Nghệ sĩ chỉ lớn khi làm đẹp cho đời

Tranh cãi của nghệ sĩ Đàm Vĩnh Hưng với một tài khoản facebook liên quan tới hình ảnh của đối tượng dâm ô Nguyễn Hữu Linh là chuyện nhỏ hay lớn?

Bức ảnh gây tranh cãi. Ảnh: vietnamnet.vn

Mới đây, một tài khoản facebook có tên Lê Hoài Anh có đăng tải bức ảnh có mặt Đàm Vĩnh Hưng và Nguyễn Hữu Linh - cựu Viện phó VKSND Đà Nẵng, là đối tượng bị cơ quan CSĐT Công an quận 4, TP. HCM) ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can về hành vi dâm ô đối với người dưới 16 tuổi. Ghi chú dưới bức ảnh là: “Trong bức ảnh này, giờ ai nổi tiếng hơn ai nhỉ?”

Đàm Vĩnh Hưng ngay lập tức đáp trả: “Một ngày tôi chụp không biết bao nhiêu tấm hình với họ… Các buổi biểu diễn, event, tiệc cưới, sinh nhật, đám ma, sinh nhật, đầy tháng… ai cũng kéo tôi chụp hình hết bàn này đến bàn khác! Không lẽ trước khi chụp tôi phải hỏi và bắt họ tuyên thệ: Không sàm sỡ, không buôn lậu, không giật chồng người khác,...”. Kèm theo đó, Đàm Vĩnh Hưng không quên dằn mặt bà Lê Hoài Anh rằng phải gỡ bức ảnh đó trong vòng 24h, nếu không sẽ “xử” (!?).

Dù sau đó cả hai bên đã gỡ các dòng trạng thái trên trang cá nhân của mình nhưng câu chuyện phản ứng mạnh mẽ của Đàm Vĩnh Hưng đã gây ra sự tranh cãi gay gắt trong cộng đồng.

Một luồn ý kiến cho rằng tài khoản facebook Lê Hoài Anh đã “sai” khi sử dụng hình ảnh cá nhân và hàm ý so sánh với đối tượng Nguyễn Hữu Linh. Nhiều người hoạt động trong môi trường nghệ thuật cũng tỏ ra ủng hộ luồng ý kiến này.

Một luồng ý kiến khác thì cho rằng, Đàm Vĩnh Hưng là nhân vật của công chúng, do vậy, việc bị sử dụng hình ảnh là không có gì “to chuyện”, nhất là khi facebook Lê Hoài Anh có dụng ý công kích đối tượng dâm ô. Từ đó, phản ứng của Đàm Vĩnh Hưng là sự thái quá một cách không cần thiết.

Tất nhiên, tuyên bố của Đàm Vĩnh Hưng về việc sử dụng hình ảnh cá nhân không phải không có lý. Nhưng với tư cách là một ca sĩ có nhiều người hâm mộ thì đây có phải là việc nên làm? Một chuẩn mực về ứng xử?

Câu chuyện này thật ra không có nội dung mới, ta luôn thấy nó ẩn hiện đâu đó khi giới showbiz va đập với đời sống. Nó cũng buộc người ta tự hỏi lại câu hỏi không mới: Thế nào là nghệ sĩ lớn?

Nghệ sĩ, nhất là những nghệ sĩ lớn luôn có một ảnh hưởng nhất định tới cộng đồng chung. Đời sống nói chung không thể biết hết những khó khăn, vất vả, mồ hôi nước mắt của nghệ sĩ trong quá trình khổ luyện thành tài. Nhưng thứ hào quang lấp lánh của họ trên thánh đường nghệ thuật luôn là một hấp lực khiến nhân gian mê mẩn. Thế nên thói đời mới nảy sinh ra lòng hâm mộ. Cũng vì lòng hâm mộ mà mỗi hành động, lời nói của nghệ sĩ được nhiều người theo dõi và học tập, lấy đó như một động lực để thay đổi bản thân.

