Nghệ sĩ Minh Nhí – Thanh Thủy đau đầu khi nghĩ về chiến lược đào tạo diễn viên trẻ

Sáng 4-1, trong cuộc tọa đàm về chiến lược đào tạo nguồn nhân lực cho sân khấu hôm nay do HTV tổ chức, hai nghệ sĩ đã bày tỏ trăn trở trước lối đi của mô hình đào tạo diễn viên trẻ.

NS hài Minh Nhí

NS hài Minh Nhí

Trên thực tế, hàng năm các trường sân khấu phía Bắc cũng như trong Nam đều tổ chức lễ tốt nghiệp cho hàng trăm sinh viên đạt loại giỏi, loại khá. Nhưng thực trạng sân khấu kịch nói cũng như sàn diễn cải lương ở cả hai miền vẫn tồn đọng một nghịch lý: "Măng chưa kịp lớn thành tre đã bị chết non". Vậy đâu là lối ra cho khâu đào tạo diễn viên sân khấu trẻ?

Trả lời câu hỏi này, nghệ sĩ Minh Nhí nhấn mạnh một thông điệp: "Lý thuyết có cao đạo gấp trăm lần cũng không bằng một lần thực hành. Nhìn các em sinh viên bước lên sân khấu qua một vở diễn được đào diễn chuyên nghiệp chỉ huy, sẽ thấy ngay năng khiếu và sự sáng tạo của các em. Điều đó cho thấy giáo trình giảng dạy nghệ thuật biểu diễn ở các trường sân khấu đã có những bất cập cần chỉnh lý. Sự thực hành bao giờ cũng quan trọng".

Điều này cho thấy các lò đào tạo xã hội hóa có lợi thế là tạo đầu ra cho sinh viên sau mỗi khóa học.

Một sinh viên Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TP HCM tâm sự: "Chúng tôi rất muốn được thực hành cùng với các anh chị nghệ sĩ đi trước. Chí ít những buổi ngoại khóa đó cũng mang đến cho chúng tôi kinh nghiệm diễn xuất".

NS Thanh Thủy trăn trở về điều này, chị nói, có đến Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TP HCM dự thính một số buổi thi kỹ thuật biểu diễn mới thấy khâu thực hành thiếu một cách nghiêm trọng. Trước đây trường có CLB Điểm hẹn tài năng, ban đầu kết hợp được với HTV để giới thiệu rộng rãi gương mặt của các diễn viên trẻ có khả năng tiếp nối thế hệ nghệ sĩ đi trước. Nhưng rồi do trường bước vào mùa xây dựng, CLB thưa dần những suất diễn. Hiện nay, trường đã có Nhà hát Thế giới trẻ nhưng khi liên kết với Sân khấu Sài Gòn Phẳng của ông Trần Đại và đạo diễn Ngọc Hùng thì sàn diễn này đã có những ê kíp thực hiện vở. Sự sàng lọc rất cao để chọn những diễn viên thật sự giỏi nghề tham gia biểu diễn. Tần suất để các em thực hành trên sân khấu chuyên nghiệp rất khó.

NS Thanh Thủy trong buổi tọa đàm tại HTV

NS Minh Nhí cho biết: "Không thể trách các sân khấu xã hội hóa, vì tất cả đều có ê kíp hoặc lò đào tạo nhằm tìm đầu ra cho học trò của mình. Các em diễn viên sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh TP HCM chỉ còn cách khẳng định tài năng của mình qua các cuộc thi game show, các bộ phim ngắn để tạo hướng đi vững chắc. Trong đào tạo, tôi thích gợi mở nơi các em ý thích khám phá hơn là cứ bám díu vào lý thuyết. So với những khóa diễn viên được đào tạo trước đây, hiện nay sân khấu Minh Nhí của chúng tôi đã cho các em thực hành, tham gia những buổi ngoại khóa để tiếp cận với vở mới, phong cách mới. Điều cần thiết hơn là dành thời gian đọc sách văn học, xem kịch cổ điển, khơi mở ý chí tìm tòi sáng tạo trong biểu diễn nơi các em".

NS Thanh Thủy và Minh Nhí

Vậy lối ra cho khâu đào tạo để các em không tự bơi khi tốt nghiệp ra trường là ở đâu? NS Thanh Thủy tâm sự: "Nhà trường chỉ là nơi cung cấp phao cho các em, còn khả năng bơi qua sông, qua biển là ở mỗi em. Tuy nhiên, tôi hy vọng khi các sân khấu xã hội hóa được đầu tư tốt về giáo trình giảng dạy sẽ là nơi để các em thực hành. Bên cạnh đó, tại Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TP HCM sẽ tạo điều kiện để các em diễn viên trẻ sinh hoạt tại Nhà hát Thế giới trẻ, nơi có đủ chức năng hỗ trợ để các em vừa xem kịch như một buổi ngoại khóa, vừa đúc kết kinh nghiệm cho nghề. Đó là phương pháp hữu hiệu nhất để các em tự tin đi theo con đường chuyên nghiệp".

NS Thanh Thủy và các diễn viên sân khấu cải lương: Thanh Loan, Bo Bo Hoàng, Ngọc Đáng, Chấn Cường

Bài và ảnh: Thanh Hiệp

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/van-nghe/nghe-si-minh-nhi-thanh-thuy-dau-dau-khi-nghi-ve-chien-luoc-dao-tao-dien-vien-tre-20190104062509574.htm