Nghệ sĩ Việt sáng tác ca khúc tiếng Anh: Bước chập chững ra biển lớn

Ngày càng nhiều ca khúc tiếng Anh do các nghệ sĩ trẻ sáng tác xuất hiện trên thị trường âm nhạc. Họ không chỉ gây bất ngờ về khả năng sáng tác mà còn gây ngạc nhiên cho khán giả khi chính mình sản xuất và thể hiện ca khúc ấy bằng chất giọng chuẩn US-UK (nhạc Âu- Mỹ).

Những cái tên nổi bật trong trào lưu sáng tác ca khúc 100% tiếng Anh là Wren Evans, Mỹ Anh, Minh, Hooligan, Tùng… Họ đều là những nghệ sĩ Việt có tuổi đời rất trẻ, chỉ mới mười tám, đôi mươi, đang chập chững bước vào làng nhạc với làn gió trẻ trung, đầy năng lượng khám phá. Điểm chung của họ đều rất giỏi ngoại ngữ, say mê âm nhạc và dám nghĩ dám làm. Là thế hệ tiếp cận với nhiều dòng nhạc đa dạng trên thế giới khiến mỗi người tự tạo nên cho mình một phong cách riêng không trộn lẫn.

Wren Evans thể hiện cá tính âm nhạc trong MV "Fever".

Mang màu sắc nhạc US-UK đặc trưng có cặp đôi Wren Evans và Mỹ Anh. Wren Evans tên thật là Lê Phan. Ngoài tiếng mẹ đẻ, cậu thông thạo ba thứ tiếng gồm tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha. Ngay từ sản phẩm chào sân, Wren Evans đã "chơi" ngay một bài hát tiếng Anh mang tên "Fever". Ở lần ra mắt này, Evans kết hợp với K-ICM thực hiện MV minh họa cho tâm sự của một chàng trai lỡ rơi vào lưới tình và mất hết cả lý trí. Sản phẩm thứ hai của anh chàng tiếp tục là một bài hát tiếng Anh: "Fashion 3". Tác phẩm mượn thời trang để nói về sự thay đổi chóng mặt của cuộc sống con người. Sản phẩm này gây ngạc nhiên cho nhiều người bởi chất nhạc mới lạ, đậm tính quốc tế. Những thể loại ít xuất hiện ở V-pop như jazz, funk, trap, disco… được anh thử nghiệm mà không hề ngại ngần.

Tương tự bạn trai, Mỹ Anh lộ diện giữa làng nhạc bằng sản phẩm đầu tay có lời 100% Anh ngữ mang tên "Got you". Cô được bố - nhạc sĩ Anh Quân- làm khâu hòa âm phối khí. Riêng phần sản xuất âm nhạc, vạch ra nội dung, chủ đề MV đều do một mình cô đảm nhận. "Got you" tạo nên nét độc đáo, khác lạ giữa làng nhạc Việt bởi âm hưởng nhạc US-UK đậm đặc với dòng R&B thịnh hành. Ngay sau đó, cô tung ra loạt ca khúc tiếng Anh khác như "Pillars"…

Một tên tuổi mới nổi khác là Hooligan. Anh chàng có ca khúc "To the moon" khiến các fan điên đảo. Là một nghệ sĩ trẻ, ít được khán giả biết đến nên khi "To the moon" bắt đầu xuất hiện rầm rộ trên mạng xã hội, công chúng đã lầm tưởng đây là một ca khúc US-UK và càng ngỡ ngàng hơn khi ca sĩ trình bày là người Việt. Thực tế, ca khúc này ra đời dựa trên bài hát "Hàng nghìn kilomet" trước đó của anh. Ca khúc được giới trẻ liên tục cover (hát lại) với nhiều phiên bản mới. Sau "To the moon", Hooligan lần lượt cho ra mắt nhiều "đứa con" mới như "In the rain", "Bài hát cho Darling"...

