Nghệ sĩ Võ Trân Châu: Làm nghệ thuật từ sự chân thật

Triển lãm 'Nhặt lá rừng xưa' của nghệ sĩ Võ Trân Châu mở ra không gian cũ với sự tái hiện trên vải hình ảnh Xưởng đóng tàu Ba Son, Thương xá Tax, Hệ thống xe điện Sài Gòn xưa, Trường vẽ Gia Định (TP HCM), Nhà thờ Trà Cổ (Quảng Ninh), 4 nhà máy dệt dọc Việt Nam: Nhà máy Dệt Nam Định, Nhà máy Dệt 8/3, Nhà máy Dệt Phú Phong, Nhà máy Dệt Phú Lâm…

Ý tưởng cho triển lãm “Nhặt lá rừng xưa”, như Châu chia sẻ, bắt đầu từ 2 năm trước, khi các di sản kiến trúc dần bị phá dỡ và biến mất, song song với việc quần áo cũ từ các nước khác bị đưa về Việt Nam: “Từ đó, tôi có ý tưởng sử dụng lại quần áo cũ không thể tái sử dụng được nữa để tái hiện lại hình ảnh những công trình nhà máy dệt thời kỳ đầu của nền công nghiệp dệt may ở Việt Nam, những công trình di sản kiến trúc tiêu biểu hay những ngôi biệt thự cổ, mà nay tất cả chúng đã hoàn toàn bị phá dỡ, biến mất, để thay vào đó là nhà chọc trời hay những khu đô thị mới…”

Để có triển lãm này, Võ Trân Châu làm việc cũng trong 2 năm với quy mô lớn, vì chất liệu thể hiện khá xuyên xuốt hành trình làm nghệ thuật, nên cô không mất nhiều quá thời gian.

Những đồ Châu thu nhặt được, từ cái ghế gỗ, bàn sắt thuốc, khung cửa xưa, quần áo cũ trở thành chất liệu cho triển lãm. Riêng quá trình thu thập quần áo cũ trải qua nhiều công đoạn. Ban đầu, người nhà của Châu kết nối với những đầu nậu thu mua quần áo cũ từ các container. Đó là những bộ quần áo đã bị thải ra, sau khi những bộ quần áo mới hơn được bán lại cho người tiêu dùng với giá rẻ. Như thông thường, số quần áo thải đó sẽ đưa ra ngoài bãi rác, thì Châu mang về nhà. Dì và mẹ của Châu lựa lại vài lần để tìm ra những bộ đồ còn có thể dùng được rồi tặng cho ai có nhu cầu. Số còn lại, Châu giặt giũ cho sạch sẽ rồi cắt nhỏ ra để làm tác phẩm.

“Tôi cố gắng tận dụng tối đa số quần áo vải vóc cũ đó để giảm thiểu số lượng rác thải phải bỏ ra môi trường”- Châu chia sẻ.

Một tác phẩm được thực hiện, sau khi Châu đã tìm hiểu, xem xét thực địa, tìm kiếm tư liệu ảnh cũ trên mạng và quyết định chọn một hình ảnh. Từ bức ảnh này, Châu đưa lên photoshop để cho ra hình ảnh với nhiều pixel nhỏ. Sau đó, cô in ra, đánh số vào từng ô nhỏ theo thứ tự, sắc độ. Màu vải cũng được lựa chọn và đánh số. Rồi ráp những mảnh vải đã được cắt thành ô vuông theo đúng số thứ tự, sao cho khớp với bản đánh số trên giấy:

“Trong quá trình thực hiện tác phẩm, vì là tác phẩm được ghép từ nhiều mảnh nhỏ lại với nhau, và không thể nhận diện trước khi chúng hoàn thành, tôi thường suy nghĩ về tính chất của lịch sử. Lịch sử cũng gần như cách tôi thực hiện tác phẩm, được chắp ghép từ những mảnh ghép vụn vặt và tạo ra những hình ảnh khi rõ khi mờ trong tâm trí người đối diện”.

Việc đến với chất liệu vải cũng theo lẽ tự nhiên, khi tuổi thơ của Châu gắn với các xưởng thủ công của gia gia đình. Vì yêu quý và muốn giữ gìn nghề thủ công truyền thống của Việt Nam, dì của Châu đã lập nên tổ hợp gồm ba xưởng thủ công làm đồ gỗ, gốm, và vải. Các xưởng hiện nay đã gần 25 tuổi và vẫn đang hoạt động.

