Nghệ sĩ Thanh Hoàng đã lìa cõi tình

Trong những ngày này, bài viết về NSƯT Thanh Hoàng tràn ngập các tờ báo giấy, báo điện tử và những trang mạng xã hội.

NSƯT Thanh Hoàng thay NSƯT Thành Lộc trong vai ông Tư (vở 'Dạ cổ hoài lang') cùng với NSƯT Việt Anh vai ông Năm - Ảnh: H.K

[VIDEO] Nghệ sĩ thanh hoàng qua đời ở tuổi 55

Anh ra đi để lại bao tiếc thương và kỷ niệm. Tôi cũng không muốn nhắc lại những “thành tích” của anh trong nghệ thuật nữa, vì chỉ cần gõ google là tràn ngập, tôi chỉ bâng khuâng những cảm xúc rất riêng về một con người mà tôi quen biết xấp xỉ 20 năm, trong tình cảm báo chí còn có tình bạn nữa.

NSƯT Thanh Hoàng và NSƯT Mỹ Uyên trong vở Cõi tình - Ảnh: H.K

Từ ngày Dạ cổ hoài lang ra mắt, tôi đã quen biết Thanh Hoàng. Từ đó trở đi, viết về anh và tác phẩm của anh rất nhiều bài, không còn nhớ nổi. Cho đến khi kỷ niệm 20 năm Dạ cổ hoài lang, tôi lại làm một “tâm tình” trên tờ Thanh Niên tuần san chiếm hai trang thật lớn và in thật đẹp, khiến Thanh Hoàng sung sướng. Anh không phải mê danh tiếng gì nữa, nhưng với anh đó là một dấu son tuyệt đẹp, như một mối tình thanh mai trúc mã dắt anh vào nghề khi tuổi đời còn rất thanh xuân và tạo đà cho anh phấn khởi bước tiếp trên sàn diễn lấp lánh đèn màu. Tình đẹp quá, nên nâng niu vậy thôi. Chứ sau Dạ cổ hoài lang anh còn rất nhiều vai hay, vở hay. Nếu Thanh Hoàng chỉ dừng lại ở Dạ cổ hoài lang thì chắc mọi người cũng không tâm phục khẩu phục gọi anh là “tài năng” của sân khấu.

Tôi nhắc đến hai chữ “cõi tình” bởi đúng sân khấu là “cõi tình” của anh, và cũng đúng có một vở kịch độc đáo mang tên Cõi tình mà Thanh Hoàng và Mỹ Uyên kéo người ta đi suốt một tiếng rưỡi đồng hồ. Chỉ hai nhân vật thôi, trừ NSƯT Công Ninh có xuất hiện một chút xíu, mà làm rung động khán giả, chạm vào lương tri con người bởi sự giả dối ẩn núp khéo léo trong lớp vỏ trí thức, lớp vỏ tình yêu, lớp vỏ hi sinh. Tôi muốn nhắc đi nhắc lại hai chữ “lớp vỏ” bởi đó chính là cái mà kịch bản muốn lột trần ra giữa cuộc đời này, dù rất khó khăn. Khó khăn cho cả hai nghệ sĩ ưu tú Mỹ Uyên và Thanh Hoàng. Họ không được diễn lộ ra quá sớm, cũng không được lên gân, gây sốc gì hết. Họ cứ phải nhẹ nhàng, từ từ, khéo léo, lột dần lột dần những sợi tơ tâm lý mỏng manh, những góc khuất đen tối trong tâm can con người. Chỉ cần một chút over là thành kiểu bi kịch mê-lô ngay. Diễn thật sang trọng, thật tinh tế, trên một nền sân khấu giản đơn không nhiều chi tiết, không nhiều màu sắc, không nhiều ánh sáng. Kiểu kịch như thế ngoại trừ nghệ sĩ thật giỏi, nếu không khán giả sẽ đứng dậy bỏ về sau chừng 30 phút. Vậy mà vở Cõi tình diễn đi diễn lại suốt 5-6 năm, cứ lai rai lai rai mà bán vé. Đủ hiểu Thanh Hoàng và Mỹ Uyên đã lao vào chỗ khó và bật lên như thế nào, và cũng đủ hiểu một thời chúng ta có những khán giả lý tưởng như thế nào. Thanh Hoàng từng nói: “Đó là thời kỳ đẹp nhất của 5B và đẹp nhất trong đời tôi”. Thanh Hoàng đã có một “cõi tình” thênh thang và đầy hoa thơm cỏ lạ với sàn diễn và màn ảnh nhỏ, mà anh đã yêu và cống hiến cho tới tận lúc ngã bệnh.

NSƯT Thanh Hoàng, NSƯT Tuyết Thu (trái) và Tuyết Mai trong vở kịch Đôi bờ rất sâu sắc của soạn giả Lê Duy Hạnh - Ảnh: H.K

Nhưng mấy năm trước tôi thật sự không biết tin anh bệnh, vì lúc đó tin tức chưa được loan rộng, mà anh thì giấu kín lắm. Có lần gặp anh ở 5B, tôi buột miệng: “Trời, sao ông ốm dữ vậy?”. Thanh Hoàng cười: “Cho nó nhẹ dễ bay bà ơi!”. Thỉnh thoảng chúng tôi vẫn xưng hô một cách thân tình như thế, vì anh chỉ nhỏ hơn tôi có 1 tuổi. Cho nên tôi cứ tưởng anh hài hước như mọi khi. Mà anh hài lắm luôn. Nhìn anh trong dáng vẻ giám đốc thì thấy rất chững chạc, thậm chí lúc xin nghỉ chức giám đốc anh vẫn còn vẻ chững chạc cố hữu, nhưng thử ngồi với nhau một hồi xem, anh thả thoại tỉnh queo mà cả đám bạn cười đã đời. Tôi nhớ có lần chuyện phiếm vụ gì đó mà chúng tôi phải hùn nhau tạo ra một nhân vật, mỗi người đắp vô một chút về tính cách, về ăn nói, anh bật một câu: “Cô này lẳng lơ trong vòng lễ giáo nghen!”. Cả đám cười ha ha. Lẳng lơ mà trong vòng lễ giáo nữa trời! Ok, ok, vậy đi. Sau, lâu lâu gặp lại, tôi đùa: “Ông Hoàng còn lẳng lơ trong vòng lễ giáo không?”. Anh cười: “Tui có lễ giáo miếng nào đâu!”.

Nói vậy chứ Thanh Hoàng là người nổi tiếng nghiêm túc trong chuyện tình cảm, trong cư xử với mọi người. Anh không gây tai tiếng, cũng ít mích lòng ai. Có lần tôi nói: “Anh Hoàng nè, anh giống một ông thầy giáo hơn là một nghệ sĩ, nhìn cứ mô phạm thế nào ấy. Tôi viết bài về anh mà kiếm cho ra khuyết điểm cũng hơi khó. Tất nhiên tôi nói khuyết điểm lớn, chứ những cái nhỏ nhỏ thì không tính. Hỏi thiệt nha, anh tự cảm thấy anh có khuyết điểm gì?”. Thanh Hoàng trầm ngâm: “Tôi tự kiểm điểm bản thân thì dường như tôi chưa "cháy" hết mình. Tôi yêu mọi người, yêu công việc, nhưng nói "cháy" hết mình thì tôi chưa đạt tới. Tôi chỉ làm hết sức thôi, chứ vẫn còn cái gì đó giữ tôi lại ở sự chừng mực. Chắc trời sanh mình ra vậy”. Đúng là anh rất chừng mực. Sự chừng mực đó là điểm tốt để anh cân bằng giữa sóng gió, giữa thị phi, giữa khó khăn, bệnh tật, nhưng cũng là hạn chế để đôi khi có những vai diễn mà người ta thèm anh “phiêu” hơn tí nữa, "cháy" hơn tí nữa. Mà thôi, chúng ta chấp nhận con người như họ đang là, chấp nhận một Thanh Hoàng như thế đã đủ dễ thương, đã đủ nể phục rồi.

Hoàng Kim

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/van-hoa/nghe-si-thanh-hoang-da-lia-coi-tinh-987455.html