Nghệ sĩ Ưu tú Lịch Du: Hồng nhan đơn độc

Trong căn phòng đơn khá tiện nghi tại Trung tâm chăm sóc người cao tuổi, bà treo những bức ảnh đẹp nhất của thời tuổi trẻ. Có cháu vẫn chăm sóc bà ở Trung tâm bảo: 'Bà đẹp thế mà không đi làm diễn viên điện ảnh!'. NSƯT Lịch Du chỉ cười, cũng chẳng buồn giải thích vì câu chuyện của bà, tưởng đã lâu lắm rồi.

Cũng dễ hiểu thôi, cuộc đời bà, gắn bó với trung tâm này chục năm có lẻ, biệt lập với cuộc đời. Bạn bè một thuở thì người đã già yếu, người cũng đã về cõi vĩnh hằng, nên không phải ai cũng biết đến một Lịch Du của thời trẻ với những vai diễn hút hồn trên màn ảnh.

1. Bà tên đầy đủ là Đỗ Thị Lịch Du, thuộc lớp diễn viên điện ảnh khóa đầu tiên (1959-1962) của Trường Điện ảnh Việt Nam (nay là Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh). Duyên nợ với điện ảnh đối với bà như là sự sắp đặt của số phận. Trong một lần đang tham gia lớp học kịch thì bà đọc thấy một mẩu báo người ta để quên trên bàn, trong đó có thông báo tuyển diễn viên. Bà nghĩ bụng, cứ đi thi tuyển thử, có mất gì đâu nhỉ?

Và rồi trong đợt thi tuyển ấy, bà đã bị đánh trượt do ngoại hình không ăn ảnh lắm, trán dô, chiều cao khiêm tốn. Nhưng thật may mắn cho bà vì người chụp ảnh đã tư vấn cho ban tuyển sinh rằng Lịch Du có nét duyên riêng mà nếu được đào tạo bài bản sẽ có nhiều triển vọng.

NSƯT Lịch Du thời học Trường Đại học Điện ảnh.

Quả là không phụ công lao của những người đã giúp đỡ, khi vào trường, cả một thời tuổi trẻ, bà dành sức cho điện ảnh. Mặc dù bà luôn tự coi mình số "bất hạnh nhất" vì hơn ba mươi năm hầu như chỉ âm thầm gắn bó với những vai phụ, vai thứ, nhưng điều đó không làm bà than thân trách phận, mà ngược lại, bà càng yêu điện ảnh đến mê muội.

Năm 24 tuổi, bà đóng vai đầu tiên, vợ ông Ruôn, trong phim "Bình minh trên rẻo cao" (năm 1966), của đạo diễn Trần Đắc và Nguyễn Đỗ Ngọc. Đến nay bà đã tham gia đóng hơn 20 phim, hầu hết là các vai bà vợ như vợ Hai Dong trong phim "Không nơi ẩn nấp" (năm 1971) của đạo diễn Phạm Kỳ Nam; vợ Vế trong phim "Vĩ tuyến 17 ngày và đêm" (năm 1972); vợ Voòng Chăn trong phim "Đất mẹ" (năm 1981) của đạo diễn Hải Ninh; mẹ Linh trong phim "Ngọn đèn trong mơ" (1987) của đạo diễn Đỗ Minh Tuấn. Đặc biệt, có một bộ phim duy nhất bà được vào vai chính, đó là vai Luông Chăn trong phim "Hai người mẹ" của đạo diễn Nguyễn Khắc Lợi (năm 1975).

Đây là vai diễn gây được ấn tượng nên trong Hội nghị Tổng kết hằng năm với chuyên đề "Diễn viên và nhân vật", có một đạo diễn đã nhận xét: "Nếu không phải là Lịch Du, mà là một diễn viên tài năng không có bao nhiêu, thì chúng ta không thể có một Luông Chăn như chúng ta thấy trên phim”. Đạo diễn Đỗ Khắc Lợi cũng cho rằng, khó mà quên được đôi mắt của Lịch Du trong vai Luông Chăn. Một người mẹ dịu hiền, kiên cường, bất khuất đã hy sinh cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân Lào. Lịch Du đã có lúc vắt kiệt mình cho vai diễn và bà đã chinh phục được cả những khán giả khó tính nhất!

