Nghệ sĩ Tú Trinh: Mái ấm gia đình cho tôi nghề hát

Tối 27-10, NS Tú Trinh xuất hiện trong vở cải lương Sông dài do HTV thực hiện. Vai bà Kim Sa nổi tiếng của chị đã để lại nhiều cảm xúc cho khán giả.

NS Tú Trinh trong phim "Người bất tử"

NS Tú Trinh trong phim "Người bất tử"

Đối với giới chuyên môn của sân khấu và điện ảnh, nghệ sĩ Tú Trinh là người sở hữu một chất giọng oanh vàng, lôi cuốn và đặc biệt, tạo nên một sự nghiệp vững vàng trong nhiều lãnh vực của nghệ thuật biểu diễn. Từ nghề chuyển âm lồng tiếng đến sàn diễn cải lương, kịch nói, chị là một tên tuổi có thương hiệu với mọi tầng lớp khán thính giả trong nước.

Sắp tới ca sĩ Lý Hải tiếp tục dành một vai diễn mới thật hay cho nghệ sĩ Tú Trinh sau vai diễn thật ấn tượng trong phim "Lật mặt". Bởi, theo ca sĩ Lý Hải, không ai có thể diễn ra vai này ngoài nghệ sĩ Tú Trinh.

Với bề dày thành công trong sự nghiệp nghệ thuật, chị trở nên quen thuộc với khán giả khắp nơi, đến nỗi ở ngoài đời, chỉ cần nghe tiếng nói từ xa, khán giả đã biết ngay đó là nghệ sĩ Tú Trinh. Giọng nói của chị đã len lỏi từ tận làng quê xa xôi hẻo lánh đến chốn thị thành, từ trong những con hẻm đến những nơi sang trọng. Nghệ danh Tú Trinh do NSND Năm Châu đặt cho khi chị đến với nghệ thuật cải lương (tên thật là Hà Thị Thu Ba, sinh năm 1952, tại Sài Gòn).

Thân phụ của NS Tú Trinh là nhạc sĩ cổ nhạc Chín Trích, ông là một trong "ngũ bá danh cầm" của sân khấu cải lương, lúc đương thời, ông đàn cho đoàn hát của NS Năm Phỉ mà theo lời cố NSND Phùng Há: "Thời đó, tôi đi hát ở đoàn cô Năm Phỉ, nếu không có tiếng đờn cò của anh Chín thì tôi ca không được". Song thân của nghệ sĩ Tú Trinh là người gốc Quảng Ngãi, gặp nhau trong Sài Gòn và thành hôn tại đây, trước khi về Bẩy Sào ở Sóc Trăng lập nghiệp.

NS Tú Trinh và NS Yến Thu

Tú Trinh khởi nghiệp từ ngành cải lương Hồ Quảng, khi còn rất trẻ và chuyên được giao phó những vai... tỳ nữ trong các vở tuồng của đoàn Đồng Âu Minh Tơ, trong khi những đào kép chính thời đó là là nghệ sĩ Bo Bo Hoàng, Bạch Liên, Thanh Thế, Bạch Lê...

Thời gian này chị theo học tiểu học ở trường Cầu Kho, đường Trần Hưng Đạo; sau đó theo học cải lương tại trường Quốc Gia Âm nhạc Kịch Nghệ Sài Gòn (nay là Nhạc viện TP HCM). Lúc đó, được gia đình động viên, dù chưa đủ tuổi nhưng chị vẫn xin học dự thính. Ba năm sau, chị được thi lên lớp trung đẳng sau khi đậu hạng nhất với nét diễn xuất rất linh hoạt. Chị theo học tại đây đến hết năm cao đẳng, nhưng vì gia đình quá nghèo nên không thể tiếp tục học.