Châu nhớ lại: “Trong xưởng vải, tất cả sản phẩm đều được làm rất tỉ mỉ và điêu luyện, những bàn tay thợ nhanh thoăn thoắt, những xấp vải đũi dệt thô hay những thớ chỉ tơ óng ả,… tất cả đều làm tôi mê ly. Ở trong đó, bọn tôi làm đồ vải dùng trong gia đình như chăn gối, màn cửa… hay ví, túi xách… rồi trang trí trên đó bằng những nét vẽ, đắp vải hoặc thêu truyền thống. Tất cả đều được làm bằng tay. Tôi nhớ hồi mình còn học phổ thông, đã lân la vào xưởng vải làm những việc vặt vãnh, từ đó, dần trang bị cho mình những hiểu biết về chất liệu cũng như kỹ thuật. Sau này, tôi cũng tập tành vẽ mẫu mã, rồi cứ thế mà gắn bó với xưởng vải suốt tận mười mấy năm”.

“Ngày đi thi Đại học Mỹ thuật, tôi cũng hơi lấy làm lạ khi mình chọn đi một con đường nhỏ mà không một ai trong gia đình họ hàng, kể cả bạn bè, đang theo đuổi cả. Nhưng ngẫm lại một chút, thì hẳn cái gì cũng có lý do của nó, khi những người trong gia đình, họ hàng tôi ít nhiều cũng liên quan đến văn hóa nghệ thuật”.

Châu được mẹ kể lại, ông ngoại có tính cách rất nghệ sĩ. Dù không theo chuyên nghiệp, ông vẫn chơi được đủ thứ nhạc cụ, nhất là violon. Khi rảnh rỗi, ông thường rủ mấy người bạn tụ tập lại lập ban nhạc. Có lẽ vì thế mà máu nghệ sĩ cũng ngấm dần vào con của ông: người làm nhà văn, người làm đạo diễn, thiết kế, điêu khắc... Đến anh em nhà Châu, thì cũng người quay phim, kẻ chụp ảnh, còn Châu thì theo nghệ thuật đương đại: “Xét cho cùng, tôi nghĩ, dòng máu ấy, dù chỉ chảy ngấm ngầm, nhưng như một sợi chỉ đỏ chạy xuyên suốt và đặt nền tảng đầu tiên đưa tôi đến với con đường nghệ thuật”.

Châu cho rằng, cô thật may mắn khi được tiếp cận nghệ thuật đương đại, có những trải nghiệm nghệ thuật cùng với các nghệ sĩ đi trước và được tham gia triển lãm tại các không gian nghệ thuật trong nước, trước khi tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật.

Tác phẩm trong triển lãm “Nhặt lá rừng xưa”.

Tác phẩm trong triển lãm “Nhặt lá rừng xưa”.

“Đó như chiếc đòn bẩy để tôi bắt đầu dấn thân tìm tòi về bản thể của chính mình và tạo đà cho những ý tưởng sáng tạo sau khi tốt nghiệp. Ban đầu, cũng như bao bạn trẻ khác, tôi cũng khá lúng túng trong việc tạo cho mình một hướng đi riêng biệt trước rất nhiều trường phái, cũng như vô vàn thông tin, hình ảnh ấn tượng từ các nghệ sĩ trên khắp thế giới. Cho đến khi tôi nhận ra và quay lại nhìn thật kỹ bên trong mình. Tôi quyết định làm nghệ thuật bằng sự chân thật nhất với chính con người mình. Từ đó, các ý tưởng đến với tôi rất tự nhiên từ những chất liệu, thông tin, hình ảnh trong cuộc sống xung quanh, từ đó, tôi xây dựng, phát triển chúng từng bước một cũng rất tự nhiên, như hơi thở vậy”.

