Nghệ sĩ Nhân dân cũng bị… cắt lương

Buổi nói chuyện giữa NSND quay phim Vũ Quốc Tuấn và tôi diễn ra dưới gốc cây bàng cổ thụ. Cây bàng không được định giá là tài sản trên đất khi cổ phần hóa hãng phim truyện Việt Nam. Cây bàng bị bỏ ra rìa này đã chứng kiến hãng phim từ những ngày đầu huy hoàng về số 4 Thụy Khuê (Hà Nội). Phận người như phận cây. NSND Vũ Quốc Tuấn góp bao cảnh quay xuất sắc cho nền điện ảnh Việt Nam bị cắt lương từ tháng 7/2018, không đóng BHXH từ tháng 10/2018.

NSND Vũ Quốc Tuấn dưới tán cây bàng ở VFS.

NSND Vũ Quốc Tuấn dưới tán cây bàng ở VFS.

Bạn bè giục mãi Vũ Quốc Tuấn mới khai hồ sơ xin phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân (NSND). Tên anh nhanh chóng được ấn định trong danh sách của các cấp hội đồng. Ngày 29/8/2019, tại Nhà hát lớn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trao tặng danh hiệu NSND cho nhà quay phim Vũ Quốc Tuấn.

Là nghệ sĩ thực thụ nhưng anh không vỗ ngực khoe khang. Anh hiền lành, khiêm tốn. Trong khi chỉ cần đoạt 2 giải quay phim xuất sắc nhất trong LHP quốc gia là đạt tiêu chí thì anh có tới 4 giải quay phim xuất sắc nhất và 1 giải quay phim quốc tế. Trong lịch sử điện ảnh Việt Nam tới nay, anh là người duy nhất 2 lần có 2 phim đoạt giải quay phim xuất sắc nhất trong một kỳ LHP. Tại LHP Việt Nam lần thứ 12 năm 1999, 2 bộ phim truyện nhựa do anh quay đều được đề cử giải quay phim xuất sắc nhất. Hội đồng giám khảo băn khoăn nên quyết định trao luôn giải quay phim xuất sắc cho cả 2 phim “Hà Nội mùa đông 1946” (đạo diễn NSND Đặng Nhật Minh) và “Những người thợ xẻ” (đạo diễn Vương Đức). Lần thứ hai, lịch sử lặp lại tại kỳ LHP Việt Nam lần thứ 19 năm 2015, anh lại giành 2 giải quay phim xuất sắc nhất cho bộ phim “Nhà tiên tri” (đạo diễn Vương Đức, sản xuất 2015) và “Cuộc đời của Yến” (đạo diễn Đinh Tuấn Vũ, 2015). Với bộ phim “Cuộc đời của Yến”, ngoài giải trong nước, anh còn giành giải quay phim xuất sắc nhất khi bộ phim tham gia LHP World Premieres Philippines (tại Philippines năm 2016). Tại LHP quốc tế này, bộ phim “Cuộc đời của Yến” đã vượt qua 4 đề cử phim từ các nước Tây Ban Nha, Pháp, Malaysia, Philippines để giành giải thưởng Phim hay nhất.

Vũ Quốc Tuấn học quay phim từ khóa đầu tiên khi Trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh được nâng cấp từ trung cấp. Anh vào trường năm 1981 và tốt nghiệp năm 1987. Giáo trình học của Liên Xô và những thầy dạy cũng từng học từ Liên Xô về như: Trần Thế Dân, Trần Trung Nhàn, Nguyễn Mạnh Lân, Quang Tuấn. Đặc biệt thầy Đỗ Mạnh Hùng là chủ nhiệm lớp và có ảnh hưởng phong cách tới Vũ Quốc Tuấn. Những nhà quay phim tài ba khác như Nguyễn Khánh Dư và Nguyễn Đăng Bẩy tuy anh không được học nhưng sau khi về hãng phim thì thường xuyên gặp gỡ. Nhất là vào những dịp cuối năm khi tổng kết nghệ thuật các bộ phim vừa hoàn thành, anh được nghe các tiền bối mổ xẻ phân tích các góc máy, ánh sáng… rất cặn kẽ. Xem xong phim, lần lượt từng lĩnh vực đạo diễn, quay phim, họa sĩ, diễn viên đều có ý kiến nhận xét và đánh giá. Học hỏi và rút kinh nghiệm rất cầu thị.

