Nghệ sĩ kể chuyện về nữ Phó Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thị Thu

Sự ra đi đột ngột của Phó Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thị Thu đã để lại niềm thương tiếc vô hạn trong giới văn nghệ sĩ TP HCM

Khu dưỡng lão nghệ sĩ TP HCM là nơi chị Nguyễn Thị Thu nhiều lần ghé thăm. Các nghệ sĩ lão thành nơi đây xem chị như người thân trong gia đình.

Nhớ cái ôm nồng ấm

NSƯT Diệu Hiền đã khóc khi nhận được hung tin. "Tôi nhớ cái ôm nồng ấm của chị khi đến thăm sau lần tôi té ngã gãy tay. Rồi chị khuyên tôi đừng đi hát nữa. Chị bảo với tôi rằng tuổi cao sức yếu mà mỗi tối vẫn đi xe ôm đến điểm diễn thì không ổn. Rồi hôm đến dự chương trình "Nghệ sĩ tri âm", chị vào hậu trường thăm tôi, dặn dò ca 2 câu vọng cổ thôi, chứ ca hết 6 câu bài "Tần Quỳnh khóc bạn" vì sợ tôi mệt". Kể đến đây, nữ nghệ sĩ nghẹn ngào: "Biết nói sao cho hết niềm xúc động khi phải chia tay một người phụ nữ lãnh đạo hết lòng vì đời sống nghệ sĩ. Không thể tin chị Thu ra đi khi tuổi đời còn quá trẻ!".

Phó Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thị Thu luôn quan tâm đến đời sống văn nghệ sĩ

Phó Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thị Thu luôn quan tâm đến đời sống văn nghệ sĩ

Với quái kiệt Tòng Sơn, khi biết ông tuổi cao sức yếu vẫn miệt mài đi diễn để có thu nhập trang trải cho việc thuê nhà, chị Thu đã dành nhiều chia sẻ. Nghệ sĩ Tòng Sơn nhớ lại: "Tôi gặp chị Thu, kêu nài việc chưa có quy chế tiếp nhận nghệ sĩ lĩnh vực sân khấu vào khu dưỡng lão nghệ sĩ vì tôi là nghệ sĩ thổi kèn bên tân nhạc. Chị Thu lắng nghe, thấu hiểu và động viên tôi hãy chờ một thời gian để giải quyết, xây dựng thêm phòng mới để tiếp nhận nghệ sĩ ở các lĩnh vực khác. Tôi cảm kích nhân cách của chị dành cho người nghệ sĩ".

Người viết bài này đã từng nhận 5 triệu đồng từ tay chị Nguyễn Thị Thu với lời căn dặn: "Trong chương trình "Đêm rằm ca hát", em mua thêm quà, thực phẩm tặng các cô chú ở khu dưỡng lão nghệ sĩ. Không được nói chị gửi mà chỉ nói có một khán giả hâm mộ các cô chú thôi nhé". NSND Lệ Thủy xúc động: "Trong công việc từ thiện, nhiều năm qua, chị Thu là người gắn bó sát với chúng tôi. Biết chúng tôi tổ chức phát quà cho nghệ sĩ nghèo và xây nhà tình thương, chị luôn ủng hộ".

NSƯT Trường Sơn cho biết lúc còn làm Chủ tịch LĐLĐ TP HCM, chị Nguyễn Thị Thu hay đến thăm, động viên anh em công nhân hậu đài của sân khấu cải lương và kịch nói. Ai nấy đều hết mực quý mến chị. "Một lần khi diễn tại rạp Công Nhân do trần sân khấu xuống cấp bất ngờ đổ sụp, tôi đang ngồi hóa trang thì bị trần nhà đè suýt gãy xương vai. Chị Thu biết tin đã gọi điện thoại hỏi thăm, chỉ đạo rạp Công Nhân sửa chữa ngay khu vực hóa trang của nghệ sĩ. Tấm lòng của chị thật đáng quý" - NSƯT Trường Sơn bày tỏ.