NSƯT Lịch Du và con gái.

Tôi hỏi NSƯT Lịch Du, rằng bà có cảm thấy tiếc không khi trong suốt thời kỳ làm diễn viên, bà ít có cơ hội vào những vai chính. Mà chắc chắn nếu có thì bà sẽ làm rất tốt. Bà cười bảo, thực ra đúng là đời diễn viên của mình cũng buồn vì thường được giao các vai phụ, ít cảnh, được ít các đạo diễn, quay phim quan tâm nhiều, nhưng bà không bao giờ hối hận vì mình luôn chăm chút, đầu tư cho mỗi vai diễn.

Những vai bà đã đóng, dù là ít cảnh nhưng thường là các vai "độc", cá tính. Đó là những người đàn bà có phẩm chất chịu đựng, cuộc đời là một bi kịch lớn, thoắt buồn, thoắt vui. Có lẽ những vai diễn với thân phận buồn ấy đã ám ảnh bà cho đến tận sau này với một số phận trầy xước và trong tình yêu bà thường phải đón nhận một cái kết đắng đót.

2. Nói đến chuyện tình yêu, đôi mắt sắc sảo của bà rơm rớm nước mắt. Cả một đời yêu dở dang, có "vô thiên lủng" người đàn ông - như lời bà nói, đến với bà, nhưng kết lại, bà có ba mối tình không hôn ước đọng lại trong cuộc đời. Mối tình đầu tiên từ thời bà còn là sinh viên, với một anh lính người Pháp.

Hồi đó, anh chàng đóng một vai trong phim "Chị Tư Hậu" nên thỉnh thoảng xuống Trường Điện ảnh để thỉnh giảng. Rồi họ gặp nhau và bén duyên. Khi anh chàng ngỏ lời, Lịch Du về xin phép gia đình và nhà trường để tính chuyện lâu dài nhưng gia đình phản đối kịch liệt. Cuối cùng, mối tình ấy tan vỡ, đường ai nấy đi. Lịch Du cuốn vào học hành.

Ra trường, bà xin vào Hãng phim truyện Việt Nam và rồi quen biết với ca sĩ Quốc Hương. Họ sống với nhau, có một con gái chung. Nhưng mối tình ấy cũng nửa chừng đứt gánh vì hòa bình lập lại, nghệ sĩ Quốc Hương trở vào miền Nam, bà thì không thể khăn gói theo chồng vì nếu vào Nam thì có nghĩa là phải bỏ nghiệp diễn, bỏ hết mọi thứ thuộc về mình để ở nhà chăm lo cho gia đình.

Những trang nhật ký của NSƯT Lịch Du.

Mà bà thì còn nhiều ước vọng trong sự nghiệp. Bà ở lại Hà Nội, một mình làm việc nuôi con khôn lớn. Những năm sau này khi đất nước chuyển sang cơ chế thị trường, các hãng phim phía Bắc "sống dở, chết dở" nên bà cũng chịu chung số phận. Bà tham gia nhóm lồng tiếng cho phim để đỡ nhớ nghề.

Vào những năm 1990, bà có mối tình sâu đậm với một nhà biên kịch, một nhà văn nổi tiếng lúc bấy giờ. Họ đã khăn gói cùng nhau trốn biệt Hà Nội để vào miền Nam lập nghiệp. Bà dẫn theo con gái cùng người tình sống và viết ở thành phố Hồ Chí Minh. Đây là thời điểm bà viết sung sức và có hai chục kịch bản phim ra đời. Nhưng rồi, mối tình ấy cũng chẳng đâu vào đâu nên họ lại "đường ai nấy đi".

