Nghệ sĩ sân khấu thời Covid: Mong được cống hiến… mệt nhoài

Đang hăm hở, háo hức chuẩn bị nhiều vở diễn mới để bước vào vụ diễn - Tết Thiếu nhi và suốt mùa hè thì dịch Covid-19 bùng phát trở lại khiến các nhà hát không thể tổ chức biểu diễn.

Dù đành phải ngậm ngùi gác lại niềm háo hức nhưng nghệ sĩ sân khấu nước nhà vẫn không thôi mong chờ đến ngày lại được cháy hết mình cho nghệ thuật đến… mệt nhoài như… năm xưa!

Từ ăm ắp kế hoạch

Mới đây, một cuộc tọa đàm trực tuyến Tìm giải pháp kéo khán giả đến với sân khấu sau dịch Covid-19 đã được Câu lạc bộ Nhà báo Sân khấu – Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tổ chức.

Nếu như ngoài kia, vào giờ tan tầm đường phố Hà Nội trở nên thông thoáng, tĩnh lặng chứ không ồn ào, tắc nghẽn như thường ngày thì ở cuộc tọa đàm này lại nóng hổi từng giây, từng phút bởi nỗi niềm của “thuyền trưởng” các đơn vị sân khấu Trung ương (chèo, tuồng, cải lương, kịch nói, xiếc) vì bế tắc “đầu ra” cho tác phẩm thời dịch Covid bùng phát trở lại.

Không nỗi niềm sao được khi hàng loạt chương trình, vở diễn đang nao nức chuẩn bị cho mùa diễn Tết Thiếu nhi 1/6 - một vụ chính của sân khấu phía Bắc trong năm để sau đó là các sự kiện, chương trình biểu diễn dịp hè được tiếp nối phải tạm dừng biểu diễn.

Đó là, Liên đoàn Xiếc Việt Nam chưa kịp ra mắt chương trình xiếc thú là những vật nuôi như lợn, trâu, mèo, ngựa, vẹt, dê; chưa kịp sơ duyệt vở diễn “Biệt đội anh hùng” - một vở kịch xiếc đầy hấp dẫn khi gắn kết câu chuyện phiêu lưu cùng những trò diễn sôi động mà ở đỉnh cao của nghệ thuật xiếc như: Thăng bằng trên cao, đu bay, tung hứng, đế kiếm…

Theo đạo diễn, NSND Tống Toàn Thắng – Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam, vì dịch Covid-19 mà đến tận cuối tháng 3 liên đoàn mới biểu diễn khai xuân.

Nhưng ngay sau đó, liên đoàn đã gấp rút tổ chức thành công cuộc thi tài năng xiếc toàn quốc; lên kế hoạch đưa nhà bạt vào Đà Nẵng biểu diễn dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5; tập các chương trình mới để chào đón khán giả trong dịp Tết Thiếu nhi và hè...

Bên Nhà hát Múa rối Việt Nam, cả tháng quá các nghệ sĩ tất bật tập luyện vở mới “Chiếc rìu vàng” với mong muốn dành tặng cho khán giả nhí món quà đặc biệt ý nghĩa. Cũng bởi đây là vở diễn nổi tiếng của nhà hát trong cuối những năm 80, đầu những năm 90 của thế kỷ trước.

Ở phiên bản mới này, thế hệ nghệ sĩ hôm nay của nhà hát sẽ làm mới vở diễn khi kết hợp rối nước với rối cạn và không quên biên tập nội dung vừa gọn ghẽ vừa thời sự, dàn dựng bằng ngôn ngữ hiện đại, tươi mới.

Trong khi đó, dịp Tết Thiếu nhi và mùa hè năm nay, Nhà hát Tuổi trẻ đã chuẩn bị hai vở nhạc kịch: “Bầy chim thiên nga” và “Cuộc chiến virus” để chào đón thiếu nhi.

Nếu như vở nhạc kịch “Bầy chim thiên nga” sẽ đưa các em trở về thế giới cổ tích lung linh mà ấm áp, xúc động của đại văn hào Andersen để được gặp lại công chúa Lido xinh đẹp ngày ngày dệt áo tầm gai cứu các anh trai bị mụ hoàng hậu độc ác biến thành thiên nga thì vở nhạc kịch “Cuộc chiến virus” lại dẫn dắt các em tham gia cùng những bạn nhỏ anh hùng để giành lại cuộc sống hạnh phúc, tươi đẹp cho dân cư trong một ngôi làng lúc nào cũng rộn tiếng cười nhưng vì một phút sơ sảy, thiếu ý thức mà để virus xâm nhập, hoành hành.

Tích cực chuẩn bị như thế, các nghệ sĩ Nhà hát Tuổi trẻ, Nhà hát Múa rối Việt Nam hay Liên đoàn Xiếc Việt Nam đều hy vọng những tác phẩm mới được dàn dựng khi công diễn trong dịp hè sẽ mang đến cho khán giả của mình nhiều cung bậc cảm xúc, nhất là các em không chỉ thưởng thức mà còn được tương tác, tham gia trực tiếp vào các tình huống kịch.