Năm 1992, Vũ Quốc Tuấn quay bộ phim đầu tiên. Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần đã tin tưởng giao cho tay máy non trẻ thực hiện bộ phim 2 tập “Em còn nhớ hay em đã quên” mà ông ấp ủ từ lâu. Bộ phim gây tiếng vang lớn. Cho đến nay có lẽ vẫn là bộ phim truyện đầu tiên về chân dung nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Dù là tay máy mới, nhưng từ 1995 đến 1999, Vũ Quốc Tuấn liên tục được mời quay phim truyện điện ảnh. Đó là: “Hoa của trời”; “Vầng trăng lửa”; “Hà Nội mùa Đông 1946”; “Đầm hoang”; “Những người thợ xẻ”. Thời đó, lượng phim rót về các hãng hạn chế mà trung bình mỗi năm được quay một phim thì thật kỷ lục. Tay máy tốt nên anh liên tục được các đài truyền hình, các hãng phim tư nhân trong Nam ngoài Bắc đón mời. Anh không thể kể hết hàng trăm phim truyền hình dài tập đã quay. Đặc biệt, nhiều phim truyền hình lịch sử các đạo diễn đều tín nhiệm mời anh tham gia như: “Con mắt bão” (20 tập, 45 phút/tập. Kịch bản Nguyễn Khắc Phục, đạo diễn - NSƯT Văn Lượng, Đài truyền hình Hải Phòng sản xuất); “Đường lên Điện Biên” (26 tập. Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng. VFS sản xuất, VTV phát sóng), “Cuộc vượt ngục thần kỳ” (30 tập. Đạo diễn Xuân Hưng. Đài Truyền hình TPHCM sản xuất).

Nghệ sĩ Vũ Quốc Tuấn trong một lần nhận giải thưởng về quay phim.

Nhìn lên tán cây bàng xum xuê, NSND Vũ Quốc Tuấn chậm rãi: Trong cuộc đời quay phim, có lẽ thời gian quay nhiều nhất là phim “Giải phóng Sài Gòn”. Đây là bộ phim sử thi với nhiều đại cảnh, huy động hàng nghìn quần chúng, phải xin hàng chục, hàng trăm giấy phép cho những sự kiện bất thường: xe tăng vào TPHCM, vào Dinh Độc lập… thực hiện cảnh khói nổ trong nội đô… Năm 1999, phim được khởi quay đến tháng 9/2004 thì quay xong. Đoàn phim nhận được sự trợ giúp rất lớn của Bộ Quốc phòng. Đặc biệt là quân khu 7, quân đoàn 1… NSND Vũ Quốc Tuấn kể về những khó khăn khi quay ở Dinh Độc lập: Thứ nhất, xin phép tháo cánh cổng sắt ra để thay cổng khác vào cho đúng bối cảnh lịch sử. Thứ hai, hun khói trong toàn bộ khu Dinh Độc lập. Thứ ba, xe tăng tràn vào thành phố và Dinh Độc lập. Thứ tư, máy bay bay trong thành phố. Nhiều giấy phép phải có ý kiến tới tận Tổng Bí thư. Và đương nhiên, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng là cố vấn bộ phim. Có giấy phép chờ hàng tháng trời. Có cảnh quay huy động tới 1.200 cảnh sát giao thông và lực lượng quân đội để chốt ở các cửa ngõ, ngách vào quanh khu Dinh Độc lập. Chặn từ sáng tới 14h chiều để quay xong. Xe tăng di chuyển từ Biên Hòa về từ 4h sáng.