Tác phẩm đầu tiên Võ Trân Châu chính thức ra mắt công chúng là “Thác nước” trong triển lãm “Chị tôi” tại Sàn Art năm 2010. Khi ấy, đang là sinh viên Đại học Mỹ thuật, Châu bất ngờ khi nhận lời đề nghị tham gia triển lãm. Trước đó, cô đang trong tiến trình ban đầu thử nghiệm tương tác với nghệ thuật đương đại và dừng lại ở việc trình bày với nhóm bạn bè, chưa biết cách tạo nên tác phẩm một cách bài bản. Lời mời đó với Châu chính là thử thách, đồng thời cũng là cơ hội giúp cô học thêm kỹ năng để tạo ra tác phẩm chỉnh chu và chuyên nghiệp hơn. “Thác nước” trình bày mô phỏng hình ảnh một thác nước trắng xóa đổ từ trên cao xuống, bằng chỉ cotton được vuốt qua sáp nến. Bên trong “Thác nước” là hình ảnh mờ ảo của những tấm ảnh cũ từ gia đình ngoại của Châu. Tác phẩm được lấy cảm hứng từ chính cuộc đời thăng trầm của mẹ Châu cùng các người em của bà thời son trẻ.

Triển lãm “Sinh ra từ đất”, là một cơ hội khác để Châu học hỏi và rèn luyện bản thân trong bước đường nghệ thuật.

Năm 2011, vừa tốt nghiệp Đại học, hưởng ứng dự tuyển triển lãm nhóm ba người từ Sàn Art, Châu rủ hai người bạn, viết thư ứng tuyển, cùng gặp hội đồng để vấn đáp. Sau khi trúng tuyển Châu và bạn lại tiếp tục viết đơn xin tài trợ từ Quỹ Đan Mạch. Tác phẩm “Cùng một khuôn” là cơ hội để Châu thực hành và tìm hiểu tính chất của các chất liệu trong tự nhiên xung quanh mình: “Tôi đã sử dụng khoảng hơn hai mươi chất liệu khác nhau như: gạo, các loại đậu, chỉ cotton, bút chì, giấy, ngô..., đóng chúng lại từ một chiếc khuôn, như những viên gạch xây nhà và “xây” nên một cái giếng tròn đứng sững giữa không gian. Gợi ý đến cái vòng lẩn quẩn mà con người thường tự “đóng khuôn” mình trong những khuôn khổ nhất định của xã hội”.

Có hai khoảng thời gian mà Châu đã tạm dừng các công việc nghệ thuật, mỗi khoảng kéo dài hai năm vì sinh con. “Lúc đó, tôi nghĩ đơn giản là mình cần dành thời gian để trọn vẹn “nghề” làm mẹ (cười). Mà thật ra nói đó là khoảng nén để ra mắt các sáng tạo sau cũng không sai cho lắm, vì bản chất nghề sáng tạo, tùy vào cơ chế nhanh chậm của mỗi người, nhưng thường phải có những khoảng lặng giữa các sáng tạo hay dự án nghệ thuật. Đó là thời gian cần thiết để đọc sách, nghiên cứu, tìm ý tưởng và cũng là quãng thời gian để cho cảm xúc được đong đầy lại”.

Ngay sau khi buổi khai mạc “Nhặt lá rừng xưa”, hỏi Châu về dự định tác phẩm tiếp theo, cô chia sẻ, chưa thể nói gì chắc chắn trong lúc này dù đang có một vài ý tưởng mà khá tâm đắc: “Tôi cần thêm thời gian để suy nghĩ, thực địa và thể nghiệm chúng trước khi theo đuổi dự án”.

Võ Trân Châu (sinh năm 1986 tại Bình Thuận), tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật TP HCM, hiện đang sống và làm việc tại TPHCM.

Một số chương trình nghệ thuật mà Trân Châu đã tham gia: “Where the Sea Remembers”, The Mistake Room, Los Angeles, Mỹ, 2019; “Unfolding: Fabric of Our Life”, Centre for Heritage, Arts & Textile (CHAT)/MILL6, Hong Kong, 2019; “Người (được) ngắm”, Sàn Art, TP HCM, 2018; “Neo lại kỳ lâu”, Manzi Art Space, Hà Nội & Salon Saigon, TPHCM, 2017; “Tỏa”, Vincom Center for Contemporary Art (VCCA), Hà Nội, 2017; “Sương mù đen”, Nhà Sàn Collective, Hà Nội, 2015; “Chị tôi”, Sàn Art, TP HCM, 2010…

An Vũ

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tinh-hoa-viet/nghe-si-vo-tran-chau-lam-nghe-thuat-tu-su-chan-that-tintuc461202