Nghệ sĩ Dũng Nhi và những 'bí mật' đằng sau 'Sao Tháng Tám'

Hơn 40 năm sau 'Sao tháng Tám', diễn viên Dũng Nhi vẫn nhớ như in cảm giác 'tay ngang' sang điện ảnh, vừa đi dạy vừa đóng phim.

"Sao tháng Tám" là bộ phim đen trắng màn ảnh rộng đầu tiên làm về đề tài Cách mạng tháng Tám được sản xuất từ năm 1975-1976 của đạo diễn, NSND Trần Đắc. Bộ phim đã ghi dấu ấn cho những tên tuổi như Thanh Tú, Đức Hoàn, Dũng Nhi, ...

Ảnh bìa phim. Nguồn: TL

Ảnh bìa phim. Nguồn: TL

Nghệ sĩ Dũng Nhi tâm sự, theo học ngành sư phạm, ông không có ý định trở thành một diễn viên. Nhưng như cái duyên, nghiệp diễn đã tìm đến ông từ lời mời nhiệt tình của đạo diễn Trần Đắc cho vai diễn Lê Mã Lương trong phim "Bài ca ra trận" của ông năm 1973. Sau đó, khi đạo diễn Trần Đắc khởi quay "Sao tháng Tám", Dũng Nhi được giao vai nam chính – Kiên.

Nam nghệ sĩ kể thời điểm quay "Sao tháng Tám" ông vẫn đang là giáo viên, vừa dạy vừa đi quay phim, có những buổi quay phim cả ngày, ông phải xin đổi ca cho đồng nghiệp.

"Thật thà mà nói thì tôi cứ nhận lời vậy thôi chứ đóng phim khi đó còn vất vả hơn dạy học, trong khi cát-sê lại thấp. Đóng phim gần 1 năm, tôi được trả khoảng hơn 140 đồng, chỉ bằng 2 tháng lương dạy học" - ông nói.

Là "tay ngang" với điện ảnh nên nghệ sĩ Dũng Nhi cho biết khi diễn xuất ông phải phân tích nhân vật rất kỹ ngày đêm, làm việc với đạo diễn để có thể hóa thân trọn vẹn vào vai Kiên.

"Nhưng cái may của tôi khi vào vai này là nhân vật Kiên thanh niên trí thức cũng có khá nhiều điểm tương đồng với tôi ở ngoài nên hóa thân cũng dễ dàng hơn. Đặc biệt, mẹ tôi ngoài đời cũng đóng vai mẹ của nhân vật Kiên trên phim nên về nhà, tôi thường được mẹ chỉ bảo nhiều trong kịch bản và diễn xuất" - nghệ sĩ tâm sự.

Hình ảnh phim

Chia sẻ về những khó khăn của năm tháng làm phim đó, nghệ sĩ Dũng Nhi cho biết, bộ phim được quay trong bối cảnh năm 1975-1976, tình hình đất nước đang có biến động về chính trị nên ê-kíp làm phim cũng lắm gian nan.

Ông kể: "Hồi đó vẫn có máy bay của địch nên khi có báo động vang lên, đoàn làm phim đang quay nhưng mỗi người chạy một ngả chui vào hầm trú ẩn. Thành viên làm ánh sáng phải úp hết máy phản sáng xuống đất. Trong một cảnh quay có bà cụ già ở gốc đa công viên Bách Thảo, có tiếng báo động, nhiều người không kịp chui vào hầm trú ẩn đã nép luôn vào gốc cây đa với vẻ mặt hồi hộp lo sợ".

Đặc biệt thời kỳ ấy, kinh tế của đất nước còn khó khăn nên dụng cụ, máy móc quay phim cũng thô sơ và được quay bằng máy film. Theo quy định của Nhà nước, diễn viên chỉ được quay 2,5m film nên phải hết sức tiết kiệm, cố gắng để cảnh quay chỉ quay 1 lần. Ngoài ra rất nhiều lần đoàn làm phim phải quay vào những ngày nắng to và gắt vì thiết bị quay được nhập đồ cũ từ Nga và Đức nên độ nhạy sáng của phim thấp. Vì thế nhiều cảnh trên phim diễn ra trong đêm trăng nhưng thực tế lại được quay vào ban ngày dưới ánh nắng mặt trời chói lọi.

Đến thời điểm hiện tại, có lẽ chưa có bộ phim nào phản ánh thành công những ngày sôi sục trước cách mạng tháng Tám năm 1945 và nạn đói kinh hoàng năm ấy như "Sao Tháng Tám". Ở đó có những con người gầy còm, những mái nhà tranh liêu xiêu, cây đa, hồ nước hoang sơ, vắng bóng người, những con đường đất đầy lá cây, mái chợ quê liêu xiêu lợp bằng những bó rạ khô, những chiếc nón mê rách tươm chẳng còn nổi vành nón, những khu phố Pháp cũ còn nguyên dáng vẻ phồn hoa, sang trọng hay nhà máy điện chạy than với những chiếc xe goòng chở than đẩy bằng tay... Người đói vật vờ như những cái bóng khắp các hang cùng, ngõ hẻm, với tiếng khóc, tiếng rên, tiếng kêu ai oán.

Nhưng cũng ít ai biết, những hình ảnh đó, đặc biệt những nhân vật ăn mày ấy được thể hiện bởi chính những người… ăn mày thật bên ngoài. Nghệ sĩ Dũng Nhi nhớ lại: "Để có được những cảnh quay chân thực nhất nhằm tái hiện nạn đói năm Ất Dậu, tổ đạo diễn đã đi huy động được khoảng 20 người ăn mày ở khắp Hà Nội để làm diễn viên. Sau đó, mỗi người được đoàn phim trả 5 đồng. Đặc biệt, trong phim có một ông cụ gầy trơ xương ở khu gần chợ Bưởi được mời vào diễn. Nhưng khi phim được công chiếu, con cháu của ông đã đề nghị đoàn phim cắt cảnh đó vì nhìn thấy bố tội nghiệp quá".

Thế nhưng theo nghệ sĩ Dũng Nhi từ những vất vả, khó khăn, thiếu thốn nhưng rất chân thực nên khi ấy, ai ai cũng hết mình cho công việc. "Chẳng phải nghệ sĩ mà nhân dân sống cũng rất khổ, nhưng có lẽ vì cái khổ ấy mà mọi người đều toàn tâm toàn ý dốc sức làm việc. Kết quả, "Sao tháng Tám" trở thành bộ phim lịch sử của điện ảnh Việt đến tận hôm nay và mai sau", nghệ sĩ Dũng Nhi tâm sự.

Sau thành công của vai diễn trong bộ phim “Sao tháng Tám”, nghệ sĩ Dũng Nhi vẫn miệt mài cống hiến cho nghệ thuật và hiện tại, ông đã trở thành gương mặt quen thuộc với khán giả màn ảnh nhỏ qua các phim truyền hình như: Bí thư tỉnh ủy, Đàn trời, Chạy án...

An Khánh

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/giai-tri/nghe-si-dung-nhi-va-nhung-bi-mat-dang-sau-sao-thang-tam-20190901140355495.htm