Đến năm 1992, đạo diễn Hoàng Tích Chỉ chọn mấy kịch bản của bà để làm phim, như "Gọi tình yêu quay về", "Tình yêu của tôi, nỗi buồn của tôi". Đặc biệt bà đã rất thành công khi chuyển thể tiểu thuyết "Phố" của nhà văn Chu Lai thành 8 tập kịch bản "Người Hà Nội" được khán giả cả nước đón nhận.

Bữa cơm trưa của bà tại nơi đang sống.

Bây giờ, tất cả những ký ức đẹp đẽ và ngọt ngào, đau đớn và cả dối lừa khép lại cùng một thời tuổi trẻ của bà ở phía sau cánh cổng của Trung tâm Chăm sóc người cao tuổi. Một mình ở trong căn phòng rộng rãi và tiện nghi đủ đầy nơi đây, bà gói ghém tất cả kỷ niệm trong mấy chiếc tủ và hòm sắt. Để đâu ra đấy đủ đầy mọi thứ. Một ngăn là ảnh, một ngăn là thư tình bao nhiêu năm, một ngăn nữa là kịch bản phim... Bà có lẽ cũng là người có nhiều đồ nhất so với các cụ chung cảnh ngộ vì bà chuyển cả nhà vào đây.

Căn nhà ở Hoàng Hoa Thám bà cho thuê, cộng với tiền lương hưu, cũng vừa đủ trả tiền để sống tại nơi này với một chế độ ăn uống, chăm sóc y tế cũng như vật lý trị liệu đầy đủ. Căn phòng sạch sẽ, ấm áp. Bà hằng ngày ngồi đọc báo, xem tivi, và viết hồi ký. Có lẽ vì đọc nhiều và viết đều đặn, nên chữ bà đẹp và văn phong bà bay bổng. Bà cho tôi xem những trang hồi ký, nhật ký đang viết dở, những chuyện đời chuyện nghề được bà trải lòng trên trang giấy...

Những trang viết chủ yếu là chuyện đời buồn của một nữ diễn viên xinh đẹp một thời trên màn ảnh nhỏ: Một trang ghi ngày 24-6-2012 có đoạn viết: "Ai làm cho tôi ra nông nỗi này: Cô đơn giữa con người. Tôi thực sự muốn chấm dứt nỗi cô đơn này quá. Nhưng lực bất tòng tâm. 73 tuổi rồi làm sao lại đi? Thà cô đơn ở nơi đất khách lại là lẽ thường tình, khóc được sẽ vơi bớt đi nỗi buồn. Nhưng sao tôi lại không thể khóc. Nước mắt lại chảy vào trong, ngấm sâu vào từng tế bào...".

Rồi trang viết đề ngày 22-7-2012 lại có đoạn: "Chán ăn, chán ở, chán nhân tình thế thái, chán cả bản thân... Những ngày gần đây tôi đau đớn nhận ra rằng, sai lầm lớn nhất trong cuộc đời mà tôi không thể sửa được, đó là việc cho con gái lấy chồng xa! Khi quyết định cho con định cư ở nước ngoài, tôi không thể hình dung được cuộc sống đơn thân của người già lại khốn khổ như thế này. Nỗi cô đơn đặc quánh triền miên, không có gì có thể lấp đầy nỗi trống vắng. Trước đây tôi chỉ nghĩ, hạnh phúc của con là niềm vui của mẹ. Tôi sống được là nhờ những niềm vui ấy. Khốn nỗi cuộc sống của con cũng đang gặp cơ man nào là khó khăn nhọc nhằn. Đôi khi có những điều muốn than thở với con lại thôi...".

