Nghệ sĩ 'không làm từ thiện', ai thiệt?

Cùng ồn ào chuyện từ thiện của Hoài Linh, không ít nghệ sĩ nổi tiếng đăng đàn giải thích về việc phân bố những khoản tiền tỷ mà họ đứng ra kêu gọi cứu trợ lũ lụt miền Trung hồi cuối năm ngoái, cho thấy khá nhiều 'rối rắm' sau câu chuyện này.

Có người thẳng thừng tuyên bố, cứ kiểu này sẽ “vĩnh viễn không kêu gọi đóng góp (làm từ thiện)” nữa, vì “đây không phải nhiệm vụ chúng tôi sinh ra phải làm” như Đàm Vĩnh Hưng, Trấn Thành...

Nếu việc này xảy ra, ai thiệt? Tất nhiên là thiệt nhiều phía, đầu tiên là những người đang trong hoàn cảnh khó khăn. Nhờ 180 tỷ đồng của ca sĩ Thủy Tiên kêu gọi được, hàng chục tỷ đồng của các nghệ sĩ khác, kể cả hơn 14 tỷ đồng mà những fan hâm mộ, nhà hảo tâm gửi gắm cho diễn viên Hoài Linh, mà rất nhiều gia đình miền Trung vượt qua được cơn khốn khó, ngặt nghèo.

Nhà báo Hoàng Hải Vân cho rằng, nếu nghệ sĩ chối bỏ việc cứu trợ thì “đồng bào hoạn nạn cũng sẽ không bị thiệt”. Bởi theo ông, khi ấy “những món quà của những người làm ra nó (người hảo tâm-NV) vẫn tiếp tục được gửi đến đồng bào khốn khó của mình, một cách trực tiếp hoặc thông qua những kênh âm thầm đáng tin cậy”.

Tôi lại nghĩ khác một chút. Đồng ý “không mợ chợ vẫn đông”, nhưng thực tế hiệu ứng tâm lý đám đông ảnh hưởng trực tiếp từ những người nổi tiếng là rất lớn, đặc biệt là với người Việt. Điều này lý giải vì sao có những cá nhân chỉ thời gian ngắn huy động được khoản tiền thiện nguyện rất lớn. Để thấy và ghi nhận vai trò, sự đóng góp tích cực của giới nghệ sĩ nói riêng và những người nổi tiếng có vị trí trong xã hội nói chung, trước nhiều hoàn cảnh nguy nan của đồng bào mình.

Tuy nhiên, cái “thiệt” lớn nhất ở đây vẫn thuộc về giới nghệ sĩ. Một khi họ ráo hoảnh đứng bên lề nỗi đau thương của đồng bào mình, bước lên trên những thân phận và những vấn đề xã hội nóng bỏng cần quan tâm. Điều này phạm vào một nguyên tắc đạo lý bất thành văn của mọi xã hội mà mọi tiền lệ đều sẽ bị quyết liệt phản đối, tẩy chay. Hình ảnh và giá trị của họ cũng trở nên vô cảm, nguội lạnh trước công chúng. Cái “mất” này mới thật sự thấm thía.

Lãnh đạo huyện ủy Sơn Tịnh và Ban Dân vận Tỉnh ủy Quảng Ngãi đồng hành cùng BTC Hoa hậu VN thăm hỏi, cứu trợ hoàn cảnh sập nhà do bão số 9/2020. Ảnh: Trần Tuấn

Thực tế, cơ chế thủ tục hành chính tại nhiều địa phương hiện đang là khó khăn khách quan cho những người làm từ thiện. Đơn cử như việc sửa nhà, xây dựng lại nhà mới cho bà con bị thiệt hại nhà cửa do bão lũ. Như Đàm Vĩnh Hưng lên kế hoạch xây mới 15 căn nhà cho đồng bào lũ lụt miền Trung từ tiền kêu gọi được cuối năm ngoái, nhưng đến giờ mới xong được 3 cái, còn lại đang dở dang. Hay như vụ “đòi lại tiền” của ông Đoàn Ngọc Hải mới đây với một số địa phương mà ông đã gửi tiền hỗ trợ xây nhà nhưng khâu tiến hành “quá chậm”!

Cũng khó trách địa phương, bởi quy định quản lý vốn là vậy. Riêng việc chọn ai, bỏ ai trong vô số hoàn cảnh khó khăn ở địa phương cũng là cả một vấn đề, nếu thiếu công bằng mâu thuẫn mất lòng sẽ âm ỉ lâu dài nơi xóm làng.

Tin vào địa phương

Bộ Tài chính đang gấp rút hoàn chỉnh trình Chính phủ Dự thảo Nghị định Về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo. Đây sẽ thay thế cho Nghị định 64/2008/NĐ-CP ngày 14/5/2008 trong lĩnh vực này.

