'Nghề thầy' của nhà giáo Hoàng Đạo Thúy tái xuất sau gần 80 năm

Được xuất bản lần đầu tiên vào năm 1944, gần 80 năm đã trôi qua nhưng cuốn sách Nghề thầy (Nhã Nam và NXB Hội Nhà văn) của tác giả Hoàng Đạo Thúy, dù chỉ là một cuốn sách mỏng, viết dưới dạng những lời tâm sự, chia sẻ về chuyện nghề của một người thầy cả đời tâm huyết với những vấn đề mà tác giả đặt ra, bàn luận cho đến hôm nay vẫn chưa hề cũ, thậm chí là còn rất mới.

Ngay từ 80 năm trước, tác giả Hoàng Đạo Thúy (1900-1994) đã xác định rõ mục đích của giáo dục mà những người làm thầy theo đuổi là “đem lũ trẻ con người ta trao cho, mà rèn giũa sao cho nên người, nên người có hiếu, sau này gây được gia đình bền chặt, người dân tốt giúp được nước, người có tâm với thiên hạ, làm người biết đạo người, sống hợp với lẽ trời đất”.

Từ mục đích đó, ông cho rằng nếu coi việc đi học chỉ là “để học đọc, học viết, học tính, để thi đỗ, để rồi đi làm, thì đủ thứ sung sướng” là “sai lạc cả mục đích giáo dục”.

Sau gần 80 năm ra mắt, cuốn sách "Nghề thầy" của tác giả Hoàng Đạo Thúy vừa trở lại nhận dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11

Sau gần 80 năm ra mắt, cuốn sách "Nghề thầy" của tác giả Hoàng Đạo Thúy vừa trở lại nhận dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11

Trong bối cảnh cuộc tranh luận về triết lý giáo dục ở nước ta vẫn diễn ra lúc ồn ào trên báo chí, lúc lặng lẽ, âm thầm ở nhiều diễn đàn nhỏ khác, chúng ta sẽ thấy quan niệm về mục đích-mục tiêu giáo dục nói trên có ý nghĩa thế nào. Giáo dục suy cho cùng là phải hướng về con người, và làm cho xã hội hiện tại tốt đẹp hơn, từng bước xây dựng nên xã hội tương lai. Nói khác đi, giáo dục là tạo ra con người có khả năng kiến tạo xã hội tốt đẹp hơn.

Hoàng Đạo Thúy ý thức rất rõ về vai trò và sự cần thiết của mối quan hệ hai chiều giữa gia đình và nhà trường, giữa cha mẹ và giáo viên trong việc giáo dục học sinh. Ông đã dành một dung lượng đáng kể cho việc phân tích nội dung này. Theo ông, giáo dục phải bắt đầu từ gia đình, ngay từ khi đứa trẻ còn là bào thai bằng việc thực hiện phép thai giáo. Ông khuyên các bà mẹ khi mang thai nên hướng thiện, biết cân nhắc lời ăn tiếng nói để con có được nhân cách tốt.

Khi trẻ đến tuổi đi học thì sự liên lạc mật thiết, mối quan hệ tôn trọng lẫn nhau và cùng hợp tác vì sự tiến bộ của trẻ giữa gia đình và nhà trường, giữa cha mẹ và giáo viên trở nên rất quan trọng. Ngày nay, trong bối cảnh sự va chạm thậm chí là “đối đầu” giữa phụ huynh với giáo viên, nhà trường đang trở thành một vấn đề lớn của giáo dục trường học ở nước ta, những lời trên hiển nhiên bao hàm nhiều ý nghĩa cho cả hai bên.

Trong cuốn sách của mình, tác giả Hoàng Đạo Thúy nhấn mạnh đến mục tiêu giáo dục toàn diện. Theo ông, nhà giáo dục phải để tâm đến “Đức, Chí, Thể, Trí, Công”. Đặc biệt, trong khi tiến hành giáo dục toàn diện ông đặc biệt coi trọng “Chí”. Người ta đã quá coi trọng việc trẻ có thông minh hay không thông minh, có học giỏi hay không học giỏi mà quên mất phải rèn luyện cho trẻ có “chí”.

Ngoài ra, cuốn sách cũng đưa ra nhiều phương pháp, kinh nghiệm giáo dục giàu tính thực tiễn.

QUỲNH YÊN

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/nghe-thay-cua-nha-giao-hoang-dao-thuy-tai-xuat-sau-gan-80-nam-698550.html