Nghe theo lời đồn đại dùng tỏi đắp gan bàn chân con sẽ khỏi ho, người mẹ khiến trẻ chuốc hậu quả không ngờ

Việc dùng tỏi đập dập cho vào gan bàn chân của trẻ là việc làm nguy hiểm.

Quá nguy hiểm

Thời tiết lạnh dẫn đến nhiều trẻ mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp như: ho, sổ mũi, cảm cúm… Mới đây, một bà mẹ chia sẻ trên mạng xã hội cách nướng củ tỏi đập dập cho vào gan bàn chân khi bé ngủ để chữa ho. Bà mẹ này áp dụng cho con nhưng dẫn đến chân bé bị bỏng, rộp.

Theo Lương Y Bùi Hồng Minh, Hội Đông y quận Ba Đình, trong Đông y, tỏi có vị cay, tính ôn, hơi độc, vào 2 kinh can và vị. Tỏi có tác dụng thanh nhiệt giải độc, sát trùng, chữa băng đới, trùng tích, huyết lỵ, tẩy uế, thông khiếu, tiêu nhọt, hạch ở phổi, tiêu đờm, đầy chướng, đại tiểu tiện khó khăn, tả lỵ... Tỏi có rất nhiều công dụng trong việc chữa bệnh và được ứng dụng khá nhiều trong các bài thuốc cổ phương cũng như các bài thuốc chữa theo kinh nghiệm dân gian.

"Với những trẻ bị ho, sổ mũi do dị ứng mùa lạnh, các mẹ vẫn có thể dùng tỏi hấp cách thủy lấy nước dùng rất tốt. Bài thuốc này chỉ có tác dụng với các trường hợp ho, cảm cúm thông thường. Hiện nay, thời tiết chuyển mùa có rất nhiều dịch bệnh, vì vậy khi trẻ có triệu chứng ho, sốt cao cha mẹ nên cho con đi khám sớm để sớm điều trị. Tuyệt đối không dùng tỏi nướng đắp trực tiếp lên bàn chân trẻ rất nguy hiểm. Do tỏi có tính nóng, trong khi da chân trẻ mỏng, việc làm rất dễ gây bỏng cho trẻ”, Lương Y Bùi Hồng Minh phân tích.

Theo Bác sĩ chuyên khoa nhi Vũ Vân Anh (Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội), thời tiết lạnh là nguyên nhân khiến nhiều trẻ bị ho, viêm mũi... Nhiều bà mẹ sau khi thấy con bị ho không tìm hiểu nguyên nhân mà vội tìm những bài thuốc trên mạng do các mẹ truyền đạt. Việc áp dụng các bài thuốc kể cả với các bài thuốc dân gian, không phải ai cũng chữa được và cần có cơ sở.

Giữ sạch sẽ tai mũi họng

Theo bác sĩ Vũ Vân Anh, ho là phản xạ sinh lý tốt cho cơ thể, vì góp phần tống xuất những chất có hại, đờm, dịch tiết hoặc các vật lạ tại đường hô hấp ra khỏi cơ thể, giúp làm sạch đường thở, giúp nhung mao hô hấp hoạt động tốt hơn. Trong trường hợp này, ho có thể coi như là cơ chế tự bảo vệ của cơ thể đối với các tác nhân có hại từ bên ngoài. Ho chỉ nguy hiểm trong trường hợp có liên quan đến các loại bệnh do virus và vi khuẩn ở cơ quan hô hấp gây ra như: cảm cúm, viên khí phế quản, viêm phổi hay viêm màng phổi... Với những trường hợp này các mẹ nên cho con đi khám.

Việc áp dụng tỏi nướng đắp gan bàn chân cho con rất nguy hiểm, bởi bản chất tỏi rất nóng, trong khi đó gan bàn chân trẻ nhỏ mỏng, việc trị như thế này gây bỏng viêm da và nổi bọng nước tại chỗ nhất là làn da trẻ em, mỏng manh và dễ tổn thương hơn người lớn. Do vậy, các mẹ cẩn thận không tự ý đắp tỏi lên da để trị bệnh cho trẻ.

Để tránh cho trẻ bị ốm trong mùa đông, các mẹ cần giữ vệ sinh sạch sẽ tai mũi họng cho trẻ, khi đi ra ngoài cần giữ ấm cho trẻ.

Tuy nhiên, trong trường hợp trẻ bị ho tím tái ở môi, có tiếng khò khè khó thở cần đưa bé đến ngay bệnh viện hoặc các cơ sở khám chữa bệnh gần nhất.

Nếu trẻ bị ngạt mũi nhẹ, dịch mũi còn lỏng thì có thể lau rửa mũi ngay bằng khăn mềm. Nếu dịch mũi quá nhiều và đặc có thể dùng dụng cụ hút mũi để hút cho trẻ. Tuy nhiên không nên lạm dụng hút mũi vì có thể gây tổn thương niêm mạc mũi.

Phúc Linh

Tags : Từ khóa

Nguồn Em Đẹp: http://emdep.vn/song-khoe/nghe-theo-loi-don-dai-dung-toi-dap-gan-ban-chan-con-se-khoi-ho-nguoi-me-khien-tre-chuoc-hau-qua-khong-ngo-20171201151154294.htm