Điểm mới quan trọng trong quy định là bổ sung thêm quy định cho phép “các cơ sở y tế, quỹ xã hội, quỹ từ thiện và cá nhân” được vận động, tiếp nhận, quản lý và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện để cứu trợ (thay vì chỉ cho phép các cơ quan thông tin đại chúng như trước đây). Và cá nhân khi đứng ra vận động cứu trợ phải “thông báo với chính quyền địa phương nơi cư trú về mục đích, phạm vi, phương thức, hình thức vận động...”.

Ngoài ra, thời gian tiến hành phân phối tiền, hiện vật phải được thực hiện ngay trong quá trình vận động, tiếp nhận, và kết thúc “chậm nhất không quá 20 ngày kể từ khi kết thúc thời gian tiếp nhận”.

Đây là quy định pháp lý rất cần thiết để góp phần điều chỉnh tình trạng “trăm hoa đua nở” trong lĩnh vực thiện nguyện thời gian qua. Dù chậm hơn thực tế cuộc sống, nhưng dưới góc độ nào đó phần nào cho thấy tín hiệu tích cực: Đó là tấm lòng chia sẻ, cưu mang với đồng bào đã “vượt rào” mọi văn bản.

Tuy nhiên, với dự thảo này, có lẽ cần xem xét kỹ hơn việc yêu cầu cá nhân phải “thông báo với chính quyền địa phương” khi kêu gọi đóng góp thiện nguyện. Liệu điều đó sẽ khiến những người muốn giúp đỡ đồng bào cảm thấy “nhiêu khê”, ngại ngần?

Nếu không có sự tích cực giúp sức của các địa phương, việc thiện dù quy mô lớn hay nhỏ cũng khó hoàn thành đúng ý nghĩa. Vấn đề là có niềm tin và xây dựng được niềm tin. Ngược lại với tâm lý thích “độc diễn” của một số cá nhân thời gian qua, gây ra những hệ lụy đáng tiếc.

Thực ra, nếu có quyết tâm và một kế hoạch thực sự, thì mọi thủ tục liên quan không có gì nặng nề. Đến đây, nhớ lại đợt chúng tôi đi trao tiền hỗ trợ cho những hộ dân ở Quảng Ngãi bị sập nhà sau cơn bão số 9 (Molave) hồi cuối năm ngoái. Chương trình “Mái ấm tình thương” do Ban Tổ chức cuộc thi Hoa hậu Việt Nam năm 2020, với đóng góp của nhiều người đẹp, nghệ sĩ lần ấy đến từng nhà 45 hộ thuộc diện nhà sập để trao tận tay số tiền 20 triệu mỗi trường hợp.

Đoàn chia làm 3 nhóm theo ba cánh, mỗi nhóm đều có lãnh đạo cao nhất của chính quyền, đoàn thể địa phương hỗ trợ đi cùng. Nhóm chúng tôi đến hộ cuối cùng là nhà bà Phạm Thị Lài, ở thôn Hòa Thuận xã Tịnh Hòa, TP Quảng Ngãi đã hơn 7 giờ tối.

Bà cụ ngồi một mình dưới mái bạt cạnh căn nhà đổ nát, quang cảnh tối om, mưa lại sắp đổ xuống. Chủ tịch UBND thành phố Quảng Ngãi là ông Hà Hoàng Việt Phương phải bật đèn pin điện thoại lấy ánh sáng để chúng tôi trao tiền.

Ðại diện BTC Hoa hậu VN 2020 trao tiền hỗ trợ dựng lại nhà sập cho hộ bà Phạm Thị Lài dưới ánh đèn điện thoại của Chủ tịch TP Quảng Ngãi. Ảnh: Trần Tuấn (chụp tối 1/11/2020)

Ðại diện BTC Hoa hậu VN 2020 trao tiền hỗ trợ dựng lại nhà sập cho hộ bà Phạm Thị Lài dưới ánh đèn điện thoại của Chủ tịch TP Quảng Ngãi. Ảnh: Trần Tuấn (chụp tối 1/11/2020)

Đến giữa tháng 12/2020, đoàn tiếp tục lên Nam Trà My (Quảng Nam) trao cho xã Trà Don 900 triệu đồng, và 100 triệu cho Trường Tiểu học bán trú xã Trà Vân, để góp phần dựng lại 18 ngôi nhà và 1 phòng học bị lũ và lở đất tàn phá. Đến nay, những ngôi nhà trên đang gấp rút hoàn thành.

Trần Tuấn

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/nghe-si-khong-lam-tu-thien-ai-thiet-post1340657.tpo