Nghe Suzuki Ryu kể chuyện khi đàn ông… rỉ sét

Ở tuổi 30, ấy thế mà Ryu bảo tôi rằng: 'Em già lắm rồi anh ạ'. Cái 'già' của Ryu được giải nghĩa cụ thể và hình tượng hơn, ấy là sự 'rỉ sét' trong chính bản thân mình. Toàn bộ 'rỉ sét' ấy được Suzuki Ryu biểu đạt bằng ngôn ngữ cơ thể, dài đến hơn 20 phút.

Kết thúc buổi trình diễn tại Nhà hát Tuổi Trẻ tối 7 và 8/12 trong khuôn khổ chương trình múa đương đại J-Dance do Trung tâm Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam giới thiệu, nghệ sĩ múa Suzuki Ryu hào hứng kể: “Đây là lần đầu tôi trình diễn ở Việt Nam, khá hồi hộp vì không hình dung khán giả sẽ đón nhận mình thế nào. Trước lúc diễn, tôi tâm niệm sẽ cố gắng hết sức, vì tuổi tác cao, tác phẩm lại khá dài, nên tôi chỉ mong khán giả nhận ra rằng tôi rất cố gắng để hoàn thành vở diễn này”.

Là tiết mục mở màn cho chương trình J-Dance, Suzuki Ryu thực sự đưa khán giả lạc đắm vào miền cảm xúc của chính bản thân anh, với hành trình tìm lại chính bản tính cơ thể mình khi đã già nua, rỉ sét cả về thể chất lẫn tâm hồn, cùng những giây phút đối diện với chính thân thể vốn là vật chất dễ thay đổi theo thời gian, thông qua ngôn ngữ hình thể là những động tác, chuyển động cơ thể đẹp mắt và ấn tượng.

“Ông già” Ryu trong hành trình tìm kiếm lại chính mình

Trưởng thành từ lò luyện danh tiếng là trường múa ba lê và đương đại Rambert tại Anh, Ryu khởi đầu sự nghiệp trình diễn ở Anh và các nước châu Âu, từng xuất hiện và lưu diễn khắp nước Anh trong vở nhạc kịch do nghệ sĩ Itzik Galili biên đạo là “A Linha Curva”. Sau tốt nghiệp, Ryu trở thành một tên tuổi quen thuộc trong làng múa đương đại tại Anh, gia nhập Nhà hát múa Phượng Hoàng và trở thành diễn viên chính trong các vở kịch múa. Trong lễ khai mạc Thế vận hội Olympic London 2012, Suzuki Ryo được mời tham gia một trích đoạn múa do Akram Khan biên đạo.

Nghệ sĩ trẻ Suzuki Ryu là một tên tuổi trong làng múa đương đại Nhật Bản

Trở về lại Nhật Bản, Ryu tiếp tục công việc biểu diễn, và biên đạo nhiều vở múa đương đại giành các giải thưởng lớn. Gần đây nhất là bộ ba giải thưởng danh giá trong cuộc thi Vũ điệu Yokohama 2017, gồm giải thưởng của Đại sứ quán Pháp dành cho biên đạo trẻ tuổi qua vở múa đơn “Bu”, giải thưởng MASDANZA, giải thưởng Sibiu Liên hoan các Nhà hát quốc tế.

Chuyện gì sẽ diễn ra khi cơ thể bị rỉ sét?

Đến Việt Nam trong chương trình J-Dance, Ryu mang đến tác phẩm Rỉ sét (After Rust). Đây là tác phẩm được Ryu sáng tác từ tháng 4/2018 tại Pháp, chưa từng diễn ở Nhật và Việt Nam là quốc gia thứ 4 được xem vở diễn này. Lý giải cho phóng viên Thế Giới Tiếp Thị Online sự rỉ sét của mình, Ryu bảo: “Bước vào tuổi 30, tôi thấy mình không còn sung mãn như thời đôi mươi nữa, những động tác cần nhanh, mạnh, độ khó cao trước đây có thể làm tốt, bây giờ cảm giác rất khó khăn, vất vả. Tôi thấy sắt thép, ban đầu sáng bóng, đẹp, cứng rắn, nhưng qua thời gian, nó sẽ bị gỉ sét, lụi tàn, giống y như con người vậy”.

