Nghệ sĩ lô tô Diệp Thanh Thanh: Ám ảnh tuổi thơ cơ cực và nghị lực phi thường giữa bão giông cuộc đời

Dù cuộc đời lắm lúc thăng trầm, sóng gió nhưng nghệ sĩ lô tô Diệp Thanh Thanh vẫn khiến người ta khâm phục vì sự lạc quan, nhiệt huyết của mình.

Diệp Thanh Thanh là một trong những “chị cả” của đoàn lô tô Sài Gòn Tân Thời. Dù trải qua không ít cay đắng, thăng trầm trong đời sống lẫn sự nghiệp, Diệp Thanh Thanh vẫn lạc quan, vô tư đến đáng khâm phục.

Nhiều năm về trước, Diệp Thanh Thanh là một chàng trai kinh doanh vật liệu xây dựng với cái tên Nguyễn Huy Khanh. Trong một lần được xem đoàn lô tô biểu diễn tại quê ngoại, chị bỗng nhận ra niềm đam mê ca hát, biểu diễn rạo rực trong tim mình. Vượt qua những định kiến, khó khăn, hiện tại Diệp Thanh Thanh đã trở thành một nghệ sĩ lô tô nổi tiếng tại TP HCM. Cuộc sống cũng bớt tẻ nhạt hơn khi bên cạnh chị giờ đây đã có một người chồng tình nguyện lo lắng, chăm sóc chị suốt nhiều năm qua.

- Chào chị, sau khi bộ phim tư liệu về cuộc đời mình được khán giả đón nhận, cuộc sống hiện tại của chị như thế nào?

- Chào chị, sau khi bộ phim tư liệu về cuộc đời mình được khán giả đón nhận, cuộc sống hiện tại của chị như thế nào?

Thật sự mà nói, cuộc sống của tôi cũng không có gì thay đổi nhiều. Sau khi quay Ngôi nhà buổi chiều, tôi thuê trọ mới và mở một tiệm sắt, cũng hơn 2 tháng rồi nhưng mà ế quá nên cũng buồn. Tôi mở cho ông xã trông coi, chứ mình thì vẫn đi hát bình thường, ai gọi đi show thì đi.

- Chỉ là một lần tình cờ gặp gỡ đoàn lô tô ở quê ngoại, chị đã quyết định theo nghiệp hát, đó có phải là duyên?

Tôi luôn cho rằng mình đến với lô tô và sống được với nghề đều là nhờ cái duyên. Từ một người không có đam mê, tôi hiện tại đã biết sống chết với nghề. Đi lên từ hai bàn tay trắng, trải qua bao khó khăn, tôi vẫn không thấy đó là bất hạnh, có chăng đó là số phận của mình. Cứ lạc quan, vui vẻ rồi trời, tổ sẽ thương.

- Trước khi lạc quan như hiện tại, chị chắc hẳn đã trải qua không ít những cay đắng?

Nói về những thăng trầm thì nhiều lắm, kể hoài không hết. Ví dụ như khi còn hát lô tô ở quê nhà, cứ 6 tháng nắng, 6 tháng mưa, mình đâu thể đi hát liên tục được. Những ngày nắng, làm bao nhiêu ăn bấy nhiêu, không có dư, đôi lúc tôi còn phải mượn nợ nữa. Nhưng đó là cái số, cái nghiệp của mình rồi, không theo không được. Sau khi thấy cuộc sống khó khăn quá, mới lên Sài Gòn thì gặp Lộ Lộ, tham gia Lô tô show rồi khuyên Lộ Lộ mở một sân khấu nhỏ là Sài Gòn Tân Thời. Lúc ấy, mình mới có đồng ra đồng vô, cuộc sống chưa nói là giàu có nhưng cũng ổn định hơn đôi chút.

- Khi khó khăn nối tiếp khó khăn, đã bao giờ chị có ý định bỏ nghề?

Tôi chưa bao giờ nghĩ đến chuyện đó cả. Tôi đi hát đến giờ đều là nhờ Tổ đãi. Ai cũng có khó khăn, ít nhiều gì mình cũng phải dũng cảm vượt qua. Nếu như vậy mà bỏ nghề thì không xứng đáng với những gì Tổ đã cho, với sự yêu quý của khán giả.

- Nếu không trở thành một nghệ sĩ lô tô, chị sẽ làm gì?

Nếu không hát lô tô thì tôi chết, tôi không thể làm gì khác ngoài việc trở thành một nghệ sĩ lô tô. Nói như thế không có nghĩa là tôi bất tài, vô dụng. Tôi thấy cuộc đời tôi chỉ có ý nghĩa khi tôi được đứng trên sân khấu hát phục vụ bà con. Với tôi, sống mà không có ý nghĩa thì sống để làm gì, chi bằng chết đi.

