Nghệ sĩ Hoàng Thúy Liệu: Giữ hồn dân tộc qua những bức vẽ và câu hát

Từ lần đầu tiên gặp họa sĩ Hoàng Thúy Liệu ở Câu lạc bộ Đàn và hát dân ca Đài Tiếng nói Việt Nam, tôi đã thực sự ấn tượng với chị từ giọng nói truyền cảm, khuôn mặt phúc hậu đến bộ áo dài chị mặc. Tôi lại càng quý mến và kính trọng chị hơn khi biết chị là tác giả của hơn 200 mẫu tem mang đậm hồn cốt dân tộc, trong đó nhiều mẫu tem đã giành được giải thưởng danh giá ở trong nước và quốc tế.

Họa sĩ Hoàng Thúy Liệu sinh năm 1955 tại Thái Bình nhưng quê gốc ở Đồ Sơn, Hải Phòng. Bố mẹ chị tuy làm việc trong ngành y nhưng lại thuộc nhiều thơ, thích làm thơ, thích vẽ tranh và mê nhạc cổ truyền. Khi chị còn bé, những bức mặt người do bố chị vẽ đã là món đồ chơi mà chị rất yêu thích. Bố chị còn mua một số nhạc cụ như đàn nhị, vĩ cầm, đàn tranh… về tự học rồi cho các con học theo.

Và chỉ ít lâu sau, chị đã có thể đánh được đàn tranh trong bản hòa tấu của hai bố con. Hồi ấy, chị đã biết đến dân ca các vùng miền, nhạc giao hưởng cùng các bản nhạc kinh điển Việt Nam và quốc tế… qua radio, nhờ đó mà tâm hồn chị đã được nuôi dưỡng tình yêu với văn học, mỹ thuật và âm nhạc. Cũng như nhiều đứa trẻ khác, chị yêu mẹ và vốn là cô bé trong đội tuyển giỏi văn của tỉnh Thái Bình đi thi toàn miền Bắc (năm 1968), chị đã ước mơ trở thành nhà văn để viết sách về mẹ mình.

 Họa sĩ Hoàng Thúy Liệu hát trong sinh nhật mình.

Họa sĩ Hoàng Thúy Liệu hát trong sinh nhật mình.

Tuy nhiên, do anh trai chị rất mê vẽ và đang theo học ngành mỹ thuật nên sau khi tốt nghiệp phổ thông, anh đã định hướng cho cô em gái thi vào ngành Sơn mài trang trí, Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội. Với việc chị được học vẽ tranh trong khổ lớn phóng khoáng nhưng sau khi ra trường lại về công tác tại Công ty Tem Việt Nam (thuộc Tổng Công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam) với nhiệm vụ thiết kế mẫu tem bưu chính nhỏ bé ban đầu đã gây cho chị nhiều bỡ ngỡ. Khi ấy, cô giáo của chị đã nói: “Tâm hồn như em về làm tem nó phí đi” khiến chị cũng hơi đắn đo.

Thế rồi thế giới những câu chuyện của con tem mà từ thuở nhỏ bố và anh chị đã chỉ cho chị gom nhặt từ những bì thư đã khiến chị bắt đầu gắn bó với nó ngày càng mê đắm hơn.

Nhưng cũng không thật dễ dàng gì, ngày đó họa sĩ phải thiết kế con tem bằng tay, từ việc phóng hình, nhân bản đến kẻ chữ trong con tem đó. Hơn nữa tem không chỉ đơn thuần là một “loại tiền” để chuyển phát thư, bưu thiếp, bưu phẩm, mà nó còn mang trong mình thông điệp của một quốc gia nên đòi hỏi ở người vẽ tem phải thật tỉ mỉ, chính xác đến từng chi tiết nhỏ nhất. Thế nhưng, bằng sự say mê, ham học hỏi mà chị đã lần lượt cho ra mắt bộ tem với nhiều chủ đề phong phú như: Danh nhân, di sản văn hóa, nhạc cụ dân tộc, kiến trúc, hoa trà, động vật…

Ở bất kỳ chủ đề nào, những mẫu tem của chị cũng hiện lên vừa bình dị, gần gũi với đời sống, vừa mang trong mình sắc thái phóng thoáng đậm chất nghệ thuật. Mỗi con tem đều mang trong mình một câu chuyện mà như chị tâm sự: “Họa sĩ thiết kế tem cũng như người viết sử, các sự kiện, các thời kỳ lịch sử đều được người họa sĩ thiết kế tem “nén” một cách độc đáo trong các con tem nhỏ bé của mình. Tổng hợp các con tem lại sẽ có một bức tranh lịch sử sống động, rõ nét”.

Năm 2015, họa sĩ Hoàng Thúy Liệu và nhà sưu tầm tem Vũ Văn Tỵ đã tổ chức triển lãm “Câu chuyện của tem” trưng bày 40 mẫu phỏng theo con tem đã được phát hành và những phác họa tem cũng như những mẫu tem chưa được phát hành dưới hình thức khổ lớn. Chính điều đó đã mang đến cho người xem một không gian mới, phá cách hoàn toàn với các triển lãm tem truyền thống trước đây.

