Nghệ sĩ Minh Cảnh: 'Hoàng đế vọng cổ' tan cơ nghiệp vì 'gãy cánh'

Hành trình từ cậu bé lượm ve chai đến 'Hoàng đế' làng cải lương của Minh Cảnh đã trở thành nguồn cảm hứng của nhiều người. Tuy nhiên, khi đang trên đỉnh cao sự nghiệp thì tai họa ập đến cướp đi của ông tất cả.

Giấc mơ của cậu bé bần hàn

Trong những năm 60 của thế kỷ trước, Minh Cảnh là cái tên nổi tiếng khắp các tỉnh miền Nam. Ông được coi là nghệ sĩ bậc thầy khi vào câu vọng dài hơi bằng những nét rất đặc trưng mà không có một nghệ sỹ nào có thể đạt được. Không chỉ gây ấn tượng với giọng ca đặc biệt, Minh Cảnh còn trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều chàng trai nghèo ngày đó, vì hành trình chạm đến hào quang đầy diệu kỳ.

Nghệ sĩ Minh Cảnh tên thật là Nguyễn Văn Cảnh, sinh năm 1938 tại Chợ Lớn. Bố mẹ ông đều là dân lao động nghèo, nhà lại đông con nên từ nhỏ cậu bé Cảnh đã sống rất vất vả. Cậu phải làm nhiều việc để kiếm thêm tiền phụ giúp bố mẹ. Năm 11 tuổi, ông được bố mẹ gửi đến sống cùng bà ngoại và dì ở quận 3. Hồi ấy, để có tiền, ban ngày, cậu bé Cảnh đi lượm ve chai, giấy vụn. Tối đến, Cảnh lấy chuối chiên, bánh cam đi bán dạo.

Mặc dù xuất thân trong một gia đình lao động nghèo, ăn còn không đủ no nhưng Cảnh lại rất thích cải lương. Những ngày rong ruổi trên các con phố để mưu sinh, chân của Cảnh luôn bị níu lại khi nghe nhà ai đó mở Út Trà Ôn hay sầu nữ Út Bạch Lan. Cảnh nghe riết thành thuộc và rồi nghêu ngao hát theo. Khoảng 4 năm sau, Minh Cảnh theo cha về sống bên đường Phạm Thế Hiển, quận 8. Ngay ở góc đường có ông thợ hớt tóc tên Hai Sĩ kiêm nghề dạy đờn ca nên Minh Cảnh được ông nhận dạy hát.

Dịp giỗ tổ sân khấu cải lương 12/8 âm lịch năm 1960, Cảnh được dự ké "lễ giỗ" và ăn cúng tổ cùng các nghệ sĩ gánh hát Kim Chung. Khi ấy, Cảnh đã 22 tuổi nhưng vì ăn uống kham khổ nên vóc dáng gầy gò ai cũng nghĩ ông mới chỉ là cậu bé 13-15 tuổi. Hôm ấy, Cảnh được nghệ sĩ Văn Được giới thiệu ca 6 câu vọng cổ bài Lá thư người chiến sỹ. Sau khi kết thúc phần thể hiện, mọi người ai cũng vỗ tay rần rần và khen Cảnh là giọng ca tiềm năng. Sau lần ra mắt ấn tượng, Cảnh được giới thiệu với ông bầu gánh Kim Chung và bắt đầu sự nghiệp ca hát với nghệ danh Minh Cảnh.

Nghệ sĩ Minh Cảnh trong chương trình Những cánh chim không mỏi.

Nghệ sĩ Minh Cảnh trong chương trình Những cánh chim không mỏi.

“Hoàng đế vọng cổ”

Nhờ sự kèm cặp của những người thầy Hai Sĩ, Văn Được và Bảy Trạch, Minh Cảnh được sống cùng ước mơ thuở nhỏ của mình. Hào quang lấp lánh của sân khấu đã thổi bùng ngọn lửa đam mê trong trái tim chàng trai trẻ. Mỗi đêm được đứng trên sân khấu biểu diễn cho khán giả xem mang đến cho Minh Cảnh niềm hạnh phúc vô bờ, thế nên Minh Cảnh say mê đặc biệt các vai diễn. Mỗi lần được giao vai, chàng trai có vóc dáng nhỏ nhắn ấy luôn dành nhiều thời gian để nghiên cứu tính cách nhân vật, tìm ra đặc trưng để tạo điểm nhấn với khác giả. Vì vậy mà, Minh Cảnh dù là gương mặt mới nhưng nhanh chóng chiếm được tình cảm của khán giả. Các vở diễn có sự tham gia của Minh Cảnh như: Nghệ sĩ mù đất Hà Tiên, Phù Kiều trường hận, Tiếng cười Bao Tự, Tuyết phủ chiều đông, Chiều thu sầu ly biệt... đều luôn không có một chỗ trống trong khán trường.

Thời gian đầu mới vào nghề, mỗi đêm ông kiếm được 40 đồng và ký được contrat (hợp đồng-PV) 20.000 đồng trong 2 năm. Về sau, khi trở thành gương mặt được khán giả yêu mến, mức cát-xê của Minh Cảnh được đẩy lên cao ngất ngưởng. Không ai biết con số chính xác là bao nhiêu, nhưng đó là mức cát-xê khiến nhiều người ghen tỵ.

Lý giải về sự nổi tiếng nhanh đến ngỡ ngàng của một chàng trai không được học hành nhiều, có lẽ chính là nhờ “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Khi ấy, làng cải lương đang có sự chuyển đổi thế hệ, công chúng cũng đang mong chờ một sự mới mẻ, thoát khỏi lối ca diễn cổ điển và Minh Cảnh là người hội tụ những điều đó. Ông là gương mặt mới và có kiểu ca rất lạ. Thế nên, Minh Cảnh trở thành lựa chọn hàng đầu cho nhiều vai diễn quan trọng.

