Nghệ sĩ Lê Mai: Ở một mình nhưng các con luôn mang lại sự ấm áp cho mẹ

Giống như cái tên của mình, gặp nghệ sĩ Lê Mai là người ta luôn thấy được vui như Tết. Lối nói chuyện gần gũi và hóm hỉnh của bà là minh chứng cho cuộc sống lạc quan, tươi trẻ, khác hẳn với cuộc sống của người đơn thân. Là bởi, bà học được cách buông bỏ và cũng là bởi vẫn được sống gần con, được quan tâm và chăm sóc mỗi ngày.

Sống lạc quan để luôn ngập tràn tiếng cười

Trong căn nhà nhỏ chừng 30m2 trên phố Phan Đình Phùng (Hà Nội), nghệ sĩ Lê Mai dành phần lớn diện tích ở cho việc lưu giữ những kỷ niệm về nghệ thuật, về con cái. Bất cứ chỗ nào trong ngôi nhà của bà cũng đều có thể nhìn thấy hình ảnh của Lê Vân, Lê Khanh, Lê Vi - 3 người con gái xinh đẹp, giỏi giang của bà. Có lẽ vì thế mà mỗi khi ai đến chơi, việc khiến bà say sưa nhất, hào hứng nhất chính là lấy những quyển album ảnh của các con, cháu để kể chuyện.

Những ngày cuối năm, trong nhà của nghệ sĩ Lê Mai đã ngập tràn hoa và các chậu cảnh nhỏ. Bà bảo, không cứ là ngày Tết mà ngày thường bà cũng thích chơi hoa, chơi cây. Sáng ra, tập thể dục, chân tay vung vẩy nhưng mắt thì liếc hoa. Thành ra, mắt cũng được tiếp vitamin.

Ở ngoài ngõ, chếch với cửa nhà - không gian chung của cả khu - nghệ sĩ Lê Mai tự nguyện là người làm vườn. Cây thì bà mua, cây thì con gái mang đến, cứ thế mà thành cái vườn nhỏ xinh từ lúc nào. Quất, cúc, người ta chơi Tết xong bỏ đi thì bà giữ lại, chăm sóc cho vươn chồi nẩy lộc nên xuân chưa về mà khu vườn nhờ tay bà đã bừng Tết từ sớm.

Ngay sát vách là nhà của NSND Lê Khanh - con gái thứ hai. Ngày trước, con gái thứ ba Lê Vi còn ở Việt Nam, chưa qua Pháp thì bà ở với con tại làng Phú Thượng (Tây Hồ, Hà Nội). Khi Lê Vi theo chồng sang Pháp, Lê Khanh không yên tâm để mẹ ở một mình nên mời bà về ở cùng. Thế nhưng, không muốn phiền con nên bà đưa ra “điều kiện” là “có nhà riêng thì ở chứ không ở chung”. Ai ngờ Lê Khanh chiều mẹ thật, mua căn hộ tập thể ở ngay sát vách cho mẹ. Có chuyện gì chỉ cần đứng ở nhà ới một tiếng là con, cháu đã nghe tiếng. Nấu món gì ngon cũng chỉ đi vài bước chân là mang sang được cho mẹ. Chính vì thế mà nghệ sĩ Lê Mai chưa bao giờ cảm thấy mình đang ở một mình.

Là diễn viên chính kịch nhưng ngoài đời, nghệ sĩ Lê Mai có lối nói chuyện rất gần gũi, hóm hỉnh. Nghe bà kể chuyện, người ta chưa cười thì bà đã cười trước. Chuyện đơn giản cũng trở thành thú vị qua lời kể của người nghệ sĩ già phúc hậu. “Cuộc sống của bà lúc nào cũng tràn ngập tiếng cười. Là bà tập cho mình cách sống lạc quan, buông bỏ, không chấp nhặt. Hồi bà đi xem tử vi, thầy phán bà sống thọ lắm, ra đi như nhẹ như một giấc ngủ. Khi sống thì được nhờ con. Thế nên bà không có gì phải phiền não hay mong đợi gì hơn ngoài sức khỏe để không làm khổ con cái”, nghệ sĩ của phim “Bà nội không ăn bánh pizza” nói.