Tuy vậy, cảnh quay nguy hiểm nhất xảy ra với Vũ Quốc Tuấn không phải ở những quả nổ, bộc phá mạnh bằng thuốc nổ TNT. Bởi vì anh được dạy và tích lũy kinh nghiệm khi quay gần phải ngồi xuống để tránh độ rung và văng của bộc phá. Những tiếng nổ chói tai và mặt mũi sạm khói không làm anh sợ bằng lần quay phim “Những người thợ xẻ” ở rừng Hương Khê, Hà Tĩnh. Bối cảnh quay cách cửa khẩu Cầu Treo 1km theo đường chim bay. Trong phim có cảnh hai bố con đi qua khu vực khai thác gỗ. Đứa bé vừa đi qua thì gỗ lao ngay sát chân. Đứa bé chạy thì cây đổ ngay trước chặn đầu. Để tạo “ép phê”, Vũ Quốc Tuấn nói đạo diễn cho chặt hai cây gỗ có đường kính trên 1m và lao cùng lúc xuống bên dưới. Ở dưới bãi lao gỗ, đoàn phim đã làm chốt chặn. Trước khi bấm máy, Vũ Quốc Tuấn linh cảm thấy sự không bình thường. Anh biết nếu quay thẳng đường gỗ lao xuống sẽ gây “ép phê” nhưng thực sự nguy hiểm. Quốc Tuấn bèn dịch máy quay sang 2m. Như thế độ chếch không ảnh hưởng gì mấy mà nếu cây lao tới còn chạy kịp. Linh tính đó đã cứu anh và Khuê. Bởi vì khi cây gỗ đầu vừa lao tới chỗ chặn thì cây gỗ sau lao theo. Cây gỗ sau to, nặng, đường kính hơn 1,5m độ dài 4m lao mạnh vọt qua hàng chắn và nằm trùm lên vị trí đặt máy cũ. Mọi người ai cũng tái mặt không nói nên lời. Cảnh khác nguy hiểm trong phim là cảnh con gấu chồm lên vả vào mặt Bường. Gấu thuê của rạp xiếc với giá 5 triệu đồng. Lẽ ra cảnh được quay thứ 3 nhưng thứ 2 đoàn đã đi quay ở Đá Chông vì thuê rẻ được 2 xe cứu hỏa chở đầy nước tới để tạo cảnh mưa. Để đảm bảo an toàn, người trông giữ gấu buộc cáp màu trắng vào gấu để kéo giật lại khi gấu chồm về phía máy quay. Nhưng quay mãi mà không được như ý vì người giữ gấu sợ gấu chồm lên người quay phim nên chưa tới sát đã kéo giật lại. Đúng lúc đang quay thì có tiếng ồn ào từ xa. Bảo vệ ở khu Đá Chông đến không cho quay. Vũ Quốc Tuấn “liều” quyết định quay ngay. Anh biết gấu thích sữa nên bảo người giữ dây buộc gấu đừng giữ dây nữa mà cầm xô sữa nhử gấu rồi chạy ra sau lưng anh. Tính toán kỹ mà không ngờ gấu chồm lên rất dữ tợn. Cũng may lúc đó trẻ nên Quốc Tuấn nhanh nhẹn vừa cầm máy quay vừa lách người tránh được cú vả trời giáng của gấu. Quay vừa dứt thì người bảo vệ cũng vừa tới. Đoàn làm phim phải để lại máy quay ở Đá Chông sang hôm sau mới được giải quyết lấy ra.

Trong phim “Những người thợ xẻ”, cảnh quay chi tiết Bường cố ý kéo lưỡi cưa vào chân của Ngọc. Lúc đó anh Cồ Khắc Ứng được cử đi thuê làm chân giả silicone khó và rất tốn kém. Làm sao để quay một cú máy là phải ăn ngay. Nếu quay không đạt, chân giả hỏng thì phải mất tới cả tháng trời để làm lại. Cái khó của người quay phim là làm sao để có cú máy lia theo đường zích zắc tam giác: từ ánh mắt của Bường tới lưỡi cưa và chân của Ngọc. Khoảng cách từ 1,2m đến 1m và 0,8m. Nếu động tác máy không chuẩn thì hình sẽ bị rung, nhòe…

Câu chuyện với NSND Vũ Quốc Tuấn sẽ còn dài nữa nếu tôi tiếp tục khơi ra hỏi anh ký ức hoặc kỹ xảo về nghề. Nhưng tôi chợt hỏi: Anh được phong tặng danh hiệu NSND rồi thì lãnh đạo Công ty CP đầu tư và phát triển phim truyện Việt Nam có trả lương và đóng BHXH tiếp cho anh không? Nét mặt buồn, anh đáp: Đang là NSND, từng là Phó Giám đốc trước khi cổ phần hóa mà Nguyễn Thanh Vân còn bị cắt nữa là…

Từ Khôi

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/hau-truong/nghe-si-nhan-dan-cung-bi-cat-luong-tintuc447904