Nghệ sĩ nhân dân Trung Kiên: Lời trái tim vọng ra

Bao thế hệ nghệ sĩ, học trò đã bày tỏ lòng tiếc thương khi biết tin Nghệ sĩ nhân dân Trung Kiên - giọng ca nam cao nổi tiếng của dòng nhạc cách mạng - vừa qua đời vì tuổi cao bệnh nặng vào sáng ngày 27/1 tại Hà Nội, hưởng thọ 83 tuổi. Ông là thầy của nhiều ca sĩ nổi tiếng như NSND Quốc Hưng, NSƯT Đăng Dương, ca sĩ Trọng Tấn, Lan Anh,...

Nghệ sĩ nhân dân Trung Kiên.

Nghệ sĩ nhân dân Trung Kiên.

SINH VIÊN XUẤT SẮC

NSND Trung Kiên sinh năm 1939 tại Kiến Xương, Thái Bình, là con trai của nhà cách mạng Nguyễn Danh Đới. Ngày nhỏ, ông tham gia vào dàn đồng ca như Tuổi xanh, Rạng đông của Sở Văn hóa và Thành đoàn Hà Nội. Học hết trung học, ông thi vào Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam). Năm 1962, khi đang là SV năm ba, ông thuộc thế hệ ca sĩ đầu tiên được đưa đi đào tạo tại nước ngoài về dòng nhạc cổ điển. NSND Quốc Hưng kể: “Như tôi được biết, tên của thầy được ghi danh trên bảng vàng những sinh viên xuất sắc của Nhạc viện Tchaikovsky (Nga)”.

Ông cũng là người đặt lời Việt cho 300 ca khúc Nga, nổi bật nhất là bài Triệu đóa hồng do nhạc sĩ Raimonds Pauls (Lativa) phổ thơ Leons Briedis, được Andrey Voznesensky viết lời Nga. Lúc sinh thời, NSND Trung Kiên chia sẻ ông biết đến nhạc sĩ Raimonds Pauls qua người vợ của nhạc sĩ, vốn cũng là người phụ trách SV Việt Nam trong trường học của ông tại Liên Xô. “Tôi đã xin bản nhạc này qua bà để đặt lời Việt cho ca khúc”, ông từng kể. Khi trở về nước, NSND Trung Kiên đã đưa bản tiếng Việt ca khúc Triệu đóa hồng cho ca sĩ Ái Vân hát. Ca khúc được đón nhận nồng nhiệt và gắn liền với tên tuổi của Ái Vân trong thập niên 1980. “Một chuyện tình yêu anh họa sĩ/ Gửi vào tranh vẽ những vui buồn/ Lòng anh thầm yêu nàng ca sĩ/ Cô gái rất yêu bông hoa hồng…” (Triệu đóa hồng - Nhạc Nga, lời Việt: NSND Trung Kiên).

Khi về nước, NSND Trung Kiên gia nhập đoàn văn công, đi khắp các chiến trường biểu diễn cho bộ đội, thanh niên xung phong. Như nhìn nhận của nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long, NSND Trung Kiên cùng NSND Trần Hiếu, NSND Quý Dương là những nghệ sĩ cùng thế hệ, tạo thành bộ ba nổi tiếng khắp đất nước với giọng hát đã trở thành thân thuộc với nhiều thế hệ.

GIA ĐÌNH CỦA NHỮNG NGHỆ SĨ TÀI DANH

Tháng 4/1975, NSND Trung Kiên làm việc tại Đài tiếng nói Việt Nam, cùng NSND Quý Dương thu âm các bài hát mừng chiến thắng. Ca khúc Đất nước trọn niềm vui (NS Hoàng Hà) được ông thu trong đêm 30/4, thu chỉ một lần. Trong một bài phỏng vấn, NSND Trung Kiên cho biết cảm xúc khi ấy rất mãnh liệt. “Sau này, dù có hát đi hát lại nhiều lần Đất nước trọn niềm vui, tôi cũng không bao giờ tìm lại được cảm xúc ở thời khắc đặc biệt ấy. Với tôi, khi cất cao khúc khải hoàn ca của đất nước là cảm xúc òa vỡ sau rất nhiều năm dồn nén, ngóng trông”.

Với ca khúc Tình ca của nhạc sĩ Hoàng Việt, học trò tâm đắc của Trung Kiên là Trọng Tấn hát vẫn hay, vẫn đẹp, chuẩn mực nhưng tinh thần không đạt đến độ trầm hùng như thầy của mình. Nhiều nghệ sĩ trả lời rằng do thế hệ đã đổi khác, họ không sống trong thời đó, không trực tiếp chứng kiến hoàn cảnh của lịch sử nên không chuyển tải đúng tinh thần nhạc đỏ bằng thế hệ NSND Trung Kiên.

Người vợ đầu của NSND Trung Kiên là ca sĩ - giảng viên Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam) Thanh Nga. Nhạc sĩ Quốc Trung là con trai của họ, một “học trò đặc biệt” vì từ bé Quốc Trung đã được bố hướng theo con đường âm nhạc. Thời bao cấp, kinh tế khó khăn, ông dám mạnh tay đầu tư cho con trai một chiếc piano tập đàn. Ca sĩ Thanh Nga mất sớm. Sau này, ông kết hôn cùng GS-TS-Nhà giáo nhân dân Trần Thu Hà, nguyên Giám đốc Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, là con gái của Nhà giáo nhân dân, nghệ sĩ piano Thái Thị Liên, chị gái của NSND Đặng Thái Sơn. Nhìn vào 3 thế hệ gia đình NSND Trung Kiên có thể thấy: Trung Kiên dạy nên Quốc Trung, Quốc Trung lại dạy nên các con Thiện Thanh, Đăng Quang theo đúng cách ngày xưa bố dạy mình. Và Đăng Quang đang thể hiện tiềm năng với đôi tay tài hoa trên cây đàn Piano; trong khi Thiện Thanh sẽ theo nghiệp giảng dạy âm nhạc.

NSND Trung Kiên ra đi nhưng những di sản ông đế lại thật đáng ghi nhận và tự hào. Trong lòng nhiều thế hệ khán thính giả yêu nhạc Việt, còn vang vọng mãi tiếng hát của ông: sang trọng, hào hùng, càng lên những nốt cao càng sáng đẹp, luôn dạt dào cảm xúc qua những ca khúc như: Tình ca, Bài ca Trường Sơn, Chào sông Mã anh hùng, Gặp nhau trên đỉnh Trường Sơn, Ðất nước trọn niềm vui...

VŨ THANH HOA

Nguồn Bà Rịa - Vũng Tàu: http://www.baobariavungtau.com.vn/van-hoa-nghe-thuat/202101/nghe-si-nhan-dan-trung-kien-loi-trai-tim-vong-ra-919138/