Nghệ sĩ ưu tú Đức Liên: Tận dụng mạng xã hội để quảng bá tiếng sáo trúc

Những ngày qua, khi nhạc sĩ Phú Quang qua đời, cùng với các bài viết thì nhiều người đã hát những ca khúc gắn liền với tên tuổi người nhạc sĩ tài hoa này. Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Đức Liên đã sử dụng 'ngón nghề' sáo trúc để biểu diễn những bài hát nổi tiếng của nhạc sĩ Phú Quang trên kênh YouTube 'Liên Dương Đỗ' của mình, như: 'Đâu phải bởi mùa thu', 'Biển nỗi nhớ và em'... Tôi cảm nhận trong tiếng sáo điêu luyện ấy là tình cảm, sự yêu mến, ngưỡng mộ và cũng là cách mà ông tưởng nhớ người anh, người bạn quá cố theo cách của riêng mình.

Thực ra, giữa NSƯT Đức Liên và nhạc sĩ Phú Quang có một mối thâm tình mà ông luôn mang ơn suốt đời. Ấy là thời ông công tác tại Đoàn Nghệ thuật Quân khu 2, nhạc sĩ Phú Quang thường xuyên lên chơi, giao lưu với anh em nghệ sĩ trong Đoàn. Trong phút tĩnh lặng của tâm hồn, tác giả "Em ơi Hà Nội phố" đã sáng tác bản nhạc "Những ký họa Tây Bắc".

Đây chính là tác phẩm đem lại thành công đầu tiên cho Đức Liên khi giành đến 2 tấm Huy chương Vàng đầu tiên trong 2 kỳ Hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp các tỉnh miền núi phía Bắc. Và cũng từ đó tên tuổi của Đức Liên trong bộ môn sáo trúc được biết đến nhiều hơn và góp phần đưa ông đến công tác tại Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam từ năm 1990. Môi trường nghệ thuật lớn hơn đã "chắp cánh" cho giấc mơ chinh phục đỉnh cao trong biểu diễn sáo trúc ở người nghệ sĩ xứ Tuyên này.

NSƯT Đức Liên.

Tôi biết đến NSƯT Đức Liên trước khi được gặp ông. Một phần là qua những nghệ sĩ sáo trúc 8X mà tôi quen trong nhiều năm qua, như: NSƯT Hoàng Anh, NSƯT Ngọc Anh hay nghệ sĩ Bùi Công Thơm. Một phần là qua những tác phẩm ông biểu diễn và đưa lên kênh YouTube của mình. Với các nghệ sĩ 8X kể trên thì NSƯT Đức Liên luôn là cây đa, cây đề, là người thầy lớn với tinh thần chịu khó tìm tòi, phát triển để nâng tầm biểu diễn cây sáo trúc Việt Nam.

"Xem NSƯT Đức Liên thổi sáo, người nghe như bị thôi miên, hút hồn, tưởng như mình đang lạc vào khu rừng tràn đầy tiếng gió, tiếng vọng của núi rừng, tiếng hót của các loài chim, tiếng gọi bầy của các loại thú, tiếng thác nước và tiếng suối chảy… Mỗi cây sáo, loại sáo mang đến những âm thanh độc đáo khác nhau làm khán giả càng nghe càng say đắm", nghệ sĩ Bùi Công Thơm (giảng viên sáo trúc, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) cho biết.

Nghệ sĩ Đức Liên là một trong số không nhiều những nghệ sĩ thuộc hàng nghỉ hưu nhưng đã biết tận dụng mạng xã hội để quảng bá tiếng sáo của mình. Dù mới lập từ năm 2016 nhưng kênh YouTube của ông hiện đã sở hữu đến gần một nghìn video là các bài ông thổi cũng như hướng dẫn cách để người xem có thể đến được với bộ môn sáo. Có vào kênh YouTube của ông mới thấy dường như đó là một xã hội thu nhỏ của những người đam mê sáo trúc và khát khao mong muốn được làm điều gì đó cho nhạc cụ này.

Trên kênh của mình, ông đã biểu diễn những ca khúc, những bài dân ca các vùng miền và có thể là những bài hát nước ngoài mà người nghệ sĩ đa tài này dùng cây sáo trúc Việt để thổi hồn vào một cách điêu luyện, tài tình. Nếu để ý trong những comment (bình luận) sau mỗi video thì thấy người xem có đủ mọi thành phần, lứa tuổi. Không khó để bắt gặp những lời tán dương, ca ngợi, thậm chí có những người còn để lại bình luận là chính tiếng sáo ấy đã làm thay đổi cuộc sống của họ, làm họ suy nghĩ tích cực hơn, yêu đời hơn. Và như thế với NSƯT Đức Liên đã là một thành công rất lớn.

NSƯT Đức Liên say sưa bên cây sáo trúc.