Cũng từ đây nhiều bài học ý nghĩa, bổ ích được truyền tải đến các em một cách nhẹ nhàng, tinh tế, tự nhiên. Thế nhưng, dịch Covid-19 tiếp tục bùng phát đợt thứ 4…

Đến vun vén hy vọng

Vở nhạc kịch “Bầy chim thiên nga” mới được Nhà hát Tuổi trẻ dàn dựng chưa thể công diễn trong dịp hè năm nay vì dịch Covid-19 bùng phát. Ảnh: NHTT.

Vở nhạc kịch “Bầy chim thiên nga” mới được Nhà hát Tuổi trẻ dàn dựng chưa thể công diễn trong dịp hè năm nay vì dịch Covid-19 bùng phát. Ảnh: NHTT.

Chưa thể biểu diễn và cũng chưa thể đưa ra lời hẹn sân khấu sẽ sáng đèn trở lại khi nào, lãnh đạo các nhà hát bày tỏ rằng họ luôn cố gắng vun vén hy vọng, ước mong sớm được cháy hết mình cho nghệ thuật đến… mệt nhoài!

Đấy là nỗi ước mong: Bao giờ cho đến ngày xưa khi các rạp hát ở Hà Nội như: Sân khấu tròn của Liên đoàn Xiếc Trung ương ở 67 – 69 Trần Nhân Tông, rạp 11 Ngô Thì Nhậm của Nhà hát Tuổi trẻ, rạp số 1 Tràng Tiền của Nhà hát Kịch Việt Nam, không gian thủy đình lung linh của Nhà hát Múa rối Việt Nam ở 361 Trường Chinh trở lại không khí nhộn nhịp, rộn ràng suốt từ sáng tới khuya.

Nhất là, nghệ sĩ kịch, xiếc, múa rối ao ước những ngày hè sớm được bình yên, tươi vui, để họ được cháy hết mình trong từng vai diễn và diễn liên tục 3 - 4 suất/ngày, dù mồ hôi ướt đầm, cổ họng đau rát và… mệt nhoài.

Nhắc nhớ về những mùa hè năm trước rạp 361 Trường Chinh đỏ đèn thường xuyên để phục vụ hàng nghìn lượt khán giả, đạo diễn, NSND Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam bảo rằng, ông thèm được trở về với những mùa hè bình yên ấy.

Có thể mỗi đêm chỉ kịp chợp mắt vài tiếng để sớm hôm sau đã vội vã hóa thân thành những hoàng tử, công chúa, nàng Bạch Tuyết, những chú lùn, chàng Aladin, những trê, cóc, cá vàng, cây đèn thần…

Thậm chí những đợt cao điểm anh em nghệ sĩ gần như ăn ngủ ở ngay tại nhà hát để ngày ngày chỉ hòa vào không gian tràn đầy tiếng cười, tiếng nói hồn nhiên, thơ ngây của thiếu nhi mỗi khi cánh màn nhung được mở ra.

“Chúng tôi nóng lòng mong vở diễn “Chiếc rìu vàng” sẽ sớm được công diễn phục vụ các em trong mùa hè này. Sao mà mong được mệt nhoài, được nghe tiếng trẻ cãi nhau chí chóe đến thế!”, đạo diễn, NSND Nguyễn Tiến Dũng bày tỏ.

Đạo diễn, NSƯT Sĩ Tiến, Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ cũng chia sẻ nỗi bâng khuâng: “Thật nhớ những ngày hè rạp hát ồn ào, náo nhiệt khi được đón cả nghìn lượt khán giả nhí đến thưởng thức các chương trình của nhà hát.

Lúc đến thì tò mò, phỏng đoán. Lúc trở về thì luyến tiếc, mãi không dứt được câu chuyện của các nhân vật trong vở diễn. Và cũng thật nhớ những buổi chạy sô 5 - 6 suất diễn khiến nhà hát phải mở cả hai cửa đón khán giả mà đường ra, vào rạp vẫn bị ùn tắc.

Đạo diễn, NSND Tống Toàn Thắng – Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam thì kể rằng có rất nhiều khán giả đã đặt vé cho các chương trình. “Để phòng dịch bệnh, chúng tôi đã phải trả lại tiền vé cho khán giả.

Mong là dịch sớm được kiểm soát để chúng tôi sớm được gặp lại khán giả của mình để hạnh phúc ngắm nhìn các em mắt chữ A, mồm chữ O dõi theo từng động tác”, đạo diễn, NSND Tống Toàn Thắng hy vọng.

Và không thôi đau đáu

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa có “Hội nghị Diên Hồng” với lãnh đạo các nhà hát trực thuộc Bộ. Theo đó, trước mắt để giải quyết những khó khăn do tác động nặng nề của dịch Covid-19, lãnh đạo Bộ sẽ kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ về gói hỗ trợ cho các đơn vị nghệ thuật biểu diễn công lập.

Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý cần phối hợp với các đơn vị nghệ thuật Trung ương chuẩn bị sẵn sàng kế hoạch tổ chức biểu diễn cũng như xây dựng các tác phẩm nghệ thuật chất lượng cao; sửa chữa, nâng cấp rạp hát và các phương tiện kỹ thuật.

