Nghệ sĩ!

Nghệ sĩ, chỉ những người lao động trong các ngành nghệ thuật. Mà nghệ thuật thì cần đến tài năng để từ đó có thể hướng dẫn, truyền dạy, giáo dục các thế hệ tiếp nối tôn vinh cái đẹp nên 'nghệ sĩ' được kính trọng và tôn vinh.

Nhà nước ta phong danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú, Nghệ sĩ Nhân dân vừa cho thấy sự đánh giá đúng đắn về ngành lao động sáng tạo đặc thù, sự kính trọng, tôn vinh những tài năng nhưng cũng là sự nhắc nhở về trách nhiệm, về sứ mệnh của người nghệ sĩ.

Nghệ sĩ chân chính là sự kết tinh tài năng, trí tuệ, tâm hồn, ước mơ, khát vọng của nhân dân. Người nghệ sĩ trong đời sống thường nhật, hút chất dinh dưỡng văn hóa từ nhân dân để kết trái tác phẩm nghệ thuật. Từ nhân dân mà ra và lao động sáng tạo vì nhân dân, dù là sáng tạo bằng cái tôi của riêng mình thì ở người nghệ sĩ, tư cách công dân vẫn luôn được đặt lên trước tư cách nghệ sĩ. Thiên chức của họ là phục vụ nhân dân bằng thành quả lao động nghệ thuật. Nhìn ở tư cách tác giả, nghệ sĩ là những người tạo ra cái mới, những giá trị nghệ thuật mới. Họ thể hiện quan niệm mới, cách hiểu mới về các hiện tượng đời sống, bày tỏ một lập trường xã hội và công dân nhất định. Những cái mới này phải phù hợp với quy luật tiến bộ xã hội, phù hợp với thị hiếu, lợi ích của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Vì nghệ thuật là sự kết tinh của đời sống nên người nghệ sĩ không hiểu sâu biết rộng về đời sống nhân dân sẽ không thể tạo ra những hình tượng đậm đà chất muối mặn mòi của cuộc đời.

Chân lý nghệ thuật là chân lý về quan hệ. Người nghệ sĩ không có mối quan hệ mật thiết với nhân dân, không vì nhân dân, vì đất nước, vì một quan niệm nhân sinh tiến bộ nâng đỡ con người sẽ không tạo ra những hình tượng mang giá trị nhân bản, nhân văn.

Nghệ thuật là lĩnh vực của tài năng nên phải có năng khiếu và sự cần cù, tâm huyết, say mê. Nhiều nghệ sĩ lớn khẳng định, để làm nên một tài năng nghệ thuật thì cần đến 99% là cần cù và 1% là năng khiếu. Nhưng cũng phải hiểu không có, dù chỉ 1% năng khiếu này sẽ không có tài năng nghệ thuật. Vì thế nghệ thuật luôn là lĩnh vực của sự hiếm hoi. Công tác phát hiện và bồi dưỡng năng khiếu là rất quan trọng và cần thiết, sau đó là việc giáo dục bài học về trách nhiệm nặng nề của người nghệ sĩ với đời sống, về tinh thần lao động nghệ thuật phải vượt qua sự gian nan, khổ công, nhọc nhằn. Thời Phục hưng, để vẽ người cho đúng với tỷ lệ, có họa sĩ hàng đêm phải vào nhà xác mổ các tử thi để tìm hiểu từng đốt xương, cơ…

Nghệ thuật là sự độc đáo, đơn nhất, không lặp lại. Qua sự học tập miệt mài, sự kiên trì rèn luyện nghệ sĩ phải xác lập được cho mình một phong cách riêng. Đóng góp của nghệ sĩ thể hiện rõ ở cái riêng ấy.

Nghệ sĩ rất cần đến bản lĩnh, nhất là ở ngày hôm nay sự tiếp biến văn hóa mạnh mẽ, các luồng tư tưởng tốt xấu, tiến bộ, phản tiến bộ đan xen nhau khó phân biệt. Cụ Cao Bá Quát từng có câu “Nhất sinh đê thủ bái mai hoa” (Một đời cúi đầu vái lạy hoa mai) là thể hiện một bản lĩnh cả đời chỉ biết tôn thờ và phục vụ cái đẹp. Với nghệ sĩ ở thời đại ngày nay thì bản lĩnh chính trị và bản lĩnh nghệ thuật hài hòa, thống nhất cùng hướng về mục đích cái đẹp chung vì con người, vì sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Thước đo tài năng và nhân cách nghệ sĩ là ở tác phẩm. Người nghệ sĩ hạnh phúc nhất là thành quả nghệ thuật của mình được nhân dân thừa nhận, khẳng định.

Vì thế, danh hiệu lớn nhất, đáng tự hào nhất của người nghệ sĩ là nghệ sĩ của nhân dân!

NGUYÊN THANH

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/nghe-si-545796