Khép lại những trang nhật ký, tôi lại được đọc những trang thơ tình của bà, những mối tình cả đời không đến bến. Những cuộc yêu và những cuộc hôn nhân chưa một lần khoác lên mình chiếc áo cô dâu, không có lấy một tờ giấy đăng ký kết hôn. Người đến rồi người đi, bà chẳng muốn ràng buộc hay níu kéo. Có lẽ vì thế, mà thơ bà làm cũng đầy nỗi u buồn dù là thơ viết về tình yêu: "Nắng như là/ Nhuộm vàng chiều Đoan Ngọ/ Gió như là/ Ướp hương lan thơm nức/ Em như là/ Nhớ dâng dâng rạo rực/ Anh sao cứ lặng im/ Như là/ Anh chẳng nghĩ tới em/ Chẳng còn gì để nói/ Như là/ Không còn yêu, không nhớ/ Không có ngày nào nữa/ Mình bên nhau, yêu nhau/ Ngoài trời bỗng nổi giông/ Trắng ngần thềm hoa rụng/ Phải không?/ Có lẽ nào.../ Đã hết một mùa yêu!"...

3. Bà là người có lẽ "kỷ lục" ở trung tâm, đến rồi đi. Có lúc muốn thay đổi cuộc sống giữa những người lạ dù là nương tựa vào nhau nhưng trái tim bà đóng băng, không thể mở lòng. Bà ra ngoài, đi thuê trọ khắp nơi, từ phố lớn đến hẻm nhỏ, nhưng rồi lại trở về Trung tâm là an lành nhất.

Được các cháu y tá cận kề chăm lo cho căn bệnh tiền đình, cơm bưng nước rót. Khi không muốn ai làm phiền, bà khép cánh cửa với những ký ức vẹn nguyên trong căn phòng sạch sẽ thoáng đãng của mình để hồi tưởng lại những ngày đã xa.

Bà bảo, tên bà là Lịch Du, nhưng cả đời hầu như chẳng được đi du lịch, cứ quanh quẩn không lối thoát. Đôi khi bà liên tưởng bà như một cây xương rồng giữa sa mạc, khô cằn nước mà vẫn nở hoa, nở hoa rồi thì lại bị gió quật cho tơi tả. Nhưng rồi vẫn cứ bám trụ trên cát để mà sống.

Cuộc đời bà là cả những chuỗi ngày phấn đấu, nỗ lực không ngừng nghỉ để làm việc, để sống cùng những vai diễn. Nhưng cũng như cái kết của những bộ phim ám ảnh vào cuộc đời bà những thân phận nữ buồn, dù kiêu hãnh thì vẫn đơn độc trong kiếp sống nhỏ nhoi giữa cuộc đời ồn ã, xô bồ, không có nổi một tấm chân tình và không có dù chỉ là một người tri âm tri kỷ trong 78 năm cuộc đời và giữa hàng chục vạn con người...

Hà Nội trở lạnh, tôi ngồi cùng bà hơn ba tiếng đồng hồ ở Trung tâm Chăm sóc người cao tuổi, chờ bà ăn hết bữa trưa thơm lừng mùi thịt kho tàu, ăn cùng bà cốc sữa chua bà tự ủ ngọt lừ vị sữa... Ra về, bàn tay bà cầm chặt lấy tay tôi như không muốn rời xa.

Tôi cảm tưởng bà chưa hết chuyện. Bà muốn gửi gắm nhiều điều mà có lẽ bà vẫn giấu kín trong ký ức mình. Ra khỏi Trung tâm trong cái lạnh chuyển mùa, những người già đứng ở hành lang trong chiếc áo ấm đứng nhìn xa xăm. Họ có lẽ cũng đang nghĩ về tuổi trẻ cùng những tháng ngày xa của ký ức giống như NSƯT Lịch Du.

Nhưng thời gian là thứ mà chúng ta không thể cưỡng lại được và cũng sẽ xóa nhòa mọi vết đau để chấp nhận thực tại. Rời khỏi nơi ấy tôi cũng lại trở về thực tại với ồn ã xe cộ trên con đường đê Yên Phụ cạnh sông Hồng hun hút gió. Nhưng ánh mắt và cái níu tay của NSƯT Lịch Du vào giây phút tôi chào bà ra về, cứ ám ảnh tôi mãi...

Trần Hoàng Thiên Kim

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/nghe-si-uu-tu-lich-du-hong-nhan-don-doc-462947/