Trong triển lãm này, nữ họa sĩ đã đem đến cho người xem những bộ tem với những nét phác thảo hết sức công phu như bộ tem: Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, dự thi 1.000 năm Thăng Long (đoạt giải B năm 2010), kỷ niệm 100 năm Ngày sinh cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Cung đình Huế; tem kỷ niệm 50 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và Ngày hội Quốc phòng toàn dân... và rất nhiều bộ tem thể hiện tình yêu thiên nhiên của nữ họa sĩ như các bộ: Hoa trà, hoa lan, linh trưởng, rùa biển...; những bộ tem giới thiệu về Di sản văn hóa Việt Nam được UNESCO công nhận như: Cố đô Huế, Phong Nha - Kẻ Bàng, Hội An, Nhã nhạc cung đình Huế....

Họa sĩ Hoàng Thúy Liệu say sưa với việc biểu diễn âm nhạc dân tộc.

Bên cạnh tình yêu với những con tem, chị còn say đắm với âm nhạc dân tộc. Khi nhận quyết định nghỉ hưu, chị đã quyết tâm đi học nhạc bởi chị vẫn luôn quan niệm rằng mỹ thuật và âm nhạc là hai anh em song sinh. Và rồi, chị tìm đến Câu lạc bộ Đàn và hát dân ca Đài Tiếng nói Việt Nam, được các thầy chỉ bảo chị đã cháy hết mình với nó. Ngày ngày chị vẫn hăng say tập luyện các làn điệu dân ca và nhạc cổ truyền để cho đến hôm nay, chị đã hát được nhiều thể loại như: Cải lương, chèo, xẩm, chầu văn, quan họ… và một chút ca trù. Đặc biệt chị có một tình yêu lớn với vọng cổ, thế nhưng Câu lạc bộ lại không dạy nên chị đã tìm đến NSƯT Kim Sinh để nhờ truyền dạy một số nét cơ bảnmà giờ chị đã có thể tự tin hát trước khán giả thể loại rất khó này.

Giấc mơ thuở thiếu thời viết sách về mẹ chưa thực hiện nhưng với tình yêu vô bờ bến với những bậc sinh thành, đặc biệt là mẹ đã được chị gửi gắm trong một số bài thơ, bài hát theo làn điệu dân ca nhạc cổ. Năm 2012, chị đã phát hành 2 album in ra với số lượng 250 đĩa công đức các chùa. Vol 1 “Tiếng hát cửa thiền” tập hợp những bài hát về Phật, chùa... các thể loại: nhạc mới, quan họ, ngâm thơ, chèo, cải lương, chầu văn, còn Vol 2 “Vu lan” là những bài hát về nhớ ơn cha mẹ với các thể loại như: văn, chèo, cải lương... và có cả một số bài chị tự sáng tác về cha mẹ.

Đặc biệt trong năm 2014, chị đã thành lập nhóm xẩm Sen Tây Hồ, trong đó với con mắt tinh tường của người họa sĩ, chị đã thiết kế không gian văn hóa mang đậm nét của văn hóa Thăng Long - Hà Nội. Nhóm xẩm của chị đã được biểu diễn tại Trại hè quốc tế năm 2014.

Nghệ sĩ Thanh Phong cho biết, anh ấn tượng với họa sĩ Thúy Liệu về sự chuẩn mực trong cách ăn mặc, bởi trong hát dân ca lựa chọn trang phục chuẩn mực là điều rất quan trọng. “Giọng hát dân ca của Thúy Liệu toát lên một sự từng trải của người phụ nữ đã là bà, là mẹ nên cảm xúc rất thực, rất tình cảm. Dường như mỗi bài hát chị đã gửi gắm tình cảm của người mẹ, người bà vào trong ấy.

Điều nữa tôi ấn tượng, đó là chị rất đam mê và luôn tìm hiểu dân ca ở mọi vùng miền để làm mới cho mình. Với người yêu dân ca như bản thân Thanh Phong, khi yêu ví dặm chỉ có thể hát tốt ví dặm, còn chị lại có thể hát được rất nhiều thể loại dân ca từ Bắc vào Nam.

Khi chị hát cải lương, Thanh Phong nhắm mắt vào tưởng tượng như người con gái Nam bộ hát, rồi cách hát, cách đi lại diễn chuẩn với cách hát hầu đồng của người Việt. Tóm lại ở Thúy Liệu hội tụ một tâm hồn thật đẹp, một đời sống nội tâm thật sâu lắng, một tình yêu quê hương, gia đình thật nồng nàn, sâu sắc”, nghệ sĩ Thanh Phong cho biết.

Có một cuộc đời được cháy hết mình với nghệ thuật dân tộc, họa sĩ Hoàng Thúy Liệu cũng luôn cảm thấy thật may mắn khi chồng chị, vốn là người ở quê chèo Thái Bình đã luôn ở bên động viên, chia sẻ, thậm chí còn nghe và góp ý các làn điệu. Đặc biệt phu quân của chị cũng là một người rất mê hát âm nhạc dân tộc và từng song ca với nữ họa sĩ trên nhiều sân khấu.

Ngô Khiêm

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/tu-lieu-van-hoa/nghe-si-hoang-thuy-lieu-giu-hon-dan-toc-qua-nhung-buc-ve-va-cau-hat-599585/