Nghệ sĩ Mạc Can: Cuộc đời như nốt nhạc buồn, về già bữa đói bữa no

Nghệ sĩ Mạc Can được nhiều người yêu mến bởi lối sống giản dị và hết lòng với những vai diễn. Ở tuổi già, ông khiến nhiều người cảm thương khi sống cuộc sống nghèo khổ, vất vả. Hàng ngày, ông chăm chỉ viết lách để kiếm thêm thu nhập lo cho cuộc sống một mình.

Nghệ sĩ đa tài Mạc Can. Ảnh: Thanh Niên

Nghệ sĩ đa tài Mạc Can. Ảnh: Thanh Niên

Người nghệ sĩ đa tài

Là diễn viên xiếc, ảo thuật, hài sân khấu từ thuở nhỏ, ông xuất thân trong một gia đình có bố mẹ đều theo nghiệp diễn xiếc. Thuở bé, ông theo gia đình sống trôi nổi, lang bạt trên một chiếc ghe cùng đoàn hát đi kiếm ăn khắp mọi nơi. Đoàn hát của gia đình ông là đoàn tạp kỹ, có cả ca hát, diễn xiếc và diễn kịch.

Suốt bao nhiêu năm ròng rã với nghề, cho đến sau 1975, ông tiếp tục làm diễn viên. Nhờ vào diễn xuất mà ông được nhiều người biết đến. Cứ ngỡ ông đi trọn nghề diễn cho đến hết đời, nhưng vào cuối những năm 1990 đến nay, ông bất ngờ chuyển sang viết văn và nhanh chóng nổi danh. Cả tuổi thơ gắn bó với gánh xiếc của cha mẹ.

Mạc Can được mẹ sinh trên một chiếc xuồng giữa đêm trên dòng sông Bảo Định (Mỹ Tho - Tiền Giang) vào năm 1945. Thuở ấy, gia đình ông là một gánh hát đi lưu diễn khắp nơi ở đồng bằng Nam Bộ, lấy sông nước làm nhà. Cuộc sống vốn khó khăn từ nhỏ nay đây mai đó nên ông đã phụ cha trong các tiết mục xiếc, ảo thuật, hóa thân thành những chú hề đem lại tiếng cười cho mọi người. Không những thế nhiều tiết mục nguy hiểm như phóng dao cũng được trình diễn dù lúc đó ông và các em của mình vẫn còn nhỏ.

Tiết mục diễn mạo hiểm đó luôn ám ảnh ông, để rồi tác phẩm tiểu thuyết cũng từ những ký ức không bao giờ quên đã “ra lò” và được độc giả mến mộ. Trò biểu diễn thường xuyên của họ là phóng dao (dao được phóng cắm xung quanh một người đứng trước một tấm ván, người đứng thường là cô em gái của Mạc Can).

Sau này, viết tiểu thuyết Tấm ván phóng dao, ông kể thêm: “Màn đó ám ảnh em gái tôi. Với những lưỡi dao to bản, lại biểu diễn trong những cái rạp hát trống trơ chẳng khác gì mấy cái lều giữa đồng ruộng, gió mạnh có thể làm lệch hướng dao, dù chỉ một ly, rất nguy hiểm”. Mỗi lần biểu diễn tiết mục này, ông rất lo vì sợ người anh phóng nhầm dao vào người em. Ông đã khóc rất nhiều mỗi khi tiết mục này diễn đi diễn lại nhiều lần trong ngày. Nỗi ám ảnh đó khiến ông không thể nguôi ngoai nên sau này ông mới chấp bút viết cuốn tiểu thuyết Tấm ván phóng dao. T

ác phẩm Tấm ván phóng dao đã đưa tên tuổi của ông sang một trang mới, đó là nhà văn. Cả tuổi thơ gắn bó với sự nghèo khó cùng với đó là mang lại tiếng cười cho đời, nhưng trong sâu thẳm ông mang nặng nỗi sợ hãi khôn nguôi khi phải kiếm sống như đánh cược tính mạng. Do cứ đi lưu diễn nay đây mai đó nên tuổi thơ của Mạc Can hầu như không có dịp làm quen với sách vở, trường học.