- Thu nhập của những nghệ sĩ lô tô không cao, tuổi thanh xuân lại chẳng dài lâu, chị đã dự định gì cho cuộc sống về sau?

Tôi cũng đã nghĩ rất nhiều về chuyện này. Năm nay tôi cũng 42 tuổi rồi, nhan sắc, giọng hát cũng chẳng còn duy trì được bao lâu nữa. Mình còn hát còn kiếm được tiền, không hát nữa thì cũng chẳng có ai nuôi, tôi lại còn có mẹ già cần phải chăm sóc. Do đó, tôi đã mở cho chồng một tiệm sắt. Hy vọng sau này, khi tôi không còn đủ sức để đi hát, cửa hàng làm ăn khá lên, vợ chồng sẽ có cuộc sống tốt hơn.

- Liệu xã hội đã có thiện cảm hơn với những nghệ sĩ lô tô?

Ngày xưa thì xã hội không có thiện cảm, thậm chí là ghét bỏ, kỳ thị những người làm nghề này. Tuy nhiên, hiện tại, mọi thứ đã sáng sủa hơn. Tôi thấy bản thân mình và các anh chị em đồng nghiệp đã được rất nhiều người yêu quý. Ai cũng rất mừng vì điều đó.

- Được biết mẹ chị vẫn còn gọi chị bằng tên cũ, có phải bà vẫn chưa thể chấp nhận được?

Mẹ tôi đã quen gọi tôi bằng tên cũ (Khanh) rồi. Nếu ai hỏi chuyện mẹ, lúc đầu bà sẽ kêu tôi bằng Thanh nhưng vài câu sau đã chuyển sang Khanh. Bà vốn chất phác, mộc mạc nên vậy thôi, tôi không nghĩ rằng bà có ý gì khác. Vốn dĩ mẹ rất thương tôi, từ nhỏ đến giờ bà vẫn ủng hộ con mình. Hồi xưa, khi đi diễn xa, mỗi lần tôi về là mẹ sẽ khóc, không cho con đi vì nhớ. Dù thương lắm nhưng không đi diễn thì lấy gì mà sống bây giờ. Giờ chỉ đi diễn ở thành phố thôi, mẹ con gần nhau nên tôi đã có thể chăm sóc bà chu đáo hơn.

- Mỗi khi đi ra ngoài chị đều mang khẩu trang, chị sợ điều gì?

Bất cứ khi nào ra đường tôi đều mang khẩu trang kín hết mặt mũi, dù nắng hay mưa. Tôi làm vậy vì không muốn người ta thấy mình quá nhiều rồi nói ra nói vào, vì họ cũng biết giới tính, nghề nghiệp của tôi rồi. Tôi chỉ muốn sống yên ổn như bao người khác thôi.

- Là nạn nhân của những lời trêu ghẹo nghề nghiệp, giới tính, tổn thương trong chị lớn đến nhường nào?

Hồi trước tôi hay bị chọc ghẹo nhiều nhưng giờ thì hiếm lắm, nói một lời công bằng thì mọi người đã dần văn minh hơn rồi. Thật sự cũng không buồn nhiều, tôi lạc quan lắm, không để những lời nói đó làm tổn thương mình. Ai mà quá đáng lắm thì tôi sẽ nói lại ngay, nói cho người ta hiểu chứ không phải chửi bới gì cả. Sống vậy mà nhẹ nhàng.

- Dù khó khăn, chị vẫn lạc quan đối mặt. Từ đâu chị một nghị lực to lớn như vậy?

Sự mạnh mẽ, nghị lực của tôi do tuổi thơ cơ cực mà có. Năm 9 tuổi, tôi đã theo mẹ ra Sài Gòn bán bánh tiêu. Lên 10 tuổi tôi chuyển qua bán vé số. Một vài năm sau tôi đi học nhào lộn 4 năm, đi lưu diễn nhưng rồi cũng bỏ nghề. Không có gì suôn sẻ hết. Đừng bao giờ cho tôi quay lại tuổi thơ, tôi sợ lắm. Đã không được như bao người lại còn cực khổ, gian nan.

Ngày xưa, ba tôi ghét “bê đê” lắm, ông đánh tôi hoài, nhưng tôi vẫn không oán hận gì ông, vì dù sao cũng là ba mình. Suy cho cùng ông cũng chỉ muốn tôi được tốt. Tôi hiểu nên tôi không trách gì cả.

- Cơ duyên nào đưa chị và chồng gặp gỡ?

Hồi đó tôi đi hát đám tang cho ba của một người bạn, người ấy lại là bà con của anh. Lúc ấy anh mới thấy và đem lòng cảm mến tôi, xin số điện thoại và ngỏ ý đưa tôi về nhà. Nhưng lúc ấy tôi không thích vì thấy anh hơi say nhưng rồi cũng đồng ý vì ảnh thuyết phục ghê quá.