Nghệ thuật biểu diễn cần chuẩn bị sẵn những tác phẩm nghệ thuật chất lượng, hấp dẫn để khi cơn bão dịch bệnh Covid-19 đi qua là sân khấu sáng đèn phục vụ nhu cầu của khán giả.

Năm nay là năm thứ hai liên tiếp sân khấu nước nhà chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Các nhà hát liên tiếp phải lỡ hẹn với khán giả khi các “mùa” biểu diễn như dịp khai xuân, lễ hội, dịp Tết Thiếu nhi và hè… đến; hay công tác biểu diễn thường xuyên, đưa vở diễn đến vùng sâu vùng xa cũng không thực hiện được.

Vì vậy, bên cạnh những gắng gỏi, nỗ lực; những chờ đợi và xây hy vọng vào một ngày mai tươi sáng thì vẫn còn đó biết bao nỗi buồn không được gặp khán giả, không được trau dồi, rèn luyện nghề và nhất là bài toán khó: Lấy ai nối nghề đang hiện hữu đối với các nhà hát. Cũng bởi, khi không thể biểu diễn cũng có nghĩa là các nhà hát không có nguồn thu để nuôi “quân”.

“Quân” ở đây là trường hợp diễn viên trẻ hợp đồng - lực lượng xung kích, kế cận, giữ lửa của đơn vị… song không thuộc biên chế, viên chức, không được trả lương từ nguồn ngân sách nên đơn vị phải tự cân đối nguồn thu từ hợp đồng, bán vé biểu diễn để trả lương (theo Nghị định 16/2015/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập).

Trong hai năm qua, hoạt động biểu diễn gần như ở số 0 nên các nhà hát phải giật gấu vá vai, vay mượn để lo lương hợp đồng, hoặc lo cho anh em bữa cơm trưa sum vầy. Dù rằng mỗi suất lương rất ít ỏi – vài ba triệu, bữa cơm trưa vài ba chục nghìn nhưng cũng là cách các đơn vị gắng gỏi giữ chân diễn viên trẻ bằng cả tấm tình nghệ sĩ.

Vậy nhưng, giờ đây có lẽ chút hỗ trợ tiền thuê nhà, xăng xe ít ỏi cho diễn viên hợp đồng cũng khó thực hiện. Bên sân khấu kịch, diễn viên năng động vẫn có thể tham gia đóng phim truyền hình nhưng với sân khấu truyền thống thì không thể xoay sở.

Thế nên, thời gian qua không ít nghệ sĩ, không riêng gì diễn viên hợp đồng mà cả diễn viên đã được nhận lương viên chức, thậm chí là nghệ sĩ ưu tú hoặc đang được xét danh hiệu nghệ sĩ ưu tú đã rời nhà hát, bỏ hẳn nghiệp diễn để kiếm nghề khác tính kế mưu sinh.

Dù lòng xa xót, lo lắng sự thiếu hụt lực lượng nhưng các “thuyền trưởng” cũng chẳng dám giữ chân khi không thể lo được đời sống tối thiểu cho anh em.

Thật đắng lòng khi nghe lãnh đạo các nhà hát chia sẻ: “Chúng tôi rất lo khi không có lực lượng nối tiếp vì các em xin nghỉ gần hết”, NSND Thanh Ngoan, Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam nói.

“Diễn viên trẻ hợp đồng lao động thời vụ của Liên đoàn Xiếc rất đông (70/190 người) và đang là lực lượng lao động chính của liên đoàn. Thật buồn lòng khi giờ đây mỗi khi dịch bùng phát chúng tôi gặp khó trong việc trả lương cho họ vì không biểu diễn, không có doanh thu. Để giữ chân các em, chúng tôi cố gắng động viên các em ở lại quê nhà, tự tập thể lực và chờ đợi”, NSND Tống Toán Thắng ngậm ngùi.

Đạo diễn, NSND Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam âu lo không giữ chân được diễn viên. Cũng vì, đã có không ít nghệ sĩ được đào tạo vững nghề, trở thành diễn viên chính, đã vào biên chế, đã xác định rõ khó khăn này là khách quan song vẫn nói lời tạm biệt với ánh đèn sân khấu.

“Có em đào tạo xong đợt vừa rồi, đã làm 2 năm mà vẫn bỏ nghề chuyển sang làm nhôm kính, bảo hiểm, lái xe…”, đạo diễn, NSND Nguyễn Tiến Dũng kể. Đặc biệt, ông Phạm Ngọc Tuấn – Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam cũng cho rằng, việc cần làm là phải giữ được con người từ một chính sách đặc thù.

“Nhiều bạn trẻ chuẩn bị phong NSƯT, được vào biên chế mà còn bỏ nghề là hết sức bình thường. Bên nhà hát chúng tôi còn có những NSƯT bỏ hẳn ra ngoài, danh hiệu không là gì hết!”, ông Tuấn đau đáu.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/van-hoa/nghe-si-san-khau-thoi-covid-mong-duoc-cong-hien-met-nhoai-NDsEmgRng.html