Trái tim nhân ái

NSƯT Minh Vương dành nhiều sự trân quý và cả hàm ơn đối với nữ cán bộ hết lòng vì công việc, luôn quan tâm, chăm lo đời sống vật chất tinh thần cho người lao động ngành sân khấu. Ông bộc bạch: "Chỉ mới đây thôi, trong chương trình chuẩn bị chào đón 100 năm sân khấu cải lương của TP HCM, chủ trì cuộc họp với nghệ sĩ, chị đã trao đổi, thăm hỏi, động viên chúng tôi cùng làm tốt chương trình mang ý nghĩa này. Còn trong đợt xét duyệt danh hiệu NSND, NSƯT vừa qua, chính chị là người đã chỉ đạo thực hiện kiến nghị xem xét lại các trường hợp bị trượt danh hiệu trong đó có tôi, NSƯT Thanh Tuấn, NSƯT Giang Châu. Vừa qua, khi hội đồng xét duyệt cấp nhà nước đã thông qua, chúng tôi có tên trong danh sách trao tặng danh hiệu NSND đợt này. Công lao của chị rất lớn".

Còn NSƯT Kim Tử Long chia sẻ câu chuyện cảm động về sự tận tụy của nữ phó chủ tịch phụ trách văn xã của UBND TP, tại chương trình kỷ niệm 100 năm sân khấu cải lương. "Tôi nhớ nhất câu nói của chị là "sau bước ngoặt 100 năm thì sân khấu cải lương sẽ hướng đến mục tiêu gì? Không chỉ đem khoe những thành tựu mà phải cho thấy những tiềm năng, những trăn trở để hướng sàn diễn đến với khán giả trẻ. Vì họ chính là người góp phần mang đến thành tựu cho sàn diễn cải lương" - NSƯT Kim Tử Long xúc động.

Về với cõi vĩnh hằng, chị Nguyễn Thị Thu để lại tình cảm sâu đậm trong lòng nghệ sĩ. Giờ đây, mỗi lần ca bài "Tần Quỳnh khóc bạn" của soạn giả Viễn Châu, NSƯT Diệu Hiền lại nhớ đến người nữ lãnh đạo đã yêu thương nghệ sĩ bằng trái tim nhân ái.

Người bạn của nhà báo

Đối với những người làm báo, chị Nguyễn Thị Thu như một người chị, người bạn chân tình, gần gũi. Khi hay tin chị ra đi, nhiều phóng viên đã chia sẻ tình cảm của mình trên trang cá nhân. Họ nhớ về chị với tất cả tấm lòng kính trọng, thương yêu.

"Hôm nghe tin chị đã về thế giới bên kia, tôi lại nhớ về chị - một nữ Phó Chủ tịch UBND TP dễ gần, cởi mở" - anh Nguyễn Văn Bình, phóng viên Báo Tổ quốc xúc động. Anh Bình kể lần đầu tiên anh gọi điện để phỏng vấn, chị Thu tiếp ngay. Chị còn mở đầu buổi làm việc bằng một câu hóm hỉnh: "Hay mày tuyển chị làm thư ký cho mày nhé". Nói rồi chị cười thật tươi. "Cảm giác ấy thật gần gũi. Rất trân quý cách đối đãi của chị" - anh Bình bày tỏ.

Còn chị Nguyễn Thị Mỹ Trang, phóng viên Đài Tiếng nói nhân dân TP, nhớ mãi câu nói của chị Thu: "Thôi ông ơi, bắt tui trả lời phỏng vấn hoài". "Miệng thì nói vậy chứ chị luôn dành cho tôi 15-20 phút cho những lần trao đổi. Những chia sẻ của chị đã giúp tôi, bạn nghe đài giải tỏa các thắc mắc cũng như hiểu thêm về Công đoàn, công nhân" - chị Mỹ Trang chia sẻ.

Khi hay tin Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Thu qua đời, phóng viên Lê Tuyết, Báo Lao Động, đã khóc. Với Lê Tuyết, chị Thu là một thủ lĩnh Công đoàn, hết mình vì công nhân, lao động nghèo. Mới đây thôi, khi Lê Tuyết viết câu chuyện về trường hợp con một nữ công nhân cần tiền mổ tim, chị Thu bảo: "Cho chị tham gia với". Rồi chị gửi cho tài xế mang 10 triệu đồng đưa cho Lê Tuyết. "Đứa bé bây giờ đã được mổ tim, đã lành lặn, khỏe mạnh rồi chị Thu à…" - Lê Tuyết bày tỏ tiếc thương.

Tr.Hoàng - P.Anh

Bài và ảnh: Thanh Hiệp

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/het-long-voi-nghe-si-ngheo-2019022223034086.htm