Những ngày qua, khi đại dịch COVID-19 hoành hành trên dải đất hình chữ S thân yêu, mọi hoạt động bên ngoài đều bị hạn chế thì với những người yêu nhạc dân tộc sẽ không thể bỏ qua kênh YouTube của ông. Tôi thấy ở video ông thổi bài "Người ơi, người ở đừng về" đạt con số kỷ lục với hơn 700 nghìn lượt xem và hơn 200 comment. Có người để lại comment: "Tiếng sáo có độ rung ngân vang mượt mà rất êm đềm, âm thanh nghe thánh thót réo rắt con tim ngọt ngào khắc sâu vào lòng". Có người lại viết: "Tiếng sáo quá hay, không từ ngữ nào có thể diễn tả được"… Và tôi nhận ra trong vô vàn những comment ấy là nỗi nhớ quê da diết khi mà những người làm ăn/ học tập xa nhà chưa thể về quê do ảnh hưởng của đại dịch. Họ tìm đến kênh của ông như để nương náu tâm hồn, để kiếm tìm ký ức về quê hương với biết bao tình cảm nặng sâu.

NSƯT Đức Liên sinh ra và lớn lên ở huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang, vùng đất có nhiều rừng tre nứa, bạt ngàn, nơi có con sông Gâm bốn mùa trong xanh. Tuổi thơ ấu của ông là những ngày cùng bạn bè dẫn nhau vào rừng tìm kiếm những đoạn nứa, trúc mang về nhà dùng dao nhọn cắt gọt, dùi lỗ trên thân ống, làm thành cây sáo cùng thổi chơi. Tiếng sáo quê hương vi vu đã làm ông say mê từ ngày đó. Lớn lên, ông được về học sáo tại Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam), do các thầy là NSƯT Đinh Thìn, NSƯT Đức Tùy trực tiếp giảng dạy.

Nếu ai có dịp đến nhà NSƯT Đức Liên ở khu tập thể Phương Mai (Hà Nội) sẽ thấy rất ấn tượng với bộ sưu tập hơn 100 cây sáo của hơn 30 dân tộc đã được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam xác nhận là "người có bộ sưu tập sáo nhiều nhất Việt Nam". Trong bộ sưu tập sáo của ông, cây sáo to nhất dài 1m50, đường kính sáo 7cm, cây sáo nhỏ nhất dài 12cm, đường kính 0,4cm. Ông đã sưu tầm được những loại sáo khá độc đáo, như 8 loại sáo Mông, 8 loại sáo Thái và 16 loại sáo Việt; 10 loại khèn Thái và khèn Mông… Để có được bộ sưu tập này, ngoài sự say mê, tâm huyết còn là cái duyên của ông.

"Năm 1981, tôi đến bản Hốc (huyện Mường Lay, tỉnh Lai Châu) tìm gặp được cụ La, người dân tộc Thái. Cụ La là nghệ nhân làm sáo, thổi được nhiều loại sáo và sở hữu cây sáo Pì Thiu lưu truyền đã 80 năm. Tôi đã ở nhà cụ hằng tháng, được cụ dạy cách làm, cách thổi sáo Thái. Hay một lần đến Hà Giang, tôi nhìn thấy cô gái Lô Lô đang thổi cây sáo Ka Lế nhỏ, có âm thanh lạ tai và may mắn là tôi đã được cô gái ấy tặng ngay cây sáo quý hiếm này", nghệ sĩ Đức Liên kể.

Ông cũng đã mang tiếng sáo trúc đến với hơn 60 quốc gia trên thế giới, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam thân thiện, mến khách đến với bạn bè quốc tế. Ông từng giữ chức vụ Trưởng đoàn Nghệ thuật Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, Trưởng ban Quản lý Trung tâm Đào tạo thực hành kỹ năng nghệ thuật biểu diễn (Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam).

Ngoài biểu diễn sáo trúc, ông còn tham gia đào tạo, tập huấn, dàn dựng cho nhiều đoàn nghệ thuật trên cả nước. Đặc biệt, một số học trò của ông như NSƯT Thanh Hương (hiện là Trưởng khoa Nhạc cụ truyền thống, Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội); NSƯT Xuân Chung, NSƯT Văn Ngư (Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam)… đã và đang có đóng góp nhất định trong sự phát triển của nghệ thuật sáo nước nhà.

Có một công việc luôn lôi cuốn nghệ sĩ Đức Liên, đó là sáng tác. Bên cạnh những tác phẩm khí nhạc cho nhạc cụ dân tộc, ông còn sáng tác nhiều ca khúc được sử dụng trong nhiều chương trình nghệ thuật. Nhiều nghệ sĩ vẫn còn nhắc nhớ đến ca khúc "Sóng đàn Thăng Long" (thơ Trần Chính) của ông. Ca khúc đã được ca sĩ Huyền Trang biểu diễn trong Chung kết Sao Mai 2013, ca sĩ Dương Linh Tuyết biểu diễn trong Chung kết Sao Mai 2017. Thăng Long - Hà Nội không là nơi Đức Liên sinh ra nhưng ông đã gắn bó suốt mấy chục năm qua. Công bằng mà nói, chính mảnh đất "rồng cuộn hổ ngồi" đã giúp ông có một sự nghiệp vững chắc trong lòng công chúng. Và ông đã tri ân bằng ca khúc chắt lọc được hồn cốt của mảnh đất này làm nao lòng người nghe.

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/nghe-si-uu-tu-duc-lien-tan-dung-mang-xa-hoi-de-quang-ba-tieng-sao-truc-i640641/