Nghệ sĩ Nhật Hóa: Sức trẻ và niềm đam mê hóa thân trong từng vai diễn

Nghệ sĩ Nhật Hóa tên thật là Phạm Văn Hóa, sinh năm 1990, quê xã Lộc Thịnh, huyện Ngọc Lặc. Nhật Hóa đến với chèo trước hết là bởi chữ 'Duyên'. Từ nhỏ chàng trai dân tộc Mường đã rất thích nghe những làn điệu dân ca, xem các vở tuồng, chèo mà bà và mẹ thường hay mở trên sóng đài phát thanh – truyền hình. Dần dần tình yêu với văn nghệ, với hát chèo lớn dần lên trong tâm hồn chàng trai trẻ. Những làn điệu chèo cứ thế thấm đẫm, nuôi dưỡng tâm hồn cậu bé cho đến khi trưởng thành. Càng lớn lên, Nhật Hóa càng bộc lộ rõ niềm đam mê hát chèo. Bởi chất giọng của Nhật Hóa rất phù hợp với bộ môn nghệ thuật này và phù hợp với cả tính cách nhẹ nhàng của anh.

Nghệ sĩ Nhật Hóa vào vai Lưu Bình trong vở chèo “Lưu Bình – Dương Lễ”.

Năm 2007, chị gái của Nhật Hóa khi đó đang công tác trong Đoàn Nghệ thuật Tuồng Thanh Hóa thông báo cho anh biết sắp tới có đợt tuyển sinh mở lớp năng khiếu nghệ thuật chèo. Nhận thấy đây là cơ hội để thỏa niềm đam mê, anh xin phép gia đình nộp hồ sơ dự thi. Sau thời gian thử thách, anh được các nghệ sĩ trong nghề đánh giá cao về khả năng cảm thụ chèo. Có được kết quả tốt, anh trúng tuyển vào Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Thanh Hóa (nay là Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa). Từ đây, chàng trai trẻ nơi miền sơn cước ngược về thành phố bắt đầu cuộc hành trình của cuộc đời nghệ sĩ.

Trong những năm theo học trên giảng đường, anh luôn là sinh viên xuất sắc của trường. Sau khi tốt nghiệp, anh được nhận vào làm việc tại Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa. Mỗi năm, anh và các đồng nghiệp của mình tham gia hàng trăm các buổi diễn trên sân khấu, đi đến những vùng sâu, vùng xa để phục vụ bà con. Hăng say cống hiến, đẹp về cả ngoại hình lẫn tính cách, anh không chỉ tham gia đóng những vai diễn chính, mà còn hóa thân vào những vai phản diện, đa phong cách. Ngoài những vở chèo cổ, anh cũng rất năng động sáng tạo khi tự mình sáng tác và biểu diễn những vở chèo có nội dung thời sự, những vấn đề nóng hổi của cuộc sống hiện đại. Dù tuổi đời còn trẻ, nhưng nhờ tình yêu nghề, anh luôn được khán giả yêu quý, mến mộ. Đây cũng là lý do khiến anh gặt hái được nhiều thành công tại các cuộc thi, hội diễn trong toàn quốc, với nhiều Huy chương Vàng, Bạc và được các cấp, ngành tặng nhiều bằng khen, giấy khen.

Năm 2011, anh tham gia xây dựng vở chèo “Vẹt” với vai diễn “Lương” tham dự cuộc thi nghệ thuật sân khấu chèo về đề tài hiện đại năm 2011 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức tại TP Ninh Bình; vở diễn đạt Huy chương Bạc. Năm 2016 tham gia xây dựng vở chèo “Tấm lòng vàng” với vai diễn “Đức” tham dự cuộc thi nghệ thuật sân khấu chèo chuyên nghiệp toàn quốc năm 2016 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức tại TP Ninh Bình; vở diễn đạt Huy chương Vàng; cá nhân đạt Huy chương Bạc. Năm 2020, anh sáng tác và thể hiện bài hát chèo “Khúc hát tặng người chiến binh áo blouse trắng” đạt giải tác phẩm xuất sắc tại cuộc thi sáng tác tác phẩm dân gian tuyên truyền phòng, chống dịch COVID-19. Năm 2020 anh sáng tác tiểu phẩm “Nghĩa đồng bào” dàn dựng phát sóng trên Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hóa tuyên truyền phòng, chống dịch COVID-19, trong mạch tác phẩm “Những ngày tháng không quên”. Năm 2020, anh tham gia vai Trọng – chiến sĩ công an trong vở chèo “Vụ án Am Bụt Mọc” tham dự liên hoan sân khấu về hình tượng người chiến sĩ công an Nhân dân, đoạt Huy chương Vàng cá nhân. Cũng trong năm 2020, tham gia vai Lưu Bình trong vở “Lưu Bình – Dương Lễ” tham dự cuộc thi tài năng trẻ sân khấu chèo chuyên nghiệp toàn quốc năm 2020 tại Hà Nam, cá nhân đạt Huy chương Vàng...