Chàng nghệ sĩ vui tính Suzuki Ryu trong chuyến lưu diễn tại Hà Nội

Thế nên trong tác phẩm của Ryu, người xem thấy “bạn diễn” của anh là hàng loạt các thanh sắt và một quả cầu hình lục lăng. Nói về sắp đặt diễn chung với sắt thép, Ryu bảo: “Mỗi khi diễn, tôi rất quan tâm đến việc xây dựng tính mỹ thuật cho tác phẩm, đây là các bước được tôi chuẩn bị kỹ để tạo nên sự tương tác, giúp người xem dễ cảm nhận ý nghĩa tác phẩm hơn”.

Các thanh sắt được sắp đặt khắp sân khấu, mục đích tăng thêm vẻ đẹp và tính mỹ thuật cho vở diễn

Rỉ sét của Ryu là hành trình tìm lại một thời hoàng kim của chính cơ thể mình, thông qua từng động tác hình thể, những uyển chuyển như bay lượn, những trích đoạn lắng đọng, những dồn dập độ khó… tạo nên một tổng thể xuyên suốt, bố cục chặt chẽ, đẹp mượt mà, tinh tế trong cả hình tượng và nội dung. Thật khó để nhận định trong các động tác khó – có cả những bước nhảy của vũ đạo ba lê (nền tảng của các học trò trường múa Rambert) – của Ryu là… già như anh tự nhận định.

Tự cho mình đã “rỉ sét”, “già” với các động tác đều là những nỗ lực vượt thắng bản thân

Tôi thắc mắc thêm cái sự “già” đến độ “rỉ sét” của Ryu, và được nghệ sĩ chia sẻ thêm: “Múa đương đại, đặc biệt là khi sử dụng ngôn ngữ hình thể, đòi hỏi sự luyện tập cao độ, kinh nghiệm và kỹ thuật cũng theo năm tháng tăng dần lên, đó là điều tất yếu. Nhưng tôi là người nhạy cảm, nên cảm giác rất rõ những tín hiệu đang đến của tuổi già qua từng động tác luyện tập hàng ngày, và đó là già, là rỉ sét trong cơ thể”.

Chàng nghệ sĩ vui tính Suzuki Ryu trong chuyến lưu diễn tại Hà Nội

Suốt thời lượng hơn 20 phút cho phần trình diễn múa solo, thật sự không thể gọi là “già” hay “rỉ sét” như Ryu tự nhận định. Khán giả của cả hai đêm diễn chật kín khán phòng ở Nhà hát Tuổi Trẻ, đã có được những giây phút phiêu đúng nghĩa theo các chuyển động đặc biệt của Ryu. Giờ diễn kết thúc khá muộn, nhưng mọi người vẫn nán lại, chờ gặp Ryu để được giao lưu, trò chuyện, chụp hình lưu niệm cùng chàng nghệ sĩ vui tính.

Trước lúc chia tay, tôi hỏi thêm Ryu, rằng nếu đã già và rỉ sét rồi, thế chắc sắp tới ít tham gia trình diễn múa, chỉ giảng dạy và biên đạo thôi, Ryu cười toe: “Tôi luôn coi nghề chính của mình là biên đạo múa, nhưng nhờ tác phẩm Rỉ sét này, nhờ những đêm diễn ở Việt Nam, tôi thấy càng thêm yêu cơ thể mình hơn. Từ sau chuyến lưu diễn này trở về Nhật, tôi thực sự muốn được đi múa nhiều hơn nữa”.

THIÊN AN

Nguồn TGTT: http://thegioitiepthi.vn/p/nghe-suzuki-ryu-ke-chuyen-khi-dan-ong%E2%80%A6-ri-set-20120.html