Ăn Tết ở Pháp vẫn giữ “nếp Việt”

Vốn là người phụ nữ đảm đang, tháo vát nên dù thời bao cấp thiếu thốn là thế mà Tết trong nhà của nghệ sĩ Lê Mai đã không bao giờ thiếu cành đào, bánh chưng. Bây giờ cuộc sống dư dả, đầy đủ rồi, nếp gói bánh chưng của gia đình nghệ sĩ Lê Mai vẫn không mất đi. Bà kể: “Trong nhà, Lê Khanh là người khéo nấu ăn nhất nên cứ gần Tết là lại tổ chức nấu bánh chưng cho cả nhà. Không ăn mấy đâu nhưng thích không khí là chính. Ở bên Pháp, gia đình Lê Vi cũng thế. Có năm bà sang ăn Tết bên đó, thấy gia đình không thiếu thứ gì ngày Tết. Các cháu rất háo hức chờ đến ngày nhìn thấy bà và ba mẹ ngồi gói bánh chưng. Đào thì trồng ở vườn chỉ việc cắt mang vào. Vườn nhà Lê Vi có rất nhiều cây cối và hoa. Mỗi khi sang đó về là bà lại mang được bao nhiêu loại quả về làm quà…”.

Có một chi tiết thú vị là ngày 30 Tết thì ở Pháp, lúc đó mới là 6h chiều. Có năm, vì thấy con rể không được tuổi nên sợ con rể quên mất, đi làm về là vào nhà luôn nên bà ngồi canh ở cửa. Nếu chưa có người đến “xông đất”, bà sẽ ngăn không cho con rể vào nhà. Ai ngờ nhiều người đi qua, tưởng bà là người vô gia cư nên đều cho tiền. Bà từ chối và chỉ đây là nhà mình, họ xin lỗi rồi cười. Người Pháp là thế, lịch thiệp, nhẹ nhàng, khiến bà cũng luôn thấy gần gũi với con rể, không sợ làm phiền phức khi mang văn hóa Việt vào gia đình con gái.

Nói đến tết này, lại nhớ tết xưa

Nói Tết nay, nghệ sĩ Lê Mai lại ngậm ngùi Tết xưa. Bà bảo, ngày trước, để có một cái Tết tươm tất là không bao giờ có. Lâu lâu dành dụm mua được một chút, có khi cả tháng mới sắm xong cái Tết. Nhà có 3 con gái nên chỉ cần các con về đông đủ thì Tết đã ngập tràn rồi. Tuy có chí chóe, ồn ào, tị nạnh nhau nhưng quanh nồi bánh chưng, mọi thứ trở nên ấm áp và là ký ức khó phai của các con cho đến khi trưởng thành. Thậm chí, trở thành “chuyện dài kể mãi” cho đến đời con đời cháu sau này. Ngôi nhà ở Phú Thượng sở dĩ bà vẫn giữ lại không nỡ bán đi là muốn giữ lại ký ức Tết và những ngày đẹp đẽ cho các con ở đó.

Như NSND Lê Khanh có lần tâm sự rằng, chị nhớ mãi cái Tết trong ký ức với hình ảnh chị gái Lê Vân ngồi vo gạo trong tiết trời xuân miền Bắc lạnh giá, Lê Khanh rửa lá dong, còn Lê Vi lăng xăng giúp việc vặt… Chị nói, thời tiết giá lạnh nhưng trong lòng cảm thấy ấm áp và những khoảnh khắc đó đã ăn sâu vào máu thịt trở thành những kỷ niệm, ký ức không bao giờ quên… Chính vì nhớ những cái Tết trong ký ức, chị muốn lưu giữ lại cho con cái không khí ngày Tết cổ truyền quý giá ấy. Trên mâm cỗ Tết của gia đình chị không thể thiếu giò lụa, canh bóng thả, rồi thịt đông, thịt gà. Cũng học cách của mẹ, chị không bao giờ quên rắc lên trên đó những sợi lá chanh tươi.

