Nghề thợ mộc thời 4.0

Khắc phục những hạn chế trong cách làm thủ công, nhiều cơ sở mộc trên địa bàn tỉnh mạnh dạn áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất bằng các loại máy tiện cơ khí, điều khiển hoàn toàn bằng máy tính, giúp giảm công sức lao động, nhưng lại tăng hiệu quả kinh tế.Qua rồi cái thời người thợ mộc phải suốt ngày cặm cụi đục đẽo, mất rất nhiều thời gian, công sức, nhưng sản phẩm làm ra lại không đẹp, thiếu độ tinh xảo. Để loại bỏ dần những nhược điểm đó, các cơ sở mộc trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn áp dụng hệ thống máy móc vào sản xuất.Một hướng đi mơíCơ sở mộc của anh Bùi Đức Hiệu, ở thôn Hà Nhai, xã Tịnh Hà (Sơn Tịnh) là một trong những nơi tiên phong trong việc áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi được tận mắt chứng kiến những sản phẩm gỗ tinh xảo được làm hoàn toàn bằng các loại máy tiện cơ khí điều khiển bằng máy tính.

Anh Hiệu cho biết, ngày trước vì chưa có máy móc, nên làm thủ công, song bây giờ nhu cầu sử dụng các sản phẩm từ gỗ của người tiêu dùng ngày càng cao, nếu cứ mãi làm thủ công, sẽ không đáp ứng được yêu cầu của khách hàng. Bởi vậy, sau một thời gian tìm tòi, mình biết đến máy điêu khắc gỗ CNC (Computer Numerical Control- máy tiện cơ khí điều khiển bằng máy tính).

Đây là công nghệ tiên tiến nhất hiện nay trong lĩnh vực khắc gỗ nghệ thuật. Khi sử dụng máy, sản phẩm tạo ra đúng với bản vẽ đã thiết kế và dễ dàng tạo ra nhiều sản phẩm.

Nhờ sử dụng máy điêu khắc gỗ CNC, việc tạo ra các họa tiết trên gỗ trở nên dễ dàng hơn.

Cách đây khoảng 5 năm, anh Hiệu quyết định nhập chiếc máy đầu tiên về làm, thấy hiệu quả, anh tiếp tục đặt mua thêm hai chiếc nữa. Để làm chủ được hệ thống máy móc, ngoài sự hỗ trợ của các kỹ sư lắp máy ở Đà Nẵng, Hà Nội, anh còn tự tìm tòi và cập nhật những mẫu mã điêu khắc mới.

Anh Hiệu cho biết, đó thật sự là một cuộc cách mạng nghề mộc. Nó thay đổi hoàn toàn tư duy của người thợ, vốn là những người tài hoa, khéo léo, nhưng cũng phải tâm phục trước sự "điêu luyện" của máy móc và quan trọng hơn là được người tiêu dùng đón nhận.

Xu hướng tất yếu

Hiện trên địa bàn tỉnh có rất nhiều doanh nghiệp, cơ sở mộc áp dụng khoa học công nghệ vào nghề điêu khắc gỗ, mặc dù việc đầu tư hệ thống máy móc này tốn nhiều chi phí. Ông Tôn Long Yên (xã Tịnh Hà), người có hơn 30 năm kinh nghiệm làm mộc cho biết, việc sử dụng máy móc giúp các chi tiết hoa văn làm ra rất tinh xảo, lại rút ngắn được phân nửa thời gian làm ra một sản phẩm mỹ nghệ, nên có rất nhiều đơn hàng.

Tuy nhiên, việc làm chủ những chiếc máy điêu khắc gỗ CNC hiện đại cũng không hề đơn giản, vì vậy, các cơ sở mộc mong được Nhà nước hỗ trợ về mặt kỹ thuật thông qua các lớp học nâng cao, cũng như tạo cầu nối để những người làm nghề này được giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau.

Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh Trịnh Lam cho hay: Ngày càng có nhiều doanh nghiệp, cơ sở mộc đầu tư hệ thống máy tiện cơ khí điều khiển bằng máy tính. Điều đó cho thấy sự nhạy bén trong việc tiếp cận công nghệ để áp dụng vào sản xuất của các cơ sở sản xuất mộc trong tỉnh. Đây là một hướng đi phù hợp với xu thế thị trường, sản phẩm làm ra chất lượng, góp phần tăng tính cạnh tranh, thúc đẩy nghề gỗ mỹ nghệ phát triển theo hướng hiện đại.

Bài, ảnh: NGỌC VIÊN

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/channel/2025/201810/nghe-tho-moc-thoi-40-2914421/