Nghệ sĩ piano Nguyễn Huy Phương: Phần thưởng lớn nhất là khán giả hài lòng

Từ khi 7 tuổi, Nguyễn Huy Phương đã được cha mẹ cho học đàn piano. Năng khiếu cộng với tinh thần ham học hỏi đưa anh tiến xa và sau 15 năm học tập tại Nga, tiếng đàn của Nguyễn Huy Phương đã đến với nhiều chương trình biểu diễn ở trong và ngoài nước. Song song với biểu diễn âm nhạc, anh còn đảm nhận vai trò quản lý tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam.

- Thưa nghệ sĩ Nguyễn Huy Phương, anh có thể chia sẻ về đường đến với âm nhạc của mình?

- Thưa nghệ sĩ Nguyễn Huy Phương, anh có thể chia sẻ về đường đến với âm nhạc của mình?

- Ban đầu, việc học nhạc của tôi là theo định hướng của gia đình, bởi bố mẹ tôi đều công tác trong lĩnh vực âm nhạc. Năm 1981, tôi bắt đầu học đàn nhưng mẹ tôi lúc đó đang bảo vệ luận án tiến sĩ ở Bulgaria nên việc học rất vất vả. Tôi theo học được mấy tháng rồi gián đoạn mất 1 năm. Bố tôi - nhạc sĩ Huy Du rất bận vì hồi đó ông làm Đoàn trưởng Đoàn Văn công Tổng cục Chính trị, cũng không thể sâu sát việc học của con. Tới năm 1982 mẹ về thì tôi mới bắt đầu lại, và theo âm nhạc liên tục cho đến khi hoàn thành Tiến sĩ năm 2003.

- Con đường học tập của anh gắn liền với hình ảnh người mẹ?

- Không, cả bố tôi nữa. Bố có thể không tác động trực tiếp vào công việc học tập hằng ngày nhưng ông là nguồn cảm hứng, một tấm gương để tôi noi theo. Ông là người nghệ sĩ mẫu mực, toàn tâm toàn ý vì lý tưởng mà mình theo đuổi. Còn mẹ tôi, những gì bà hỗ trợ là sự quan tâm hằng ngày, nhờ vậy mà tôi có được ngày hôm nay. Đó là sự kiên nhẫn, quyết tâm! Tôi nghĩ điều đó rất cần cho công tác đào tạo. Một đứa trẻ có thể phát triển rất nhanh, nhưng chỉ cần một chút lơ là là có thể đi chệch hướng.

- Quãng thời gian anh học tập tại nước ngoài chắc hẳn có nhiều kỷ niệm đáng nhớ?

- Tôi may mắn thuộc thế hệ sinh viên Việt Nam được nước Nga Xô Viết cấp học bổng miễn phí. Với tôi, những người thầy ở Nga thuộc thế hệ trước luôn nhân hậu, thẳng thắn, làm việc vì lý tưởng. Khi mới sang, tôi được học một thầy giáo người Gruzia rất giỏi nhưng rất nóng tính. Ông giao cho tôi một bài rất khó, phải ngang tầm với một sinh viên Nga được đào tạo rất tốt, trong khi tôi vừa chân ướt chân ráo sang. Lúc ấy tôi làm chưa tốt lắm và tiếng Nga chưa giỏi nên mỗi buổi lên lớp đều cảm thấy áp lực. Thầy quát mắng, thậm chí có khi ném sách ra ngoài cửa, bắt tôi về tập. Nhưng nhờ sự thẳng thắn, quyết liệt đó mà tôi tiến bộ. Thực sự, tôi rất biết ơn những người thầy đầu tiên của mình đã giúp tôi hiểu rằng, với âm nhạc thì phải khổ luyện, đam mê, quyết tâm.

- Điều anh chia sẻ chính là những yếu tố tạo nên sự thành công. Theo anh, sự thành công của người nghệ sĩ hiện nay được đo bằng gì: Sự nổi tiếng, các giải thưởng...?

- Trong showbiz nói chung, có lẽ người thành công là có nhiều người hâm mộ. Nhưng với âm nhạc cổ điển thì khác, đòi hỏi sự tĩnh tại trong tâm hồn nhiều hơn. Thật ra, rất khó để có được điều này, nhất là khi người nghệ sĩ bị chi phối bởi nỗi lo sinh kế hằng ngày.

Tôi không phải là người thích tham gia các cuộc thi. Đối với tôi, mỗi lần được lên sân khấu là một niềm hạnh phúc. Tôi không quá quan tâm đến việc có giành được giải thưởng hay bất cứ điều gì từ đó. Điều tôi quan tâm là mình có thể hiện được hết những gì mà mình đã dày công chuẩn bị hay không, và tất nhiên là luôn chờ đợi sự phản hồi từ phía khán giả sau những buổi diễn. Nếu họ hài lòng, đó sẽ là phần thưởng lớn nhất đối với tôi!

Tôi cũng có một số giải thưởng, như giải “Người đệm đàn piano hay nhất”. Năm 2009, các bạn của tôi trong cuộc thi thanh nhạc nhờ tôi đệm và tôi rất bất ngờ sau khi kết thúc cuộc thi đã nhận được giải thưởng này - do Hội Nhạc sĩ Việt Nam trao tặng.

- Như anh chia sẻ, người nghệ sĩ cần sự tĩnh tại, cần thời gian để cảm tác phẩm, để truyền cảm hứng cũng như tình yêu âm nhạc đến với công chúng, nhưng rất khó để có được điều đó. Anh làm thế nào để có được sự tĩnh tại?

- Thời gian luyện tập không nhiều là điều khiến tôi lo lắng nhất. Khi chơi cổ điển, đặc biệt là chơi solo, bạn phải thuộc lòng một tác phẩm dài 20 - 30 phút, điều đó đòi hỏi quá trình luyện tập liên tục, đầu óc tập trung, thảnh thơi. Nhưng khi ở một độ tuổi nhất định, không dễ ghi nhớ tác phẩm từ đầu đến cuối một cách hoàn hảo. Tôi nghĩ đó là khó khăn chung của người nghệ sĩ. Tôi cố gắng tìm sự cân bằng giữa cảm xúc và lý trí, coi đó là tiêu chuẩn của sự chuyên nghiệp. Như nghệ sĩ piano nổi tiếng người Nga Sviatoslav Teofilovich Richter đã nói: “Người nghệ sĩ cần chơi đàn với một cái đầu lạnh và trái tim nóng hổi”.

- Trân trọng cảm ơn anh!

Thúy Đinh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/doi-thoai/984042/nghe-si-piano-nguyen-huy-phuong-phan-thuong-lon-nhat-la-khan-gia-hai-long