Nghệ sỹ tự do: Trách nhiệm 'biểu diễn nghệ thuật chính trị' như thế nào?

Các chuyên gia pháp luật bày tỏ băn khoăn về trách nhiệm tham gia biểu diễn nghệ thuật phục vụ chính trị của nghệ sĩ tự do.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Góp ý Dự thảo Nghị định quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn, liên quan đến trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động nghệ thuật biểu diễn, nhiều chuyên gia pháp luật cho rằng, cần xem xét, cân nhắc lại một số quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động nghệ thuật biểu diễn.

Điểm b khoản 2 Điều 6 Dự thảo quy định người biểu diễn nghệ thuật, thí sinh thi người đẹp, người mẫu phải “tham gia biểu diễn nghệ thuật phục vụ chính trị và các hoạt động xã hội khác khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu”.

Quy định này được đánh giá là có một số điểm chưa hợp lý. Thứ nhất, liên quan tới các cuộc “biểu diễn nghệ thuật chính trị”, quy định về việc bắt buộc phải tham gia các chương trình này khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với những người biểu diễn nghệ thuật là nhân sự (người lao động thường xuyên) của các đơn vị nghệ thuật sự nghiệp công có thể là hợp lý, nếu đây là trách nhiệm trong hợp đồng lao động của họ, hoặc nhiệm vụ của đơn vị sự nghiệp công mà họ là thành viên. Quy định này cũng có thể là hợp lý đối với các thí sinh đoạt giải trong các cuộc thi người đẹp, người mẫu (nếu đây là trách nhiệm tham gia các chương trình/sự kiện đã được nêu rõ trong quy định của giải thưởng).

Tuy nhiên, đối với những người biểu diễn nghệ thuật khác (ví dụ người biểu diễn tự do, người biểu diễn thuộc các đoàn nghệ thuật tư nhân…) và các thí sinh thi người đẹp, người mẫu (mà không đoạt giải hoặc có đoạt giải nhưng trước đó không có ràng buộc nào về trách nhiệm này) thì yêu cầu này là chưa hợp lý.

Lý do chủ yếu là bởi, về mặt nghĩa vụ với Nhà nước, mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật và chỉ có trách nhiệm bắt buộc đối với các nghĩa vụ công dân cơ bản (ví dụ nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ tham gia bầu cử…). Hơn nữa, về mặt pháp lý, việc tham gia các chương trình nghệ thuật chính trị cũng như các chương trình nghệ thuật khác của các chủ thể tự do (không thuộc các đơn vị Nhà nước) đều được thực hiện trên cơ sở hợp đồng công việc, hợp đồng lao động bình đẳng, tự nguyện được pháp luật bảo vệ.

Thứ hai, liên quan tới “các hoạt động xã hội khác”, thì “các hoạt động xã hội khác” là khái niệm không rõ ràng, có thể bao trùm một phạm vi rất rộng, tức là rất nhiều hoạt động biểu diễn đều có thể được xem là các “hoạt động xã hội”.

Đối với các hoạt động này, Nhà nước càng không thể yêu cầu các chủ thể biểu diễn nghệ thuật, thí sinh các cuộc thi người đẹp, người mẫu phải tham gia các hoạt động này.

Từ các lý do nêu trên, nhiều ý kiến cho rằng Ban soạn thảo Nghị định cần cân nhắc điều chỉnh lại quy định này theo hướng: nghĩa vụ bắt buộc tham gia các chương trình nghệ thuật chính trị khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước chỉ giới hạn ở người biểu diễn nghệ thuật thuộc biên chế của các đơn vị sự nghiệp công trong lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật.

Bách Nguyễn

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/tu-van-365/nghe-sy-tu-do-trach-nhiem-bieu-dien-nghe-thuat-chinh-tri-nhu-the-nao-488994.html