Nghệ sĩ Ưu tú trưởng thành từ kịch hát

Trên sân khấu ca múa nhạc Quảng Ninh, Nghệ sĩ Ưu tú Phạm Hữu Lượng (Đức Lượng) là một giọng kịch hát vào loại của hiếm, một thời vang bóng.

Nghệ sĩ Hữu Lượng (bên trái) trong vai diễn Thạch Sanh năm 1985. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Nghệ sĩ Hữu Lượng (bên trái) trong vai diễn Thạch Sanh năm 1985. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Nghệ sĩ Phạm Hữu Lượng nổi lên từ phong trào nghệ thuật quần chúng tại Nhà máy Điện Uông Bí. Năm 1980, ông chuyển từ sân khấu quần chúng về Đoàn ca múa nhạc Quảng Ninh hoạt động trên sân khấu ca nhạc chuyên nghiệp và trở thành ca sĩ chính của Đoàn.

Năm 1985, Đoàn Ca múa nhạc Quảng Ninh đã đoạt giải đặc biệt tại Hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc được tổ chức lần đầu tiên do Hải Phòng đăng cai. Khi đó, Đoàn Ca múa nhạc Quảng Ninh mang đi 2 chương trình thì Hữu Lượng tham gia cả 2 và đoạt 1 Huy chương Vàng, 1 Huy chương Bạc. Trong đó, với vở kịch hát “Tiếng đàn Thạch Sanh”, nghệ sĩ Phạm Hữu Lượng đã vừa hát, vừa diễn trong suốt hơn 2 tiếng rưỡi và xuất sắc đoạt Huy chương Vàng với vai Thạch Sanh. “Tiếng hát Thạch Sanh”, sáng tác của nhạc sĩ Đức Minh cũng là vở ca kịch đầu tiên của Đoàn Ca múa nhạc Quảng Ninh.

Từ đây, nghệ sĩ Phạm Hữu Lượng trở thành một trong những ca sĩ sáng giá của Đoàn. Từ thế mạnh này, Hữu Lượng cùng Đoàn Ca múa nhạc Quảng Ninh mạnh dạn dàn dựng biểu diễn kịch hát như một hướng đi mới cho sân khấu ca nhạc Quảng Ninh. Tại Hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc năm 1990, ông tiếp tục giành Huy chương Vàng với vai chính trong vở kịch hát “Cô gái hát rong và chàng hoàng tử”. Năm 1995, Phạm Hữu Lượng đoạt Huy chương Bạc hội diễn ca nhạc toàn quốc.

Pano giới thiệu Vở kịch hát "Tiếng đàn Thạch Sanh" của Đoàn Ca múa nhạc Quảng Ninh.

Ông đã có khoảng 10 năm gắn bó và là một trong những ca sĩ, diễn viên chủ chốt của Đoàn Ca múa nhạc Quảng Ninh. Khi còn ở Đoàn Ca múa Nhạc Quảng Ninh, Phạm Hữu Lượng có mặt biểu diễn phục vụ các chiến sĩ, đồng bào các dân tộc vùng biên giới, hải đảo, các chốt, điểm tựa của Quảng Ninh, nhiều tỉnh, thành khác của toàn quốc và biểu diễn giao lưu với tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc).

Suốt quá trình ra đời và hoạt động của mình, Đoàn đã thể hiện tốt vai trò như một đội xung kích phục vụ nhiệm vụ chính trị, có mặt ở những nơi khó khăn gian khổ, biên giới, hải đảo, thậm chí ở tiền tuyến đối diện với cả mất mát hy sinh. Đoàn biểu diễn phục vụ bộ đội trên các chốt, các điểm cao, thậm chí biểu diễn trong tiếng bom rơi, súng nổ. Những ngày tháng ấy để lại cho anh chị em nghệ sĩ diễn viên nhiều kỷ niệm sâu sắc, không thể phai nhòa.

Có những kỷ niệm đi biểu diễn khiến ông không thể nào quên như vào năm 1990 nhân dịp kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh 19/5 (1890-1990), khu di tích tượng đài Bác Hồ trên đảo Cô Tô được tôn tạo, mở rộng và tổ chức đón bằng xếp hạng di tích cấp quốc gia, ông được hát dưới tượng đài Bác Hồ trong niềm xúc động rưng rưng. Đặc biệt hơn cả 2 ca khúc “Người chiến sĩ đứng gác trên đảo Cô Tô” và “Cô Tô nhớ Bác” ông hát đều được nhạc sĩ Đỗ Hòa An, nguyên Phó Trưởng Đoàn Ca múa nhạc Quảng Ninh, khi đó là nhạc công sáng tác và phối khí ngay trên boong tàu trên đường ra Cô Tô.

Kể từ đó cho đến nay, hai ca khúc này đã trở thành bài “tủ” của chiến sĩ trên đảo. Ca khúc “Người chiến sĩ đứng gác trên đảo Cô Tô” giúp ông giành HCV hội diễn ca múa nhạc toàn quân năm 1995 và một thời nó đã được Đài PT-TH Quảng Ninh thu thanh, chọn làm nhạc hiệu của Đài...

Ông Phạm Hữu Lượng ( bên trái) đón nhận danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Sau khi Đoàn Ca múa Nhạc Quảng Ninh giải thể vào năm 1993, nghệ sĩ Phạm Hữu Lượng chuyển sang làm công tác quản lý văn hóa, từng kinh qua nhiều vị trí như: Trưởng phòng Nghiệp vụ (Trung tâm Văn hóa tỉnh), sau là Trưởng phòng Nghiệp vụ Văn hóa và Gia đình (Sở Văn hóa - Thể thao) cho đến lúc nghỉ hưu. Ông đã được tặng Huy chương Vì sự nghiệp Văn hóa thông tin, huy chương vì sự nghiệp VHNT, được UBND tỉnh tặng danh hiệu Nghệ sĩ Vùng mỏ năm 1986, được Chủ tịch Nước tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú vào năm 2016.

Nhạc sĩ Xuân Nhật, Chi hội trưởng Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tại Quảng Ninh, đánh giá: "Phạm Hữu Lượng là nghệ sĩ có giọng nam cao trữ tình, có kỹ thuật thanh nhạc. Đặc biệt, anh được ca sĩ- nhạc sĩ Dương Phú được đào tạo tại Liên Xô cũ truyền dạy bài bản về thanh nhạc. Trong kịch hát Thạch Sanh, tiếng hát của anh mang nhiều âm hưởng dân gian, giọng ca tự nhiên, chân chất cùng kỹ thuật thanh nhạc nên cách hát của anh không căng cứng thiên về kỹ thuật đã đến được với công chúng”.

Phạm Học

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/van-hoa/202002/nghe-si-uu-tu-truong-thanh-tu-kich-hat-2472164/