Nói về tuổi thơ khốn khổ của mình, ông vẫn nhớ như in những lần gánh hát tình cờ dừng lại ở một nơi nào đó có trường học. Việc đầu tiên dừng chân ở chốn này là ông chạy đến đó để được gặp, chơi đùa với những đứa nhỏ đồng lứa, cất tiếng đánh vần theo chúng bạn. Mặc dù không được tới trường nhưng ông may mắn vẫn biết đọc biết viết nhờ chữ duyên. Mùa mưa kéo dài, gánh hát ế ẩm phải lên bờ, ông suốt ngày đi loanh quanh và tình cờ làm quen với một ông họa sĩ nhà có nhiều sách.

Cũng từ đây ông đã học chữ từ những quyển sách đó. Chính cách học chữ đặc biệt đã biến ông từ người không được đào tạo bài bản lại trở thành nhà văn. Kể về sự ra đời của tác phẩm Tấm ván phóng dao, ông trải lòng: Một lần ra Hà Nội, ông đến hội Nhà văn Hà Nội chơi và trong lúc trò chuyện ông kể việc mình vừa viết xong tác phẩm này và liền được người của hội Nhà văn Hà Nội đề nghị để lại cho họ đọc. Một thời gian sau, ông nhận được điện thoại, họ nói tác phẩm của ông rất hay nên giữ lại biên tập rồi gửi đi dự giải tiểu thuyết của hội Nhà văn Hà Nội và được giải A.

Không kết hôn nhưng lại có con

Trong một lần ông được mời đi đóng phim tài liệu của Nhật, ông quen biết với chủ nhiệm của đoàn làm phim. Người phụ nữ Nhật nhưng sống ở Mỹ đó thích ông và cuối cùng hai người có với nhau một cô con gái. Tuy nhiên, người phụ nữ ấy nói với ông rằng: “Ông là cha của con tôi nhưng ông không phải là chồng tôi”.

Lúc nghe ông hơi sốc nhưng sau này ông ngộ ra là vì bà không muốn lập gia đình nên đã nói vậy. Sau này, hai mẹ con người Nhật có bảo lãnh ông qua Mỹ chơi với họ. Nhưng vì sống bên đó “buồn quá trời quá đất”, ông không chịu được nên lại quay về Việt Nam.

Vốn sinh ra và lớn lên gắn bó với quê hương nên cuộc sống bên Mỹ không phù hợp với ông. Ông muốn trở về nhà nhưng lúc đó kinh tế không dư dả là bao nên không thể trở về. Khi ấy, một nhà xuất bản bên đó biết ông qua nên ngỏ lời muốn in lại cuốn sách Tấm ván phóng dao này và nhuận bút được trả bằng 200 cuốn sách.

Trước cách trả nhuận bút kỳ lạ, ông đành phải mang 200 cuốn sách ra chợ Việt Nam, xin ngồi ké mấy sạp bán hàng người Việt ở đây để bán. Những người Việt ở chợ vừa mua sách vừa giúp đỡ nên ông kiếm thêm thu nhập. Khi có đủ tiền, ông lập tức mua vé máy bay về Việt Nam ngay. Người nghệ sĩ đa tài ấy cả cuộc đời đã cống hiến cho nghệ thuật để giờ đây khi về già cuộc sống lại chẳng được như ý. Ở cái tuổi gần đất xa trời, ông phải sống cuộc sống bấp bênh.

Nhiều người thấy ông ra sách, đóng phim cứ tưởng ông giàu có nhưng thực tế không phải vậy. Có thời điểm, Mạc Can nghèo đến độ máy tính hỏng cũng không có tiền sửa. Vì cuộc sống mưu sinh, mà cho đến tận bây giờ mặc dù đã 74 tuổi nhưng Mạc Can rất tích cực viết truyện ngắn đăng báo để kiếm thêm thu nhập.

Trong một chương trình truyền hình mới đây MC Trấn Thành hỏi: “Thu nhập của chú bây giờ có ổn định không?”, nhà văn Mạc Can trả lời rằng, nguồn thu của ông bây giờ, nếu không đi diễn ảo thuật cho trẻ em xem thì sẽ viết kịch bản. Tuy nhiên, nguồn thu rất bấp bênh. Tuổi già lúc đói, lúc no.

Trúc Chi

Bài đăng trên báo giấy Đời sống& Pháp luật tháng số 37

Nguồn ĐS&PL: https://doisongphapluat.com/giai-tri/chuyen-lang-sao/nghe-si-mac-can-cuoc-doi-nhu-not-nhac-buon-ve-gia-bua-doi-bua-no-a292760.html