Chị được giới thiệu đi làm nghề chuyển âm cho những phim Ấn Độ và Trung Quốc. Nhờ vào công việc này, chị đã có được vốn sống về nghệ thuật và nỗ lực rèn luyện giọng nói của mình. Và mái ấm gia đình chính là chiếc gương soi, giúp chị điều chỉnh và khắc phục những khó khăn trong nghề.

Chị tâm sự: "Bất cứ diễn viên nào về kịch hay điện ảnh, người diễn viên lồng tiếng cũng cần phải nhập với vai trò được thể hiện bằng giọng nói của mình. Khi so sánh về sự nhập vai giữa diễn viên kịch nói và diễn viên lồng tiếng, tôi thường đưa ra nhận xét diễn viên lồng tiếng khó hơn vì trên sân khấu có quá trình, có thời gian để cho mình chuẩn bị vào vai. Còn phim thì không!. Nhiều tập phim không phải làm từ đầu tới cuối. Chia tập ra làm mà nếu không hiểu tính cách nhân vật sẽ làm hư vai diễn đó".

Là một nghệ sĩ cổ nhạc có tiếng, thân phụ Tú Trinh đã biến căn nhà nhỏ bé của mình thành một nơi tập dượt cho ban cải lương Bích Thuận, vào lúc Tú Trinh lên 14, 15 sau khi đã làm diễn viên chuyển âm được một thời gian. Có thể một phần lớn do ông rất thích chị theo ngành cải lương, nhưng Tú Trinh tự nhận thấy mình không có hơi ca.

Vì thiếu một vai cho một vở cải lương, NS Tú Trinh được nghệ sĩ Bích Thuận gọi vào thay thế trong vai một cô bé mù. Sau đó chị được mời cộng tác của hầu hết những ban kịch nổi tiếng như: Vũ Đức Duy, Sống, Thẩm Thúy Hằng, Kim Cương... Thế là Tú Trinh bước chân vào lãnh vực kịch nói từ đó. Ngoài ra, chị thỉnh thoảng còn xuất hiện trên sân khấu Đại Nhạc hội. Sau này chị gắn bó với sân khấu kịch IDECAF và sân khấu Vàng của NSUT Minh Vương, Lệ Thủy. Chị đã tạo cảm xúc qua nhiều vai diễn trong các vở: "Tô Ánh Nguyệt", "Tình mẫu tử"….

NS Tú Trinh, Mỹ Chi và Kiều Phượng Loan đến thăm người già tàn tật tại Trung tâm Thạnh Lộc.

Về gia đình, chị tâm sự: "Năm 1979, tôi lập gia đình với nhạc sĩ Cao Phi Long khi cùng cộng tác với đoàn Kim Cương, có với nhau một con gái tên Khánh Hà. Hiện nay, tôi dành hết tình thương cho đứa cháu ngoại. Tôi luôn cảm thấy hạnh phúc khi nghĩ về mái ấm gia đình, vì nhờ có sự nghèo khó của gia đình mà tôi đã mạnh dạn đến với nghệ thuật".

Nghệ nhân Chín Trích qua đời vào tháng 10 năm 1975, thọ 59 tuổi. NS Tú Trinh là con của người vợ thứ 3 của ông. Trong gia đình có tất cả 9 người con mà chị là người con thứ nhì nối nghiệp cha làm nghệ thuật. "Cha tôi là niềm tự hào của cả gia đình. Cho đến hôm nay, mỗi lần nghe tiếng đờn cò hoặc đi ngang Nhạc viện TP HCM, tôi lại nhớ về cha mình. Tiếng đờn của ông đã cho tôi một trời tuổi thơ đầy ký ức đẹp, mơ ước được đắm mình trong không gian nghệ thuật và tiếng đờn đã dìu tôi vào nghề diễn viên cho đến ngày hôm nay" – nghệ sĩ Tú Trinh nói về cha mình.

Bài và ảnh: Thanh Hiệp

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/van-nghe/nghe-si-tu-trinh-mai-am-gia-dinh-cho-toi-nghe-hat-2018102809342273.htm