Cất lời chào khiêm tốn và giản dị đến làng nhạc là Minh và Tùng. Những bài hát tiếng Anh của cả hai đều nhẹ nhàng, chân chất như lời thủ thỉ tâm tình của một người bạn. Minh có "Fake happy", "I should've known", "After party"… Chất giọng chuẩn Anh của Minh được khán giả nhận xét không khác gì người bản địa. Tùng thì có "Luna", "Gummy Bear"... Những câu chuyện, nội dung trong bài hát của Minh và Tùng đều đơn giản nhưng đong đầy triết lý sống. Càng nghe người ta càng thấm và ồ lên thú vị.

Nếu như trước đây, các bài hát tiếng Anh rất khiêm tốn trong thị trường nhạc Việt thì bây giờ nó xuất hiện khá nhiều. Những nghệ sĩ trẻ kiêm luôn cả vai trò sáng tác và thể hiện. Họ giỏi ngoại ngữ nên phần nhiều muốn tìm cách đưa âm nhạc của mình đến gần với khán giả quốc tế. Và tiếng Anh chính là công cụ tuyệt vời nhất. Phải thừa nhận rằng dù nhiều ca khúc tiếng Việt đã được fan quốc tế để mắt đến, thậm chí phát cuồng như "Hãy trao cho anh", "Bùa yêu", "Lạc trôi"… nhưng nhìn chung, ca khúc tiếng Việt vẫn khó tiếp cận tai nghe ngoài biên giới. Việc sáng tác tiếng Anh trở thành nhu cầu bức thiết để nghệ sĩ Việt quảng bá cá tính âm nhạc của mình đến bạn bè năm châu. Mỹ Anh đã rất thành công khi thể hiện loạt đứa con tinh thần của mình khi tham dự lễ hội âm nhạc tại Mỹ.

Dù vậy, vẫn có nghệ sĩ không quan tâm đến việc ca khúc tiếng Anh dễ ra biển lớn hay không. Đơn giản, họ thích sáng tác bằng tiếng Anh khi nó là ngôn ngữ tối ưu để thể hiện điều mình muốn nói. Wren Evans chia sẻ: "Tiếng Anh là ngôn ngữ mà tôi tự tin nhất để thể hiện cảm xúc của bản thân. Với việc hát tiếng Anh, tôi không có mục đích cụ thể là nhắm tới thị trường nào. Tôi quan niệm, lên sân khấu lớn hay nhỏ thì những người ngồi ở dưới nghe tôi hát đều gọi chung là khán giả".

Trong chương trình "Sing my song", hầu như các mùa giải đều bắt gặp bài hát tiếng Anh. Nhạc sĩ Lê Minh Sơn phải thừa nhận, lời viết bằng Anh ngữ dễ để nhạc sĩ đi giai điệu hơn là ca khúc lời Việt bởi tiếng Anh không có dấu như tiếng Việt. Tiếng Việt có dấu nên việc phổ nhạc ít nhiều phải gò theo dấu huyền, dấu sắc, dấu ngã… để bài hát rõ ngữ nghĩa, nếu không sẽ thành kiểu cưỡng âm rất khó chịu. Sự tự do của ca khúc lời Anh khiến giới nhạc sĩ trẻ khá chuộng bởi họ thỏa sức thể hiện cá tính của riêng mình.

Tuy vậy, đời không như là mơ. Thử điểm qua các MV tiếng Anh của những tên tuổi nổi bật kể trên, số lượng lượt xem vẫn còn quá khiêm tốn so với một MV bình thường. Mỗi MV trung bình chỉ vài triệu lượt xem. Ra mắt đã hơn một năm và đầu tư hình ảnh lẫn âm nhạc vô cùng công phu, khác biệt nhưng MV "Fever" của Wren Evans đến nay chỉ vỏn vẹn hai triệu lượt xem. Cùng thời gian, nhưng "Got you" và "Pillars" của Mỹ Anh còn thảm hơn: "Got you" chỉ nửa triệu còn "Pillars" chỉ 300 ngàn lượt. Riêng Tùng, nhắc tới anh, người ta chỉ nhớ ngay đến ca khúc tiếng Việt như "Con dế mèn hát vào mùa hè", "Con chim trên cành hát về tình yêu", "Cái hộc tủ"… chứ không mấy để ý đến những tình khúc Anh ngữ đầy say đắm và lạ lẫm như "Luna", "A sad song", "Gummy Bear".

