiên đến nay, quá trình giải quyết không đạt hiệu quả như mong muốn, thời gian kéo dài...

Bên cạnh đó, việc kiểm tra, xử lý vi phạm trên thực tế thời gian qua, theo nhận định của Trung tâm, cũng gặp nhiều khó khăn; số lượng các vụ việc vi phạm xảy ra tràn lan, nhiều đơn vị tổ chức biểu diễn có thái độ thiếu hợp tác, thách thức, dù cơ quan nhà nước mời làm việc nhiều lần cũng không đến, hoặc tìm kiếm lý do để trì hoãn, hoặc có làm việc nhưng không tuân thủ nội dung biên bản làm việc… Tình trạng đó khiến cho việc xử lý vi phạm khó giải quyết dứt điểm hoặc không thể giải quyết, hoặc lại phải chuyển sang giải quyết bằng biện pháp dân sự, tiếp tục kéo dài và bất cập như trên đã phân tích.

Khuyến nghị của quốc tế

Cũng theo báo cáo của VCPMC, thời gian qua, đối với một số chương trình biểu diễn có sử dụng tác phẩm âm nhạc nước ngoài được tổ chức tại Việt Nam, một số tổ chức quản lý bản quyền (CMOs) như SACEM (Pháp), PRS (Anh), GEMA (Đức)… có gửi email đến VCPMC hỏi thông tin. Cụ thể, các đơn vị quan tâm về việc chương trình, bài hát nước ngoài đã được cấp phép sử dụng để biểu diễn hay chưa? Qua xác minh của VCPMC, hầu hết các chương trình mà các CMOs quan tâm, hỏi thông tin nêu trên đều chưa thực hiện xin phép và trả tiền sử dụng quyền tác giả. Mặc dù Trung tâm sau khi xác minh đã liên hệ, gửi văn bản đến đơn vị tổ chức nhằm đề nghị trả tiền, khắc phục, tuy nhiên mọi cố gắng, nỗ lực đều không có kết quả.

Đặc biệt, các đơn vị tổ chức, nơi tổ chức biểu diễn đều tỏ ra thiếu quan tâm, thiếu trách nhiệm để giải quyết những nội dung tồn đọng, thiếu sót này, thậm chí đơn vị tổ chức cũng không có bất cứ phản hồi nào hoặc đẩy trách nhiệm qua một đơn vị khác… Chưa kể đến nhiều trường hợp Trung tâm cũng không thể tìm ra và liên hệ được đơn vị tổ chức. Do đó, hầu hết các buộc biểu diễn mà một số tổ chức nước ngoài hỏi thăm đều không nhận được thông tin hay kết quả tốt đẹp, khả quan. Tương tự các tác giả trong nước, các tác giả của các tác phẩm âm nhạc nước ngoài cũng bị thiệt hại về lợi ích, bản quyền tác phẩm, quyền tác giả bị xâm phạm và không được bảo vệ đúng mức. Điều này có thể tác động đến ấn tượng và đánh giá của nước bạn về một thị trường âm nhạc tại Việt Nam thiếu nghiêm túc, thiếu chuyên nghiệp, thiếu tích cực trong thực thi bản quyền, cũng như ảnh hưởng đến các cam kết song phương giữa Việt Nam với quốc tế, các Điều ước mà Việt Nam đã ký kết.
Cũng theo VCPMC, việc xử lý hành vi xâm phạm quyền tác giả trên thực tế thời gian qua chưa đạt hiệu quả như mong muốn, cũng như chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu bức thiết trong công tác thực thi bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan. Do đó không đủ sức để ngăn chặn, phòng ngừa các hành vi xâm phạm, đặc biệt đối với một loại tài sản trí tuệ hết sức đặc thù, rất dễ bị xâm phạm như tác phẩm âm nhạc nói riêng, tác phẩm văn học – nghệ thuật nói chung.

Theo VCPMC trong khi các quy định về thực thi bảo hộ quyền tác giả theo Luật Sở hữu trí tuệ và các Điều ước quốc tế đã được ban hành khá đầy đủ, tình trạng vi phạm quyền tác giả trong lĩnh vực biểu diễn, tổ chức biểu diễn trên thực tế vẫn diễn ra tràn lan, khó kiểm soát, khó ngăn chặn. Bên cạnh lý do, nguyên nhân từ ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân chưa nghiêm túc, còn phải kể đến sự tác động, ảnh hưởng rất lớn từ một số chính sách pháp luật đầy bất cập, chưa phù hợp với thực tiễn thực thi pháp luật ở Việt Nam trong thời điểm hiện nay, như quy định bãi bỏ điều kiện về quyền tác giả tại hồ sơ, thủ tục cấp giấy phép tổ chức biểu diễn (theo Nghị định số 142/2018/NĐ-CP).

Minh Quân

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/van-hoa/nghe-thuat-bieu-dien-bao-dong-tinh-trang-xam-hai-ban-quyen-tintuc451300