Nếu như lúc 12-13 tuổi, các con đã sống tự lập với việc vào các trường nghệ thuật thì bây giờ, nghệ sĩ Lê Mai về già cũng vậy. Dù biết “số” được nhờ con nhưng chỉ khi ốm đau, bà mới nhờ đến. Các con hiểu tính mẹ chỉ thể hiện sự quan tâm một cách khéo léo, tế nhị để bà không ngại phiền. Nhiều năm qua, nghệ sĩ Lê Mai đã chuẩn bị trước cho mình một số vốn liếng đủ để an dưỡng tuổi già. Tiền đó là sự dành dụm nhiều năm đi đóng phim, tiền được con cái biếu, hay đơn giản là tiền mừng tuổi ngày Tết, bà cũng không có nhu cầu tiêu pha gì mà gửi tiết kiệm.

Hỏi bà, Tết thường sắm sửa những gì, bà kể: “Bây giờ chợ mở cả ngày Tết nên bà chỉ mua vài thứ thôi. Bà tự mua trước, kẻo cô Khanh lại mua mất, bà lại không có cơ hội được đi lượn Tết. Ngay cả những lần đi Pháp, bà cũng đều dùng tiền túi. Duy có cành mai trắng của con rể (đạo diễn Việt Thanh, chồng NSND Lê Khanh) tặng là bà nhận vì hiểu đó là tấm lòng của con rể dành cho mẹ vợ từ nhiều năm nay”.

Hỏi về ngày đầu tiên của năm mới ra sao, nghệ sĩ Lê Mai kể: “Cũng như các gia đình khác, Tết là sự đoàn tụ, xum vầy bên nhau nên ngày đầu tiên của một năm, tất cả các gia đình lại tụ tập nhà Lê Khanh hoặc Lê Vân để chúc Tết, chứ nhà bà thì không được vì chật quá. Các con, các cháu mừng tuổi, chúc thọ bà. Bà cũng mừng tuổi cho các cháu rồi mọi người đi lễ chùa, chúc Tết bạn bè. Bà thì chỉ đi loanh quanh ở khu phố này thôi. Hội làng Phú Thượng là xa nhất với bà nhưng bà vẫn đi, vì rất vui và nhà cũ của bà vẫn ở đó”.

Ở tuổi 80, mong muốn của nghệ sĩ Lê Mai vẫn không khác hồi trẻ là mấy. Tiễn chúng tôi ra cửa, bà vừa đi vừa đọc một bài thơ mới: “80 tuổi đâu còn trẻ/Chán cả tình đời, chán cả tôi/Chỉ mong Trời Phật ban cho khỏe/ Trút nốt xuân tàn cho phim thôi”. Bà cười hóm hỉnh: “Tôi không có đỉnh cao như các con nên tôi không dừng lại để giữ đỉnh cao ấy luôn đẹp. Tôi sẽ đóng phim cho đến chết”.

Nghệ sĩ Lê Mai xuất thân trong một gia đình có truyền thống hoạt động nghệ thuật. Cha của bà là nhà thơ - kịch tác gia Lê Đại Thanh hoạt động trong Đội kịch Trung ương cùng thời với Thế Lữ và Song Kim, là người có ảnh hưởng lớn đến quyết định trở thành diễn viên của bà. Mẹ của bà tên là Đinh Ngọc Anh, con gái nhà tư sản Vạn An Trường của đất Hải Phòng xưa. Bà Đinh Ngọc Anh cũng từng là diễn viên kịch trong đoàn kịch Gió Biển của chồng mình. Ngày nay ở Hải Phòng có một con đường mang tên Lê Đại Thanh.

Minh Nhật

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/giai-tri/nghe-si-le-mai-o-mot-minh-nhung-cac-con-luon-mang-lai-su-am-ap-cho-me-20190124085814848.htm