Nghề 'thổi hồn vào đá' ở Minh Tân

Từ những tảng đá xù xì, những người thợ đã chế tác ra những sản phẩm đá mỹ nghệ độc đáo được khách hàng ưa chuộng.

Cùng với nhiều sản phẩm truyền thống, từ lâu huyện Vĩnh Lộc đã nổi danh bởi nghề chế tác đá mỹ nghệ độc đáo, không thua kém những làng nghề làm đá nổi tiếng khác. Tại các xã Minh Tân, Vĩnh Thịnh, hàng trăm cơ sở chế tác và kinh doanh đá hoạt động hết công suất, trở thành một địa chỉ quen thuộc của nhiều khách hàng.

Là người có hơn 24 năm gắn bó với nghề làm đá, anh Vũ Hoàng Ân (xã Minh Tân) chia sẻ: Nghề này vừa là lao động chân tay vừa lao động nghệ thuật, đòi hỏi người thợ phải có sức khỏe, sự tỉ mẩn và óc sáng tạo mới có thể làm ra những sản phẩm đẹp, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách.

Để làm ra một sản phẩm phải trải qua nhiều công đoạn, từ chọn đá, xẻ tấm theo thiết kế, chạy phào, chạy hoa văn... rồi mới đến công đoạn cuối cùng là chà đánh bóng. Mỗi công đoạn lại có những yêu cầu khác nhau đòi hỏi người thợ phải có sự kết hợp giữa lao động cơ bắp và con mắt nghệ sĩ, bàn tay khéo léo.

Các loại đá thường dùng là đá đen, đá xanh, đá muối trắng, đá vân mây...

Tùy theo từng loại đá cũng như chủng loại, kích cỡ để cơ sở quyết định giá cả cho từng sản phẩm.

Đối với những sản phẩm là đồ tâm linh, người thợ càng cần có trình độ cao

Bên cạnh sức người và phương pháp làm thủ công, hiện nay sự hỗ trợ của máy móc giúp người thợ không còn tốn sức quá nhiều, phần lớn thời gian được dành cho sáng tạo ra các bản vẽ, đục hoa văn...

Những sản phẩm đá được chế tác khá đa dạng như: Bàn ghế, bia, lăng mộ, tượng...

Xã Minh Tân hiện có 124 cơ sở chế tác đá mỹ nghệ, tạo việc làm cho 1.400 lao động với thu nhập từ 6 đến 12 triệu đồng/người/tháng.

Thu Hà

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/ve-voi-xu-thanh/nghe-thoi-hon-vao-da-o-minh-tan/127150.htm