Nghệ sĩ Lê Thái Sơn: Tiếng sáo 'át' ung thư

Trong khi bao dự định đã vạch ra để đưa tiếng sáo cũng như các loại hình âm nhạc dân tộc đến với nhiều người, đặc biệt là giới trẻ thì gần đây nghệ sĩ Lê Thái Sơn phát hiện mình mắc phải căn bệnh ung thư đại tràng giai đoạn cuối. Thế nhưng giọng nói, ánh mắt ông vẫn tràn đầy niềm lạc quan, tin tưởng rằng, việc chơi và dạy nhạc dân tộc mỗi ngày sẽ giúp mình có thêm năng lượng để chống chọi với bệnh tật.

Tìm đến phố Tô Hiệu (Hà Đông) trong một buổi chiều đầu đông, tôi không khó khăn khi tìm nhà của nghệ sĩ Lê Thái Sơn, bởi tiếng của ông cả khu đều biết, hơn nữa để cho thuận tiện ông còn đặt tấm biển to tướng trước cửa: “Trung tâm Âm nhạc truyền thống Việt Nam”. Trong phòng khách rộng chừng 20 mét đầy ắp các loại sáo, tiêu, đàn T’rưng và đặc biệt là cây đàn P’rông độc đáo do ông tự sáng chế ra. Chiếc đàn độc đáo này được ông lên ý tưởng từ nhà rông của đồng bào Tây Nguyên và chiếc đàn Piano hiện đại và đã đem đến cho ông cơ hội được đi biểu diễn ở nhiều sự kiện lớn ở trong nước cũng như quốc tế.

Nghệ sĩ Lê Thái Sơn vốn là cán bộ của Trung tâm Văn hóa Hà Nội với nhiệm vụ truyền dạy âm nhạc dân tộc cho các học viên có niềm đam mê âm nhạc dân tộc trong khu vực Thủ đô. Năm 2009 về hưu theo chế độ nhưng ông vẫn đau đáu với âm nhạc dân tộc, ông lo ngại rằng rồi đây khi nhiều dòng nhạc mới, nhạc nước ngoài du nhập vào nước ta thì giới trẻ sẽ không mặn mà với âm nhạc của cha ông để lại. Nghĩ là làm, ông đã mở lớp học miễn phí để truyền dạy cho mọi lứa tuổi, mọi thành viên trong xã hội, miễn là ai yêu tiếng đàn dân tộc đến với ông đều được ông chỉ bảo tận tình, chu đáo. Tuy vậy, việc làm của ông khi ấy cũng nhận được những lời xì xào của hàng xóm láng giềng, họ cho là “hâm”, là “dở”, nếu truyền dạy thế thì mất nghề.

Nghệ sĩ Lê Thái Sơn dạy sáo cho các em nhỏ.

Nghệ sĩ Lê Thái Sơn dạy sáo cho các em nhỏ.

Nghệ sĩ Lê Thái Sơn vẫn thường quan niệm rằng: “Mỗi người có một cuộc đời. Người giàu hoặc người nghèo về của cải vật chất đến mấy chăng nữa, cuối cùng cũng bình đẳng ở chỗ là phải về chầu tiên tổ. Chính vì vậy, tôi muốn đem hết khả năng hiểu biết của mình về cây sáo, truyền đạt tận tâm tới mọi người yêu thích, để cùng nhau có một cuộc đời vui tươi và hạnh phúc. Bởi vốn dĩ cuộc đời chúng ta vốn đầy rẫy những thử thách, chông gai, thậm chí cả những chuyện “trái tai, gai mắt” nhưng tôi tin tiếng sáo nói riêng và âm nhạc dân tộc nói chung sẽ làm chúng ta thêm tin yêu, trân trọng những giá trị của cuộc sống”.

Nhiều năm qua, nghệ sĩ Lê Thái Sơn đã tạo nguồn hàng chục học sinh cho các trường nghệ thuật chuyên nghiệp mà đến nay họ đã trở thành những giảng viên, những nghệ sĩ có tên tuổi trong bộ môn sáo trúc. Có thể kể đến: Nghệ sĩ Bùi Công Thơm (giảng viên Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam), Nguyễn Xuân Chung (Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam), Nguyễn Thị Trang (giảng viên Trường Cao đẳng nghệ thuật Hà Nội)... Đặc biệt, Bùi Công Thơm đã từng đoạt giải Nhì ở bộ môn sáo trúc trong cuộc thi độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc năm 2008.

Say sưa trò chuyện với tôi về âm nhạc dân tộc và những dự định truyền bá cho nhiều người, nghệ sĩ Lê Thái Sơn dường như đã quên luôn mình đang mắc căn bệnh ung thư quái ác. Khi tôi có ý đề cập đến vấn đề này, giọng ông vẫn đầy hào hứng: “Bệnh tật và nhất là ung thư là điều không ai mong muốn, nhưng đã mắc rồi thì phải sống chung với nó, đừng vì thế mà bi quan, bi lụy. Tôi năm nay đã ở tuổi ngoài 70, nói là ngắn thì cũng không phải mà dài thì cũng chưa, tuy nhiên tôi có niềm tin rằng nếu làm “giàu” thêm đời sống tinh thần sẽ là một cách để vượt qua bệnh tật hữu ích nhất. Và nhất là một người nghệ sĩ sáo thì mình cần lấy “vũ khí” là chính cây sáo - “người bạn” đã theo mình cả cuộc đời lăn lộn, ngược xuôi để tấu lên cho đời những nốt nhạc vui”.

Có lẽ vì suy nghĩ ấy mà ung thư với ông chưa phải là chấm hết, ung thư cũng là một thử thách cần phải vượt qua và với một niềm tin và ý chí như vậy, tin rằng ông sẽ vượt qua “khe cửa hẹp” và tiếp tục có những “chuyến đò” cập bến bờ tri thức cho những người đam mê âm nhạc dân tộc. Có những người đầy lạc quan, ý chí và lòng say mê nghệ thuật như vậy khiến chúng ta tin rằng âm nhạc dân tộc - một vốn quý của ông cha - sẽ trường tồn và lan tỏa, sẽ như một dòng chảy không ngừng dù xã hội, cuộc sống phát triển đâu, dù các loại hình âm nhạc mới, âm nhạc nước ngoài hòa nhập mạnh mẽ vào nước ta.

Doãn Thiện

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nghe-si-le-thai-son-tieng-sao-at-ung-thu-n184858.html