Gần đây thôi, trong sự kiện giải trí quảng bá cho đường đua F1 tại Hà Nội, người ta mời Dương Tử Quỳnh xuất hiện và tham dự chương trình “Đỉnh cao công nghệ - Tuyệt đối an toàn” nhằm hưởng ứng chiến dịch An toàn giao thông #3500 sinh mạng (#3500LIVES). Tại sao lại là Dương Tử Quỳnh? Tại sao lại gắn với an toàn giao thông? Chắc không khó để số đông nhận ra vấn nạn an toàn giao thông là vấn đề chung của cả Châu Á. Và để tuyên truyền nâng cao ý thức cộng đồng về an toàn giao thông thì không gì tốt hơn việc Dương Tử Quỳnh – một nghệ sĩ lớn của Châu Á – tuyên bố về điều này bằng cách đội chiếc mũ bảo hiểm cho chính mình. Những người hâm mộ Dương Tử Quỳnh sẽ theo dõi hành vi của cô mà “bắt chước” hành động đội mũ bảo hiểm của cô. Ý thức cá nhân về an toàn trong cộng đồng sẽ được lan tỏa từ hành vi nhỏ bé này.

Tại cuộc thi sắc đẹp Miss Universe 2018, cô gái H’Hen Niê – một cô gái bé nhỏ đến từ Đắc Lắc, Việt Nam – đã tuyên ngôn: “Tôi làm được, bạn cũng làm được”. Câu nói này đã trở thành nguồn cảm hứng cho hàng triệu người trên thế giới bởi lẽ câu chuyện của H’Hen Niê là câu chuyện một cô gái đến từ rừng núi Tây Nguyên, vượt qua những định kiến của cộng đồng để tỏa sáng. Bà mẹ của H’Hen Niê kể lại: “Lúc đó Hen mới 14 tuổi. Ở độ tuổi này, các cô gái quê tôi đã bắt đầu lấy chồng, sinh con. Ngày đó, nếu H’Hen nghe lời tôi thì đã không thể tỏa sáng như ngày hôm nay. Tôi rất mừng và thấy may mắn vì sự cứng đầu của con gái. Từ giờ trở đi, tôi không bao giờ giục con kết hôn nữa”. Tuyên ngôn “Tôi làm được, bạn cũng làm được” trở thành cảm hứng bởi xuất phát từ sự can đảm và nỗ lực cá nhân. Liệu có ai không muốn mình được tỏa sáng như vậy?

Và hàng ngày, hàng giờ, vô vàn những nghệ sĩ luôn sử dụng tên tuổi của mình để lan tỏa những điều tốt đẹp trong cộng đồng.

Cộng đồng có xu hướng nhìn nhận đạo đức cá nhân nghệ sĩ dựa trên đánh giá đóng góp nghệ thuật của chính nghệ sĩ ấy. Thế nên càng nổi tiếng càng cần chỉn chu trong lời ăn tiếng nói. Nghệ sĩ lớn chắc chắn có nhiều fan hâm mộ, nhưng có nhiều fan hâm mộ thì có phải là một nghệ sĩ lớn?

Nghệ sĩ càng nổi tiếng càng dễ bị “soi” về hành vi, lời nói và lấy chúng so sánh với mực thước của một xã hội đạo đức, văn minh. Chúng ta từng chứng kiến việc thiên hạ đàm tiếu, giễu cợt về chuyện dáng ngủ xấu của người đẹp này hay chuyện phì phèo thuốc lá của hoa hậu khác là ví dụ điển hình (mặc dù những hành vi ấy không nói lên toàn bộ tính cách hay nhân phẩm của chính họ).

Đàm Vĩnh Hưng là ca sĩ có nhiều người hâm mộ. Giá cách ứng xử của Đàm Vĩnh Hưng trong câu chuyện với facebook Lê Hoài Anh “LỚN” hơn những giận dữ đời thường thì hình ảnh của anh sẽ đẹp hơn rất nhiều trong mắt công chúng – những người hâm mộ anh.

Tử Hưng

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nghe-si-chi-lon-khi-lam-dep-cho-doi-post60917.html