Sáng hôm sau, 6 giờ sáng anh lại có mặt tại nhà rủ tôi đi uống nước. Rồi khi tôi đi hát ở Đồng Nai, anh lại gọi đòi đi theo. Lúc ấy tôi mới nói thẳng: “Anh ơi, em mắc nợ người ta nhiều lắm, anh theo em anh khổ, anh nuôi em không nổi đâu”, anh mới nói: “Không sao, anh nuôi em”.

Nghe nói vậy tôi thương đứt ruột, thế là tôi đồng ý. Khi đó anh đi làm thuê ngày được 300 nghìn đồng, về là đưa tôi hết. Tôi lo cơm nước cho anh. Rồi sống với nhau tới tận giờ?

- Chị nghĩ sao nếu Việt Nam chấp nhận kết hôn đồng giới?

Tôi thật sự hy vọng vào ngày đó, nhưng là cho giới LGBT chứ không phải cho mình. Tôi với chồng đã ở với nhau 5 năm nay rồi, cũng không còn quan trọng chuyện giấy tờ nữa.

Tôi không biết mình sẽ sống được bao lâu, vì những lần tiêm chích, phẫu thuật thẩm mỹ khiến sức khỏe tôi xuống dần. Nếu xã hội cho phép, tôi cũng không lý vào giấy đăng ký kết hôn đâu. Lỡ tôi thế này thế kia, anh ấy còn có thể đi thêm bước nữa. Tôi muốn để anh thoải mái, không bị bó buộc bởi bất cứ thứ gì vì tôi cả.

- Có bao giờ chị và chồng cãi vã, giận hờn nhau?

Cũng có, nhiều nữa là đằng khác (cười). Ảnh hay ghen lắm, đôi khi cãi nhau lớn đến nỗi tôi bỏ nhà đi. Mỗi lúc như vậy ảnh thường khóc, rồi cuối cùng cũng làm hòa thôi. Có lúc tôi bỏ đi mấy tháng trời mà anh ấy vẫn chờ, nghĩ vậy mới thấy thương.

- Phụ nữ ai cũng có “máu ghen”, còn chị thì sao?

Tôi không ghen. Tôi nghĩ mình sống không được lâu, anh chỉ mới hơn 30 thôi, ảnh còn phải sống cuộc đời của mình nữa, do đó tôi không bao giờ ghen. Hơn nữa anh rất chung thủy, không bao giờ bậy bạ gì với ai. Do đó tôi hoàn toàn tin tưởng vào chồng mình.

- Có khoảnh khắc nào anh làm chị xúc động?

Nhà anh gia đình cũng không khá giả gì, ba mẹ qua đời để lại miếng đất. Có lần anh ấy bảo: “Sao này lỡ bà có chết trước tôi, tôi sẽ đem bà về đó chôn để được ở gần”. Chỉ nhiêu đó thôi mà tôi thấy thương không tả nổi, không có người đàn ông nào mà sống tình cảm như vậy cả. Câu nói ấy làm tôi xúc động mỗi khi nhắc lại.

- Đến lúc tuổi về chiều, ai cũng cần con cái làm điểm tựa. Chị đã nghĩ đến việc nhận con nuôi?

Tôi không muốn có con. Thứ nhất gia đình tôi nhiều con cháu rồi, tôi xem như con mình. Thứ hai, tôi nuôi bản thân, nuôi mẹ già còn chưa xong, có con chỉ làm khổ nó thêm.

- Khi không thể tự lo được cho bản thân mình nữa, chị dự định thế nào?

Tôi biết mình không sống lâu được nữa đâu, tôi bệnh cũng nhiều. Sống được tới đâu hay tới đó thôi chứ tôi không nghĩ xa nữa. Nếu sau này già yếu, bệnh tật mà không ai chăm sóc, chắc có lẽ tôi sẽ tìm cách ra đi thanh thản nhất, tôi không muốn làm phiền đến ai cả. Cả cuộc đời tôi vốn dĩ đã tự lập.

- Ước mơ lớn nhất hiện tại của chị là gì?

Tôi chẳng mong gì cao xa cả, chỉ muốn tiệm sắt của mình làm ăn phát đạt một chút để hai vợ chồng có đồng ra, đồng vô. Ngoài ra, tôi mong mình có sức khỏe để kiếm tiền, chăm sóc cho mẹ già. Tôi muốn mẹ sống phần đời còn lại được vui vẻ, an nhàn, bà đã khổ nhiều rồi.

Cảm ơn chị về những chia sẻ trên!

Nguồn SaoStar: https://saostar.vn/xa-hoi/nghe-si-lo-to-diep-thanh-thanh-am-anh-tuoi-tho-co-cuc-7019745.html