Nhạc sĩ, ca sĩ Minh nổi tiếng với những ca khúc tiếng Anh tự sự, giàu chiêm nghiệm.

Ở đây xuất hiện hai vấn đề. Dù tiệm cận tư duy âm nhạc thế giới, những khi bước ra biển lớn, giữa hàng tỉ ca khúc tiếng Anh đủ sắc màu thì đương nhiên ca khúc của nghệ sĩ Việt hoàn toàn lép vế với các nghệ sĩ hàng đầu, đặc biệt là nghệ sĩ Âu -Mỹ. Nếu chọn nghe, người ta thường tìm tới những sản phẩm của nghệ sĩ nổi tiếng hơn là gương mặt mới toanh. Thứ hai, quay trở lại thị trường trong nước, ca khúc tiếng Anh trở nên lạc lõng vì nó không dành cho số đông. Chỉ những bạn trẻ giỏi tiếng Anh họ mới nghe thử và ủng hộ. Trong khi con số này không phải là nhiều trong cộng đồng nghe nhạc hiện nay. Cách hát phiêu phiêu và nhanh lướt của ca sĩ khiến một số bài tiếng Anh càng trở nên khó nghe. Nhiều người kêu ca khi nghe "Fashion 3" của Wren Evans, họ không hiểu anh đang hát cái gì.

Đa số khán giả vẫn thích ca khúc dễ nghe, chiều thị hiếu của họ. Hiểu được tâm lý này nên dù rất thích sáng tác hoàn toàn bằng tiếng Anh nhưng sau thất bại của hai ca khúc đầu tay, Wren Evans buộc phải chuyển qua viết lời Việt để quảng bá tên tuổi. Đúng như dự đoán, hai ca khúc tiếng Việt mới nhất của Evans là "Thích em hơi nhiều" và "Gặp may" nhanh chóng lọt vào danh sách các ca khúc được giới trẻ ưa chuộng nhất hiện nay. Sau 10 tháng, "Thích em hơi nhiều" đã chạm mốc 24 triệu lượt xem. Chất giọng lạ, phong cách độc đáo cùng việc sử dụng dòng nhạc ít xuất hiện trên thị trường khiến tên tuổi Evans nhanh chóng nổi như cồn. Mỹ Anh cũng được khán giả để ý nhiều hơn khi cô tham gia chương trình "The Heroes 2021: Thần tượng đối đầu thần tượng" và tung nhiều bản hit tiếng Việt như "Yên".

Có thể coi đây là bước đi tạm thời của họ để duy trì hành trình dài là giong buồm ra biển lớn. Bởi sáng tác ca khúc tiếng Anh sớm muộn gì cũng trở thành điều tất yếu nếu nghệ sĩ nước nhà muốn sánh vai với âm nhạc xứ người. Khi trình độ tiếng Anh của thế hệ mới ngày càng tăng lên, sự giao lưu hội nhập ngày càng cởi mở thì khi đó, trào lưu ca khúc Anh ngữ sẽ có đất sinh sôi nảy nở, khẳng định tiếng nói riêng. Và biết đâu một ngày, ca khúc Anh ngữ do người Việt sáng tác sẽ chễm chệ nằm trên các bảng xếp hạng âm nhạc hàng đầu, hoặc lọt vào giải Grammy, hoặc sẽ được các nghệ sĩ đình đám thế giới thể hiện, quảng bá khắp hành tinh… Hy vọng đó là giấc mộng không xa vời…

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/nghe-si-viet-sang-tac-ca-khuc-tieng-anh-buoc-chap-chung-ra-bien-lon-i651850/