Nghệ sĩ cải lương Quang Khải: Khán giả sốc khi tôi vào vai 'phản diện'

Lần đầu tiên vào vai phản diện trên sân khấu, nghệ sĩ cải lương Quang Khải cho biết, nhiều khán giả sốc và nhắn tin chỉ cho anh đóng vai ác một lần này thôi.

Vở cải lương “Người đi tìm minh chủ” do Nhà hát Cải lương Việt Nam vừa dàn dựng và sẽ ra mắt khán giả vào tối 2/8 tại Nhà hát Kim Mã, Hà Nội. Vở diễn kể về cuộc đời của chí sĩ Ngô Thì Nhậm- một cuộc đời đầy biến cố, thăng trầm. Có tài, có đức nhưng cả cuộc đời Ngô Thì Nhậm là hành trình đi tìm minh chủ để cống hiến cho nước, cho dân.

Ngô Thì Nhậm vốn người làng Tả Thanh Oai, nay là huyện Thanh Trì, Hà Nội. Sống dưới thời Trịnh – Lê, ông được Chúa Trịnh Sâm tin dùng.

NS Quang Khải (khom lưng) lần đầu tiên trong vai phản diện Đặng Trần Thường

Sau khi nhà Trịnh – Lê suy tàn, Nguyễn Huệ đem quân tiến ra Bắc. Lúc đầu vì cho rằng Nguyễn Huệ là giặc, nên ông đã lui về ở ẩn. Nhưng chính trong 5 năm mai danh ẩn tích, ông đã nhận ra khí chất anh hùng của Nguyễn Huệ và sự bạc nhược, ươn hèn của Lê Chiêu Thống. Ngô Thì Nhậm đã tìm về dưới cờ nghĩa Tây Sơn. Sau này, vua phong cho Ngô Thì Nhậm nhiều chức quan trọng yếu, như Thị lang Bộ Lại; Tổng tài Quốc sử quán; Thượng thư Bộ Binh… Ở tất cả các cương vị, ông đều có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp lẫy lừng của Hoàng đế Quang Trung, trong đó có việc đánh tan ba mươi vạn quân Thanh xâm lược.

Ngô Thị Nhậm thường thể hiện rõ quan điểm của kẻ sĩ: “Người chính nhân phải biết coi vua chúa không bằng quốc gia, dân tộc. Kẻ quân tử chỉ biết thờ quốc gia, dân tộc, chứ không thờ chúa thờ vua”. Cũng bởi quan điểm ấy mà cả cuộc đời mình, Ngô Thì Nhậm đã mải miết đi tìm “minh chủ” để cống hiến cuộc đời mình vì quốc thái, dân an. Nhưng rồi những nghiệt ngã của cuộc đời đã khiến ông phải lận đận, thăng trầm và nếm trải nhiều oan khuất.

Vở Cải lương “Người đi tìm minh chủ”, tác giả: PGS-TS Trần Trí Trắc; đạo diễn: NSƯT Triệu Trung Kiên; âm nhạc: NSND Thanh Hải; thiết kế mỹ thuật: NSƯT Doãn Bằng; biên đạo múa: Quốc Tuấn; chỉ đạo Nghệ thuật: Quyền Giám đốc Nguyễn Xuân Vinh… được xây dựng để phản ánh cuộc đời và sự nghiệp của danh sĩ Ngô Thì Nhậm dưới ánh sáng của khoa học lịch sử hiện đại.

Vở diễn thể hiện sự tìm tòi, đổi mới của ê kíp nghệ sĩ đoàn 1, Nhà hát Cải lương Việt Nam khi giao vai diễn hết sức “nặng ký” Ngô Thì Nhậm cho nghệ sĩ Trần Đáng. Đây là vai chính đầu tiên của nghệ sĩ trẻ này. Tuy nhiên, cách thể hiện của Trần Đáng tại buổi tổng duyệt tối 1/8 đã khiến khán giả mộ điệu cải lương hài lòng.

Đặc biệt, vai diễn phản diện Đặng Trần Thường trong vở diễn được giao cho nghệ sĩ Quang Khải. Đây là vở phản diện đầu tiên của nghệ sĩ trên sân khấu cải lương.

Nghệ sĩ Quang Khải cho biết, vai phản diện này là vai đầu tiên (sau những vai phản diện đã đóng trong nhà trường) của Quang Khải. “Trước đêm diễn tổng duyệt, Quang Khải còn mông lung lắm, diễn ác và hài nhưng lại sợ khán giả khóc”- Nghệ sĩ Quang Khải chia sẻ.

Quang Khải thể hiện một Đặng Trần Thường có tài nhưng không có đức

Anh cho biết, sau khi xem tổng duyệt, nhiều khán giả đã nhắn tin cho rằng bị sốc khi thấy anh đóng vai phản diện. Quang Khải được biết đến với những vai chính như Phật hoàng Trần Nhân Tông (trong vở Vua Phật); Chàng Ba (trong Chuyện tình Khau Vai), Vua Trần Nhân Tông (trong vở Ni sư Hương Tràng), Thầy Ba Đợi (trong vở Thầy Ba Đợi)…

Vào vai phản diện, Quang Khải cũng có cách làm khác, thổi hồn vào nhân vật. Anh chia sẻ, nhiều người (theo lịch sử) cho rằng Đặng Trần Thường là nhân vật ngu dốt, hèn hạ, dâm… nhưng theo tôi nghiên cứu, nhân vật này người xấu, không có đức nhưng chắc chắn không phải là người ngu dốt.

“Tôi nghĩ Đặng Trần Thường không thể là người dốt nát, đó là người hiểu biết nhưng không có đức. Nếu không phải là người giỏi thì không thể là đối thủ của Ngô Thì Nhậm được. Đây là người có tài nhưng không có đức. Trái ngược với Ngô Thì Nhậm vừa có đức vừa có tài. Vì vậy, khi vào vai này, tôi tạo nên một nhân vật có sự hiểu biết nhưng thiếu đức. Khi không có đức, trong một gia đình nhiều tiền, gia sản lớn nên có sự hống hách. “Nếu như ta có cả một đại ngàn thì cha ta chỉ có 1 vạt rừng nho nhỏ”- như vậy, đây không phải là kẻ được thừa hưởng từ cha mà chính bản thân đã từ gia sản được kế thừa mà mở mang, thu lợi lên nhiều lần. Như vậy, con người Đặng Trần Thường có đầy sự sắt đá, tàn bạo, nham hiểm… bằng mọi giá để có được gia sản khổng lồ và dùng gia sản đó đi mua quan bán chức. Nhân vật này góp vào thể hiện một phần thông điệp của vở diễn: con người có tài nhưng thiếu đức mà có quyền hành thì gây hậu quả khôn lường cho đất nước”- Nghệ sĩ Quang Khải chia sẻ.

Vai diễn phản diện của Quang Khải cũng được khán giả đánh giá cao khi anh lần đầu tiên "lột xác". Tuy vậy, Quang Khải cũng cho biết bản thân nghệ sĩ cảm thấy rất khó để vào vai phản diện. Trong sự nghiệp của mình, những vai chính diện như đã ngấm vào máu, vì thế, khi diễn Đặng Trần Thường, anh cảm thấy khó "lột xác". Anh cũng hy vọng những vai diễn tới đây ở Nhà hát Cải lương Việt Nam, anh lại được quay trở về với những vai chính diện đã đóng khung trong lòng khán giả./.

Hoàng Nguyên

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/cua-so-van-hoa/nghe-si-cai-luong-quang-khai-khan-gia-soc-khi-toi-vao-vai-phan-dien-354469.html