NGHỆ THUẬT BÍCH HỌA VÀ NGUY CƠ 'BỘI THỰC'

Phong trào tình nguyện của đoàn viên, thanh niên, đặc biệt là hoạt động Mùa hè xanh của đông đảo sinh viên trên cả nước đang diễn ra sôi động.

Một trong những nội dung được các bạn trẻ đam mê thực hiện trong phong trào tình nguyện mùa hè này là công tác tuyên truyền, cổ động bằng bích họa. Những ngày này, trên các tuyến đường, hẻm phố ở TP Hồ Chí Minh, sự xuất hiện của những nhóm bạn trẻ mặc áo xanh tình nguyện đã tạo nên khí thế hào hứng, vui tươi, tràn đầy nhiệt huyết của sức trẻ. Hàng loạt những bức vách, tường… cũ kỹ dọc các hẻm phố và nơi công cộng được các bạn trẻ phủ màu sắc, đường nét, mảng khối, tạo nên những bức bích họa đa dạng, muôn màu. Đề tài tuyên truyền được lực lượng tình nguyện thực hiện tập trung vào kêu gọi người dân chung tay bảo vệ môi trường, không xả rác bừa bãi, bảo vệ và chăm sóc trẻ em, thực hiện nếp sống văn minh đô thị…

 Dự án bích họa trên phố Phùng Hưng (Hoàn Kiếm, Hà Nội) bắt đầu được các họa sĩ Hàn Quốc và Việt Nam thực hiện từ ngày 3-11-2017. Ảnh: qdnd.vn

Dự án bích họa trên phố Phùng Hưng (Hoàn Kiếm, Hà Nội) bắt đầu được các họa sĩ Hàn Quốc và Việt Nam thực hiện từ ngày 3-11-2017. Ảnh: qdnd.vn

Bên cạnh những bức tranh đẹp, được thực hiện bởi các nhóm tình nguyện có tay nghề, là sinh viên các trường mỹ thuật, kiến trúc và các họa sĩ, kiến trúc sư trẻ, rất nhiều nơi bích họa có chất lượng kém, xấu về thẩm mỹ, yếu về nội dung, ý tưởng. Đây là sản phẩm của những nhóm tình nguyện không có chuyên môn về mỹ thuật. Thậm chí ở một số nơi, người dân có cảm giác các bức tường đã bị “bôi bẩn”, nhem nhuốc, phi thẩm mỹ…

Bích họa là hình thức vẽ tranh lên các bức tường hoặc không gian nơi công cộng, có diện tích tương đối lớn. Làng bích họa đầu tiên ở Việt Nam được thực hiện từ năm 2016 tại xã miền biển Tam Thanh, TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, do nhóm họa sĩ đến từ Hàn Quốc phối hợp với các tình nguyện viên Việt Nam thực hiện. Sự xuất hiện của làng bích họa với những bức vẽ giàu tính nghệ thuật, có chủ đề, ý tưởng rõ ràng, thu hút khách du lịch khắp nơi tìm đến tham quan. Sau thành công của mô hình này, bích họa trở thành sân chơi của rất nhiều họa sĩ trẻ. Họ tập hợp những người cùng sở thích, sở trường, đam mê, thực hiện những sản phẩm bích họa ở nhiều khu vực trên cả nước. Bích họa ở phố Phùng Hưng, Hà Nội hoàn thiện đầu năm 2018 là một trong những sản phẩm nghệ thuật tạo dấu ấn sâu sắc.

Thời gian gần đây, bích họa bùng phát mạnh mẽ khắp nơi. Hình thức nghệ thuật này không còn là sân chơi riêng của giới hội họa, mà trở thành trào lưu của một bộ phận đông đảo giới trẻ. Sự phát triển bích họa theo kiểu “trăm hoa đua nở” khiến không ít họa sĩ, chuyên gia văn hóa phải lên tiếng rằng, nếu không có sự chấn chỉnh kịp thời, trào lưu bích họa có thể làm “biến dạng” nghệ thuật, nguy cơ hàng loạt khu vực công cộng bị “bôi bẩn”, gây “bội thực” đời sống văn hóa…

Bản chất của nghệ thuật là làm cho hiện thực đẹp lên. Dù vẽ lên tường, trên vách hay bất cứ chất liệu gì, vị trí nào thì bích họa vẫn luôn và mãi là hình thức nghệ thuật đòi hỏi người thực hiện phải có chuyên môn, tay nghề, trình độ thẩm mỹ và một nền tảng văn hóa nhất định. Nó hoàn toàn không phải và không thể là thú vui để thỏa trí tò mò, tâm lý thích thể hiện hay chỉ là tờ giấy nháp cho người học vẽ.

Sự nhiệt tình, nhiệt huyết của một bộ phận đông đảo bạn trẻ và những người thích khám phá là rất đáng trân trọng, nhưng nó phải được thể hiện đúng nơi, đúng chỗ, phù hợp với năng lực, sở trường của bản thân, môi trường văn hóa và lợi ích cộng đồng. Để không làm lụi tàn “lửa” nhiệt huyết của các lực lượng tình nguyện và để bích họa thực sự là sản phẩm nghệ thuật có ích, cần phải phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ, cơ quan quản lý văn hóa các cấp, nhất là ở cơ sở. Ai vẽ? Vẽ ở đâu? Vẽ cái gì? Vẽ để làm gì?... là những câu hỏi cần có sự phối hợp nhịp nhàng giữa cơ quan quản lý văn hóa cơ sở và lực lượng tình nguyện để có câu trả lời thỏa đáng, tránh cho không gian, môi trường văn hóa của người dân bị “bội thực”.

PHAN TÙNG SƠN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/dien-dan-chu-nhat/nghe-thuat-bich-hoa-va-nguy-co-boi-thuc-582930