Nghệ sĩ mù hành khất bên sông Tiên

Một ông già mù suốt đời ôm cây đàn măng cầm (đàn măngđôlin) rong ruổi tại các góc chợ nghèo để mua vui cho đời và mưu sinh. Đến cuối đời, có một người phụ nữ vì cảm tiếng đàn của ông mà họ thành chồng vợ.

Ông là Trần Bùi Quang Vân (thôn 3, Tiên Thọ, Tiên Phước, Quảng Nam). Ông Vân được ví như một lão nghệ sĩ đàn măng cầm hành khất danh tiếng bên dòng sông Tiên. Chàng nghệ sĩ lận đận Chiều xuống, bên sông Tiên tiếng đàn réo rắt vọng ra từ ngôi nhà nhỏ và ọp ẹp. Tiên Phước mấy ngày nay mưa rừng nhiều, nhà ông Vân nằm trên một quả đồi nhỏ, xung quanh là bạt ngàn rừng và bên kia con đường là sông Tiên nên rất khó vào. Nói là nhà nhưng thực ra tôi thấy đó chỉ là cái lều chắp vá. Mấy hôm nay mưa to, dột ướt nên ông Vân hí hoáy kiếm bìa về giăng như mạng nhện trên trần nhà. Ông nói: “Mấy hôm nay trời mưa, tôi ở nhà nên chú lên mới gặp. Chứ bình thường tôi và măng cầm phải đi các chợ đến chiều tối mới về. Thậm chí có khi tìm một góc chợ nào đó ngủ lại qua đêm vì không biết đường nào mà về”. Ông Vân sinh năm 1938 tại Khánh Hòa. Ba mẹ ông là người có điều kiện kinh tế vào loại khá giả lúc bấy giờ. Ông nói ba ông là người Hội An, còn mẹ là người Bình Định. Năm lên sáu tuổi thì ông đã được ba mẹ cho đi học nhạc. “Vừa đến lớp, ông thầy đã cầm tay nói tôi tài hoa nhưng cuộc đời sẽ lênh đênh và đó đúng là định mệnh của tôi thật” - ông Vân buồn buồn nhớ lại. Từ đó ông được học bài bản các loại nhạc cụ như guitar, măng cầm, guitar Hawaii, đàn thập lục… và viết nhạc. Ông Vân bên bà Nhung, người đã cảm tiếng đàn và đưa ông về sống chung mái nhà mặc cho những lời dị nghị của thiên hạ. Ảnh: LÊ PHI Lên 15 tuổi, chàng nhạc sĩ Vân bắt đầu mang đàn và các bản tình ca của mình sáng tác đi chinh phục các cô bé hàng xóm. Nhưng cánh cửa cuộc đời như ập xuống, ông bị thương hàn và biến chứng. Thời đó, căn bệnh này được xem là vô phương cứu chữa. Sau trận bệnh thập tử nhất sinh, mắt ông bị mù. Ba mẹ lần lượt mất. Từ đó ông bơ vơ và chỉ biết làm bạn với các loại đàn. “Lúc đó tôi đã muốn tự tử để quên đi một kiếp người. Nhưng lại nghĩ chắc kiếp trước mình có tội nên phải sống trả nợ trần gian. Từ đó tôi sống đời hành khất khi gia đình ly tan tứ chốn trước giải phóng” - ông Vân nghẹn lời. Cây đàn theo vai ông bôn ba khắp nơi. Năm 1960, ông dừng chân tại 237/89 Hoàng Diệu (TP Đà Nẵng), bắt đầu mở lớp dạy tân nhạc và cổ nhạc. Các nhạc phẩm của ông cũng bắt đầu xuất hiện vào thời kỳ này với các bài mang âm hưởng về tình mẹ, cha và tình yêu đôi lứa với điệu Bolero da diết. Hàng trăm học sinh đã theo học một thời gian dài. Năm 1975 lớp học của ông ly tán và từ đó ông sống cuộc đời hành khất. Đời hành khất Các phiên chợ nghèo từ Quảng Trị đến tận Bình Định nơi đâu cũng đã in dấu chân Trần Bùi Quang Vân. Ông nói ông mù nhưng đang còn tự kiếm tiền được bằng nghệ thuật nên không muốn ngửa tay xin tiền thiên hạ. Ông thích người ta gọi là người biểu diễn nghệ thuật kiếm tiền hay nghệ sĩ hành khất cũng được chứ gọi là hát rong thì nặng nề và coi thường nghệ thuật quá. Bây giờ bước qua cái tuổi 72 nhưng thỉnh thoảng ông vẫn lội bộ đến các chợ Kỳ Lý, Quán Gò, Kế Xuyên, Tam Kỳ… để đàn hát. Còn ngày nào đau bệnh hay mưa gió ông lại ngồi bên song cửa đàn hát ai oán não ruột cùng với người đàn bà cuối đời của mình. Ông Vân cho biết: “Hôm nào may mắn, nhiều người nghe thì kiếm được khoảng 100.000 đồng nhưng phải trả tiền xe đò từ Tiên Phước về Tam Kỳ 60.000 đồng rồi. Nhiều hôm đi cả ngày về vừa đủ tiền xe và ăn trưa nhưng ngày nào không đi đàn hát thì nhớ”. Với ông Vân, tấm danh thiếp dạy nhạc từ những năm 1960 luôn luôn được cất bên người. Ảnh: LÊ PHI Ông Vân còn nói ông thích tiếng xôn xao, tiếng cười nói và bước chân thình thịch như chạy giặc ở chợ. Nó giúp ông thấy mình đang được sống. Mặt khác, ông cũng chẳng thể xa được mấy ông bạn già và các bà cô già bán hàng ở chợ. Họ thích nghe ông đánh măng cầm và hát réo rắt với những điệu nhạc xưa mà bây giờ bói không ra người nào như ông. Có thế mà những ngày ông đau ốm vì đủ thứ bệnh hành hạ, mấy người xe đò chạy tuyến Tam Kỳ-Nam Trà My vẫn ghé qua nhà nhắn lại lời của mấy người dưới phố lên: “Ông đang bệnh hay sao mà lâu ngày không xuống chợ?”. Có hôm ngồi nơi chợ nghèo Quế Sơn, có mấy người thử tài nghệ thuật. Họ mang đến cho ông đàn guitar, đàn tranh rồi bảo ông đánh để thử tài. Nhưng khi ông đưa đàn lên gảy thì mọi người trố mắt nhìn vì những tiếng đàn réo rắt. Tình yêu đến từ cây măng cầm Nói đến chuyện tình yêu, ông Vân cười tủm tỉm rồi mắng trách móc: “Yêu cái gì nữa chú, già rồi mà nói là yêu nhau thì bọn trẻ nó cười cho”. Thế nhưng khi tôi nhìn sang thì thấy bà Nguyễn Thị Nhung ngại ngùng đỏ mặt khi nói chuyện yêu. Cách đây 15 năm, sau một trận bệnh vật vã nơi các góc chợ dưới đồng bằng, ông Vân theo xe lên huyện miền núi Tiên Phước đàn hát. Ông dừng chân lại chợ nhỏ Tiên Thọ với cây măng cầm réo rắt hát tình ca. Trong góc chợ, một phụ nữ tuổi 40 (nhỏ hơn ông 17 tuổi) cảm tiếng đàn của người hành khất mù rụt rè bước ra cùng cất tiếng hát. Tan phiên chợ nghèo, người phụ nữ đưa ông về sống cùng một mái nhà. Người ấy bây giờ là bà Nhung, hằng ngày chăm lo từng miếng ăn giấc ngủ cho ông. Bà Nhung sống với mẹ già nhưng sau cùng thì mẹ mất, bà ở vậy một mình. “Tui đã hứa với lòng sẽ sống một mình đến cuối đời, rứa mà lại rung cảm trước tiếng đàn của ông ấy. Thấy xao xuyến như tuổi yêu ban đầu, thế là tôi đưa ông ấy về nhà sinh sống với nhau” - bà Nhung thẹn thùng tâm sự. Đến giờ, bệnh già đã hành hạ ông. Hôm qua ông mới xuống chợ Tam Kỳ đàn hát nhưng hôm nay ông lẩn thẩn nói bắt đầu nhớ những chuyến hành khất bôn ba dọc miền Trung. Ông cho rằng các góc chợ nghèo là sân khấu cuộc đời nghệ sĩ của mình. Bà Nhung an ủi: “Từ nay sân khấu của ông sẽ là ngôi nhà này và ca sĩ hát các bài do ông sáng tác là tui”. LÊ PHI

Nguồn PLO: http://www.phapluattp.vn/20101003112650863p0c1015/nghe-si-mu-hanh-khat-ben-song-tien.htm