Năm 1961, Minh Cảnh lên ngôi “Hoàng đế” với bài vọng cổ Tu là cội phúc, tiếp sau đó là hàng loạt bản ca cổ do soạn giả Viễn Châu soạn lời như: Võ Đông Sơ, Mưa trên phố Huế, Lương Sơn Bá, Sầu vương ý nhạc, Lưu Bình - Dương Lễ, Lòng dạ đàn bà, ...Hai năm sau, ông lập ra đoàn Kim Chung 2. Ông bầu kiêm kép chánh Minh Cảnh tiếp tục tỏa sáng rực rỡ với những vở tuồng cải lương: Bên cầu vọng thê, Manh áo quê nghèo, Bích Vân cung kỳ án,... Đặc biệt, trong Quán gấm đầu làng, Minh Cảnh để lại dấu ấn sâu sắc khi tạo sự bứt phá với câu vọng cổ hơi dài. Ông ca một mạch 53 chữ, đặt dấu ấn đầu tiên cho ca vọng cổ hơi dài đến nay.

NS Minh Cảnh và Bích Hạnh trong vở Đêm lạnh chùa hoang. (Ảnh. Thanh Hiệp).

“Gãy cánh”

Sau năm 1975, Minh Cảnh vẫn là cái tên được khán giả yêu thương, mến mộ với các bài tân cổ giao duyên rất ấn tượng như: Cánh chim trên biển, Rẻ mạ đầu mùa, Bông điệp Sài Gòn... Thế nhưng, sự nghiệp đang ở đỉnh cao bỗng tai họa ập đến cướp đi của ông tất cả.

Minh Cảnh là nghệ sĩ hiếm hoi của sân khấu cải lương biết võ thực sự chứ không phải diễn. Ông đến với võ thuật vì hoàn cảnh chứ chẳng phải là dự tính dài hơi gì cả. Khi còn trẻ, ông từng bị kẻ xấu thuê côn đồ chặn đường đánh trọng thương và để tự bảo vệ bản thân ông đã đi học võ. Theo em trai của nghệ sĩ Minh Cảnh, ông rất mê võ thuật và dành khá nhiều thời gian luyện võ nghệ, thọ giáo các cao thủ nhiều môn phái như: Thất Sơn (An Giang), Bình Định, Thiếu Lâm...

Nhờ niềm đam mê với võ thuật mà Minh Cảnh học rất nhanh. Các vai diễn liên quan đến võ thuật của ông đều được khán giả đón nhận nồng nhiệt, vì các thế võ, múa quyền của Minh Cảnh rất công phu. Tuy nhiên, cũng vì là người giỏi võ có tiếng nên ông thường xuyên bị những kẻ càn quấy gây sự. Ông từng có hàng chục lần nhã nhặn lễ phép với kẻ quấy rối, nhưng khi cần thì ra tay trừng trị thích đáng.

Có giai thoại kể lại, tướng cướp nổi tiếng Điền Khắc Kim không chỉ là người say mê giọng ca của Minh Cảnh mà còn rất phục ông về võ thuật. Hắn đã tìm mọi cách làm quen và kết bạn với Minh Cảnh. Minh tinh màn bạc nức tiếng thập niên 1960 của Hồng Kông, Khương Đại Vệ cũng đã cảm phục mà kết thân giao sau khi xem ông diễn hát và múa võ trong một lần đến Sài Gòn.

Nghệ sĩ Minh Cảnh ở độ tuổi xế chiều.

Tuy nhiên, con đường sự nghiệp của Minh Cảnh đang trên đường thăng hoa bỗng “gãy cánh” vì tai họa. Khi ấy, trong màn biểu diễn bay lượn ở vở Kiếm sĩ dơi, dây bất ngờ bị đứt, ông rơi xuống sân khấu, cú rơi mạnh khiến ông bị thương nặng. Sau thời gian dài điệu trị, ông dần phục hồi, nhưng bao nhiều tiền của bị những đợt điều trị cuốn đi mất. Ông bầu kiêm kép chánh Minh Cảnh lại một lần nữa lâm vào cảnh túng quẫn, không còn tiền đong gạo, trả lương cho nghệ sĩ đoàn Kim Chung 2. Cuộc đời đã từng cho ông bao nhiêu thứ thì giờ đây lại lấy sạch hết.

Rời sân khấu, ông quay về Long Xuyên, Sóc Trăng, Cà Mau mở quán nhậu hát cho nhau nghe, hát show đám cưới, đám ma suốt một thời gian dài, lận đận mưu sinh. Sau đó, vì mắc bệnh hiểm nghèo, ông xin qua Mỹ định cư, chữa bệnh suốt nhiều năm. Mãi đến ngày cuối tháng 5/2018, khi đã 81 tuổi, ông mới có dịp về thăm đất mẹ. Ngày trở về, ông xúc động chia sẻ: “Tôi về nước đúng sự kiện 100 năm sân khấu cải lương. Đời người có mấy ai được diễm phúc này. Chỉ mong được gặp lại bạn bè đồng nghiệp, khán thính giả thân thương. Con chim xa xứ như tôi thèm được bay về tổ ấm”.

Nguồn: Tổng hợp

Lê Anh

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/nghe-si-minh-canh-hoang-de-vong-co-tan-co-nghiep-vi-gay-canh-a381729.html