“Đó là những cảm xúc khó diễn tả bằng lời, trong lúc vinh quang như vậy mình cảm nhận được đó chính là quả ngọt, là thành quả mà mình đã nỗ lực rèn luyện, học tập và cống hiến. Đối với người nghệ sĩ khi được biểu diễn phục vụ Nhân dân thì đó là một niềm hạnh phúc lớn lao. Và đi đến đâu được bà con chào đón thì bản thân cảm thấy đó giống như những đóa hoa đẹp nhất dành cho mình” - Nhật Hóa thổ lộ.

Kỷ niệm đáng nhớ nhất trong quá trình vào nghề của anh là có những chuyến lưu diễn lên tận huyện Mường Lát xa xôi, đang chuẩn bị biểu diễn thì trời đổ mưa, nhưng bà con dân bản vẫn không rời khỏi chỗ ngồi. Họ vẫn nán lại, bẻ những tàu lá chuối để che mưa ngồi xem. Trước tình cảm dào dạt của bà con, các nghệ sĩ không đành lòng, quyết tâm biểu diễn để phục vụ bà con đến cùng.

Hơn 10 năm tích lũy đã cho anh nhiều kinh nghiệm, kỹ năng biểu diễn. Bằng những ngày tháng tập luyện không biết mệt mỏi và có những người thầy tận tâm như: NSND Trương Hải Thọ, NSND Thanh Tâm, NSND Hàn Văn Hải..., đã dìu dắt, giúp đỡ anh có được những kỹ thuật tốt nhất để lên sân khấu và truyền lửa đam mê, để anh có thể vững vàng đem hết tài năng, trí tuệ của mình hóa thân vào từng vai diễn. Bên cạnh đó là sự hỗ trợ của đồng nghiệp, bạn diễn, như: Nghệ sĩ Hồng Lưu, nghệ sĩ Hương Liên... là những người bạn diễn ăn ý với anh, để tạo nên thành công của vở diễn. Cùng với sự hỗ trợ của các nhạc công đã chắp cánh cho tâm hồn của người diễn viên bằng những bản nhạc... Tất cả những yếu tố đó đã làm nên thành công vai diễn và làm nên một nghệ sĩ Nhật Hóa của ngày hôm nay.

Tự hào về lứa học trò xuất sắc của mình, NSND Hàn Văn Hải, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa, cho biết: Thời gian qua, nhà hát luôn quan tâm đến việc đào tạo, bồi dưỡng, phát triển các tài năng trẻ kế cận. Nhật Hóa là một diễn viên trẻ, tài năng trong số ấy. Được dự dìu dắt của những người đi trước, cùng với nỗ lực không ngừng phấn đấu rèn luyện của bản thân, Nhật Hóa đã từng bước trưởng thành, trở thành diễn viên xuất sắc nổi bật trong các thế hệ diễn viên trẻ của nhà hát. Với thành công trong nhiều vai diễn, Nhật Hóa chính là một tài năng trẻ đầy triển vọng cần được tiếp tục bồi dưỡng, giúp đỡ để có nhiều vai diễn thành công hơn nữa trong tương lai.

Không chỉ là diễn viên xuất sắc của đoàn chèo, Nhật Hóa còn là Phó Bí thư Đoàn Thanh niên Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa; Bí thư Chi Đoàn Thanh niên Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa. Dự định sắp tới, anh sẽ tiếp tục học tập để nâng cao năng lực bản thân, trau dồi kinh nghiệm và kiến thức chuyên môn để tiếp tục giữ gìn giá trị nghệ thuật chèo truyền thống. Trong bối cảnh các bộ môn nghệ thuật truyền thống nói chung và chèo nói riêng phải đối diện với rất nhiều khó khăn, như: lượng khán giả ngày càng ít, kinh phí đầu tư cho vở diễn, nhân lực hạn hẹp, đời sống thiếu thốn... thì Nhật Hóa chỉ mong muốn rằng, các bạn trẻ hãy kiên trì theo đuổi con đường mà mình đam mê, lựa chọn, để bộ môn nghệ thuật chèo - vốn quý của văn hóa dân tộc luôn mãi được nâng niu, trân trọng và giữ gìn.

Bài và ảnh: Ngọc Anh

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/dien-anh/nghe-si-nhat-hoa-suc-tre-va-niem-dam-me-hoa-than-trong-tung-vai-dien/134927.htm